Đại diện Tòa Thánh tại các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, vừa chỉ trích những xu hướng sai trái trong thể thao và đề cao lý tưởng của Olympic. Ngài nhận xét: “Đáng tiếc là ngày nay thể thao thường gắn liền với kinh tế cạnh và tranh thái quá, bạo lực trong khi những đại hội thể thao như Olympic vốn được tổ chức nhằm phát triển nhân quyền. Để đối phó với vấn đề này, chúng ta cần liên kết và quyết tâm phản đối mọi khía cạnh sai trái”.
![]() |
Đức Tổng Giám mục Jurkovic cũng kêu gọi áp dụng hoặc củng cố các chương trình hiện có để cung cấp nhiều cơ hội hơn và loại trừ những hàng rào ngăn cản lý tưởng thể thao cho mọi người, đặc biệt với trẻ em, nữ giới và người khuyết tật. Về phương diện này, các cuộc tranh tài tại Paralympic là một cơ hội để người khuyết tật thể hiện tài năng, bất chấp những giới hạn của họ.
Linh mục là người của Lòng Thương Xót
Đây là chủ đề của Đại hội quốc tế các linh mục nhân Năm Thánh Lòng thương xót tiến hành tại trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức trong hai ngày 4 và 5.7. Đại hội tiến hành dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng y Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ. Trong thời gian Đại hội, đã có những thuyết trình và thảo luận về các đề tài: “Linh mục, người của Lòng Thương Xót”, do Đức Hồng y Beniamino Stella trình bày; “Linh mục, người phục vụ sự hòa giải” do Đức cha Jean Philippe Nault, Giám mục giáo phận Digne, Pháp; “Lòng trung thành với Giáo hội và Đức bác ái mục tử” do cha Michel, thuộc dòng Đức Mẹ Sự Sống trình bày; Đức cha Dominique Marie Jean Denis You, Giám mục giáo phận Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Araguaia, Brazil, nói về chủ đề “Người nghèo, trường học của Lòng Thương xót”.
Châu Âu cần thay đổi chính sách về người tị nạn
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican ngày 1.7, Đức Hồng y Antonio Maria Veglio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Mục vụ Di dân bày tỏ hy vọng nhiều tai nạn gần đây mà những người nhập cư lậu gặp phải ở Địa Trung Hải có thể giúp các vị hữu trách của châu Âu nghĩ đến một chính sách mới mạnh mẽ và xác tín hơn để giúp đỡ các dân tộc nghèo khổ. Ngài nhận định chính tình trạng nghèo khổ cùng cực là nguyên nhân khiến cho nhiều người tìm cách ra đi. Đức Hồng y lấy làm tiếc vì ở Ý nhiều người không muốn biết đến khủng hoảng người nhập cư ở châu lục.
![]() |
582 triệu euro cho các dự án mục vụ và xã hội
Trong năm 2015, các cơ quan từ thiện và các dòng truyền giáo ở Đức đã tài trợ 582 triệu euro cho các dự án mục vụ và xã hội trên thế giới. Theo phúc trình thường niên do Hội đồng Giám mục Đức công bố mới đây, ngân khoản vừa nói tăng thêm 40 triệu euro so với năm 2014, tức là tăng thêm 8%. Ngoài ra, nhiều cộng đoàn giáo xứ, hội đoàn và trường học Công giáo cũng có những hoạt động tài trợ cho các dự án nhỏ ở cấp địa phương tại nhiều nơi trên thế giới nhưng không được ghi trong phúc trình này.
Kỷ lục mới về số tiền lạc quyên
Trong năm 2015, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ quyên được 124 triệu euro, tức là tăng thêm 18 triệu euro so với năm 2014. Theo tổ chức này, tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô giáo, nhất là tại Trung Đông, đã làm gia tăng sự sẵn sàng trợ giúp của các ân nhân. Với ngân khoản trên, tổ chức đã tài trợ cho 6.209 dự án tại 146 quốc gia, tức là tăng thêm gần 600 dự án, tương đương 13% so với năm 2014.
Đoàn hành hương “Giáo hội với Phụ nữ”
Ngày 29.6, đoàn hành hương “Giáo hội với Phụ nữ” đã đến Rome sau chuyến đi bộ dài hai tháng. Đoàn gồm 8 nữ và 1 nam đã khởi hành từ thành phố Saint-Gall, Thụy Sỹ vào ngày 2.5. Những ngày sau cùng của cuộc hành hương đã xảy ra nhiều sự cố. Một thành viên của đoàn bị gãy tay, nhưng nhất quyết không bỏ cuộc. Chuyến hành hương đã có nhiều cuộc gặp gỡ bất ngờ, chẳng hạn như gặp các phụ nữ mại dâm đến từ Ghana, Nigeria hay Romania. Trên đoạn đường cuối cùng dài 17 km từ Laboro đến Vatican, khoảng 50 thành viên Liên hiệp Phụ nữ Công giáo Thụy Sỹ đã nhập vào đoàn. Khi đoàn phụ nữ Thụy Sỹ đi bộ men theo dòng sông Tibre, nhìn thấy mái vòm Đền thờ Thánh Phêrô, mọi người đều rất cảm động. Bà Hildegard Aepli, người khởi động sáng kiến đi bộ, nói: “Đến được đích là thời khắc nhiều cảm xúc. Mọi người đều mệt mỏi nhưng vẫn đi tới cùng”.
![]() |
Bước tiến quan trọng
Công đồng liên Chính Thống giáo nhìn nhận Công giáo là Giáo hội và sự kiện này được chào mừng như một bước tiến quan trọng trong chiều hướng đại kết. Lập trường trên được trình bày trong văn kiện chung kết của Công đồng liên Chính Thống giáo, được gọi là Thông điệp, công bố hôm 26.6 sau một tuần nhóm họp từ Chúa nhật 19.6 tới 27.6.2016 tại đảo Crete, Hy Lạp.
Cho đến nay, một số Giáo hội Chính Thống giáo vẫn coi Công giáo là ly giáo. Sử gia Chính Thống giáo Antoine Arjakovsky, chuyên gia và là người đã theo dõi Công đồng liên Chính Thống giáo cho biết một số văn kiện ngay từ đầu không chắc có thể được Công đồng thông qua hay không, trong số này có văn kiện về đại kết. Theo ông, sự kiện văn kiện đại kết được Công đồng chấp nhận là một chiến thắng lớn, nhất là văn kiện này nhìn nhận cộng đồng Công giáo là Giáo hội. Điều này báo hiệu một sự xích lại gần nhau nhiều hơn giữa Công giáo và Chính Thống giáo.
Càng ngày càng có nhiều người Á châu hành hương đi bộ dọc theo con đường dẫn về mộ Thánh Giacôbê Tông đồ ở thành phố Santiago de Compostela, tây bắc Tây Ban Nha. Theo Asianews, trong năm 2015 có hơn 4.000 người Hàn Quốc đi theo con đường Compostela; 300 người Nhật; sau đó là Singapore và Trung Quốc. Số tín hữu Công giáo Hàn Quốc đến hành hương tại những nơi khác ở châu Âu cũng gia tăng, nhất là tại nhiều điểm ở Pháp: Lộ Đức; Lisieux với Thánh Nữ Têrêxa hài đồng Giêsu; Núi Saint-Michel ở miền tây bắc Pháp; nhà nguyện Ảnh Vẩy Phép Lạ của dòng Nữ tử Bác Ái, cũng như trụ sở Hội Thừa sai Paris, cả hai đều ở Rue du Bac.
![]() |
Cần nền luân lý đạo đức
Đức Tổng giám mục Socrates Villegas, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines tuyên bố rằng các giám mục nước này muốn cộng tác với Chính phủ để mưu ích cho dân chúng. Nhân dịp tân Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức hồi cuối tháng 6, Đức Tổng giám mục nói: “Với tư cách là người Philippines và là người Công giáo, chúng tôi có cùng quan điểm, nhưng chúng tôi sẽ cảnh giác, vì sự kiểm soát chính là cái giá lớn của tự do. Chúng tôi sẽ cống hiến những phê bình và tố giác những sai lầm. Xin quý vị đừng coi chúng tôi như kẻ thù, nhưng như những người bạn, người anh em muốn thấy các nhà chính trị đạt tới những mục tiêu của họ trong sự thành công”. Đức cha Villegas bày tỏ cần có một hệ thống kiểm soát thực sự và một nền luân lý đạo đức chân chính trong Chính phủ.
Cụ thể hóa lòng bác ái
Trong buổi tiếp kiến chung sáng 30.6, qua bài huấn dụ về đề tài “các công việc bác ái”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bày tỏ lòng thương xót qua các công việc cụ thể: “Điều làm cho lòng thương xót sinh động chính là động thái liên lỉ đáp ứng nhu cầu và sự cần thiết của những người nghèo khổ về tinh thần và vật chất. Lòng thương xót có mắt để thấy, có tai để nghe, có đôi tay để nâng đỡ”. Đức Phanxicô nhận xét: “Trong thế giới toàn cầu hóa, nạn nghèo đói vật chất và tinh thần gia tăng, vì thế chúng ta cần có sáng tạo về đức bác ái để đề ra những hình thức hành động mới. Nhờ đó con đường thương xót sẽ luôn trở nên cụ thể hơn”.
Bình luận