Có thể nhìn thấy trong cuộc đời con người nói chung một biểu đồ “trẻ nhỏ - trưởng thành - tuổi già”, biểu đồ bao gồm hai chiều hướng “thăng tiến - sa sút”. Cuộc đời con người bắt đầu từ một hài nhi bé bỏng, yếu ớt, bất lực, phải lệ thuộc tất cả vào người khác. Thế rồi đứa bé ăn uống, học tập và tích lũy bao nhiêu năng lực khác mỗi ngày mỗi nhiều hơn, trong niềm mong mỏi thời gian qua mau từng ngày, từng năm để được thêm tuổi, thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, có khả năng thể hiện chính mình và được tự do quyết định hành vi của mình. Nhưng rồi sau đó, chẳng mấy chốc, người thanh niên đẹp đẽ ấy, con người trẻ tuổi sung sức ấy, kẻ nhiều tài năng và nhanh nhạy ấy, vượt qua tuổi sung sức của mình để đi vào quá trình xuống dốc; sức khỏe và tài năng cứ vơi đi dần theo năm tháng. Rồi anh ta lại phải từng ngày chống chọi với nhịp điệu mau lẹ của thời gian, mong ước thời gian đi chậm lại, mong ước tuổi già lâu đến…
Nhìn vào biểu đồ ấy, ta thấy cuộc đời con người khá bi đát: mong mau lớn để hưởng những năm tháng tươi đẹp của đỉnh cao cuộc đời, nhưng rồi lại mong lâu già để được dừng lại lâu hơn ở đỉnh cao ấy. Thế nhưng cuộc đời vẫn cứ trôi và cái đỉnh cao cuộc đời ấy nhiều khi chỉ là một bức màn mỏng, thật mỏng, thật phù du; đụng vào nó rồi, sẽ thấy lộ ra ngay sau đó một con đường xuống dốc. Sự bừng tỉnh sau đỉnh cao, đó là cố gắng để “neo mình ở tuổi 20”, cố gắng để trẻ mãi, để đẹp mãi, để mãi mãi là ngôi sao… những cố gắng vô vọng !
Quả thật, nếu sống để đi tìm đỉnh cao đời người như thế, thì cuộc sống con người quá kỳ cục. Thoáng một cái, mỗi người đã đi qua đỉnh cao cuộc đời và cảm thấy như mình đã bị lừa, bị dụ dỗ. Cái đỉnh cao ấy giống như một tấm bánh vẽ, một tấm màn mỏng giả tạo được tô vẽ. Đó là cái bi đát của một biểu đồ được vẽ nên được từ những gì dễ thấy nhất, từ những dáng vẻ bên ngoài của hành trình đời người; cái bi đát của chính thân phận con người dành cho những người đi tìm đỉnh cao nơi vóc dáng, nơi tài năng, nơi sức mạnh của bản thân…
Thế nhưng, liệu chừng ta có thể nhìn thấy một biểu đồ khác không?
Một cách nào đó, có thể nói được rằng cuộc đời đi tìm đỉnh cao qua dáng vẻ bên ngoài như thế chính là “cuộc đời làm hoa”. Bông hoa bao giờ cũng tươi tắn, rực rỡ, đẹp đẽ. Bông hoa là thành quả tập trung của tất cả những cái tốt nhất của đời cây để khoe sắc một lần. Thế nhưng bông hoa thì bao giờ cũng mau héo tàn; và sống đời làm hoa cũng hàm ý nghĩa là lựa chọn thái độ: thà rực rỡ một lần rồi tàn héo; thà huy hòang một phút còn hơn lầm lũi cả đời…
Tuy nhiên, thật sự đời cây không phải chỉ là kiếp hoa, và suy đến cùng, hoa chỉ là một giai đoạn cần phải trải qua để thành nên hạt. Đời cây cần có hoa nhưng cũng cần vượt qua thời kỳ nở hoa để đi đến thời kỳ đậu hạt.
Cuộc đời làm hạt thì không rực rỡ, không khoe sắc tỏa hương, không tươi tắn mềm mại, không thu hút bướm ong. Nhưng cuộc đời làm hạt vẫn có nét “huyền nhiệm”, cao quý, có nét đẹp riêng của nó. Cái đẹp của hạt không lồ lộ ra ngoài, nhưng ẩn trong dáng vẻ xấu xí. Cái cao quý của hạt không phải là khoe mẽ bên ngoài nhưng là ươm mầm bên trong. Hạt cho đi chính bản thân mình, dâng tặng trọn vẹn và tuyệt đối, vì hạt bao giờ cũng phải thối đi để nảy sinh những bông hạt khác.
Thế thì đỉnh cao đời người là cuộc đời làm hoa hay cuộc đời làm hạt ? Thế thì nét đẹp chân chính của đời người là rực rỡ để thu hút hay quảng đại, âm thầm để cho đi?
Trong đời sống gia đình, có thể thấy thật nhiều phép lạ, những phép lạ xảy ra thường xuyên nên nhiều khi bị coi thường. Dù vậy, chăm chú một chút, ta cũng sẽ nhận ra ngay những biến đổi kỳ diệu mà ta có thể gọi được là những “phép lạ giữa đời thường”. Trong số nhiều “phép lạ” ấy, có một phép lạ lớn nhất: trở nên cha mẹ.
Là con người, ai cũng mong cho mình “được”, cái được của một lối nhìn lấy mình làm trung tâm: được có, được yêu, được chấp nhận, được sung sướng… Đó là quy luật chung của thái độ con người. Thế nhưng, khi một thanh niên làm cha, làm mẹ, tất cả những cái được ấy đều dần dần thay đổi. Thay vì được chiều chuộng, cha mẹ bắt đầu biết chiều chuộng đứa con bé bỏng của mình; thay vì được yêu, cha mẹ bắt đầu biết yêu, yêu vô điều kiện đối với đứa con của mình; thay vì được thêm thu nhập, thay vì được sung sướng hơn, khi làm cha làm mẹ thì sẵn sàng hao tổn thu nhập vì con, sẵn sàng chịu vất vả khổ sở vì con… Cuối cùng, người cha người mẹ còn nghe thấy lời thúc bách như thể dám chấp nhận “chấm dứt tương lai” của mình để mở đường cho tương lai của con cái.
Nhìn vào cuộc đời ấy, chúng ta nhận ra nét đẹp vô cùng của cuộc đời làm cha mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà tình mẫu tử là tình cảm đẹp nhất trong tâm hồn con người; không phải ngẫu nhiên mà ca dao mẹ luôn là mảng ca dao phong phú nhất trong kho tàng văn chương nhân loại. Nhìn vào phép lạ ấy, chúng ta nhận ra nét đẹp của cuộc đời cho đi, nét đẹp của cuộc đời làm hạt.
Trong khi cái biểu đồ của hiện tượng bộc lộ tính bi đát và vô vọng của lịch sử đời người, thì một biểu đồ khác, căn cứ vào bản chất yêu thương của con người, căn cứ vào những nhu cầu rất thật và rất sống động của đời sống gia đình, lại cho thấy một sự “hợp lý” sâu xa bên trong: con người được đón nhận bao nhiều hồng ân để lớn lên; rồi con người lại có khả năng phát triển và sáng tạo cho gia sản ấy phong phú thêm; rồi cuối cùng con người sẽ lại mang tất cả vốn liếng và “phần lời” ấy để tiếp tục cho đi, cho đi đến tận bản thân mình. Thư Mùa Chay 2003 của Đức Gioan Phaolô II nói: “Khuynh hướng trao ban đã nằm sâu trong tâm hồn con người” [số 1].
Như thế, từ quan điểm đời người là cho đi, chúng ta có thể khẳng định rằng “đỉnh cao” đời người không phải là tuổi trẻ, nhưng trong thực chất, chính là tuổi cho đi, là tuổi làm cha mẹ, hay là chính tuổi già. Nhìn theo quan điểm này, chúng ta mới thấy được nét đẹp của những nếp nhăn trên trán, nét đẹp của những sợi tóc bạc, nét đẹp của một cuộc đời cho đi trọn vẹn; trong quan điểm này, cuộc đời con người không bi đát nhưng tràn đầy ý nghĩa, bởi vì khi đó, con người thể hiện được hướng hành trình như một quy luật mà Chúa Giêsu đã nêu lên trước khi đi vào cuộc tử nạn của Ngài: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,23-35).
Như thế, ta có thể khẳng định rằng, đời sống gia đình được nhìn theo ý nghĩa Kitô giáo, có khả năng giúp con người thực hiện vận mạng đời người và giúp cho con người hoàn thành khát vọng sâu xa chân thật nhất của bản chất người.
Linh mục Giuse Nguyễn trọng viễn, dòng Ða Minh
Bình luận