Bình dân, gần gũi là những cảm nhận của nhiều giáo dân Tân An (GP Mỹ Tho) về cha sở Giuse Nguyễn Văn Nhạn. Vị chủ chăn này còn có thêm một dấu ấn khác là sự đồng cảm, quan tâm và đỡ nâng bao cảnh ngộ lầm than.
Giáo xứ Tân An quy tụ khoảng 4000 giáo hữu thuộc trung tâm thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ngôi nhà thờ giáo xứ tọa lạc bên Quốc lộ 1A. Khi phát triển đô thị, cuộc sống của giáo dân trên địa bàn cũng dần được cải thiện, nhà cửa khang trang và nhịp sống mỗi ngày thêm sôi động. Tuy nhiên giữa nơi đô thị ồn ã, sung túc ấy, vẫn còn lẩn khuất đây đó những mảnh đời đáng thương, lao đao với cái ăn, chỗ ở. Năm 2011, khi về nhận xứ, qua các chuyến thăm mục vụ và những lần hội ý với Ban hành giáo, cha Nhạn nghĩ ngay đến việc giúp đỡ những người đáng thương này.
|
Ở giáo xứ có khoảng 200 người nghèo cần được giúp đỡ. Mỗi hoàn cảnh có những khó khăn khác nhau nên cha uyển chuyển, linh động trong việc nâng đỡ. Cha nhận thấy những hoàn cảnh ngặt nghèo hơn cả là người già neo đơn, người khuyết tật và mẹ góa con côi với nhiều cảnh ngộ éo le. Từ đó, cha nhờ những thành viên trong Ban Caritas hằng tháng gởi trao họ một khoản tiền phụ trang trải cuộc sống thay vì mua sẵn gạo, mì hay mắm muối. Hộ nào cần xây nhà vệ sinh hay tô nhà cho tươm tất, khỏi thấm nước mưa, cha sẵn lòng hỗ trợ. Trước tổ ấm giờ đã khang trang, sáng sủa, người phụ nữ trẻ tên Cẩm Quyên kể lại: “Hồi trước hai vợ chồng không đủ tiền, chồng tôi lại vắn số qua đời do tai nạn, may sao được cha giúp đỡ sơn phết nhà. Giờ mỗi tháng bên nhà thờ còn phụ ít tiền, đứa nhỏ gởi các sơ được giảm 2/3 học phí nên cuộc sống của ba mẹ con cũng bớt chật vật”. Ngày qua ngày, cứ hễ nghe trường hợp nào thiếu hụt, lâm nguy, người mục tử phúc hậu lại chạy tới thăm viếng, để lại những món quà khởi đi từ lòng yêu thương.
|
Thăm hỏi người già cả khó khăn |
Vì nghĩ nếu giúp bằng cách quy tụ tại nhà thờ vào một ngày cố định, việc này biết đâu sẽ vô tình làm họ mặc cảm, ngượng ngập. Thế nên, ngoài tâm niệm “cách cho quý hơn của cho”, cha còn mong muốn các cộng sự có dịp “ra đi” đến với những người anh em bất hạnh và có thêm những giây phút chia sẻ, tâm tình. Cách thức này giúp người nhận bớt tủi thân và thêm niềm ủi an khi biết vẫn còn anh em trân trọng và nhớ đến mình. Cũng không ít lần qua các chuyến đi kết hợp với thăm nom, hỏi han, nhiều trường hợp đau bệnh kịp thời được phát hiện, cứu chữa.
Năm 1867, cha Ramon, thuộc Hội Thừa sai Paris, chánh sở họ đạo Ba Giồng, được mời đến Tân An để cử hành thánh lễ cho 4 gia đình có đạo tại đây, trong đó có gia đình ông Lê Phát Đạt (còn được biết đến với tên Huyện Sỹ). Năm 1893, cha Moulin đến thành lập và làm chánh sở họ đạo Tân An - lúc này có gần 400 giáo dân. Ngôi nhà thờ đầu tiên được đặt ở dốc Cầu Dây ngày nay. Năm 1924, cha Demarcq xây mới và dời nhà thờ về vị trí hiện nay. Năm 1934, con trai ông Hội đồng Vận là ông Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Mạng dâng 2 mẫu đất, tiền và mở lò gạch nung lợp nhà thờ và cha Phêrô Ty xây cất lại - tồn tại đến năm 1999. Ngôi nhà thờ hiện nay được khởi công và khánh thành cùng trong năm 2000. Qua chặng đường phát triển, hiện giáo xứ có 7 giáo khu: Chợ, Nhà thờ, Nhà mả, Rạch mương, Cầu đường, Cần Đốt, sân bay Cần Đốt. |
Lúc còn quản xứ Kinh Cùng (2006 - 2011), một miền đất nằm giữa đồng trũng nhiễm phèn của vùng Đồng Tháp Mười, cha cũng ngược xuôi rong ruổi để tìm nguồn chung tay vì người cơ khổ, và liên hệ được với các nhóm mổ tim và mắt thiện nguyện. Nhớ về giai đoạn này, cha tâm sự: “Tìm ra chỗ mổ tim miễn phí cho trẻ nhỏ sống nơi vùng sâu nghèo khó Kinh Cùng, tôi mừng lắm nhưng rồi lại đâm lo, lỡ ca mổ nào đó có bề gì mình gánh sao hết tội. Sau này hiểu rõ trường hợp nào an toàn người ta mới dám phẫu thuật, tôi nhẹ lòng hẳn”. Chuyển đổi đến Tân An, cha tiếp tục duy trì hoạt động bấy lâu, tất cả không ngoài mong muốn người nghèo được hết bệnh, bình an.
Mở rộng vòng tay quảng đại, không chỉ tương trợ giáo dân trong xứ, cha còn kêu gọi nấu cơm giúp bệnh viện Lao gần đó. Bởi cha nghĩ, đây là địa chỉ luôn luôn có nhu cầu này và nếu mình có khả năng, tại sao không xắn tay làm ngay? Vậy là đều đặn sáng thứ sáu hằng tuần, mọi người cùng nhau nấu nướng, chia thức ăn, ngoài 50 suất chở đi, còn chuẩn bị thêm khoảng 10 phần mang tới các gia đình neo đơn. Vừa giúp tha nhân, vừa tạo dựng tinh thần liên đới, biết sẻ chia với người khác nơi giáo dân, cha thầm mừng vì điều ấy. Nhận được túi đồ ăn lúc trưa, bà Khưu Thị Thinh, đã ngoài 90 tuổi, ở trọ trong căn phòng chật hẹp, lụp xụp, không ngừng nói lời cảm ơn và mừng mừng tủi tủi khi cha ghé thăm. Niềm hạnh phúc hiển hiện trên gương mặt khắc khổ của bà lão.
|
Chung tay giúp bệnh viện Lao qua những suất cơm miễn phí |
Để có kinh phí giúp người khốn khó, cha cho biết là nhờ nguồn lợi từ cơ sở nước uống đóng chai Nhân Ái kế bên nhà thờ. Ngày trước, qua lời giới thiệu của một nữ tu, nhóm chuyên hỗ trợ xây dựng, lắp đặt hệ thống lọc nước an toàn đã đến thiết kế giúp giáo xứ. Kể từ đó, tiền lời bán nước được dùng chăm lo cho tha nhân. Đáng mừng hơn, nhờ phân phối được nhiều nơi, có đông người tiêu thụ, cha tạo điều kiện giúp một số bà con nghèo có thêm thu nhập trong các công việc như giao nước, đóng nắp bình, mang vác, châm nước, dán bọc kiếng. Tùy theo công sức, thời gian, họ sẽ nhận mức trợ cấp phù hợp. Tìm ra cách nào đỡ đần họ, cha đều tranh thủ tận dụng. Buổi trưa, ai không về nhà thì nấu cơm ăn chung tại chỗ. Chi phí sẽ được nhà thờ tài trợ.
Khi nhiều số phận cơ cực vẫn đang loay hoay bươn chải cuộc sống thì có lẽ, sự cảm thương, trăn trở và lòng nhiệt huyết dấn thân từ ông cố sở gần 60 tuổi sẽ sưởi ấm cho bao tâm hồn. Nơi thành phố Tân An ngày càng phát triển, cha đang góp phần thăng tiến dân sinh theo cung cách của một “mục tử lấm mùi chiên”.
PHÚ KHANG
Bình luận