Việc Cuba và Mỹ tiến tới bình thường hóa quan hệ sẽ mở ra nhiều triển vọng cho Giáo hội Công giáo Cuba.
Năm 2015 là một năm nhiều niềm vui của giáo dân Cuba. Ngày 2.2 vừa qua, chính quyền đã cấp phép xây dựng cho một nhà thờ ở thành phố Sandino, miền tây nước này. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1959, một nhà thờ được xây dựng tại Cuba. Cũng trong năm nay, đảo quốc này sẽ chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chủ tịch Fidel Castro chào đón ĐTC Gioan Phaolô II tại phi trường năm 1998 |
Giáo hội giàu truyền thống
Công giáo “bén rễ” tại Cuba từ rất lâu đời. Nhà thám hiểm Christopher Columbus lần đầu đặt chân đến Cuba vào năm 1492. Sau đó, những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã đến nước này rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho người dân bản địa vào thế kỷ 16. Một điểm đặc biệt là trong nền văn hóa của Cuba luôn có dấu ấn của những người con cháu của nô lệ Phi Châu được đưa sang nước này từ xa xưa. Theo thời gian, tôn giáo và những sinh hoạt tín ngưỡng đặc trưng của những người dân gốc Châu Phi đã dần được kết hợp với Công giáo để hình thành nên tôn giáo đặc trưng của họ, được gọi là “Santeria”. Santeria được hiện chiếm khoảng 3% dân số của Cuba và có mối liên kết cực kỳ gần gũi với giáo hội Công giáo Cuba.
Các tín hữu Công giáo Cuba là một cộng đồng năng động nhưng cũng bị cho là không gần gũi và gắn liền với văn hóa truyền thống của quốc gia. Dân số nước này là 11,3 triệu người, trong đó có khoảng 56% là Công giáo, nhưng chỉ có chưa tới 4% là thường xuyên đi lễ nhà thờ. Theo niên giám của Tòa Thánh năm 2013, Giáo hội tại Cuba có 357 linh mục, 650 nhà thờ, 325 trong số đó thuộc các giáo xứ. Ở nhiều vùng nông thôn có rất ít nhà thờ và lại cách xa nhau vì từ năm 1959-2014 không có nhà thờ nào được xây dựng thêm.
Để giải quyết tình trạng này, từ đầu thập niên 1970, Giáo hội Cuba lập các “căn nhà Truyền giáo”. Đó là những cộng đoàn mới, phát sinh từ các khu dân cư hoặc các khu định cư không có nhà thờ. Họ quy tụ tại một căn nhà được chủ nhân hiến tặng làm nơi cầu nguyện và cử hành Thánh lễ. Hiện có 2.300 Nhà Truyền giáo như thế, và 62% trong số này ở tại khu vực nông thôn. Công việc mục vụ được 180 linh mục giáo phận và 117 tu sĩ đảm nhận, với sự trợ giúp của 84 phó tế vĩnh viễn trên khắp 11 giáo phận. Ngoài ra hiện có 96 cộng đoàn tu sĩ (70 cộng đoàn nữ và 26 cộng đoàn nam). Vào năm 2008, thầy Joseph Otallo Valdés, tu sĩ dòng Trợ thế thánh Gioan Thiên Chúa là người đầu tiên tại Cuba đã được tôn phong Chân phước.
Các chuyến tông du lịch sử
Chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1998 đã mở ra giai đoạn mới cho tương quan giữa nhà nước và Giáo hội trên con đường hướng đến một nền văn hóa đối thoại và hòa giải. Cuba đã thả gần 3.000 tù nhân, khoảng 300 người được thả trước chuyến công du của ĐTC Gioan Phaolô II. Tháng 12.1998, chính quyền Cuba công nhận Lễ Giáng sinh là kỳ nghỉ lễ chính thức. Quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền La Habana đã có những tiến triển tích cực kể từ năm 2000. Đáng chú ý, Cuba đã tuyên bố quốc tang 3 ngày khi Ðức Gioan Phaolô II qua đời vào năm 2005.
ĐTC Bênêđictô XVI đến thăm Cuba vào năm 2012 |
Giáo hội Cuba đã luôn tích cực hoạt động để rao giảng Tin Mừng, giúp đỡ những Kitô hữu trong cả đời sống hằng ngày lẫn đời sống tôn giáo. Số lượng tu sĩ và linh mục tại nước này tăng nhanh trong những năm qua. Ở La Habana, một Đại Chủng viện đã được xây dựng. Giáo hội hiện diện nhiều hơn trong đời sống xã hội với các hoạt động như phát hành các ấn phẩm tôn giáo và mở trung tâm văn hóa, trong đó có trung tâm Felix Varela. Các tuần lễ xã hội do Giáo hội Cuba tổ chức cho toàn dân với mục đích tạo điều kiện để mọi người gặp gỡ, thảo luận những vấn đề liên quan tới mọi khía cạnh của xã hội.
ĐTC Bênêđictô XVI và Chủ tịch Raul Castrol |
Ngày 26.3.2012, ĐTC Bênêđictô XVI đã viếng thăm Cuba trong dịp kỷ niệm 400 năm tìm thấy tượng Đức Mẹ Bác Ái, Bổn Mạng của dân nước Cuba. Ngài cũng đã chủ tế thánh lễ ở La Habana quy tụ tới hơn 300.000 người. Trong chuyến viếng thăm Cuba, ngài đã hội đàm với Chủ tịch Fidel Castro về những vấn đề liên quan đến văn hóa, tôn giáo, giáo dục.
Gần đây nhất, vào ngày 17.12.2014, trong tuyên bố lịch sử tái lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba, lãnh đạo hai nước đều nhấn mạnh đến vai trò của Vatican trong việc thúc đẩy Washington và La Habana tiến lại gần nhau, chấm dứt nhiều thập niên đối nghịch. Giáo hội Cuba vẫn luôn nỗ lực đối thoại với chính phủ để tạo điều kiện tốt hơn cho giáo dân, không những trong đời sống đức tin mà còn ở cuộc sống xã hội.
Náo nức chờ đón Đức Phanxicô
Để chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Cuba từ ngày 19-22.9, Hội đồng Giám mục của đảo quốc này mời gọi các tín hữu thực hiện các nghĩa cử thương xót trong suốt các ngày thứ Sáu đầu tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Giáo dân Cuba cũng được đề nghị “dành những thời gian đặc biệt để cầu nguyện và ăn chay”, tham gia các đêm thắp nến cầu nguyện vào ngày 17-18.9.
Công tác chuẩn bị khu vực quanh quảng trường Revolución |
Quảng trường Revolución ở thủ đô La Habana của Cuba đã được chuẩn bị cho thánh lễ ĐTC Phanxicô sẽ cử hành tại đây sáng Chúa nhật 20.9. Một bàn thờ lớn và một nhà mặc áo lễ với màu cờ vàng trắng của Vatican, cùng với 3 bục cao dành cho giới báo chí và ca đoàn cũng đã được chuẩn bị xong hôm 26.8 vừa qua. Báo chí Cuba ghi nhận, từ hơn 1 tháng trước, khoảng 50 công nhân đã làm việc để chuẩn bị cho khu vực này. Hai vị Giáo hoàng tiền nhiệm cũng đã làm lễ tại Quảng trường Revolución. Quanh Quảng trường có nhiều trụ sở của các bộ và tượng đài ông José Marti, anh hùng độc lập của Cuba. Đến gần ngày Đức Phanxicô cử hành thánh lễ, chỉ cần thiết lập một số dụng cụ trang trí và các hàng rào là mọi việc sẽ sẵn sàng. Cùng với Chủ tịch Raul Castro, có khoảng 4.000 khách mời dự lễ cùng với hàng trăm ngàn tín hữu.
Sau thủ đô La Habana, ĐTC sẽ đến thăm và ban phép lành cho giáo phận Holguin ở đông bắc Cuba, trước khi bay đến cực nam Cuba, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Bác ái - bổn mạng của nước Cuba và gặp gỡ các gia đình tại nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Theo truyền thông, công việc chuẩn bị đón tiếp ĐTC tại các nơi này cũng đang được hoàn thành.
Thảo Nguyễn
Biểu tượng của hòa giải Những cải thiện trong quan hệ Cuba - Mỹ được coi là sự thành công của “phương pháp đối thoại”, theo lời của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin.Đức Hồng y Parolin nhận định trong sự kiện này, vai trò quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô là biểu tượng của “nền văn hóa của sự gặp gỡ”. ĐTC đã viết thư cho lãnh đạo Cuba và Mỹ để mời gọi hai bên vượt qua mọi rào cản vàkêu gọi tìm kiếm một giải pháp để phát triển quan hệ song phương. Ngày 10.5.2015, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có cuộc gặp gỡ với Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican để cảm ơn ngài đã làm trung gian giúp nối lại quan hệ với Mỹ.Vị chủ tịch Cuba là Raul Castro đã đặt tay lên trái tim mình và bày tỏ với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đây là chuyến viếng thăm quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi. Thật đấy!”.(TT) |
Đất nước liên tục biến đổi Đức Hồng y Jaime Ortega, Tổng Giám mục giáo phận thủ đô La Habana cho biết khi trả lời ký giả nổi tiếng Amaraury Perez của Đài truyền hình Cuba: “Trong cuộc viếng thăm tại Cuba sắp tới, Đức Thánh Cha sẽ thấy một đất nước đang ở giai đoạn mới, liên tục biến đổi”. Mới đây, ngày 11.9.2015, Cuba đã công bố trên phương tiện truyền thông là sẽ trả tự do cho 3.522 tù nhân trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là lần thứ ba, Cuba ân xá cho tù nhân trước chuyến thăm của một vị giáo hoàng.(Q.C) Nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Cuba, trong một ấn bản tiếng Tây Ban Nha đã đăng tải thư chung với tựa đề “Thông điệp của các giám mục Giáo Hội Công giáo Cuba nhân dịp chuyến tông du sắp tới của Đức Giáo hoàng Phanxicô”. Thư chung này đã được đăng trước đây, vào ngày 29.6.2015 nhân lễ kính các Thánh Phêrô và Phaolô và tờ báo đã cho đăng lại văn bản này ngày 17.7.2015. Granma thường phát hành với 8 trang, ngoại trừ số ra ngày thứ sáu có 16 trang và mỗi ngày phát hành 450.000 ấn bản. Báo này cũng có một bản điện tử.(TT) |
Bình luận