Vị linh mục dòng Phanxicô Capuchin được biết đến rộng rãi khi còn sống với biệt danh “người mang phép lạ của Detroit” vừa được tuyên chân phước vào ngày 18.11.2017.
Cách đây vài thập niên, có một linh mục tại thành phố Detroit (Mỹ) bị tước đi khả năng thuyết giảng vì căn bệnh bạch hầu quái ác vào thời niên thiếu. Bù lại, ngài đã dùng đôi tai thính và trái tim luôn rộng mở để lắng nghe những lời khẩn cầu của những người trong cơn cơ khổ. 60 năm sau ngày mất, linh mục Solanus Casey đã được tuyên chân phước tại thành phố mà ngài dành hầu như cả đời để loan truyền Lời Chúa.
Trang mẫu mực của Phúc Âm
Tại thánh lễ với sự tham gia của khoảng 65.000 người ở sân vận động Ford Field tại Detroit, những tín hữu có mặt cùng chia sẻ niềm vui và tưởng nhớ vị linh mục khổ hạnh, gầy gò và vô cùng khiêm tốn đã mang nhiều người đến gần với Chúa. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận xét trong Ngày Thế giới vì người nghèo: “Chân phước Solanus là một bề tôi khiêm nhường và đáng tin cậy của Chúa Giêsu. Ngài đã biểu lộ phẩm chất đáng quý thông qua sự phục vụ quên mình cho người nghèo”. “Cuộc đời của vị chân phước mà chúng ta đang nhớ đến hoàn toàn là một trang mẫu mực lấy từ Phúc Âm, sống với tinh thần Công giáo một cách trọn vẹn. Ðó là trang giấy được đọc với sự cống hiến và tràn đầy cảm xúc”, theo Ðức Hồng y Angelo Amato, Tổng trưởng Thánh Bộ Phong thánh của Vatican.
Ðức Hồng y giảng: “Với việc tuyên bố người anh em dòng Phanxicô này lên hàng chân phước, Ðức Thánh Cha vinh danh ngài trước toàn thể Giáo hội như là một môn đồ của Chúa Giêsu, vị chủ chăn tốt lành của chúng ta. Giờ đây, Giáo hội và xã hội đều cần sự làm gương và bảo vệ từ cha Solanus”. Ðức Amato mời gọi các tín hữu có mặt tại sân vận động Ford Field: “Hỡi các anh chị em, chúng ta hãy lặp lại một lần nữa: Chân phước Solanus, ngài hãy cầu nguyện cho chúng con”. Ngày lễ kính chân phước Solanus sẽ là 30.7.
Vị linh mục thuộc dòng Phanxicô Capuchin chào đời vào ngày 25.11.1870 tại Oak Grove, bang Wiscosin (Mỹ), trong một gia đình di dân gốc Ireland, và được đặt tên rửa tội là Bernard Francis. Ngài làm nhiều nghề khác nhau trước khi đi theo ơn gọi, và được phong chức linh mục. Ngài ít khi giảng lễ, một phần do cổ họng bị tổn thương do bệnh tật, và cũng vì giới hạn trong học vấn. Ðức ông Martin Pable, 86 tuổi, một tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin nhớ lại: “Ngài chấp nhận điều đó. Cha Solanus luôn tâm niệm rằng dù Thiên Chúa muốn thế nào cũng sẽ tuân phục”. Cha Solanus phục vụ 20 năm tại thành phố New York và vùng lân cận Yonkers trước khi dòng Phanxicô Capuchin gửi ngài về lại tu viện thánh Bonaventure ở Detroit vào năm 1924. Luôn mặc tu phục truyền thống màu nâu, chân mang giày xăng đan, cha Solanus giữ việc tiếp tân trong suốt 2 thập niên sau, nhưng tiếng tăm của ngài vượt xa công việc khiêm tốn tại tu viện. Hơn ai hết, vị linh mục dạy cho các tín hữu biết cách lắng nghe và cầu nguyện.
“Tôi sắp trò chuyện với cha”
Có thể nói, khiếm khuyết cơ thể và hạn chế về học thuật không ngăn cha Solanus đến gần các tín hữu. Ngài đặc biệt thân cận với những người bị bệnh tật và ai nấy đều muốn gặp cha Solanus sau khi nhiều người khỏi bệnh nhờ được vị linh mục cầu nguyện. Sau khi tạ thế vào năm 1957, ngài được công nhận phép lạ chữa lành một phụ nữ ở Panama, bà Paula Medina Zarate. Ðài CNN đưa tin bà Zarate bị một chứng bệnh da liễu khó chữa, nhưng căn bệnh đã biến mất sau khi bà cầu nguyện trước mộ của cha Solanus ở Detroit. Có phép lạ được công nhận là một trong những điều kiện để được xét tuyên chân phước.
Ðặc biệt, dù vị chân phước đã qua đời từ lâu, mọi người không hề nói rằng mình “chuẩn bị đến mộ của cha”, mà thay vào đó là “tôi sắp đến trò chuyện với cha”, theo AP dẫn lời Ðức Tổng Giám mục Michigan, Ðức cha Allen Vigneron. Ðiều này xuất phát từ việc lúc sinh thời, cha Solanus luôn sẵn sàng lắng nghe bất cứ ai tìm đến: những người thất nghiệp chia sẻ nỗi lo lắng, các bậc cha mẹ xin ngài cầu nguyện với Thiên Chúa để chữa lành bệnh tật cho con cái của họ… Trong lúc lắng nghe, vị linh mục ghi lại mọi thứ. Vào cuối đời, ngài được dòng gửi đến một tu viện ở Huntington, bang Indiana. Thế là những chiếc xe buýt nối đuôi nhau từ Detroit đến nơi làm việc mới của cha, chở theo núi thư từ của các tín hữu trên khắp nước Mỹ. Một người kể lại: “Sự hiện diện của cha Solanus mang đến sự thanh thản. Ngài để lại cảm giác vô cùng an bình và tuyệt vời trong tim những người mà mình kề cận”. Sau khi nghe câu chuyện của mỗi người, cha Solanus thường nói rằng “chúng ta hãy cầu nguyện và xem Thiên Chúa muốn làm như thế nào”.
Ðến nay, các thư từ khắp chốn vẫn được gửi đều đặn đến mộ của cha Solanus. Bà Shirley Wilson, 78 tuổi, kể lại mình thường xuyên cầu nguyện, mong ngài chuyển cầu giúp cháu trai tìm được thận thích hợp. Và người cháu đã được như ý nguyện cách đó vài tuần. “Tôi tin vào phép lạ”, bà nói.
Bếp ăn Capuchin Cha Solanus Casey, người tiếp tân tại tu viện thánh Bonaventure, luôn muốn chia sẻ bữa ăn với bất kỳ người nào đứng trước cửa tu viện ở TP Detroit, bang Michigan (Mỹ). “Họ đói rồi; hãy lấy cho họ một ít súp nóng và bánh mì kẹp”, cha Casey thường xuyên bảo các huynh đệ trong dòng. Ngày càng có nhiều người bị đói hơn vào năm 1929, thời điểm khởi đầu của cuộc Ðại suy thoái về kinh tế tại Mỹ. Ðó cũng là lúc cha Casey nảy ra ý tưởng mở bếp ăn miễn phí ở cuối phố, chia sẻ miếng ăn với những người đang đói ngấu. Theo trang tin Crux, có lúc phải hơn 2.000 người sắp hàng chờ đến lượt được phát súp trong một buổi. Thế là các vị tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin biết rằng phải có giải pháp thích đáng. Họ kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, và cùng nhau mở nhiều điểm phát súp cho những người cần đến. Hiện các nhà bếp thiện nguyện dạng này vẫn tiếp tục được mở cửa tại nhiều nơi ở Detroit, tiếp nối truyền thống tốt đẹp mà cha Casey đã tạo dựng. |
ÐỊNH NGUYỄN
Bình luận