Thánh Thể và Thánh Kinh, cả hai đều quan trọng. Ðã có lúc, vị trí để tôn thờ, tôn kính, ngang hàng trong phụng vụ trên gian cung thánh. Bây giờ, lại ít thấy. Chỉ tập trung vào Nhà Tạm Thánh Thể. Triết lý mục vụ Công đồng Vatican II, dùng công thức: “Cả...cả...”. Nên tập trung cả vào Chúa Kitô và cả vào Phúc Âm của Người. Giáo hội tin và nhìn thấy Người trong Bí tích Thánh Thể đồng thời lắng nghe Lời Người trong Kinh Thánh, nhất là Phúc Âm. Ðào luyện tâm linh, bắt đầu từ đâu? Từ Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể hay từ Lời của Ngài?
Người ta thường nói: “Thấy Lời là như thấy Chúa Kitô”. Vì “Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đâu” (Mt 24, 35). Thực đúng như vậy, mọi sự đều vô thường. Tất cả đều qua đi. Chúa cũng đã chết! Chỉ còn Lời. Vì thế “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”1. Nhưng, đạo Công giáo chúng ta có khác thường, vì tin vào lời hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế”( Mt 28,20). Thiên Chúa của người Thiên Chúa giáo là Ðấng hằng sống và Chúa Kitô đã sống lại và đang sống2. Vậy, Giáo hội Chúa Kitô, tập trung vào Ðấng đang sống! Ðào luyện tâm linh bắt đầu từ Thánh Thể cũng rất hợp lý.
Thánh Eymard, đấng sáng lập dòng Thánh Thể, xác tín: “Chúa Giêsu đang ở đó, mọi người phải đến với Người”. Và “Thánh Thể chứa đựng tất cả mầu nhiệm và tất cả các nhân đức”, nên, “Ðời sống dâng hiến đơn giản là con đường dẫn đến đời sống Thánh Thể”. Sau cùng: “Có Thánh Thể là có tất cả”3.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, năm 1991, lập Hội Giáo dân chầu Thánh Thể, mong ước cho các nhà thờ Công giáo chầu Thánh Thể.
Thánh Têrêsa Calcutta, đấng sáng lập dòng Thừa sai Bác ái đã nêu sứ mạng: “Chầu Thánh Thể hằng ngày và phục vụ vô vị lợi...”. Luật buộc nữ tu chầu 1 giờ trước khi ra phục vụ.
Chân phước Carlo Acutis, sinh năm 1991 tại Luân đôn và lớn lên ở Milano. Cậu qua đời năm 2006, được phong chân phước, 10.10.2020, đã đặt Bí tích Thánh Thể ở trung tâm cuộc đời mình: “Thánh Thể là chương trình sống của tôi” và gọi đó là“đường cao tốc của tôi đến thiên đàng”. Trước và sau khi hiệp dâng thánh lễ, Carlo đã cố gắng đứng trước Nhà Tạm để thờ phượng Chúa Giêsu, Ðấng hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Ngài cảm nghiệm: “Khi đối diện với mặt trời, chúng ta bị rám nắng, nhưng khi đối diện với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những vị Thánh”.
Nhưng còn Kinh Thánh, nhất là Phúc Âm, Lời của Ngài thì sao? “Các ngươi cứ ở trong Ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó”(Ga 15,7-8). Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Chúa Kitô là ai, Ngài đã sống, đã dạy con người cái gì, và cuối cùng Ngài cứu chuộc nhân loại bằng cách nào. Lời Chúa hướng dẫn, chỉ bảo, để rồi chúng ta biết Ngài là ai, tin và đi theo Ngài.
Công đồng Vatican II dạy “Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (MK, số 21). Bởi vì “Lời Chúa là lời sáng tạo” (x. St 1,3-26); “sống động và linh nghiệm” (x. Dt 4,12); “Lời là chân lý” (x. Lc 1,2-4); “giúp ta sự hiểu biết chân lý” (x. Lc 24, 44-45); “Lời hằng sống” (x. Ga 6,68); “Lời là ánh sáng” (x. Ga 8,12); “là đèn soi” (Tv 118,105); “Lời mang ơn cứu độ cho muôn dân”, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi”(Tv 119,105).
Theo hãng Pew, năm 2019, công bố điều tra: Giáo dân Mỹ, có 31% tin Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể; còn 69 % không tin. Vì thế, Giáo hội Hoa kỳ, phát động: “Chú tâm học hỏi và sống Bí tích Thánh Thể, 2020”. Thực tế, có hai giáo phận Kansas và Miami, là nơi có nhiều ơn gọi nhất nước Mỹ, bởi lý do ở đây Chầu Thánh Thể suốt ngày đêm và có trường Công giáo bên cạnh. Tôi đã đến đó, vào năm 2019, được chứng kiến và nghe trực tiếp cha sở chia sẻ.
Ðấng đáng kính, Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, với kinh nghiệm bản thân, ngài xác tín: “Còn Thánh Thể là còn tất cả”. Ðức Hồng y tân cử năm 2020, Cantalamessa đã khẳng đỉnh: “Ơn đoàn sủng của Giáo hội Công giáo là Thánh Thể”. Di chúc của linh mục Pet. Hoàng Xuân Nghiêm, linh hướng phong trào Cursillo Hoa Kỳ và Việt Nam đã nhắc nhở: “Quây quần bên Thánh Thể, (sẽ) không thiếu bất kỳ sự gì, ngay cả ơn gọi”.
Ðào luyện tâm linh, bắt đầu từ Thánh Thể. Nhưng tùy theo hoàn cảnh văn hóa và tâm lý, có thể bắt đầu cả từ Thánh Thể cả từ Thánh Kinh và rộng hơn, cả từ những nẻo đường sùng kính khác, các phong trào đạo đức theo truyền thống trong Giáo hội. Tất cả, phát xuất từ mọi nẻo đường đều dẫn tới Thiên Chúa hằng sống, qua Chúa Giêsu đang sống, trong sự tác động của Chúa Thánh Thần, đi vào vinh quang Thiên Chúa ngay đời này.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
_____________________________________________________________
1 Thánh Hiêrônimô:“Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Giêsu”.
2 Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống, Loreto, 25.03.2019
3 Thiên Quang, SSS: Thánh Eymard, vị tông đồ Thánh Thể
Bình luận