Chuyện cái miếu

Như đã kể ở đầu tập sách mỏng Có Những Mùa Sao (Hà Nội: Nxb Hồng Ðức, 2019, tr. 7-8), tôi biết báo Công giáo và Dân tộc (CGvDT) vào tháng 10-2000 và bắt đầu cộng tác bài vở thường xuyên từ tháng 4-2002. Thỉnh thoảng, tòa soạn mời họp mặt cộng tác viên, tôi đến dự và luôn được tòa soạn chu đáo chuẩn bị một phần cơm chay tươm tất để cùng ngồi chung bàn với mọi người. Những dịp như thế, có ít lần tôi gặp linh mục Thiện Cẩm và ông Vương Ðình Chữ, nhưng chẳng trò chuyện chi nhiều ngoài đôi câu chào hỏi xã giao.

Bấy giờ ông Augustinô Chữ (1946-2020), người Hà Tĩnh, đã nghỉ làm Phó Tổng Biên Tập báo CGvDT. Còn Thiện Cẩm là bút danh của linh mục Trần Minh Cẩm (1933-2014), người Nam Ðịnh, tên thánh là Tôma Thiện, dòng Ða Minh. Khi tôi gặp cụ Thiện Cẩm vào thời gian gần cuối đời cụ thì thấy cụ phải đeo đai cổ (do thoái hóa cột sống cổ).

Cách nay nhiều năm, Trung tâm Nghiên Cứu Tôn giáo trực thuộc trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức một cuộc tọa đàm về tôn giáo (ở tầng trệt số 10-12 Ðinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1). Tôi không nhớ đề tài cuộc tọa đàm. Sáng hôm đó, khách mời thuộc tôn giáo Cao Ðài chỉ có tôi; bên Công giáo chỉ có cụ Thiện Cẩm và ông Chữ. Tôi ngồi đối diện, nhưng hơi chếch qua bên phải cụ.

Khi liên hệ tới chính sách tôn giáo của Nhà nước thì cụ Thiện Cẩm có ý kiến. Vẫn ngồi tại chỗ, giọng thong thả, cụ nhẹ nhàng nói rằng Nhà nước lúc thái quá, lúc bất cập. Thái quá là khi nghiêm ngặt cấm đoán nhiều mặt sinh hoạt tôn giáo; bất cập là lúc công nhận tư cách pháp nhân của một số cơ sở thờ tự. Ý cụ là có một vài nơi chẳng phải là tôn giáo cũng được có tư cách pháp nhân, và cụ minh chứng bằng cách nêu luôn danh xưng Tam Tông Miếu. Cụ nói rằng thậm chí đó chỉ là cái miếu, cái miễu mà sao cũng có tư cách pháp nhân.

Trong phòng im lặng. Hai ông giáo sư đồng chủ tọa lặng thinh. Tôi đã nghe trọn ý kiến của cụ và cảm thấy ái ngại. Rõ ràng là có sự hiểu lầm ở đây.

Cụ Thiện Cẩm là tiến sĩ triết tại trường Ðại học Sorbonne danh giá bên Pháp (1967), là giáo sư thâm niên tại các trường Ðại học Ðà Lạt, Văn Khoa (Sài Gòn), Minh Ðức, Thành Nhân (Sài Gòn), An Giang (từ 1967 tới tháng 4-1975). Các bài cụ đăng báo CGvDT tôi có đọc và kính trọng. Tôi nghĩ, nếu mình lên tiếng đính chính thì cảm thấy có phần bất tiện; mà làm thinh trước sự ngộ nhận của cụ thì lại chẳng đành. Ðắn đo một lúc, vẫn thấy chẳng ai có ý kiến gì, tôi bèn giơ tay xin phát biểu.

Vốn quen biết tôi từ giữa những năm 1990, ông giáo sư đồng chủ tọa (từ Hà Nội bay vào) tươi cười đứng dậy, giới thiệu vắn tắt về tôi với cả phòng, rồi lịch sự chìa tay mời tôi lên tiếng.

Thận trọng, trước tiên tôi tóm tắt ý kiến của linh mục Thiện Cẩm, rồi hỏi lại có phải ý cụ đúng là như thế không. Khi nói, tôi nhìn cụ, luôn lễ độ xưng “con” và lúc nào cũng “kính thưa cha” rất đúng phép. Cụ nghiêm nghị gật đầu xác nhận tôi hiểu đúng ý cụ.

Thế là tôi thủng thẳng nói rằng chữ miếu trong Tam Tông Miếu không phải là cái miếu, cái miễu be bé như miễu cô hồn quen gặp bên vệ đường, hoặc cái miễu ngũ hành, miễu thờ bà, v.v… thường thấy trong dân gian. Miếu là đền thờ (temple, shrine) và có khi rất nguy nga. Chẳng hạn, các ông vua thời xưa thờ tổ tiên của họ thì cất hẳn tòa Thái Miếu 太廟 rất tráng lệ, xuân thu cúng tế có bổ nhiệm thượng quan bộ Lễ phụ trách nghiêm cẩn từ đầu đến cuối. Giới Trung Quốc Học (Sinology) bên Anh, Mỹ có khi dịch Thái Miếu là Imperial Ancestral Shrine (đền thờ tổ tiên hoàng đế).

Tôi lại giải thích rằng Tam Tông tức là ba tôn giáo (Nho, Thích, Lão). Tam Tông Miếu 三宗廟 nghĩa là đền thờ Tam Giáo, cũng là tòa thánh sở trung ương của Minh Lý Ðạo 明理道. Tôn giáo này ra đời tại Sài Gòn năm 1924, sớm hơn đạo Cao Ðài hai năm (1926). Ðạo phục Minh Lý màu đen, còn đạo phục Cao Ðài màu trắng. Cho nên, bà giáo sư danh tiếng người Mỹ trong ngành nhân học (anthropology) là Janet Alison Hoskins khi viết sách đã gọi môn sanh (tức tín đồ) Minh Lý là “Caodaists in black” (những người đạo Cao Ðài mặc y phục màu đen). Ban sơ (1926), kinh lễ của Cao Ðài do Minh Lý Ðạo truyền sang và vẫn còn dùng cho tới hôm nay. Cả hai tôn giáo này đều dùng cơ bút làm phương tiện thông công với Thần Thánh Tiên Phật để tiếp nhận kinh điển và thánh giáo dạy đạo. Tam Tông Miếu được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 20, nay tọa lạc ở số 82 Cao Thắng, phường 4, quận 3. Môn sanh Minh Lý Ðạo quen gọi đây là “chùa”; trong chùa có mở phòng khám, chữa bệnh từ thiện (đông y và tây y), có cả quý nữ tu Công giáo hằng tuần đến hợp tác với các y bác sĩ thiện nguyện trong đạo và ngoài đời. Trước tháng 4-1975, hai loại lịch sách và lịch “bloc” Tam Tông Miếu rất được ưa chuộng ở cả miền Nam và miền Trung, vì giúp mọi người dễ dàng tự coi ngày lành, chọn giờ tốt, tránh ngày xấu, giờ hung trong các việc khai trương, cưới hỏi, tang ma, xây cất, xuất hành, v.v… Do đó, việc soạn và in lịch Tam Tông Miếu hằng năm đã thật sự góp thêm phần vào nguồn thu cho nhà chùa. Hồi đó không gọi là làm “kinh tế tự túc”.

Trước khi dứt lời, tôi ngỏ ý mời linh mục Thiện Cẩm có dịp nào đi ngang qua đường Cao Thắng thì thử ghé vào thăm Tam Tông Miếu. Chùa trông cổ kính, đẹp, và bổn đạo luôn luôn hoan hỷ đón khách thập phương.

Nghe xong, cụ Thiện Cẩm lặng thinh. Trong phòng cũng lặng thinh. Ông giáo sư đồng chủ tọa nhã nhặn cảm ơn tôi rồi hướng cuộc tọa đàm sang vấn đề khác.

Giờ giải lao, tôi liền bước tới bên cụ Thiện Cẩm, lễ phép hỏi thăm sức khỏe. Cụ vui vẻ trò chuyện, trao đổi mấy câu vô thưởng vô phạt.

Khi tôi rời khỏi chỗ cụ, đi lấy nước uống, thì ông Vương Ðình Chữ từ đâu bỗng xuất hiện ngay bên cạnh. Ông tươi cười với tôi: “Cụ Thiện Cẩm này thật là… Biết thì nói, không biết thì đừng có mà ý kiến với ý cò.”

Buổi trưa, vì ăn chay, tôi không tiện ở lại dùng buffet với mọi người. Nhác thấy cụ Thiện Cẩm cũng đang chuẩn bị ra về, tôi liền tới bên cạnh hỏi thăm cụ về cách nào, về đâu, nếu tiện thì để tôi chở Honda. Cụ vui vẻ nhờ tôi đưa về tu viện Mai Khôi trên đường Tú Xương.

Hôm nay, lúc tôi chép lại mẩu chuyện nhỏ này, thì cả hai vị Thiện Cẩm và Vương Ðình Chữ đều đã trở về bên Chúa.

HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 04-4-2020

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Hãy nghĩ đến một cục băng...
Hãy nghĩ đến một cục băng...
“Hãy nghĩ đến một cục băng và giữ cho cái đầu mình tỉnh lạnh”. Đây là một trong những nghệ thuật “làm người Sparta mẫu mực” trong cuốn sách lịch sử hài hước “Người Hy Lạp huyền thoại” của Terry Deary.
Cái nhìn “ngoái lại”…
Cái nhìn “ngoái lại”…
Gia đình truyền thống với những liên hệ mật thiết, gắn kết trong mái ấm tình thân là chỗ dựa của con người trên đường đời. Qua những hình ảnh sinh động trong đời thường, càng thấy rõ vai trò tình thân như thế nào trong sâu thẳm những con...
Bóng mát cuộc đời
Bóng mát cuộc đời
Ai trong đời cũng cần những bóng mát cuộc đời. Ðó có thể là một bờ vai, một vòng tay yêu thương, một điểm tựa, niềm an ủi tinh thần từ những người thân, hoặc đôi khi từ một người mới quen biết có mối tri âm…
Hãy nghĩ đến một cục băng...
Hãy nghĩ đến một cục băng...
“Hãy nghĩ đến một cục băng và giữ cho cái đầu mình tỉnh lạnh”. Đây là một trong những nghệ thuật “làm người Sparta mẫu mực” trong cuốn sách lịch sử hài hước “Người Hy Lạp huyền thoại” của Terry Deary.
Cái nhìn “ngoái lại”…
Cái nhìn “ngoái lại”…
Gia đình truyền thống với những liên hệ mật thiết, gắn kết trong mái ấm tình thân là chỗ dựa của con người trên đường đời. Qua những hình ảnh sinh động trong đời thường, càng thấy rõ vai trò tình thân như thế nào trong sâu thẳm những con...
Bóng mát cuộc đời
Bóng mát cuộc đời
Ai trong đời cũng cần những bóng mát cuộc đời. Ðó có thể là một bờ vai, một vòng tay yêu thương, một điểm tựa, niềm an ủi tinh thần từ những người thân, hoặc đôi khi từ một người mới quen biết có mối tri âm…
Thịt heo nấu chuối đậu
Thịt heo nấu chuối đậu
Một món dễ chế biến, được nhiều gia đình ở thôn quê ưa thích. Chị em nội trợ có thể làm để đổi món cho bữa cơm nhà thêm phần ngon miệng…
Sợi dây gắn kết đại gia đình trong vận động xã hội
Sợi dây gắn kết đại gia đình trong vận động xã hội
Xã hội không ngừng phát triển, sợi dây gắn kết quan hệ các đại gia đình, dòng họ Việt cũng có những biến dịch theo thời gian…
Khi thành phố ở sa mạc bị ngập
Khi thành phố ở sa mạc bị ngập
Tuần qua, những hình ảnh về một đô thị xa hoa của vùng sa mạc trên bán đảo Ả Rập bị ngập lụt nghiêm trọng đã khiến cả thế giới sửng sốt, dẫn đến những đồn đoán về nguyên nhân đằng sau vụ việc.
Vẫn hiện hữu nỗi lo
Vẫn hiện hữu nỗi lo
Gần đây các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương đã gióng lên nỗi lo về an toàn thực phẩm. Tính đến quý I/2024, cả nước đã ghi nhận 16 vụ, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có ba người...
Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Lớp cầu nguyện tại các giáo xứ, tại sao không?
Chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 của Giáo hội hoàn vũ, trong Năm Cầu nguyện 2024 này, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ thiết lập Trường Cầu Nguyện.
Chinh phục thế giới ở tuổi 94
Chinh phục thế giới ở tuổi 94
Từ một người chưa từng làm hộ chiếu cho đến năm 91 tuổi, cụ bà Joy Ryan đã trở thành người cao tuổi nhất đến thăm toàn bộ 63 công viên quốc gia của Mỹ, và giờ đây đang cùng cháu trai lên đường chinh phục thế giới.