Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các giới hữu trách công nghệ khai thác mỏ hãy cải tổ toàn diện, nhất là tại các nước nghèo nhất, để tôn trọng quyền lợi của các cộng đoàn địa phương và bảo vệ môi trường.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên trong sứ điệp chào mừng các tham dự viên cuộc hội thảo quốc tế tại Vatican từ ngày 17 đến 19.7.2015 về chủ đề “Giáo hội và các quặng mỏ: hiệp với Thiên Chúa chúng ta lắng nghe một tiếng kêu”.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha được Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, là cơ quan tổ chức cuộc hội thảo, tuyên đọc trong buổi khai mạc sáng ngày 17.7.2015. Đức Thánh Cha viết:
Các trẻ em ở Châu Phi phải lao động cực nhọc |
“Anh chị em đã muốn họp nhau ở Roma trong ngày suy tư này liên quan đến một đoạn trong Tông huấn “Niềm vui Phúc Âm” để làm vang vọng tiếng kêu của nhiều cá nhân, gia đình và cộng đoàn, đang chịu đau khổ trực tiếp hoặc gián tiếp, vì những hậu quả tiêu cực của các hoạt động khai thác quặng mỏ. Một tiếng kêu cho những vùng đất bị mất; một tiếng kêu vì sự khai thác tài nguyên phong phú từ lòng đất, nhưng không mang lại sự sung túc cho dân chúng địa phương, khiến họ tiếp tục ở trong tình trạng nghèo khổ; một tiếng kêu đau thương phản ứng lại bạo lực, những đe dọa và tham nhũng; một tiếng kêu phẫn nộ và kêu cứu vì những vi phạm các quyền con người, bị chà đạp trắng trợn hoặc kín đáo, liên quan đến sức khỏe của dân chúng, các điều kiện làm việc, và nhiều khi làm nô lệ vì nạn buôn người, nuôi dưỡng hiện tượng mại dâm thê thảm; một tiếng kêu đau buồn và bất lực vì sự ô nhiễm nước, không khí và đất; một tiếng kêu không được cảm thông vì không có những tiến trình bao gồm và nâng đỡ từ phía các chính quyền dân sự, địa phương và quốc gia, là những người có nhiệm vụ cơ bản phải thăng tiến công ích”.
Đức Thánh Cha cũng khẳng định: “Toàn bộ lãnh vực khai thác mỏ chắc chắn được kêu gọi thực hiện một sự thay đổi toàn bộ mô hình của mình để cải tiến tình trạng tại nhiều nước. Có thể cộng tác vào công trình này, có các chính quyền của những nước nguyên quán của các công ty liên quốc và những nước nơi các công ty ấy hoạt động, các giới chủ xí nghiệp và những nhà đầu tư, các chính quyền địa phương canh chừng hoạt động khai thác mỏ quặng, các công nhân và các đại diện của họ, các chuỗi cung ứng quốc tế với những người trung gian khác nhau, những người tiêu thụ hàng hóa đối tượng của các hoạt động khai thác khoáng sản. Tất cả những người ấy được kêu gọi hãy có một thái độ được linh hoạt nhờ sự kiện chúng ta họp thành một gia đình nhân loại duy nhất, “Tất cả có liên hệ với nhau, và sự chăm sóc đích thực cho chính cuộc sống chúng ta cũng như các quan hệ của chúng ta với thiên nhiên là điều không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công lý và lòng trung thành đối với người khác”.
Bóc lột lao động ở trẻ em là vấn đề cần giải quyết |
Tham dự cuộc hội thảo có khoảng 30 đại diện các cộng đoàn bị thương tổn vì quặng mỏ, từ Mỹ châu đến Á châu, qua Phi châu. Ngoài ra cũng có đại diện của một số HĐGM, các dòng tu và CIDSE là liên hiệp quốc tế các tổ chức phát triển và liên đới.
Đức Hồng y Peter Turkson cho biết sinh hoạt này nhằm phối hợp các sáng kiến khác nhau trên bình diện địa phương để tiến tới một sáng kiến mới trên bình diện quốc tế, nhân danh Tòa Thánh, để có thể đối thoại với các giới lãnh đạo các công ty khai thác quặng mỏ.
Trong cuộc họp báo giới thiệu cuộc hội thảo này với giới báo chí ban sáng cùng ngày 17.7, một số nạn nhân của các hoạt động khai thác quặng mỏ ở Ấn Ðộ, Brazil, Chilê và Cộng hòa dân chủ Congo, đã trình bày chứng từ. Bà Patricia Generoso Thomas, người Brazil, đã giải thích về sự kiện một xí nghiệp quặng mỏ đã làm ô nhiễm nước uống tại thành phố nơi bà sinh sống ở bang Minas Gerais.
Ông Héritier Wembo Nyamo, người Congo, thuật lại sự kiện ông bị quăng vào lửa, bị tra tấn và dọa giết vì đã biểu tình và đòi một môi trường để làm việc sau khi một công ty liên quốc đến khai thác quặng mỏ kim loại đã trục xuất nhiều dân cư trong vùng. Hiện nay, ông Nyamo không thể hành nghề tìm vàng nữa. Ông nói “Tôi có vợ con và một em gái phải nuôi”.
Tại cuộc họp báo Đức Hồng y Turkson đã tố giác những áp lực, và dọa nạt mà một số tham dự viên đã phải chịu, sau khi xin hộ chiếu. Nhiều người khác bị bạo hành, bị giết hoặc bị trả thù. Tin về những sự kiện đó đã được gởi tới Hội đồng Tòa Thánh. Đức Hồng y nói cần phải đón nhận tiếng kêu của những người bị sách nhiễu như thế do những kẻ làm việc mà không theo đuổi một mục tiêu thực sự là nhân bản. Trách nhiệm về những vụ ấy chính là những người đầu tư, các chủ xí nghiệp, ngân hàng chính trị gia và chính quyền của những nước có các quặng mỏ hoặc những nước có trụ sở trung ương của các công ty liên quốc về quặng mỏ.
PV
Bình luận