Khi đến tuổi trưởng thành, người nam và nữ yêu nhau tha thiết, nghĩ đến ngưỡng cửa hôn nhân. Tình yêu chín muồi, họ quyết định kết hôn và thật sự bước vào đời sống gia đình.
Gia đình có muôn vàn đắng cay, cũng vô cùng hạnh phúc ngọt ngào và có bao điều vui buồn sẽ xảy ra. Từ nơi này, từng thành viên sẽ phải đối đầu với những thử thách gian nan của cuộc đời. Đó là những lúc bươn chải trong mưu sinh kiếm sống; những lúc nảy sinh mâu thuẫn, vợ chồng lục đục; những lúc rơi vào tận cùng bế tắc… Phải chăng là do tình yêu chưa đủ lớn để hy sinh cho nhau? Lòng tin quá kém cỏi để tha thứ cho nhau? Có những lúc tưởng chừng tuyệt vọng như thế, chúng ta chỉ còn biết chạy đến cùng Mẹ Maria nhân hậu, nài xin Mẹ giang rộng vòng tay yêu thương, xoa dịu vết thương trần thế xác hồn và chuyển lời cầu bầu đến Chúa Giêsu, để Ngài ban “phép lạ” chữa lành và thánh hóa gia đình.
Có Mẹ yêu thương, có Chúa che chở, chúng ta vững tâm bước vào đời sống gia đình. Cũng giống như Chúa ban phép lạ trong Tiệc cưới Cana (Ga 2,1-11).
Thiếu rượu trong tiệc cưới
Hết rượu là biểu tượng cho những thiếu thốn trong gia đình. Mỗi gia đình thường thiếu một cái gì đó: thiếu kiên nhẫn, thiếu thông cảm, thiếu tôn trọng... Và hơn thế nữa, thiếu yêu thương, như giữa bữa tiệc thiếu rượu vậy. Bên cạnh đó, có những thiếu thốn về vật chất, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, không đủ tiền cho con đi học, thiếu thuốc men khi bệnh tật. Quan trọng hơn là những thiếu thốn về tinh thần: vợ chồng thiếu sự quan tâm, chăm sóc cho nhau; cha mẹ thiếu những lời dạy dỗ khuyên bảo con cái; con cái thiếu kính trọng, vâng lời cha mẹ; anh chị em không nhường nhịn lẫn nhau. Nhưng điều quan trọng, sâu thẳm và chính yếu làm cho ta đau khổ, bất hòa, hụt hẫng là ta quên mời Chúa và Mẹ vào trong cuộc đời, và không có khả năng yêu thương.
Người nam và người nữ được dựng nên để có một sự kết hợp hoàn hảo nhưng họ đã không đủ “rượu” cho ngày lập gia đình. Tình yêu và sự kết hợp nên một bị đe dọa bởi vì họ thiếu khôn ngoan, thiếu dự phòng, và bởi nỗi yếu đuối của con người dưới mọi hình thức. Người nam và người nữ được mời gọi để yêu thương, để nên một trong thể xác và tinh thần, nhưng trong ý nghĩa sâu xa nào đó, chưa thật sự yêu thương hết mình, yêu thương vô vị lợi, yêu đến cùng. Tuy nhiên, không phải mọi người đều có can đảm để đón nhận sự thật này. Người ta luôn đổ lỗi cho việc thất bại trong tình yêu hôn nhân là do người kia gây ra hiểu lầm, khác tính, nóng nảy, cố chấp, buồn chán, thất nghiệp, kinh tế khó khăn và thậm chí do hoàn cảnh…
Có mấy ai tự hỏi: “Tôi đã thật sự yêu thương đến cùng không?”. Đây là câu hỏi quan trọng có tính sống còn của con người. Đó là tình yêu mà các đôi vợ chồng đã tuyên hứa trước Thiên Chúa và Hội Thánh: “Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng) của anh và hứa giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc khỏe mạnh, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”.
Vậy, khi lâm vào những bế tắc như trên, có cách nào giúp chúng ta tìm lại hạnh phúc gia đình? Tin Mừng là niềm hy vọng cùng lời giải đáp kịp thời và không tốn một xu. Thiên Chúa có thể tạo dựng vũ trụ tuyệt diệu cho con người hưởng dụng. Từ hư vô trống rỗng, Ngài đã làm muôn vàn phép lạ khác nhau trong quá khứ, chẳng lẽ Ngài không tiếp tục thi ân giáng phúc cho chúng ta?
Trong tiệc cưới Cana có sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài. Điều này nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa như một người cha, người bạn thân thiết, gần gũi, thân tình, đồng hành và chia sẻ buồn vui với con người. Nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria mà gia đình Cana mới thoát khỏi lúng túng, xấu hổ và bất hạnh vì Ngài đã làm nước hóa rượu ngon.
Mỗi người cũng sẽ vượt qua những thiếu thốn, khó khăn trong gia đình, trong cuộc sống của mình khi chúng ta mời Chúa Giêsu và Mẹ Ngài vào trong đời sống. Vấn đề là chúng ta có dám cho Ngài can dự vào cuộc đời của mình hay không? Có mời Ngài vào trong từng phút giây, trong niềm vui nỗi buồn, khi thành công, cả khi thất bại, hay Ngài chỉ ở trong nhà thờ? Hoặc chỉ làm bàn thờ, để Ngài cô đơn một mình ở đó? Ngài có chỗ đứng nào trong trái tim và những thành viên trong gia đình? Không có ai có thể hiểu hết được nỗi lòng sâu kín của chúng ta hơn Chúa và Mẹ Ngài. Chỉ có Ngài mới có thể bù đắp những thiếu thốn trong tâm linh, và có sức biến đổi từng thành viên trở nên tốt hơn. Cũng chỉ có Ngài mới đem lại sự nồng ấm và giúp cho gia đình an vui, hạnh phúc.
Sự tinh tế và chuyển cầu của Đức Maria
Tiệc cưới Cana ngày hôm ấy có ý nghĩa đặc biệt khi là nơi xảy ra phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, con yêu quý của Mẹ. Bấy giờ người ta chưa biết gì về uy quyền của Chúa, họ chỉ nhận ra Ngài là một người thợ mộc chân thành, không tiếng tăm. Nhưng mấu chốt là nơi Mẹ Ngài. Các bà mẹ thường nhìn thấy những điều cần thiết. Huống chi là Đức Maria. Mẹ ân cần thưa lên với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Bên ngoài, câu “họ hết rượu rồi”, có vẻ như xa vời, nhưng bên trong là cả một lời van xin thầm kín, không nài ép nhưng đầy lòng tin tưởng. Mẹ đã rỉ tai các gia nhân: “Hễ Ngài dạy sao thì cứ làm như vậy”.
Thế rồi, phép lạ thật sự xảy ra bằng chính lời thủ thỉ tinh tế của Mẹ với Chúa Giêsu. Với lòng thương xót cùng một tấm lòng luôn thấu hiểu, nhạy cảm, Mẹ hiểu được tâm trạng lúng túng, xấu hổ và niềm vui không tròn đầy của gia đình chủ tiệc nên đã tìm cách giúp đỡ, mặc dù họ không van xin nhờ giúp. Nhờ sự can thiệp của Đức Maria mà phép lạ đã được thực hiện, để đức tin của mỗi người chúng ta củng cố và triển nở. Dưới khía cạnh tín lý, biến cố này chứng tỏ rằng Mẹ có một sứ mạng đặc biệt, gồm có sự bầu cử và trung gian của Mẹ cho loài người trước tôn nhan Chúa. Thế nhưng, mỗi người trong chúng ta có biết chạy đến với Mẹ, nhất là trong mỗi biến cố của đời mình để xin Mẹ bầu cử và nâng đỡ không?
Hình ảnh nước hóa thành rượu do quyền năng của Đức Giêsu và sự can thiệp của Mẹ Maria rất phù hợp với con người và cuộc đời của mỗi người. Chúng ta cũng nhạt nhẽo như nước máy rôbinê nhưng từ nước nhạt nhẽo, đã thành rượu ngon ê hề; từ bất xứng sang phục hồi phẩm cách trọn vẹn; từ lo sợ sang niềm vui tràn trề. Chi tiết “đổ đầy tới miệng” diễn tả sự trọn vẹn và dư tràn. Như thế, Đức Giêsu không chỉ đáp ứng, nhưng còn đáp ứng quá sự chờ mong, cả về số lượng lẫn chất lượng, để hướng chúng ta về ơn huệ sự sống viên mãn Ngài sẽ trao ban. Hãy lắng lòng xem điều gì đã và đang cạn, đang hết? Nếuđã cạn thì hãy để cho Chúa đổ đầy, miễn là có một tâm hồn đơn sơ, trong sạch để mau mắn nhận lãnh ơn Ngài.
“Họ hết rượu rồi”,một câu nói nhẹ nhàng nhưng đầy sức thuyết phục của Mẹ. Đây chính là nét đặc sắc của đức ái, hãy nghĩ đến nhu cầu của người bên cạnh hơn là chính mình. Hãy học nơi Mẹ biết quan tâm tới nhu cầu của tha nhân ngay từ trong suy nghĩ, cầu nguyện và hành động cụ thể. Hôm nay, Mẹ vẫn ở với loài người, vẫn chia sẻ niềm vui và nỗi lo lắng của kiếp người. Mẹ vẫn ghé vào tai Chúa và nói “Họ hết rượu rồi” để cho biết bao đôi tân hôn được vui tươi, nồng ấm trở lại, và biết bao gia đình đang có nguy cơ tan vỡ được hàn gắn trong yêu thương, để biết bao tâm hồn đang bị lung lạc vì thiếu niềm tin được giữ vững đức tin và niềm tin thăng hoa, nở rộ.
Mẹ vẫn xuất hiện một cách lặng thầm trong gia đình mỗi người với tấm lòng đầy sự tinh tế, xót thương của một người mẹ luôn chăm chút, lo toan cho những đứa con bé bỏng. Mẹ luôn cầu bầu cùng Chúa ban cho mỗi gia đình những nhu cầu thiết yếu nhất. Mẹ là người luôn chuyển cầu một cách khéo léo những ước nguyện của chúng ta và luôn răn dạy những đứa con của Mẹ theo ý hướng ngay lành bằng những giờ kinh Mân Côi. Hãy đến với Mẹ, tin tưởng gởi trọn vào tay Mẹ.
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế
Bình luận