Ngày 2.9, cả thế giới đã bàng hoàng trước bức ảnh thi thể một em bé 3 tuổi trôi dạt vào một bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ.
HÀNH TRÌNH VỀ “ĐẤT HỨA”
Cậu bé nằm úp mặt lên cát, hai tay xuôi theo cơ thể, giống như một thiên thần đang say ngủ. Sóng biển vỗ nhẹ vào bờ, quanh khuôn mặt ngây thơ và cơ thể không còn sự sống. Bé mặc áo phông đỏ, quần xanh và chân vẫn mang đôi giày nhỏ. Cậu bélà một trong số 12 nạn nhân trên chiếc thuyền phao đưa người nhập cư Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Kos của Hy Lạp. Chiếc thuyền quá mong manh đã bị chìm không lâu sau khi xuất phát. Thi thể cậu bé được tìm thấy ởBodrum, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ.Bé nằm trên bờ biển, say giấc ngàn thu.Bức ảnh không chỉ sống động, mà còn cho thấy thực trạng đầy xót xa về số phận của những người tị nạn Trung Đông và Châu Phi mong mỏi đến được “miền đất hứa” châu Âu. Nơi đó họ không phải nghe tiếng súng mỗi ngày, không bị đói khát ám ảnh. Và họ chấp nhận đánh đổi mọi thứ để đạt ước vọng, kể cả mạng sống.
Một sĩ quan cảnh sát bế em Aylan Kurdi lên bờ |
Sau khi được tác giả là nhà báoSakir Khader đưa lên Twitter, bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt và thật sự lay động cả thế giới. Ngoài ra, còn có bức ảnh thứ hai, chụpmột sĩ quan cảnh sát đang bế em lên, kèmchú thích: “Cậu bé sống sót trong bạo lực của chiến tranh tại Syria nhưng thiệt mạng trên đường đến với cuộc sống mới yên bình ở châu Âu”. Chỉ trong vài giờ, các bức ảnh của nhà báo Khader đã trở thành đề tài nóng nhất trên Twitter với từ khóa #KiyiyaVuranInsanlik(tạm dịch: Tình người trôi dạt). Ngay sau đó, các họa sĩ trên khắp thế giới đã vẽ lại hình ảnh này với đầy sự thương cảm và xót xa.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho hay em bé xấu số đó là Aylan Kurdi, 3 tuổi, đến từ thị trấn Kobani, phía bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực này đang là điểm nóng giao tranh giữa tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và lực lượng phòng vệ người Kurd. Theo một cơ quan cứu trợ, Aylan cùng bố mẹ và anh traiở trên con thuyền chở hơn chục người.Mẹ và anh trai 5 tuổi củaAylan cũng chết đuối, còn cha cậu bé may mắn sống sót.
Những người Syria di cư phải leo trèo đèo lội suối để tìm cách vượt biên qua lãnh thổ Macedonia |
Cha của Aylan, ông Abdullah Kurdi, 40 tuổi, đã bật khóc khi bước ra từ nhà xác của thành phốMugla, gầnBodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi thi thể con trai trôi dạt vào bờ biển. Ông Kurdi kể lại:“Chúng tôi muốn cả thế giới trông thấy những hình ảnh đau lòng của gia đình tôi. Như vậy, họ mới ngăn chặn được điều tương tự có thể xảy ra với những người tị nạn khác. Hãy để trường hợp gia đình tôi là cuối cùng”. Thi thể 3 người thân củaông được đưa về quê là thị trấn vùng biên Kobani ở Syria để an táng.
Sau mạng xã hội, bức ảnh thi thể nhỏ bé củaAylan cũng nhanh chóng xuất hiện trên trang nhất các tờ báo khắp thế giới, khơi dậy lòng thương xót và cả sự phẫn nộ đối với các quốc gia phát triển vì chưa hỗ trợ người tị nạn một cách tích cực. Tờ Daily Mail của Anh đăng tải bức ảnh kèm lời bình luận “nạn nhân bé nhỏ của một thảm họa nhân đạo”, trong khi đó, tờ La Repubblica của Ý nhận định “một bức ảnh khiến cả thế giới câm lặng...”.
CHÂU ÂU KHOAN DUNG HƠN
Châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II. Đa số người tị nạn đang đổ xô sang châu lục này đến từ các nước gặp bất ổn hoặc bị nạn đói hoành hành ở Trung Đông và châu Phi như Afghanistan, Iraq, Libya, Senegal, Somalia, Syria... Họ vượt Địa Trung Hải để đến Nam Âu hoặc từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp rồi vượt qua khu vực Balkan bằng đủ loại phương tiện. Điểm đến cuối cùng thường là những nước có kinh tế ổn định ở Tây Âu và Bắc Âu.
Người tị nạn ngủ trên đường ray xe lửa gần biên giới của Hy Lạp và Macedonia |
Những số liệu thống kê gần đây cho thấy, số lượng nhập cư tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) liên tục phá kỷ lục. Kể từ đầu năm, hơn 350.000 người đã liều mình vượt Địa Trung Hải với hy vọng đến được châu Âu. Có ít nhất 2.600 người đã thiệt mạng trong những chuyến đi như thế, theo ước tính của Tổ chức Di dân Quốc tế. Riêngchỉ trong tháng vừa qua, số người băng qua các biên giới của EU lên tới107.500. Áp lực này khiến nhiều nước EU dùng các biện pháp mạnh để kiểm soát khu vực biên giới và ngăn chặn dòng người nhập cư. Tuy nhiên, bức ảnh bé Aylan “say ngủ trên bãi cát” như một phép mầu, đã làm phần lớn thành viên của khu vực này phải thay đổi thái độ. Đức vừa thông báo sẽ chi 6 tỷ euro để hỗ trợ người tị nạn. Pháp và Anh cũng lần lượt tuyên bố sẽ tiếp nhận hàng chục ngàn người nhập cư.
LỜI KÊU GỌI CỦA TÒA THÁNH
Trước thảm cảnh của người tị nạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm. Tòa Thánh luôn theo dõi tình hình vùng Trung Đông và lo ngại trước các cuộc xung đột tiếp tục gia tăng. Tình hình tại Syria đặc biệt nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu người, tức một nửa dân số nước này. Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 (năm 2015), Đức Phanxicô kêu gọi các tín hữu sống tinh thần bao dung của Giáo Hội để liên đới, đón nhận và giúp đỡ những người tị nạn.
Hàng chục người Afghanistan trên chiếc thuyền phao vừa mới cập bến đảo Kos - Hy Lạp, sau chuyến hành trình vượt biên Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ |
Đức Bênêđictô XVI cũng từng nhận xét trong thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong chân lý): “Làn sóng di dân ngày nay lan rộng đến độ chỉ có sự hợp tác một cách hệ thống giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế mới có thể giúp điều phối một cách hiệu quả vấn đề này. Thực vậy, các cuộc di dân đặt câu hỏi cho tất cả mọi người, không chỉ vì bề nổi của hiện tượng ấy, mà còn vì những vấn đề sâu xa về xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo.
Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân khuyến khích các giáo phận đề ra những sáng kiến liên quan đến Ngày Thế giới di dân và tị nạn, cũng như làm nhiều việc bác ái trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, đồng thời không quên khơi dậy ý thức trong các cộng đoàn về vấn đề tị nạn.
Gần đây nhất, trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 6.9, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, đan viện ở Âu Châu hãy đón nhận một gia đình tị nạn, như giáo phận Rôma và cả Vatican cũng làm. Theo Đức Phanxicô, đó sẽ là minh chứng cụ thể của Tin Mừng. Đức Phanxicô tuyên bố để mở đầu, “hai giáo xứ của Vatican sẽ đứng ra nhận các gia đình nhập cư”.
Thảo Nguyễn
Tỷ phú Ai Cập muốn mua đảo cho người tị nạn Theo CNN, ngày 4.9, tỷ phú người Ai Cập Naguib Sawiris tuyên bố đang cân nhắc chi tiền mua đảo của Ý hoặc Hy Lạp cho người tị nạn từ các nước Trung Đông và châu Phi. Ông Sawiris, với tài sản ước tính 2,9 tỷ USD, cho biết dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn muốn thực hiện ý tưởng này để giúp hàng chục nghìn người muốn đến châu Âu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thanh Thảo |
Liên đới với người tị nạn Ý thức và lương tâm của người dân châu Âu đang gặp thách thức trước tình cảnh hàng chục ngàn người tị nạn phải vượt những chặng đường đầy nguy hiểm để hy vọng đổi đời, bất chấp nguy cơ mất mạng tại Địa Trung Hải hay tại các khu vực biên giới của những quốc gia không đón nhận họ, như Hungary. Theo tờLa Croix, may mắn là tại các nước của Liên minh châu Âu (EU), kể cả những quốc gia áp dụng chính sách khá cứng rắn về vấn đề nhập cư, nhiều người dân vẫn chủ động hỗ trợ người tị nạn bằng mọi phương tiện có thể, dưới nhiều hình thức đa dạng: thông tin liên lạc; tạo các mối quan hệ; tuần hành ủng hộ người nhập cư; quyên góp thức ăn, nhu yếu phẩm; dạy ngôn ngữ, dạy nghề cho người tị nạn để họ sớm hòa nhập cuộc sống… Tại Pháp, ngày 5.9, một cuộc tuần hành đã được tổ chức ở quảng trường République của thủ đô Paris để kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng dành cho người nhập cư. Tại thị trấn Calais, miền bắc nước này, ngày “hành động vì người tị nạn” sẽ được tổ chức vào ngày 19.9. Mới đây, một cô gái tên Nathanael Molle đã cùng các bạn sáng lập website “Như ở quê nhà” để người tị nạn có thể kết nối với những cư dân địa phương muốn đón tiếp họ tại nhà trong vài ngày. Chỉ trong vòng 1 ngày sau khi được mở, lượt truy cập của website này đã nhảy vọt từ 100 lên 6.000 lượt. Hơn 500 người sẵn sàng nhường 1 phòng hay chia sẻ căn hộ còn trống chỗ cho người nhập cư. Ban chuyên trách người tị nạn của Dòng Tên tại Pháp cũng tổ chức chương trìnhWellcomenhằm tiếp đón 15 gia đình di dân vào tháng 6 vừa qua. Con số này hiện tăng gấp đôi và chương trình đã lan tỏa đến 15 thành phố. Ủy Ban Cứu trợ Công giáo với 250 đội nhóm địa phương và 4.000 tình nguyện viên đã tổ chức các lớp dạy nghề và dạy tiếng Pháp cho người nhập cư và giúp họ tìm hiểu luật lệ và các quyền lợi dành cho người tị nạn. Nhiều giáo xứ đã hợp tác với các nhà thuốc để phân phát dược phẩm miễn phí cho họ. Viết Hiệp |
Bình luận