Chợ Phú Nhuận xưa và ký ức của một gia đình

Khoảng nửa sau thế kỷ 19, chợ Phú Nhuận (xưa mang tên chợ Xã Tài) do ông Lê Tự Tài lập nên đã tạo đà cho Phú Nhuận phát triển. Vài ký ức còn lại trong sách báo và nhân chứng giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về một ngôi chợ đã tồn tại trên dưới 150 năm trong lịch sử vùng đất Phú Nhuận có tuổi đời hơn ba trăm năm này.

Trong trang viết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, một cư dân của Phú Nhuận, cuộc sống quá khứ ở chợ Xã Tài và khu phố quanh đó hiện lên ngồn ngộn:

“Ở sát một bên kinh thành Sài Gòn, lại nhờ mấy năm lúa gạo cao giá làm cho cuộc kinh tế đâu đâu cũng thanh phát, nên miệt Phú Nhuận mở mang mau lẹ, ngày nay dân cư đông đảo buôn bán xôn xao, xe hơi, xe điện rần rần, nhà gạch phố lầu chớm chở.

Mà cách mười mấy năm trở về trước thì Phú Nhuận bất quá là một làng trộng trộng của tỉnh Gia Định vậy thôi. Tuy trong làng có một cái chợ kêu là chợ Xã Tài, ở dựa bên đường xuống Cầu Kiệu, song cái chợ ấy leo heo mỗi buổi sớm mai bạn hàng nhóm thưa thớt một lát mà bán cá, tôm, rau, thịt sơ sịa cho bình dân ở chung quanh dùng hàng ngày, chớ không có món chi ngon, không có đồ chi quý. Dọc theo đường xuống Cầu Kiệu thì có năm ba tòa nhà ngói nền đúc, rào sắt coi sạch sẽ, mỗi chặng xa xa có một tiệm chệt bán đồ tạp hóa giống như các tiệm ở theo mấy chợ nhà quê, còn bao nhiêu thì là nhà lá, hoặc phố lầu hay phố ngói mà vách ván cũ mèm cất chen lộn với nhau coi dơ dáy mà lại không thứ tự.

Hạng dân ở trong mấy nhà lá và phố cũ đây thường thường là:

- Những người chủ xe kiếng hoặc xe song mã, sắm xe ấy để mỗi ngày đem xuống chợ Bến Thành mà đưa hành khách;

- Những thợ hồ, thợ mộc, thợ nguội, thợ sơn, cùng tiểu công, làm ăn tiền ngày hoặc tiền tuần trong các sở, hãng dưới Sài Gòn;

- Những người mua bán hàng bông mỗi bữa lên vườn mua trái cây, bầu, bí, rau cải, gánh xuống chợ Bến Thành mà bán;

- Những bồi bếp ở dọn phường hoặc đi chợ nấu ăn cho Tây.

Lại còn có một hạng người nữa - hạng này đông hơn hết - ấy là hạng người không nghề nghiệp nhất định, đàn ông có, đàn bà có, làm ngày nào ăn ngày nấy, gặp việc gì thì làm việc ấy, việc phải cũng làm mà việc quấy cũng làm.

Đám bình dân lao khổ này thường thường ban ngày rảo đi mỗi người một nơi, đi theo nghề nấy mà làm ăn, đến chiều tối mới trở về...” (Tiểu thuyết Ông Cử, tr.1)

Tuy là tiểu thuyết, nhưng cảnh vật được Hồ Biểu Chánh mô tả có thể tin cậy được về mặt tư liệu. Bổ sung về ngôi chợ này ở thập niên, 1940, là câu chuyện dưới đây của kỹ sư cầu đường Nguyễn Cương Phú. Ông sinh năm 1936, đã đến sống ở Phú Nhuận từ khi còn trong tuổi đi học.


Trong mắt một cư dân

Năm 1948, gia đình của chú bé Phú gồm bà mẹ và mấy người con về vùng Phú Nhuận thuê một căn nhà ở xóm Mả Đỏ gần chợ Xã Tài. Gia đình của Phú gốc gác ngoài Bắc, từng sống khá giả trên đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) nhờ mẹ có tiệm bán giày dép phụ nữ trong chợ Bến Thành, nhưng bị tiêu tan tài sản vì chiến cuộc năm 1945. Chú bé Nguyễn Cương Phú lúc đó 12 tuổi đã chứng kiến những ngày khó khăn của gia đình mình trong thời gian này.

Chợ Phú Nhuận cuối thập niên 40 vẫn còn xây cất sơ sài, vắng vẻ. Việc buôn bán trong chợ chủ yếu là tự cung tự cấp cho người dân trong vùng. Nhà lồng chợ không lớn lắm, nhưng vì ít khách thuê mướn nên bên trong nhà còn rộng rãi, mát mẻ. Hai bên hông chợ tuy cũng có bạn hàng, nhưng không ồn ào đông đúc như sau này. Đến chiều, nhà lồng trở nên yên ả, vắng bóng khách vãng lai. Phía sau chợ, nhà dân nghèo mọc lên san sát nhau từ đó ra tới cuối đường, gần phía bờ rạch Thị Nghè.

Những năm 1940, Rue du Marché (nay là đường Cao Thắng - Phú Nhuận) chưa nối vào đường Mac Mahon (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Cư dân dựng lên hai dãy nhà đối diện nhau hai bên, chính giữa là dải đất trống làm nên đường đi bộ trong xóm. Các căn nhà, từ vách đến mái được dựng bằng lá dừa nước, hầu hết đều không có cửa. Mỗi nhà cách nhau một khoảng đất chừng vài mét. Nhà ở đây không xây giống kiểu nhà ba gian ở vùng quê miền Bắc, mà đơn giản hơn, chiều sâu ngắn hơn chiều ngang và duy nhất chỉ có một phòng ngủ riêng. Tuy nhiên, sự ngăn cách giữa phòng ngủ và phòng ăn cũng chỉ là tượng trưng, phòng ngủ cũng không có cửa.

Khu xóm này, cũng giống như các khu nhà khác ở Nam bộ, chòm xóm sống với nhau hòa thuận, vui vẻ. Hầu như ai cũng mến khách, không nề hà khi ai đó cần giúp đỡ.

Sân trước nhà lồng của chợ ngày xưa là nơi bán hàng rau, trái cây, là nơi giữ xe hai bánh hiện nay.


Tuổi thơ êm đềm

Ngày ấy, mỗi sáng đi đến trường, mẹ để sẵn trên bàn cho các con mỗi đứa năm xu là nửa tờ giấy một cắc màu đỏ hồng. Với tờ năm xu đó, có thể mua nước đá nhận hoặc cà rem, hoặc nửa cái bánh tráng láng kẹo mạch nha hay kẹo bông đường, kẹo kéo..., chia nhau trong đám bạn học mỗi đứa cắn một miếng, trong đó có cả thằng bạn mới hôm qua đánh nhau tơi bời vì tội chọc ghẹo nhau. Có những hôm đói lòng, lang thang vào xóm sau chợ Xã Tài, được các cô, các chú, các anh chị hỏi: “Mày ăn cơm chưa, xuống bếp lấy chén lên ăn luôn đi!”, hay “Con ăn cơm chưa? Xuống bếp coi còn gì thì ăn!”. Đó là lúc nhà Phú mới về, thất cơ lỡ vận nhưng không bị ai khinh ghét hay coi thường, lại còn mở rộng tấm lòng đón nhận với thái độ hết sức chân thật!

Ban đầu, gia đình Phú thuê căn nhà trong đường rue Du Marche (nay là Cao Thắng - Phú Nhuận) dọc theo chợ Xã Tài. Nhà mái ngói, vách ván. Ở đó, nhiều nhà không cần làm cửa, bên trong chỉ có một cái chõng cho vợ chồng, và một cái võng. Khách đến chơi, muốn ngủ thì cứ tự nhiên trải chiếu trên nền đất mà ngủ, có lạnh thì kéo chiếu lên đắp. Cần tắm rửa thì dùng nước rạch Thị Nghè, nước phông-tên chỉ để ăn uống. Nhà của đa số người dân Phú Nhuận thời đó còn nghèo, nhưng đám con nít như Phú có thể đến lục cơm nguội của bất cứ nhà nào khi muốn dằn cơn đói. Cũng có hôm muốn ngủ lại thì lên nằm trên võng là khò tới sáng. Có một gia đình mà gia chủ là một anh phú-lít (cảnh sát), hay còn gọi là Mã Tà, có vợ ở nhà giữ con. Những hôm Phú ngủ lại nhà cô chú, chú kêu ra ngồi chơi và kể chuyện làm cảnh sát cho nghe, rất hiền hòa và gần gũi.

Sống gần chợ Xã Tài thời ấy, đám con nít có nhiều trò vui. Ngày Tết thế nào cũng có người bày sòng “bầu cua cá cọp” lắc xí ngầu, thu hút nhiều trẻ con và người lớn quây quần xung quanh. Trò này được phép chơi suốt ba ngày Tết, sau đó nếu tiếp tục thì sẽ bị cảnh sát bắt và tịch thu hết tiền cái cũng như bộ lúc lắc và tranh hình.


Cày cục làm ăn thuở ban đầu

Mới về đây, mẹ của Phú chưa biết phải làm gì để nuôi đàn con nheo nhóc. Một hôm, khi xách giỏ đi chợ, bà được mấy bà bán hàng cho biết có một bà bán cơm gánh muốn sang lại chỗ ngồi ngay giữa trước cửa chợ Phú Nhuận với số tiền vừa phải, sang chỗ ngồi cùng nồi niêu xoong chảo. Mẹ tìm đến bà đó ngay, quay lại con đường kinh doanh với gánh cơm đơn sơ này.

Ban đầu, mẹ và cô em gái của Phú phải thức khuya dậy sớm từ ba, bốn giờ sáng để nấu cơm và làm đồ ăn, để năm, sáu giờ sáng gánh ra ngồi giữa chợ Phú Nhuận bán. Mẹ nấu cơm, làm thức ăn, em gái thì giặt giũ áo quần cho các em xong rồi phụ mẹ sắp xếp đồ đạc rồi đưa quang gánh lên vai. Một bên gánh là nồi cơm lớn được ủ cho nóng, đầu gánh bên kia là mớ tô, dĩa thức ăn xếp lên nhau gồm cá kho, thịt kho, rau xào, hột vịt mặn chưng với thịt bằm, cùng chén đũa, muỗng tô. Hai mẹ con dọn hàng khá sớm. Ngay từ sáng tinh mơ, lơ thơ cũng có vài anh chị em lao động hay các chú xích lô, xe kéo đến ăn sáng và được phục vụ chén trà nóng miễn phí. Thời gian đó, thương nhất là Minh, cô em gái. Mấy anh trai được đi học, Minh là em gái nên thiệt thòi nhất nhà, ngày ngày thức khuya dậy sớm cùng mẹ gánh cơm ra chợ ngồi bán. Khổ nỗi, mẹ không làm được việc nặng, nhà từng có tới tám người giúp việc nên không đặt nổi chiếc đòn gánh trĩu nặng lên vai. Minh tuy mới gần 12 tuổi đã giành làm việc đó. Em nghĩ mình là con gái lớn trong nhà, nên không nề hà, xem việc gồng gánh như vậy là bình thường. Nhớ có những lúc các em nhỏ bị đau ốm, mẹ cho tiền đi xe ngựa từ Phú Nhuận về đường Verdun (nay là Cách Mạng Tháng Tám) để viên bác sĩ quen từ hồi còn khá giả khám bệnh, cho thuốc. Minh thấy anh ăn bận rách rưới quá, bèn bàn thôi để em đi bộ dẫn hai đứa em trai, để dành tiền xe cho anh may áo. Hôm nào nhà có món gì ngon, Minh đều nhường cho anh Phú. Minh còn lo tắm rửa, trông nom hai đứa em trai và cô em út. Chưa bao giờ Minh chịu mặc bộ quần áo mới đẹp, không bao giờ giữ tiền trong túi dù là chỉ vài cắc!

Bán cơm lam lũ sau vài năm, nhờ biết ky cóp, gánh hàng cơm của mẹ Phú ngày càng đông khách. Mẹ thuê thêm người giúp rửa chén bát, gánh hàng ra chợ. Sau, tích lũy đủ vốn liếng, mẹ sang được một ki-ốt giữa chợ lợp mái tôn, gánh cơm được chuyển thành quán cơm khá sầm uất ở chợ Xã Tài. Đó là một ki-ốt trong chợ nên diện tích nhỏ, vuông vức mỗi cạnh chỉ hơn 3 mét, ba trong bốn mặt làm mặt bàn rộng cỡ ba tấc chạy dài, bên ngoài là hàng ghế cho khách ngồi, ngồi bệt hoặc ngồi xổm trên ghế. Cạnh thứ tư đối diện với nhà lồng là khu vực bếp phía trong để nấu nướng, phía ngoài là nơi rửa chén dĩa. Lúc đó, ngoài thực khách chính là dân lao động, còn có các thầy ký đến ăn cơm ngày hai bữa. Quán cơm hoàn toàn theo phong cách Sài Gòn thời đó, có người ăn xong trả tiền ngay, có người ghi sổ và cũng có người chỉ đủ tiền mua dĩa cơm và chan nước mắm miễn phí. Khách đi ngang, nhìn vô một góc mặt tiền là cái bàn rộng với nhiều món ăn, từ thịt heo cốt-lết sốt cà chua, lươn lột da ướp cà-ri xào với bún tàu, nấm mèo, canh chua cá lóc, cá trê kho, sườn xào chua ngọt cùng các món rau luộc, nấu xào, luôn được thay đổi và sắp xếp gọn gàng, cùng với khung lưới che đậy ruồi và bụi bẩn. Món ăn hấp dẫn nhưng bán với giá bình dân nên đến bữa trưa hay chiều luôn có thực khách xếp hàng chờ đợi.

Mẹ của Phú tìm cách bán cơm với giá rẻ cho khách. Bà nhận thấy khi các đầu mối chở heo, gà vịt từ miền Tây lên cung cấp cho các vựa hàng, thương lái thường bán rẻ những con heo bị “kẹt” giỏ, cá đồng, tôm tép, vịt ngan, ngỗng lừ đừ do trời nóng, đi đường xa bị khách chê nhưng khi chế biến món ăn vẫn tươi ngon. Bà mua số hàng này với điều kiện là chúng không bị dịch bệnh, hay đã chết. Cứ đến chiều tối hoặc đêm khuya, khi được chủ vựa báo tin có “hàng” là mẹ cùng con gái đến mua để kịp chế biến khi còn tươi thành những món ngon với giá rẻ hơn nhà hàng nhiều.


Phát triển và kết thúc

Từ một quán cơm nho nhỏ, phát triển dần lên, ki-ốt cũng được nới thêm hai chiều để đón thực khách, tuyển thêm từ một tăng lên hai, ba người giúp việc. Nhờ sự quán xuyến của mẹ và cô em gái, cả nhà đủ sống. Anh Hai của Phú được mẹ cho đi học “Pháp văn thực hành”, rồi đến trường học nghề lắp ráp Radio. Nhờ biết tiếng Pháp, biết chút nghề, anh cũng kiếm được việc làm giúp đỡ gia đình. Khi vào làm việc cho một Công ty của Pháp - hãng L.U.C.I.A - mỗi tháng được một ngàn đồng, anh đưa hết về cho mẹ, chỉ xin lại một ít khi cần xài vặt.

Việc bán cơm thu nhập tốt nên năm 1952, mẹ Phú sang bên kia đường, thuê rồi mua đứt luôn căn nhà phố đối diện với chợ Xã Tài ở số 118 Louis Berland (Phan Đình Phùng) để mở tiệm giặt ủi, cách vài căn là một tiệm thuốc Bắc. Cô em Minh đã lớn hơn, vẫn tiếp tục bận rộn lo giúp mẹ việc giặt ủi. Sau đó, mẹ Phú tiếp tục mua thêm vài căn nhà bốn năm tầng lầu trên đường 20 (Général Lizé, nay Điện Biên Phủ) chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất cao cấp cho các nhà thầu xây dựng building. Mẹ còn mua thêm một căn biệt thự ở số 127 đường Trương Tấn Bửu, ngay ngã tư Công Lý - Trương Tấn Bửu (nay là Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu).

Sau năm 1975, cả nhà Phú định cư ở nước ngoài. Kết thúc một hành trình kinh doanh đi lên từ số 0, được tạo dựng khéo léo qua bàn tay cần mẫn của người mẹ, xung quanh ngôi chợ xưa lắc: PHÚ NHUẬN.

PHẠM CÔNG LUẬN

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Hãy nghĩ đến một cục băng...
Hãy nghĩ đến một cục băng...
“Hãy nghĩ đến một cục băng và giữ cho cái đầu mình tỉnh lạnh”. Đây là một trong những nghệ thuật “làm người Sparta mẫu mực” trong cuốn sách lịch sử hài hước “Người Hy Lạp huyền thoại” của Terry Deary.
Cái nhìn “ngoái lại”…
Cái nhìn “ngoái lại”…
Gia đình truyền thống với những liên hệ mật thiết, gắn kết trong mái ấm tình thân là chỗ dựa của con người trên đường đời. Qua những hình ảnh sinh động trong đời thường, càng thấy rõ vai trò tình thân như thế nào trong sâu thẳm những con...
Bóng mát cuộc đời
Bóng mát cuộc đời
Ai trong đời cũng cần những bóng mát cuộc đời. Ðó có thể là một bờ vai, một vòng tay yêu thương, một điểm tựa, niềm an ủi tinh thần từ những người thân, hoặc đôi khi từ một người mới quen biết có mối tri âm…
Hãy nghĩ đến một cục băng...
Hãy nghĩ đến một cục băng...
“Hãy nghĩ đến một cục băng và giữ cho cái đầu mình tỉnh lạnh”. Đây là một trong những nghệ thuật “làm người Sparta mẫu mực” trong cuốn sách lịch sử hài hước “Người Hy Lạp huyền thoại” của Terry Deary.
Cái nhìn “ngoái lại”…
Cái nhìn “ngoái lại”…
Gia đình truyền thống với những liên hệ mật thiết, gắn kết trong mái ấm tình thân là chỗ dựa của con người trên đường đời. Qua những hình ảnh sinh động trong đời thường, càng thấy rõ vai trò tình thân như thế nào trong sâu thẳm những con...
Bóng mát cuộc đời
Bóng mát cuộc đời
Ai trong đời cũng cần những bóng mát cuộc đời. Ðó có thể là một bờ vai, một vòng tay yêu thương, một điểm tựa, niềm an ủi tinh thần từ những người thân, hoặc đôi khi từ một người mới quen biết có mối tri âm…
Thịt heo nấu chuối đậu
Thịt heo nấu chuối đậu
Một món dễ chế biến, được nhiều gia đình ở thôn quê ưa thích. Chị em nội trợ có thể làm để đổi món cho bữa cơm nhà thêm phần ngon miệng…
Sợi dây gắn kết đại gia đình trong vận động xã hội
Sợi dây gắn kết đại gia đình trong vận động xã hội
Xã hội không ngừng phát triển, sợi dây gắn kết quan hệ các đại gia đình, dòng họ Việt cũng có những biến dịch theo thời gian…
Khi thành phố ở sa mạc bị ngập
Khi thành phố ở sa mạc bị ngập
Tuần qua, những hình ảnh về một đô thị xa hoa của vùng sa mạc trên bán đảo Ả Rập bị ngập lụt nghiêm trọng đã khiến cả thế giới sửng sốt, dẫn đến những đồn đoán về nguyên nhân đằng sau vụ việc.
Vẫn hiện hữu nỗi lo
Vẫn hiện hữu nỗi lo
Gần đây các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương đã gióng lên nỗi lo về an toàn thực phẩm. Tính đến quý I/2024, cả nước đã ghi nhận 16 vụ, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có ba người...
Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 của Giáo hội hoàn vũ, trong Năm Cầu nguyện 2024 này, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ thiết lập Trường Cầu Nguyện.
Chinh phục thế giới ở tuổi 94
Chinh phục thế giới ở tuổi 94
Từ một người chưa từng làm hộ chiếu cho đến năm 91 tuổi, cụ bà Joy Ryan đã trở thành người cao tuổi nhất đến thăm toàn bộ 63 công viên quốc gia của Mỹ, và giờ đây đang cùng cháu trai lên đường chinh phục thế giới.