Miền Tây đang trải qua thời đoạn khó khăn do nắng hạn kéo dài. Có những tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước. Nhiều nơi đã huy động các nguồn lực và giải pháp để cấp nước cho dân, ứng phó với tình trạng khan hiếm nước. Và, cũng như mọi lúc gặp khó khăn, sự chia sẻ xuất hiện. Bao tấm lòng, bàn tay chung sức đã và đang nối dòng nước mát về những miền quê nắng cháy…
Trước nhu cầu cấp thiết về nước uống và sinh hoạt của bà con vùng hạn mặn, một số dòng tu, giáo xứ hay hội nhóm Công giáo ở miền Nam đã vào cuộc. Trong những ngày tháng 4, nhiều chuyến xe tải, xe bồn nghĩa tình đã lăn bánh trên các cung đường về miền Tây, đưa nước ngọt miễn phí đến những nơi nắng hạn. Trong vô số các can, bình nước lớn nhỏ “cập bến” ở khuôn viên giáo xứ Thánh Phaolô (giáo phận Mỹ Tho), có hàng loạt những chiếc can nhựa màu trắng, chứa đầy ắp nước, trên mỗi bình dán hàng chữ “Nước uống tinh khiết - Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn kính tặng”. Để có những can nước ngọt gởi về đây như vậy, những ngày trước đó, các nữ tu dòng Thánh Phaolô ở TPHCM đã cùng chung tay, miệt mài hứng nước vào từng bình từ nguồn máy lọc tinh khiết tại nhà dòng, rồi chờ các chuyến xe tới để chuyển đi. Nữ tu Madalena Huỳnh Thị Ngọc Nữ, một thành viên cùng góp sức vào việc này, thông tin: “Nghe chuyện có những nơi ở miền Tây không có nước vì hạn mặn, chúng tôi rất thương cảm vì hiểu rằng thiếu nước sẽ ảnh hưởng nhiều tới đời sống, nhất là về sức khỏe. Sau khi sơ Bề trên khởi xướng chương trình, chị em chúng tôi mỗi người một tay, cùng nhau làm việc để có những bình nước sẵn sàng, san sẻ cho bà con nhằm vơi bớt phần nào sự thiếu thốn…”. Dù có chút vất vả trong các khâu chuẩn bị, đóng bình, vận chuyển lên xe, song các nữ tu vẫn cảm nghiệm được niềm vui khi nhìn từng chiếc xe tải chuyển bánh, mang theo những can nước tinh khiết đến nơi cần, gởi gắm tấm lòng của chị em trong dòng.
Trong chương trình “Nước sạch miền hạ”, Tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam vừa qua cũng gởi cả trăm mét khối nước về Cần Giuộc (Long An) để tiếp tế cho các địa bàn chịu ảnh hưởng nặng của hạn mặn. Trong đó, có hai chuyến xe đến xã Tân Tập vào ngày 18.4, mỗi chuyến chở 20m3 nước; cùng ngày, các xã Phước Vĩnh Tây, Phước Vĩnh Đông và Đông Thạnh cũng tiếp nhận mỗi nơi 20m3. Cũng như các nữ tu dòng Thánh Phaolô Sài Gòn, các linh mục, tu sĩ dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam trước đó cũng thấu cảm sự khó khăn, khan hiếm nước sinh hoạt của người dân vùng hạn, nên trong những hoạt động bác ái của dòng, việc tìm cách đưa nguồn nước tới nơi thiếu đã được đề ra. Linh mục Giuse Nguyễn Bảo Huân Chương, trưởng ban bác ái của Tỉnh dòng đã chủ trì chương trình. Ngài tập hợp các anh em trong dòng, chuẩn bị những chiếc can, mỗi can chứa được tầm 20 lít để châm nước vào từ hệ thống máy lọc nước của nhà dòng. Trong khuôn viên của Tỉnh dòng tại Bình Dương, những can nước được các tu sĩ xếp ngay ngắn thành từng hàng dài, có lẽ là hình ảnh đẹp nhất của mùa nắng nóng. Cái đẹp của tình sẻ chia.
Cũng quan tâm đến bà con khu vực hạn mặn ở Cần Giuộc, linh mục Antôn Trương Chí Tâm - chánh xứ Cần Giuộc đã phối hợp với địa phương cung cấp nước sạch cho người dân trong vùng, bất kể lương hay giáo. Hiện tại, giáo xứ đã hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng hệ thống lọc nước, có bồn chứa khoảng 1000 mét khối nước. Đồng thời, cha sở cũng đang cho xây thêm hai hệ thống lọc nước khác theo quy trình tách nước mặn và những kim loại nặng để phục vụ bà con nơi đây.
Trong số những hoạt động của ban Caritas các giáo xứ mùa này, hẳn việc quan tâm tới đời sống của người dân vùng hạn cũng nằm trong chương trình không thể thiếu bên cạnh việc chăm lo khác cho người nghèo. Caritas giáo xứ Hàng Sanh (TGP TPHCM) nằm trong số đó. Ngay khi biết được tin người dân ở một vùng hạn tại Tiền Giang thiếu nước uống và sinh hoạt, chị trưởng Ban Bác ái xã hội xứ Hàng Sanh đã tức tốc huy động ngay các thành viên và các ân nhân, không bao lâu đã có một số tiền gởi ngay về cho một linh mục coi xứ nằm trong địa bàn của vùng hạn, để cha có thêm kinh phí hỗ trợ nước sạch cho cư dân trong vùng. Những ngày sau, việc huy động lại được tiếp tục, Ban Caritas giáo xứ Hàng Sanh lại gởi thêm về miền xa những “giọt nước nghĩa tình”, góp phần dịu đi phần nào những khó khăn của bà con nơi ấy.
Bên cạnh các tổ chức, cũng có những nhóm nhỏ hay cá nhân, không chỉ trong Công giáo, đã kêu gọi nhau cùng ủng hộ, người góp sức, người góp của. Nhiều chuyến xe 0 đồng đưa nước về miền hạn, mà ở đó, các tài xế phục vụ vô vị lợi. Không ít người vừa đăng thông tin trên trang cá nhân, cần tìm xe tải chở nước thiện nguyện, trong giây lát đã có lời đáp trả đầy nhiệt tình. Như chị Nguyễn Phương ở Thủ Đức, sau khi chia sẻ ý muốn tìm xe tải đi về Ba Tri - Bến Tre để “quá giang” số nước sạch đã chuẩn bị sẵn làm từ thiện, hoặc ai có xe chở với giá hỗ trợ thì liên hệ chị, liền sau đó, chị đọc được một dòng bình luận thân thiện: “Em có xe tải, cho em đi cùng mọi người chở nước với, em hỗ trợ không lấy tiền xe cộ gì hết”. Và người em trai này đã cho số điện thoại để tiện cho việc liên lạc.
Có những nhóm đã vận động, hình thành được “đoàn xe chở nước từ thiện”, công khai cho cộng đồng cùng biết và kêu gọi thêm sự hưởng ứng, như dòng trạng thái trên Facebook của anh Nguyễn Bút ở Bà Rịa - Vũng Tàu: “Hiện tại đoàn chở nước từ thiện của mình đã được 5 xe tải vận chuyển nước uống và 3 xe bồn lớn chở nước ngọt sinh hoạt và đoàn sẽ xuất phát rạng sáng 25.4, bà con nào ủng hộ tiếp thì gọi cho mình nha…”. Chỉ vài dòng ngắn gọn, song có lẽ cũng là tín hiệu vui cho những vùng quê nắng hạn, nơi người dân đang mong ngóng nước từng ngày.
Không chỉ ủng hộ bằng nguồn nước sạch hoặc hỗ trợ kinh phí, có nhóm còn giúp người dân vùng hạn các dụng cụ, phương tiện để chứa nước. Chị Trần Thanh Uyên (Q.3, TPHCM) tham gia sinh hoạt Hướng đạo nhiều năm, dịp này đã vận động các em hướng đạo sinh đóng góp để mua hàng trăm chiếc can nhựa loại 30 lít, gởi về Cần Thơ, phân phối cho các địa bàn cần. Chị Uyên ngỏ ý: “Không chỉ Cần Thơ, nếu nơi nào ở miền Tây có nhu cầu, chúng tôi có thể giúp tiếp, trong khả năng của mình”.
Những nghĩa cử đẹp hướng về miền Tây đang được thể hiện ở khắp nơi, bằng cách này cách khác. Dù thế nào, khi việc tốt được nhân lên và lan tỏa, mỗi chúng ta sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn. Có người liên tưởng những khối nước, can nước được đưa đến vùng hạn để giúp bà con vượt qua mùa nắng nóng, chính là loại nước ngọt ngào nhất, mát lành nhất, vì nó được cho đi bởi những con người tử tế và có tấm lòng yêu thương.
Liên Giang
Bình luận