Các vị Giêsu hữu là những người đầu tiên khám phá và giải mã tính chất vật lý của hiện tượng bão tố.
Tháng 6 đánh dấu sự khởi đầu của mùa bão Đại Tây Dương ở Bắc Bán Cầu, kèm theo đó là một số nghiên cứu mới về những người đầu tiên khám phá tính chất vật lý của các cơn bão. Đó là các linh mục dòng Tên.
Giải thích hiện tượng “mắt bão”
Theo trang tin Aleteia, sự xoay tròn của một cơn bão đến từ cái gọi là Hiệu ứng Coriolis, xuất phát từ dạng hình cầu của Trái đất và sự xoay quanh trục của nó. Trong khi Trái đất xoay gần như không tạo ra bất kỳ chuyển động nào ở hai cực bắc và nam, diễn biến ở vùng xích đạo lại hoàn toàn ngược lại, đạt tốc độ nhanh chóng mặt. Lý do chính là các điểm ở xích đạo hoàn tất vòng quanh trong vòng 24 giờ.
Việc bề mặt Trái đất thay đổi cùng với vĩ độ đồng nghĩa với thực tế không khí ào ạt đổ về vùng áp suất khí quyển thấp sẽ bị bẻ cong thành hình tròn xung quanh vùng áp suất thấp đó. Kết quả là gió cứ xoay quanh khu vực áp suất thấp, tạo thành “mắt bão”.
Trước đó, giới khí tượng học từ lâu vẫn cho rằng nhà khí tượng kiêm vật lý học người Anh George Hadley (1685-1768) là người đầu tiên nghĩ ra hiệu ứng trên, dựa vào báo cáo ông viết năm 1735. Và phải đợi đến đầu thế kỷ 19, nhà vật lý kiêm toán học người Pháp Gaspard-Gustave de Coriolis mới trình bày thành công cơ chế toán học chi tiết của hiệu ứng mắt bão. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà khoa học dòng Tên lại là những người tìm hiểu và khám phá hiệu ứng đó trước Hadley cả thế kỷ
Tu sĩ dòng Tên Guy Consolmagno, Giám đốc Đài Thiên văn Vatican, và học giả Christopher M. Graney đang làm việc ở đài gần đây công bố công trình nghiên cứu của các nhà khoa học dòng Tên về cơ chế mắt bão. Báo cáo được đăng tải trên chuyên san về lịch sử Giáo hội Công giáo The Catholic Historical Review, ấn bản đã có từ 100 năm do Nhà xuất bản Đại học Công giáo Mỹ phát hành.
Phát hiện quan trọng
Thế kỷ 17, việc Trái đất có xoay quanh trục hay không là một câu hỏi thu hút nhiều sự quan tâm. Nhà bác học Nicolaus Copernicus cho rằng có, và thuyết nhật tâm của ông, Trái đất xoay quanh Mặt trời cùng với các hành tinh khác như sao Kim, sao Hỏa. Thế nhưng, cảm giác chung của con người khi ấy là Trái đất vẫn đứng yên. Suy cho cùng, nếu một người sống gần xích đạo, việc Trái đất xoay quanh trục lẽ ra phải đẩy họ lao về phía trước với tốc độ 1.600 km/giờ. Vậy tại sao con người cảm thấy mình không hề dịch chuyển trong quá trình đó? Những người ủng hộ Copernicus tranh luận rằng chúng ta không thể phát hiện chuyển động của Trái đất vì tất cả mọi thứ đều đang cùng nhau di chuyển.
Sách của cha Claude François Milliet Dechales |
Năm 1612, Galileo Galilei đã đạt được nhiều phát hiện trong quá trình quan sát bằng kính viễn vọng và thiên về thuyết nhật tâm của Copernicus. Cũng vào thế kỷ 17, khả năng cao Trái đất xoay cũng được các linh mục Dòng Tên cân nhắc, trong đó có cha Christoph Scheiner, cha Giovanni Battista Riccioli và cha Claude François Milliet Dechales. Họ tìm cách phân tích chuyện gì xảy ra nếu Trái đất xoay. Các cha phát hiện, nếu đúng như vậy, mọi thứ sẽ không di chuyển cùng nhau. Họ hiểu rằng đường xích đạo sẽ di chuyển nhanh hơn hai cực.
Các cha Scheiner, Riccioli và Dechales mỗi vị đều góp phần mình vào nỗ lực tìm hiểu cơ chế xoay quanh Trái đất, và thể hiện ý tưởng của bản thân trong những quyển sách khác nhau. Sách của cha Scheiner xuất bản năm 1614, cha Riccioli năm 1651, cha Dechales năm 1674. Các vị linh mục không nghĩ đến việc không khí và gió chuyển động theo những hướng khác nhau, nhưng lại dùng hình tượng các quả đại bác được khai hỏa theo những hướng khác biệt.
Các vị linh mục dòng Tên tìm cách phân tích chuyện gì xảy ra nếu Trái đất xoay |
Bằng cách đó, các vị Giêsu hữu đã tìm ra Hiệu ứng Coriolis. Điều thú vị là quan điểm của những vị linh mục cho rằng hiệu ứng trên chỉ tồn tại nếu Trái đất xoay. Đến đầu thế kỷ 20, một linh mục dòng Tên khác cũng tìm cách nghiên cứu Hiệu ứng Coriolis. Tên của ngài là Johann Georg Hagen, cha cũng là tu sĩ dòng Tên đầu tiên trở thành Giám đốc Đài Thiên văn Vatican. Cha phát triển những cuộc thí nghiệm mới và thiết kế những thiết bị mới để nghiên cứu hiệu ứng trên. Cha đã làm điều đó ở Vatican và xuất bản sách để công bố phát hiện của mình.
Vì thế, khi nghe đến bão tố và những cơn gió, hãy nghĩ về các cha Scheiner, Riccioli và Dechales. Họ đã suy ngẫm về tính chất vật lý đằng sau các cơn bão cách đây khoảng 400 năm và góp phần bổ sung vào kho tàng tri thức của nhân loại về các hiện tượng thiên nhiên.
HỒNG HOANG
Bình luận