Hôm ấy, sân vận động Gelora Bung Carno ở Jakarta đầy ắp, không một chỗ trống. Niềm hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt rạng rỡ ở khán đài. Một trận cầu đỉnh cao của đội tuyển quốc gia Indonesia? Hay một sân khấu trình diễn ca nhạc của các sao nghệ sĩ hạng A? Hơn cả một trận cầu đỉnh cao và hơn cả một chương trình ca nhạc hoành tráng, cộng đoàn Dân Chúa dành trọn tâm tình để chờ đón vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ…
Gelora Bung Carno trở thành sân vận động của niềm vui, sự hứng khởi, tình huynh đệ, để giới thiệu dung nhan Đấng Kitô - Con Thiên Chúa. Đấng đã yêu thương, đã đến và ở giữa - ở với con người. Đấng đã chết và sống lại để đem ơn cứu độ và sự Phục Sinh cho con người. Hôm ấy, vị đại diện Chúa Kitô, đấng kế vị thánh tông đồ Phêrô đang ở giữa và hiện diện với hơn 100.000 tín hữu. Thật xúc động và đầy hãnh diện khi tôi cũng có mặt, cùng dâng lễ, được sống và cảm nghiệm bầu khí thánh thiêng và đầy niềm vui với cộng đoàn.
Dù phải đứng trong nắng nóng 340 C suốt 5-6 tiếng liền nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi, vì tất cả đều háo hức mong chờ được nhìn thấy vị đại diện của Thiên Chúa. Sự kiên trì, lòng nhiệt thành này cũng cho thấy khát vọng sâu xa của các tín hữu Indonesia trong việc được lắng nghe và sống theo Lời Chúa, đồng thời là một dấu hiệu mạnh mẽ về sự đoàn kết và tình huynh đệ trong cộng đồng Công giáo của nước chủ nhà. Sự nhiệt tình và hy sinh của họ không chỉ phản ánh niềm vui đón tiếp Đức Thánh Cha, mà còn là một lời chứng sống động cho đức tin Công giáo giữa một đất nước đa tôn giáo và đa văn hóa.
Trong bài giảng tại sân vận động Gelora Bung Carno, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một thông điệp mạnh mẽ và đầy cảm hứng cho cộng đoàn. Ngài mời gọi các tín hữu Indonesia hãy sống hai thái độ cơ bản của người môn đệ Chúa Giêsu, lắng nghe và sống lời Chúa. Ngài khuyến khích họ đừng nản lòng trước những khó khăn, thất bại, nhưng hãy tin tưởng và tiếp tục thả lưới, tức là tiếp tục nỗ lực sống và truyền bá Lời Chúa, xây dựng một xã hội công bằng hơn và thăng tiến hòa bình. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững niềm hy vọng, tiếp tục thực hành lòng nhân ái, xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình trong xã hội.
Được tham dự thánh lễ tại Indonesia, một quốc gia với nền văn hóa phong phú và đa dạng, làm cho trải nghiệm của tôi trở nên đặc biệt hơn. Những hình ảnh về người dân địa phương, cùng với cách họ chào đón và tham gia vào thánh lễ, đã làm phong phú thêm bầu không khí thánh thiện. Tôi cảm nhận được sự gắn kết toàn cầu của Giáo hội Công giáo, một cộng đồng đức tin mà dù ở đâu trên thế giới, đều có thể hiệp hành trong một tình yêu thương sâu sắc.
Điểm đặc biệt nơi người Công giáo tại Indonesia là họ dùng từ Allah để tuyên xưng danh Chúa như anh em Hồi giáo của họ. Chẳng hạn, khi hát kinh Vinh danh, trên màn hình xuất hiện chữ Allah rất nhiều lần nên tôi hiểu là họ cùng dùng chung một từ chỉ về Thiên Chúa. Trong Hồi giáo, “Allah” được dùng để chỉ Đấng Tạo Hóa, Đấng Tối Cao, và duy nhất. Với người Hồi giáo, “Allah” không chỉ đơn thuần là một tên gọi, mà còn mang theo một ý nghĩa sâu xa về sự độc nhất vô nhị và toàn năng của Đấng Tạo Hóa. Trong thánh lễ ở sân vận động Gelora Bung Carno, sự hòa quyện của đức tin, tình yêu thương và hiệp nhất nên một cộng đoàn cùng tôn vinh Chúa đã tạo nên trải nghiệm không thể nào quên. Tôi rời thánh lễ với lời cầu nguyện tràn đầy niềm tin và hy vọng về đối thoại đa tôn giáo, đa văn hóa. Sẽ có một ngày, dù là người Hy Lạp hay Do Thái, người châu Á, châu Úc hay châu Âu, đều gặp nhau trong một ngôn ngữ để chúc tụng, tôn vinh Danh Thánh Chúa, và nên một với nhau trong Đức Giêsu Kitô.
Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Bình luận