“Cộng đồng Công giáo người Việt tại Nhật được đánh giá cao về đời sống đức tin...”

Trở về từ chuyến đi Nhật Bản trong dịp Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du đến đây (23 - 26.11.2019), Ðức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn - Giám mục Phụ tá TGP TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam - đã dành cho báo Công giáo và Dân tộc cuộc trò chuyện với những cảm nhận và chia sẻ quý báu.

CGvDT: Những ngày ở Nhật Bản vừa qua, theo quan sát, Ðức cha đánh giá thế nào về việc tổ chức đón tiếp Ðức Phanxicô tại đất nước này?

- ÐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn: Tôi không có nhiều dịp để hiện diện và tận mắt chứng kiến hết các cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại các nơi như Nagasaki, Hiroshima hay gặp gỡ hoàng gia Nhật và chính quyền, cũng như với các bạn trẻ Công giáo, Ðại học Sophia… Tôi chỉ tham dự thánh lễ đại trào tại Tokyo, nơi có số người Công giáo đông nhất Nhật Bản. Thánh lễ diễn ra ở Tokyo Dome, một sân vận động có mái che với sức chứa khoảng hơn 50 ngàn người. Trước đó một ngày, ngày 24.11, Ðức Thánh Cha cũng dâng thánh lễ kính trọng thể Chúa Kitô Vua tại sân vận động Bóng chày ngoài trời ở Nagasaki, đông đảo hơn nhiều. Nhận xét chung của nhiều người cho thấy việc tổ chức đón tiếp lần này rất long trọng: Nhật hoàng Naruhito mới đăng quang một tháng trước đã tiếp kiến Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng tiếp đãi ngài một cách trân trọng... Hội đồng Giám mục Nhật đã mời đại diện các Giáo hội châu Á như Hàn Quốc, Myanmar, Philippines, Việt Nam… tham dự, tổ chức kỹ lưỡng về an ninh, đón tiếp các giám mục trong vùng rất chu đáo. Mặc dù Công giáo ở Nhật là rất thiểu số, khoảng 0,3% dân số (tức chưa tới nửa triệu người Công giáo trên dân số hơn 120 triệu), nhưng chính quyền và Nhật hoàng đã đón vị khách quý như thế, cho thấy nước Nhật rất trọng thị cuộc viếng thăm này của Ðức Giáo Hoàng.

Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ trong thánh lễ Việt Nam tại Nhật Bản - ảnh: DL Việt

CGvDT: Lần đầu đi Nhật thăm người Việt di dân Công giáo trong tư cách Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân, Ðức cha có nhận xét gì về cộng đồng Công giáo Việt Nam ở Nhật? Ðâu là những cái họ cần được chia sẻ, ưu hay khuyết trong sinh hoạt của họ?

- ÐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn: Ðây là lần đầu tôi đến nước Nhật, tất nhiên cũng là lần đầu thăm người Việt di dân Công giáo tại Nhật trong tư cách Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân. Ðức cha Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch HÐGMVN, tôi và Ðức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - Giáo phận Bà Rịa cùng với cha Giuse Ðào Nguyên Vũ - Chánh văn phòng HÐGMVN đã đến thăm, dâng lễ cho cộng đồng Việt Nam Công giáo tại Tokyo vào Chúa nhật 24.11, một ngày trước cuộc đón tiếp Ðức Thánh Cha tại Tokyo. Anh chị em Việt Nam đến dâng lễ Chúa nhật Chúa Kitô Vua tại nhà nguyện Thánh Ignacio của Ðại học Sophia khá đông hơn mọi khi, khoảng chừng hơn một ngàn người, có cả những anh chị em giáo dân trong nước đến Nhật hành hương dịp này. Các tín hữu rất khao khát được tham dự bí tích Thánh Thể và Giao hòa. Trước và sau lễ, các cha ngồi tòa giải tội nhiều. Thánh lễ hôm đó có khoảng hơn 30 cha đồng tế, là các vị đang phục vụ tại Nhật Bản và một số từ trong nước cũng như các nước đến Tokyo nhân cuộc viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng. Cộng đồng Công giáo người Việt tại Nhật được đánh giá cao về sống đức tin, thể hiện rất sống động. Trong thánh lễ đại trào ngày hôm sau tại Tokyo Dome với Ðức Giáo Hoàng, giáo dân Việt được mời tham gia phụng vụ qua việc đóng góp hát một bài thánh ca Việt Nam, bài “Tán tụng hồng ân”, dâng một lời nguyện tín hữu bằng tiếng Việt. Ðó là một sự ưu ái và cũng là bày tỏ một sự đánh giá cao của Giáo hội Nhật cho cộng đồng Công giáo Việt. Tất cả những ai là người Việt Nam hiện diện ở Tokyo Dome vừa qua đều xúc động khi nghe tiếng Việt vang lên trong thánh lễ.

Nếu người Việt tại Nhật Bản hiện nay khoảng 370.000 người, thì có lẽ, theo tôi phỏng chừng, người Công giáo Việt có chừng mươi ngàn. Giáo hội Nhật dần mở ra hơn với di dân, đặc biệt với người Việt Nam. Các thánh lễ Chúa nhật nhiều nơi được cử hành với nhiều ngôn ngữ. Tiếng Việt cũng được đưa vào phụng vụ như bài đọc tiếng Việt trong thánh lễ, các lời cầu nguyện… Theo cha Giuse Nguyễn Thanh Nhã, dòng Tên, phụ trách cộng đoàn Việt nhà thờ Thánh Ignacio, thì di dân Việt Nam đến Nhật mang lại bộ mặt mới cho xã hội Nhật, nhưng cũng là một thách đố. Câu hỏi lớn là làm sao giúp các bạn trẻ thật sự tìm được tương lai mình ở Nhật, hội nhập tốt và thành công? Một nhận xét là người Việt tại Nhật hơi khó khăn trong hội nhập văn hóa: tiếng Nhật khó; người Việt mình khá ồn ào và thoải mái, trong khi người Nhật không thích sự ồn ào.

ĐTC Phanxicô tại Nhật Bản

CGvDT: Theo Ðức cha, chúng ta học hỏi được gì từ Giáo hội Công giáo Nhật Bản và từ chính những người Công giáo Việt Nam tại Nhật?

- ÐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn: Giáo hội Công giáo Nhật Bản có 16 giáo phận, với ba tổng giáo phận, có chưa tới nửa triệu giáo dân, với khoảng 1.500 linh mục, chừng 850 giáo xứ. Cộng đồng Công giáo Nhật Bản dù là thiểu số nhưng có một sức ảnh hưởng không nhỏ dù âm thầm, đặc biệt trong đời sống văn hóa xã hội và giáo dục. Ðại học danh tiếng Sophia ở Tokyo là một ví dụ. Công giáo ở Nhật sau nhiều thế kỷ bị bách hại nặng nề, hiện nay là một thực thể được đánh giá cao ở xứ sở Mặt trời mọc. Hầu hết học sinh ở các trường Công giáo không phải là tín hữu, có cơ hội làm quen với văn hóa Kitô giáo. Ngoài ra còn có các cơ sở y tế, các nhà hưu dưỡng cho người già, trung tâm cho người vô gia cư và các dịch vụ xã hội khác. Sự hiện diện của các tổ chức Công giáo, kênh đối thoại, hoạt động bác ái, dấn thân cho hòa bình và chống vũ khí hạt nhân, là bằng chứng đấu tranh “bảo vệ mọi sự sống”.

Hiện nay, một trong những khó khăn của Giáo hội Nhật Bản là việc thông truyền đức tin cho người trẻ. Người trẻ ngày càng bị ảnh hưởng bởi lối sống cá nhân chủ nghĩa, bị các giáo phái mới lôi cuốn. Gia đình vẫn là nơi quan trọng để loan truyền Tin Mừng, nhưng các gia đình Công giáo Nhật cũng không dễ thực hiện sứ mạng này, nhất là hôn nhân khác tôn giáo tại Nhật là điều phổ biến. Các tín hữu thiếu hiểu biết về giáo lý của Giáo hội liên quan đến hôn nhân, gia đình, bảo vệ sự sống, đặc biệt về biện pháp tránh thai. Sống thử gia tăng, tỷ lệ ly hôn trong giới Công giáo cũng bằng như trong xã hội Nhật.

Càng ngày càng có đông anh chị em trẻ Việt Nam đến du học, làm việc, thực tập tại Nhật. Có các linh mục, tu sĩ nam nữ Việt Nam ở khắp nơi trên đất Nhật, các ngài quy tụ anh chị em trẻ lại với nhau cử hành phụng vụ, dạy giáo lý hôn phối, dự tòng, giúp họ hội nhập vào cuộc sống ở Nhật, nhờ đó các bạn trẻ cảm thấy bình an, đức tin tăng trưởng. Xa quê hương, họ cảm thấy yêu thương, sẵn lòng giúp đỡ nhau. Hiệp nhất và bác ái yêu thương trong cộng đồng Việt Nam ở Nhật là cảm nhận ban đầu của tôi.

CGvDT: Xin chân thành cảm ơn Ðức cha về những chia sẻ thân tình này!

LIÊN GIANG (thực hiện)

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Đại hội di dân giáo phận Qui Nhơn lần thứ 6
Đại hội di dân giáo phận Qui Nhơn lần thứ 6
“Cùng nhau đi làm vườn nho Chúa” là chủ đề của Đại hội di dân giáo phận Qui Nhơn lần thứ 6 được tổ chức vào ngày 21.4.2024
Giáo xứ Thăng Long khánh thành vườn hoa
Giáo xứ Thăng Long khánh thành vườn hoa
Sáng 23.4.2024, giáo xứ Thăng Long, hạt Phú Thọ, TGP TPHCM, đã khánh thành vườn hoa giáo xứ.
Bàn giao nhà máy nước sạch cho vùng nông thôn
Bàn giao nhà máy nước sạch cho vùng nông thôn
Sáng 18.4.2024, ban Bác ái dòng Tên và Caritas Hà Tĩnh đã phối hợp bàn giao nhà máy nước sạch.
Đại hội di dân giáo phận Qui Nhơn lần thứ 6
Đại hội di dân giáo phận Qui Nhơn lần thứ 6
“Cùng nhau đi làm vườn nho Chúa” là chủ đề của Đại hội di dân giáo phận Qui Nhơn lần thứ 6 được tổ chức vào ngày 21.4.2024
Giáo xứ Thăng Long khánh thành vườn hoa
Giáo xứ Thăng Long khánh thành vườn hoa
Sáng 23.4.2024, giáo xứ Thăng Long, hạt Phú Thọ, TGP TPHCM, đã khánh thành vườn hoa giáo xứ.
Bàn giao nhà máy nước sạch cho vùng nông thôn
Bàn giao nhà máy nước sạch cho vùng nông thôn
Sáng 18.4.2024, ban Bác ái dòng Tên và Caritas Hà Tĩnh đã phối hợp bàn giao nhà máy nước sạch.
Giáo xứ cần đồng hành với học sinh trong định hướng nghề nghiệp
Giáo xứ cần đồng hành với học sinh trong định hướng nghề nghiệp
Ngày 20.4.2024 tại giáo xứ Chí Hòa - TGP TPHCM - Tiểu ban Chuyên đề thuộc Ủy ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận đã tổ chức chuyên đề Ðịnh hướng Tương lai. Ðây là chuyên đề số 392, sau 15 năm thành lập Ủy ban Mục vụ Gia...
Nhà của pin
Nhà của pin
Từ đầu tháng 3.2024, giáo phận Hà Tĩnh đã phát động các giáo xứ, giáo hạt thực hiện việc gom pin đã qua sử dụng. Theo đó, 6 tháng một lần, Ban Caritas giáo phận sẽ đến lấy pin và đưa đến nơi xử lý rác thải độc hại. Đây...
Các linh mục hưu TGP TPHCM sắp có nhà tĩnh dưỡng mới
Các linh mục hưu TGP TPHCM sắp có nhà tĩnh dưỡng mới
Sáng 20.4.2024, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã dâng thánh lễ và chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Tĩnh dưỡng Chí Hòa.
Đa dạng các hoạt động trong ngày  cầu nguyện cho ơn thiên triệu
Đa dạng các hoạt động trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu
Ngày lễ Chúa Chiên Lành, các giáo phận đã tổ chức nhiều hoạt động cổ vũ ơn gọi, để cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ, đồng thời giới thiệu những nét đẹp của đời thánh hiến đến các bạn trẻ.
Nhiều ý kiến quanh quy định thủ tục hôn nhân tại các giáo phận
Nhiều ý kiến quanh quy định thủ tục hôn nhân tại các giáo phận
Thông tin Hội đồng Giám mục Việt Nam đưa ra các quy định về thủ tục hôn phối cho các giáo phận trong toàn quốc nhanh chóng lan tỏa, thu hút nhiều thành phần quan tâm...
Hội đồng Giám mục Việt Nam Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn giáo hội tại Việt Nam
Hội đồng Giám mục Việt Nam Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn giáo hội tại Việt Nam
Để giúp các mục tử và các đôi bạn chu toàn thủ tục hôn phối theo giáo luật và phù hợp với thực tế, trong Hội nghị kỳ 1/2024 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long, Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành quy định về thủ...