Hành trình ngàn năm của các Kitô hữu ở Iraq

Cần làm nhiều điều để khôi phục lại cộng đồng Kitô giáo ở Iraq, mà sự tồn tại của họ có thể lần ngược về thời của Chúa Giêsu cách đây khoảng 2.000 năm.

Một số đã phải ly tán sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu xâm lược Iraq, giao tranh bùng nổ, những người khác thiệt mạng trong các vụ xung đột sắc tộc, và tiếp tục có nhiều người phải rời xa quê hương sau các vụ tấn công khủng bố… Chỉ mất chưa đến 2 thập niên, bom đạn và bạo lực gần như khoét rỗng cộng đồng Kitô hữu vốn được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác suốt 2 thiên niên kỷ.

Sau lần đầu tiên định cư ở vùng bình nguyên màu mỡ của tỉnh Nineveh trước khi chuyển đến những đại lộ đông đúc của thủ đô Baghdad, hơn 1 triệu Kitô hữu bị đẩy vào tình trạng sống tha hương vì những cuộc xung đột kéo dài và liên tục ở Iraq. “Khi mới 24 tuổi, tôi đã sống sót qua 3 cuộc chiến”, AFP dẫn lời bà Sally Fawzi, một tín hữu Công giáo Canđê đã rời Iraq cách đây hơn 10 năm và hiện định cư ở bang Texas (Mỹ).

Một số thành viên của cộng đồng Kitô giáo lâu đời của Iraq đã trốn chạy đến khu tự tri của người Kurd gần đó, số khác kiên nhẫn chờ đợi ở nước láng giềng Jordan, với hy vọng sẽ đến ngày có thể di dân và tái định cư ở những quốc gia xa xôi như Úc. Nhiều tín hữu từ lâu đã mất đi niềm hy vọng về một ngày Iraq có thể đạt được hòa bình và các tôn giáo chung sống hòa bình ở mảnh đất từng là cái nôi của nền văn minh cổ xưa của nhân loại.

Cộng đồng Kitô của Iraq là một trong những cộng đồng cổ xưa nhất và đa dạng nhất trên thế giới, với Giáo hội Công giáo Canđê, Chính Thống giáo Armenia, Tin Lành và những nhánh khác của Kitô giáo. Năm 2003, thời điểm nhà lãnh đạo Saddam Hussein bị lật đổ, khoảng 1,5 triệu trong số 25 triệu người dân nước này là Kitô hữu, chiếm 6% dân số. Tuy nhiên, trong khi dân số Iraq tăng mạnh, cộng đồng thiểu số đó lại giảm đi.Cộng đồng Kitô xa xưa

Ngày nay, chỉ còn khoảng 400.000 Kitô hữu tại quốc gia hơn 40 triệu dân, theo ông William Warda, nhà đồng sáng lập Tổ chức Nhân quyền Hammurabi. Trong số những tín hữu di cư, gần nửa triệu người tái định cư ở Mỹ. Những người khác sống tản mát ở Canada, Úc, Na Uy và những khu vực khác của châu Âu.

Làn sóng đầu tiên

Bà Rana Said, 40 tuổi, nhớ lại mình đã cố gắng bám trụ quê hương đến mức nào, trước khi phải chạy khỏi Iraq. Dì và cậu của bà đã thiệt mạng khi trúng đạn của lính Mỹ trên đường phố Mosul năm 2007. Thế nhưng, vào thời điểm đó, bà Rana vẫn ở lại thành phố với chồng là ông Ammar al-Kass, 41 tuổi, một bác sĩ thú y. Năm tiếp theo, trong bối cảnh Iraq rơi vào vòng xoáy của các cuộc xung đột tôn giáo, một loạt các vụ ám sát, tín hữu Kitô cũng trở thành mục tiêu sát hại, đã đẩy gia đình Kass đến một nơi an toàn hơn là khu tự trị của người Kurd.

Tuy nhiên, khu vực này ngày càng trở nên bất ổn. Hai vợ chồng quyết định rời khỏi quê hương và tái định cư ở Úc. Tại đây, họ nhanh chóng tìm được việc làm và nuôi dạy 3 con gái là Sara (10 tuổi), Liza (6 tuổi) và Rose (3 tuổi). Các con của họ chưa bao giờ đến Iraq, dù ở nhà chúng nói thành thạo tiếng Ả Rập và tiếng Assyria, ngôn ngữ cổ từ thời Chúa Giêsu.

Một năm sau khi họ tái định cư, các tay súng Hồi giáo cực đoan của IS đã càn quét thành phố quê hương. Ở cách Iraq nửa vòng Trái đất, gia đình họ theo dõi những gì diễn ra ở Mosul trong nỗi kinh hoàng cùng cực. “Ðối với chúng tôi, việc thành Mosul thất thủ không phải là chuyện có thể dễ dàng chấp nhận”, ông Ammar nhớ lại, nhất là thời điểm IS phá hủy di sản vô giá của Iraq là nhà thờ Ðức Bà Mosul. “Ðó là nơi cha mẹ tôi tổ chức đám cưới, nhưng nhà thờ đã bị san bằng đến tận gốc rễ”, ông đau xót kể. Ông Ammar cố gắng không để vợ mình, lúc đó đang mang thai bé Liza, đến gần máy tính hoặc điện thoại, vì sợ bà có thể bị sốc và gây ảnh hưởng cho cả hai mẹ con.

Nhà thờ cổ của Chính Thống giáo ở TP Tikrit, xây dựng từ thế kỷ thứ 7

Khó khăn chồng chất

Trong lúc các gia đình trẻ tuổi tháo chạy khỏi Iraq, họ thường bỏ lại sau lưng những thân nhân cao tuổi, theo ông Warda, đồng sáng lập Tổ chức Nhân quyền Hammurabi. “Một gia đình Kitô hữu thường có khoảng 5 thành viên. Giờ đây con số này giảm xuống 3”, ông cho biết. Tại Baghdad, một cộng đồng từng đông đúc với khoảng 750.000 người theo Kitô giáo, giờ đây giảm đến 90%.

Tong số những người ở lại có cha Younan al-Farid, một linh mục kiên trì ở Baghdad sau khi em trai của ngài di cư đến Canada và em gái tái định cư tại Mỹ. Cha Farid cho biết, khoảng 30% số nhà thờ tại Iraq bị đóng cửa vì số tín hữu giảm mạnh. Kinh tế xuống dốc, chất lượng cuộc sống trở nên nghèo nàn hơn, và rất nhiều điều cần phải thay đổi nếu muốn khôi phục cộng đồng Kitô giáo như thời xưa. Chính vì vậy, sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, dù chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, thật sự đã mang đến ánh sáng hy vọng và là động lực to lớn để cộng đoàn Dân Chúa ở Iraq tiếp tục hành trình ngàn năm của các bậc tiền nhân.

Nhà thờ ở Mosul bị bom đạn của IS tàn phá - ảnh: AFP

Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi tuyên bố ngày 6.3 sẽ là Ngày lễ quốc gia của sự khoan dung và chung sống, để kỷ niệm cuộc gặp quan trọng giữa Ðức Thánh Cha Phanxicô và Ðại Giáo trưởng Hồi giáo Shia Ali Al-Sistani. “Ðể ghi nhận cuộc hội kiến lịch sử ở Najaf giữa Ðại giáo trưởng Ali Al-Sistani và Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, cũng như cuộc hội ngộ liên tôn lịch sử ở cổ thành Ur, chúng tôi quyết định chọn 6.3 là Ngày lễ quốc gia của sự khoan dung và chung sống”, nhà lãnh đạo thông báo trên mạng xã hội Twitter.

Cuộc gặp đã diễn ra tại ngôi nhà khiêm tốn của Ðại giáo trưởng Al-Sistani, 90 tuổi, ở Najaf, thành phố linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo Shia chỉ sau Mecca và Medina. Ðại giáo trưởng Al-Sistani đã phá vỡ truyền thống tiếp kiến trong lúc ngồi để đứng dậy chào đón Ðức Thánh Cha ở tận cửa ra vào. Ðức Phanxicô cũng tháo giày trước khi bước vào phòng.

GIANG VÔ YÊN

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Vị nữ tu  kinh tế gia của Vatican
Vị nữ tu kinh tế gia của Vatican
Giáo sư, nhà kinh tế học Alessandra Smerilli, nữ tu dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ (Salêdiêng Don Bosco) là một trong vài phụ nữ đảm nhiệm các chức vụ cao cấp của giáo triều Rome.
Bệnh viện với phòng bệnh dành riêng cho Ðức Giáo Hoàng
Bệnh viện với phòng bệnh dành riêng cho Ðức Giáo Hoàng
Tại khu vực đặc biệt ở tầng 10, bệnh viện Gemelli của Rome đã điều trị những căn bệnh khác nhau cho hai vị giáo hoàng. Ðức Bênêđictô XVI chỉ ghé thăm nơi này.
Những tín hiệu vui về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng
Những tín hiệu vui về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng
Tình hình sức khỏe của Ðức Phanxicô đang cải thiện theo chiều hướng tốt, phía bệnh viện đã giảm thời gian ngài thở máy không xâm lấn vào ban đêm để thúc đẩy phổi làm việc nhiều hơn.
Vị nữ tu  kinh tế gia của Vatican
Vị nữ tu kinh tế gia của Vatican
Giáo sư, nhà kinh tế học Alessandra Smerilli, nữ tu dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ (Salêdiêng Don Bosco) là một trong vài phụ nữ đảm nhiệm các chức vụ cao cấp của giáo triều Rome.
Bệnh viện với phòng bệnh dành riêng cho Ðức Giáo Hoàng
Bệnh viện với phòng bệnh dành riêng cho Ðức Giáo Hoàng
Tại khu vực đặc biệt ở tầng 10, bệnh viện Gemelli của Rome đã điều trị những căn bệnh khác nhau cho hai vị giáo hoàng. Ðức Bênêđictô XVI chỉ ghé thăm nơi này.
Những tín hiệu vui về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng
Những tín hiệu vui về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng
Tình hình sức khỏe của Ðức Phanxicô đang cải thiện theo chiều hướng tốt, phía bệnh viện đã giảm thời gian ngài thở máy không xâm lấn vào ban đêm để thúc đẩy phổi làm việc nhiều hơn.
FABC ca ngợi hành động vì khí hậu của cộng đồng và giới trẻ
FABC ca ngợi hành động vì khí hậu của cộng đồng và giới trẻ
Giữa các cuộc khủng hoảng sinh thái ngày càng trầm trọng ở châu Á, các giám mục Công giáo đã nêu bật các sáng kiến môi trường từ cộng đồng cơ sở và phong trào khí hậu do giới trẻ dẫn dắt như “những dấu hiệu hy vọng” trong cuộc...
Thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội
Thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội
Gần 1.000 phụ nữ từ các giáo xứ vùng đồi núi và điểm truyền giáo ở miền Bắc Thái Lan đã tham dự Hội thảo chủ đề “Cùng nhau tiến bước, hướng tới Năm Thánh 2025: Những người hành hương hy vọng”, do Ủy ban Công giáo Phát triển Phụ...
Hình ảnh đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi nhập viện
Hình ảnh đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi nhập viện
Ngày 16.3, Phòng Báo chí Tòa Thánh ra thông cáo cho biết Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ Chúa nhật vào buổi sáng tại nhà nguyện ở tầng 10, cạnh phòng bệnh của ngài ở bệnh viện Gemelli (Rome).
Liên kết giải quyết khủng hoảng xã hội - môi trường
Liên kết giải quyết khủng hoảng xã hội - môi trường
Các tổ chức Giáo hội tại châu Á đã lập liên minh khu vực để giải quyết các vấn đề cấp bách về xã hội và môi trường, hướng tới bảo vệ sinh thái, quyền của người bản địa và công bằng kinh tế.
Giáo hội tại Hàn Quốc tiếp bước sứ mệnh thừa sai
Giáo hội tại Hàn Quốc tiếp bước sứ mệnh thừa sai
Ba linh mục thừa sai Hàn Quốc đã được sai đi loan báo Tin Mừng trong thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Phêrô Chung Soon-taek chủ sự, với sự chúc lành của Đức Thánh Cha Phanxicô. Buổi lễ diễn ra ngày 28.2.2025, trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm...
Người bản địa Philippines đối mặt nguy cơ mất đất đai do phát triển kinh tế
Người bản địa Philippines đối mặt nguy cơ mất đất đai do phát triển kinh tế
Một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Truyền thông Xã hội châu Á (Đại học St. John, Bangkok, Thái Lan) cảnh báo các dự án khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp thương mại đang đe dọa đất đai, văn hóa và bản...