Công đồng Vatican II xác tín: “Từ khởi sự cho tới kết thúc, trong mọi nghị quyết đều do Chúa Thánh Thần”. Ðặc biệt trong lãnh vực truyền giáo, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu, chúng ta chỉ là dụng cụ. Vậy để có Chúa Thánh Thần, khoa “Thần học - Mục vụ” lưu ý chúng ta làm gì và làm thế nào ? Riêng trong phạm vi bài này, tôi xin chia sẻ ít kinh nghiệm mục vụ.
1. Yêu mến Chúa Giêsu và Chầu Thánh Thể.
Ðã có những gương sáng về lòng yêu mến Thánh Thể, như thánh Eymard, tông đồ và sáng lập dòng Thánh Thể; thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, sáng lập hội giáo dân chầu Thánh Thể, 1991, với mục đích mong ước mọi nhà thờ Công giáo chầu Thánh Thể; Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, sáng lập dòng Thừa sai Bác ái đã nêu cao mục đích: “Chầu Thánh Thể và Phục vụ vô vị lợi”. Mẹ Têrêsa nài xin Mẹ Maria, soi lòng cho các linh mục mở cửa nhà chầu và chầu Thánh Thể. Gần nhất, 10.10.2020, chân phước Acutis đã chọn Thánh Thể là chương trình sống hằng ngày: “Hướng về mặt trời, da ta sạm nắng, hướng về Thánh Thể, Ngài làm cho chúng ta thành những vị thánh”.
Hướng về mặt trời và Chúa Giêsu Thánh Thể là nhiệm vụ của chúng ta. Làm da ta rám nắng là chức năng của mặt trời và làm ta nên thánh là do ân sủng, tình thương và quyền năng của Chúa Giêsu Thánh Thể. Khao khát nên thánh là do ta, nhưng làm thánh lại không phải của ta mà là do ân ban nhưng không của Chúa, vì: “Không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15, 6). Mục đích chầu Thánh Thể còn là để đào luyện đức tin - cá vị. Không vị thánh nào mà thiếu vắng đức tin này. Hòn than đen, thanh sắt han gỉ, không chạm vào lửa thì không bao giờ biến thành than hồng, sắt đỏ được. Không hồn, không lửa, không thể chạm vào hồn của bất kỳ ai, không thể làm nóng lên trong người khác. Tương lai Giáo hội tập trung vào Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ duy nhất. Và đời sống Giáo hội, không lệ thuộc vào số đông, mà chỉ còn là những đốm lửa.
Phương thức đào luyện tâm linh: “Cầu nguyện - Cảm nghiệm” là để giúp chúng ta gặp, sống và Ngài sẽ tỏa sáng nơi chúng ta đang sống. Hầu chúng ta có đủ nội lực, đẩy lùi nhiều loại hình đau khổ, bệnh tật, sự dữ và quỷ vương. Mục đích quan trọng, khi chầu Thánh Thể là để nài xin Chúa Giêsu thực hiện lời hứa sai Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy duy nhất và Ðấng nhắc nhở và đặc biệt ban những ơn “Khôn ngoan, đúng thời điểm và ơn can đảm cho mọi người”.
2. Biệt tôn Ðức Mẹ
Biệt tôn Ðức Mẹ, không theo cảm tính, nhưng tập nhân đức và đào luyện, sống tâm linh như Ðức Mẹ. Nơi Mẹ Maria, sau tiếng “Xin vâng”, Chúa Cứu Thế nhập thể trong cung lòng, Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu. Mẹ trở thành người phụ nữ đầu tiên chầu Thánh Thể và là gương mẫu “Truyền giáo - Giêsu”. Trong phòng tiệc ly ấy, các tông đồ quây quần bên Ðức Mẹ, sống hiệp thông với Chúa và với nhau, lại rất mực khôn ngoan, khiêm tốn và kín đáo. Tôi nhớ lời tiên tri Isaia: “Trên bông hoa ấy, Thần Linh của Thiên Chúa ngự xuống…” (Isaia 11,1-2). Ðức Mẹ là bông hoa. Cùng với Ðức Mẹ, các tông đồ đón nhận Thánh Thần, dưới hình lưỡi lửa và gió. Lửa tượng trưng cho Tình yêu; gió tượng trưng cho sự canh tân đổi mới. Ngài đổi mới mọi sự trong ngoài. Các tông đồ, trở nên những người can đảm, dấn thân, nhân danh Chúa Giêsu Nazareth, thông ban niềm hy vọng Phục sinh cho mọi người. Kinh nghiệm tu đức được rút ra từ sự kiện này đó là: “Kiềm chế, biết mình kiềm chế và kiềm chế”, sẽ thành người đức độ và tông đồ thực thụ, vì biết chờ thời điểm Chúa Thánh Thần hiện xuống, mọi sự sẽ thuận lợi theo Ý Chúa. Trong phòng đào luyên “Tâm linh - Khoa học”, bao giờ cũng có Ðức Mẹ, đang hướng về và chầu Thánh Thể. Công đồng Vatican II đánh giá giới phụ nữ là một nửa của lịch sử. Ðức Maria là người có quyền lực và ảnh hưởng mạnh nhất từ trước tới nay. Nếu được đào luyện tâm linh theo gương Mẹ, họ sẽ là những người cùng với Chúa Giêsu quyết định tương lai, góp phần hình thành giới trẻ là chủ và là chứng nhân hữu hiệu trong nền văn minh mới, tại quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.
3. Yêu mến Giáo hội
Yêu mến Giáo hội Chúa Kitô một cách trưởng thành và trí tuệ. Tôi nhớ lại lời hứa của Chúa Giêsu: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế”( Mt 28, 20); và “Thầy sẽ xây hội thánh của Thầy và cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Có Thầy, và Thầy xây dựng Hội Thánh của Thầy ! Công đồng Vatican II quả quyết: “Càng yêu mến Giáo hội Chúa Kitô càng có Chúa Thánh Thần”.
Như tôi đã từng trình bày, thời đại chúng ta là thời đại tâm linh và khoa học. Tất cả đều mang đậm dấu ấn trí tuệ. Trí tuệ ngay cả trong tình yêu để không mù quáng, mới hy vọng hạnh phúc lâu dài. Người trưởng thành, có trí tuệ là người biết sống cân bằng cả trí cả tâm và cả ý chí. Cả lịch sử toàn diện nhưng lại rất cụ thể, từng người, từng hoàn cảnh, từng giai đoạn lịch sử. Biết tất cả thì mới biết mang tâm tình sám hối liên tục, với sự quảng đại, lại rất cần sự tha thứ và xin có cơ hội bắt đầu lại. Kinh nghiệm Kinh Thánh và lịch sử các thánh, cho thấy có nhiều sự đảo ngược: “Trước tốt, sau xấu; ngược lại, trước xấu, sau tốt”. Thiên Chúa có thể biến cái xấu trở thánh cái tốt. Quay đầu là bờ, sám hối, chuyển tâm. Không thánh nào mà không có khuyết điểm; không tội nhân nào mà lại không có tương lai! Không đường hầm nào mà không đi tới ánh sáng. Trong Cựu Ước: “Ông Nôê chúc lành cho hai đứa con lớn vì chúng biết lấy chiếc áo choàng và đi giật lùi để che đậy cho ông” (St 9,18-27). Tình yêu thật sự, thì yêu cả cái khuyết điểm và tin rằng tình yêu sẽ biến đổi nhau nên tốt, bởi Tình yêu mạnh hơn sự chết !
Trong lúc này, Giáo hội Chúa Kitô như con thuyền đang bị phong ba bão tố vùi dập, nhưng chúng ta xác tín: “Chúa vẫn đang có măt trong thuyền, dựa gối mà ngủ”. Vì thế Giáo hội hôm nay cần điềm tĩnh, sám hối, cầu nguyện, và nhất là đào luyện tâm linh, tăng cường nội lực thánh thiện, chu toàn bổn phận, thực thi giới răn Mến Chúa, như Ngài mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường”; và yêu người, như kết luận về dụ ngôn người Samari: “Hãy cứ đi và làm như vậy”. Giáo hội theo gương người Samari với nạn nhân bị kẻ cướp trấn lột và bị đánh nhừ tử, vùi dập bên lề cuộc sống để biết sống “Liên đới - Trách nhiệm” và “Yêu thương - Phục vụ” cách nhưng không, vô vị lợi, vì tất cả đều là anh em một cha trong cùng một nhà. Rồi, loan báo Tin Mừng qua con đường đối thoại và hòa giải, góp phần đẩy lùi cái xấu, sự dữ…
Kết luận
Chầu Thánh Thể, biệt tôn Ðức Mẹ, yêu mến Hội Thánh Chúa Kitô là ba việc có thể làm ngay và làm thường xuyên trong niềm xác tín đón nhận Thánh Thần, Ngài sẽ ban những ơn cần thiết: “Khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn”. Ðặc biệt, “Ơn thời điểm và ơn can đảm” là một trăm phần trăm do Chúa Thánh Thần, kinh nghiệm ngày lễ Ngũ Tuần, ngày khai sinh Hội Thánh là đúng như thế.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
Bình luận