Ngày 15.1, ngài thăm xứ đạo Santa Maria a Setteville di Guidonia ở ngoại ô phía đông thành Rome. Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha trở lại khu ngoại ô Setteville. Lần đầu vào ngày 16.3.2014, ngài đã thăm giáo xứ Santa Maria dell’Orazione; hình ảnh gây xúc động vào dịp này là ngài ôm hôn một trẻ em tật nguyền. Trong Năm thánh Lòng Thương xót, ngài đã tạm ngưng chương trình thăm các giáo xứ ở Rome. Giáo phận Rome có 334 giáo xứ. Thánh Gioan Phaolô II, trong gần 27 năm làm Giám mục giáo phận này, đã viếng thăm được hơn 300 xứ đạo. Trong gần 4 năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăm được 9 giáo xứ.
Giáo hội Pháp hỗ trợ sinh viên Iraq
Hội đồng Giám mục Pháp dành 1,4 triệu euro để viện trợ các sinh viên tại thành phố Kirkud, Iraq. Dự án này được sự cộng tác của Hội Đông phương và nằm trong chương trình giúp đỡ giới trẻ Iraq để họ khỏi phải tìm đường xuất cư trước tình cảnh rất khó khăn của đất nước. Cụ thể, các sinh viên được trợ giúp ăn ở trong thời gian theo học tại Kirkud. Trong thời gian qua đã có 150.000 người phải tị nạn. Họ rời bỏ miền Mosul ở mạn bắc Iraq và vùng bình nguyên Ninive để chạy đến vùng Erbil. Nhưng tại Erbil, việc giáo dục được thực hiện bằng tiếng Kurd, ngôn ngữ mà những người tị nạn Chaldé không nắm vững. Do quyết định của Bộ Giáo dục Iraq, các sinh viên nói tiếng Ả-rập được chuyển đến phân khoa ở thành phố Kirkud. Trong niên khóa 2015-2016, có 400 sinh viên di chuyển đến thành phố này.
Hãy đối xử với người tị nạn như những con người
Sau vụ nổi loạn ngày 2.1 tại một trại tị nạn ở Cona thuộc tỉnh Venezia, đông bắc Ý, vì một phụ nữ trẻ người Bờ Biển Ngà trong trại tử vong vì không được chữa trị kịp thời, Đức Hồng y Francesco Montenegro, Tổng Giám mục giáo phận Agrigento, nam Ý, kêu gọi đối xử với người tị nạn như những con người. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo La Stampa ngày 5.1, Đức Hồng y Montenegro nói: “Khi nhìn cảnh tượng nổi loạn, chúng ta có lý để nói rằng những hành vi phản đối bạo lực như vậy không bao giờ được xảy ra. Nhưng chúng ta cũng nên cố gắng đặt mình vào thân phận di dân, nhìn tình cảnh sống của họ trong trung tâm tiếp đón này. Chúng ta không thể đối xử với con người như những con vật”. Đức Hồng y đề nghị chính phủ Ý đừng lập những trại quá lớn hàng ngàn người, nhưng chia thành những trại nhỏ chừng 100 người tại các vùng khác nhau. Hiện trại này có khoảng 1.000 người tị nạn sống chen chúc. Trả lời về tình trạng trong số những người di dân cũng có những kẻ bất lương, thậm chí liên quan đến những tổ chức khủng bố, Đức Hồng y đáp: “Có thể là như thế, nhưng cũng như trong số những người Ý di cư sang Mỹ, cũng có một số kẻ là mafia. Về điểm này, cần canh chừng, cảnh giác và đừng vơ đũa cả nắm”.
Tổng thống và Thủ tướng Đức tiếp các Ca viên Ngôi sao
Trong hai ngày 6 và 9.1, Tổng thống Đức Joachim Gauck và Thủ tướng nước này Angela Merkel, đã tiếp kiến và cám ơn các thiếu nhi tham dự chiến dịch Lễ Ba Vua giúp đỡ các trẻ em nghèo trên thế giới. Trong những ngày qua, các em đã mặc y phục như Ba Vua để đến tư gia hát thánh ca và chúc mừng, lạc quyên từ thiện, đặc biệt là tài trợ các dự án giúp đỡ trẻ em nghèo tại Đức và nhiều nước khác ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh và Đông Âu. Chiến dịch do Hội Giáo hoàng Nhi đồng truyền giáo và Liên hiệp Giới trẻ Công giáo Đức tổ chức từ năm 1959. Hồi năm 2015, các em đã lạc quyên được 46,2 triệu Euro.
Tặng 50.000 cuốn “Hình ảnh lòng thương xót”
Văn phòng Bác ái của Đức Thánh Cha đã phân phát 50.000 sách bỏ túi “Hình ảnh lòng thương xót” (Icone di Misericordia) cho các tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Hiển Linh, 6.1.2017, tại Quảng trường thánh Phêrô. Cuốn sách như một thành quả nhỏ của Năm Thánh Lòng Thương Xót, chứa đựng một số suy tư và kinh nguyện về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Hình ảnh Chúa Giêsu Thương Xót được trình bày qua 6 giai thoại Tin Mừng kể lại kinh nghiệm của 6 người đã được tình yêu của Chúa biến đổi, đó là ông Giakêu, Matthêu người thu thuế, người phụ nữ xứ Samaria, người trộm lành, sau cùng là Tông đồ Phêrô.
Diễn đàn Công giáo và Chính Thống châu Âu lần V tổ chức ở Paris
Diễn đàn Công giáo và Chính Thống châu Âu lần V diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp từ ngày 9 đến 12.1. Diễn đàn do Liên Hội đồng Giám mục châu Âu tổ chức với sự tham dự của 12 đại diện các Giáo hội Chính Thống giáo châu Âu và 12 đại diện của Giáo hội Công giáo. Bối cảnh của Diễn đàn là châu lục này đang lo sợ nạn khủng bố và đương đầu với xu hướng cực đoan đang lan rộng. Các vị lãnh đạo Chính Thống giáo và Công giáo suy tư về tình hình thời sự; về vai trò của Kitô giáo và đối thoại đại kết; giá trị của con người và tự do tôn giáo.
Loại bỏ nguyên nhân làm người dân sơ tán khỏi châu Phi
Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám mục giáo phận Cologne, Đức kêu gọi tăng cường loại bỏ các nguyên nhân gây nên làn sóng người tị nạn từ châu Phi. Đức Hồng y Woelki nói: “Nếu không thành công trong việc cải thiện cuộc sống của người dân ở châu Phi, thì sẽ không loại trừ được làn sóng tị nạn và sẽ có thêm nhiều thuyền nhân chết tại Địa Trung Hải”. Đức Hồng y Tổng Giám mục giáo phận Cologne cũng kêu gọi các nước giàu trên thế giới ý thức trách nhiệm đối với các nước nghèo hơn và dấn thân cải tiến điều kiện sinh sống ở châu Phi để mở ra cho dân chúng tại đại lục này một tương lai tươi sáng hơn.
Đức Hồng y Woelki bày tỏ lập trường trên trong cuộc viếng thăm ông bà Catrambone, người đã thành lập tổ chức Trợ giúp người tị nạn hải ngoại gọi tắt là MOAS (Migrant Offshore Aid Station). Cuộc viếng thăm diễn ra ở nhà thờ Santa Maria tại thành phố Cologne. Tổng giáo phận này vẫn hỗ trợ tổ chức MOAS trong việc gửi tàu hoạt động ở Địa Trung Hải để cứu vớt các thuyền nhân.
Hội nghị về việc buôn bán nội tạng người
Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Khoa học tổ chức hội nghị quốc tế tại Vatican về việc buôn bán nội tạng và du lịch để ghép nội tạng. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 8 và 9.2 tại nhà Piô IV ở nội thành Vatican với sự tham dự của các chuyên gia đến từ hơn 20 quốc gia. Các tham dự viên sẽ xác định tầm mức của vấn đề với chứng từ của một số chứng nhân trực tiếp trong số các tham dự viên đến từ những nước có dịch vụ ghép nội tạng cho khách hàng. Hội nghị cũng tìm cách mời gọi sự can thiệp của các tác nhân quan trọng liên quan đến việc bài trừ tình trạng này như viên chức nhà nước, giới điều tra, thẩm phán và phóng viên. Họ là những người có ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến chống nạn buôn bán nội tạng.
Các tham dự viên được chia thành 6 nhóm, gồm châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á để thảo luận và đề nghị các giải pháp cho vấn đề tương ứng với nhu cầu của mỗi miền. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng tố giác nạn buôn bán nội tạng người và nạn buôn người mà ngài gọi là “những hình thức nô lệ mới trong thế kỷ 21”.
Bình luận