Trong số báo trước, mục này đã trình bày hành trình đi tìm phần mộ của thánh tông đồ Phaolô, trong số báo này, CGvDT tiếp tục giới thiệu về việc nhận ra những dấu hiệu dưới mộ khẳng định đúng là ngài. Theo ĐTC Bênêđictô XVI, các cuộc thí nghiệm đã xác nhận những mảnh xương được tìm thấy bên trong ngôi mộ dưới tầng hầm của Nhà thờ thánh Phaolô là thuộc về vị thánh tông đồ nổi tiếng.
Trong lúc Năm thánh Phaolô chuẩn bị khép lại, Vatican lần lượt công bố hai phát hiện quan trọng có liên quan đến vị tông đồ đóng vai trò là một trong những cột trụ của Giáo hội Công giáo. Vào cuối tháng 6.2009, Đức Bênêđictô XVI tuyên bố đã tìm thấy các mẩu xương có niên đại từ thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai sau Công nguyên trong ngôi mộ được khai quật tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành.
Mẫu đá từ ngôi mộ |
Xác nhận thánh tích
Tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành đêm trước lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô năm 2009, Đức Thánh Cha đã long trọng tuyên bố: “Phát hiện trên dường như xác nhận truyền thống không tranh cãi và được sự đồng thuận rằng đây là thánh tích của nhục thân thánh tông đồ Phaolô”, theo tờ Telegraph. Truyền thống của đạo Công giáo luôn cho rằng thánh tông đồ Phaolô được chôn cùng với thánh tông đồ Phêrô trong hầm mộ tại Via Appia, trước khi được chuyển đến Vương Cung Thánh Đường được xây dựng nhân danh ngài. Trong nhiều thế kỷ, Tòa Thánh vẫn tin rằng thánh tích của Phaolô được chôn bên dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường. Điều này một phần do phía trên ngôi mộ có đặt một tấm bia bằng đá cẩm thạch với dòng chữ Latinh “PAULO APOSTOLO MART”, nghĩa là “Thánh tông đồ Phaolô, tử vì đạo”.
Giả thuyết trên đã được ủng hộ theo sau phát hiện vào năm 2006, thời điểm các nhà khảo cổ học Vatican tìm được ngôi mộ bằng đá bên dưới sàn nhà của Vương Cung Thánh Đường sau 4 năm kiên trì khai quật. Phải mất thêm 3 năm nữa để họ triển khai các cuộc kiểm tra đầu tiên đối với những vật nằm trong quan tài, và họ xác nhận rằng chúng thuộc về thánh tông đồ Phaolô, người xứ Tarsus (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia Giorgio Filippi, nhà khảo cổ học thuộc Bảo tàng Vatican, đã nói rằng: “Ngôi mộ mà chúng ta phát hiện được chính là ngôi mộ mà các vị giáo hoàng và Đại đế Theodosius (379- 395) đã bảo tồn và gìn giữ cho cả thế giới như là nơi chôn cất vị thánh”.
Ngôi mộ dưới đền thánh Phaolô ngoại thành |
Tại sự kiện công bố phát hiện vô cùng quan trọng của Giáo hội Công giáo, Đức Bênêđictô giải thích rằng các nhà khảo cổ học đã khoan một lỗ nhỏ trên quan tài, lộ ra “dấu vết của một loại vải linen quý, màu tím, dát bằng vàng ròng và một miếng vải màu xanh với những sợi linen mỏng”. Ngài nói thêm : “Họ cũng thấy được sự hiện diện của các hạt trầm đỏ và các dấu tích của protein và đá vôi. Cũng có những mảnh vụn xương nhỏ, mà theo các kết quả giám định bằng phương pháp đồng vị Carbon-14, thuộc về một nhân vật từng sống ở thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai”.
Chân dung cổ nhấtcủa thánh Phaolô
Tin tức đáng mừng trên đã được công bố ngay sau khi các nhà khảo cổ học Vatican phát hiện hình ảnh lâu đời nhất về sự tồn tại của thánh Phaolô, có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 4, trên các bức tường của một hầm mộ. Tờ nhật báo Osservatore Romano của Tòa Thánh đã công bố bức ảnh chụp hình vẽ khuôn mặt với những đường nét thanh thoát của một người đàn ông mang râu quai nón, mắt to, mũi lõm trên nền sơn đỏ, bao quanh là vòng màu vàng. Tất cả đều nói lên đây là hình ảnh cổ điển nhất về thánh Phaolô. Các chuyên gia của Ủy ban đặc trách về khảo cổ học thiêng liêng đã tìm thấy hình ảnh trên tại hầm mộ Santa Tecla và mô tả đây là “biểu tượng cổ xưa nhất trong lịch sử về sự sùng bái vị thánh tông đồ”.
Barbara Mazzei, giám đốc dự án khai quật tại Catacomb, cho hay: “Chúng tôi đã làm việc tại hầm mộ trong thời gian qua và nó chứa đầy những bức bích họa. Tuy nhiên, chúng đều bị che phủ bởi đá vôi nên việc tẩy sạch chướng ngại vật này cần phải sử dụng đến sự hỗ trợ của các chùm tia laser hết sức tinh vi. Kết quả thu được vượt ngoài sự mong đợi, vì bên dưới những lớp bụi đất, lần đầu tiên trong 1.600 năm qua, người Công giáo đã thấy được khuôn mặt của thánh Phaolô ở điều kiện vô cùng tốt”. Chuyên gia Ý này cũng cho hay, ngay khi phát hiện, nhóm của bà lập tức khẳng định đây là chân dung của vị thánh, vì phong cách hoàn toàn trùng hợp với lối vẽ tranh vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, với khuôn mặt mảnh và râu quai nón đen.
Đức Tổng Giám mục Gianfranco Ravasi, người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về văn hóa, nhận xét rằng đây là phát hiện vô cùng ấn tượng và là bằng chứng cho thấy sự tồn tại của Giáo hội Công giáo đời đầu cách đây gần 2.000 năm.
LING LANG
Thánh Phaolô đã được Chúa Giêsu gọi trên đường đến Damascus. Ngài được xem là một trong những sứ giả có ảnh hưởng nhất của Giáo hội trong những năm đầu tiên, từng mang Kinh Thánh đến rao giảng ở Hy Lạp và các thành phố khác của La Mã. Thậm chí, tầm truyền bá của ngài vượt đến bán đảo Tiểu Á. Thánh nhân bị xử tử bằng cách chặt đầu tại Rome vào khoảng năm 65 theo lệnh của Đại đế Nero trong giai đoạn bức hại các tín hữu Kitô giáo đời đầu. Chuyên gia Filippi cho hay, vào khoảng năm 320, đại đế Constantine đã cho xây nhà thờ nhỏ đầu tiên để tiếp nhận những người hành hương đến thăm mộ của thánh tông đồ Phaolô. Đến năm 390, đại đế Theodosius quyết định mở rộng nơi này và cho di hài của Thánh tông đồ Phaolô vào một quan tài được đặt ở giữa nhà thờ, cũng chính là chiếc quách mà họ đã tìm được. |
Bình luận