Hiệp hội các Nhà khoa học Công giáo (SCS) năm nay đã thảo luận về những vấn đề như trí thông minh nhân tạo, tiến hóa và đức tin.
Hiệp hội các Nhà khoa học Công giáo (SCS) là tổ chức quốc tế được thành lập với mục tiêu thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các nhà khoa học Công giáo và chứng nhân cho sự hòa hợp của đức tin và khoa học. Hội nghị SCS thường niên, năm nay vừa diễn ra tại Đại Chủng viện Mundelein ở tây bắc Chicago (Illinois, Mỹ), đã tiến hành thảo luận những chủ đề “nóng” nhất của thời đại. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cho thấy điều gì về linh hồn con người? Liệu con người thực sự có tự do lý trí hay không?
Mối liên kết giữa khoa học và đức tin
Nhà sáng lập SCS, tiến sĩ Stephen Barr của Đại học Delaware (Mỹ), chia sẻ với hãng tin Công giáo CNA (Catholic News Agency) rằng tổ chức do ông sáng lập năm 2016 giờ đây đã có hơn 2.000 thành viên trên khắp thế giới. Hội nghị thường niên đầu tiên của SCS được thực hiện năm 2017. Trên website chính thức, SCS giới thiệu tổ chức này là câu trả lời cho lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về việc các nhà khoa học hiện là tín hữu Công giáo hãy giúp đỡ những người đang tìm cách hội nhập thế giới khoa học và tôn giáo vào đời sống trí tuệ và tinh thần của bản thân. Bên cạnh đó, SCS tìm kiếm cơ hội cung cấp các tài nguyên giáo dục cho những ai chưa phải là thành viên, thông qua việc đăng lên website những câu trả lời liên quan đến các câu hỏi về đức tin và khoa học.
SCS cũng tổ chức thảo luận những vấn đề của thời đại. Năm trong số 13 buổi thảo luận của SCS 2024 ở Đại Chủng viện Mundelein tập trung vào AI, chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội lẫn Giáo hội. Vatican và Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong những năm gần đây nhấn mạnh việc sử dụng AI một cách có đạo đức, trong khi nhiều tín hữu trên khắp thế giới đang bắt tay vào việc phát triển những công cụ mới để hỗ trợ giảng dạy giáo lý dựa vào công nghệ AI vì mục tiêu lan tỏa đức tin rộng rãi hơn.
Giáo hội song hành với khoa học
Tiến sĩ Barr cho biết một cuộc thảo luận liên quan đến AI rất đáng quan tâm đã được triết gia kiêm nhà toán học Alexander Pruss của Đại học Baylor chủ trì, xoay quanh chủ đề AI và tâm hồn con người. Những nội dung nổi bật khác bao gồm buổi trò chuyện của giáo sư Martin Nowak, nhà sinh học và toán học nổi tiếng của Đại học Harvard, về chủ đề “Phải chăng tiến hóa dẫn con người đến gần Thiên Chúa?”. Giáo sư Suzanne Bohlson, nhà sinh học của Đại học California-Irvine thảo luận về cách thức và nguyên nhân đằng sau xu hướng các nhà khoa học cải đạo sang Công giáo và bản chất của đức tin. Các bài thuyết trình khác tập trung vào những chủ đề như sự tồn tại của ý chí tự do.
Giáo hội Công giáo theo dòng lịch sử luôn chứng minh sự ủng hộ đối với khoa học, tài trợ cho những công trình nhằm phục vụ khoa học như xây Đài Thiên văn Vatican, và tổ chức những hội nghị về đề tài khoa học, bao gồm vật lý lượng tử. Tuy nhiên, tiến sĩ Barr nhận định, bất chấp sự ủng hộ lâu dài của Giáo hội đối với khoa học, ông vẫn gặp những quan niệm sai lầm như ý kiến cho rằng đa số các nhà khoa học là người vô thần. Bên cạnh đó, dù nhiều nhà khoa học theo một tôn giáo, đa số lại cảm thấy không thể chia sẻ đức tin một cách cởi mở tại nơi họ làm việc. “Các nhà khoa học có đạo thường lặng lẽ hơn và có lẽ hành xử thận trọng vì họ chọn sự an ổn… Họ lo ngại có thể rước lấy rắc rối nếu liên hệ tôn giáo với các hoạt động khoa học”, tiến sĩ Barr chỉ ra.
Một trong những mục tiêu chính của hội nghị SCS thường niên là cung cấp diễn đàn cho các nhà khoa học Công giáo có thể gặp gỡ, tăng cường kết nối và phát triển tình hữu nghị, cả khía cạnh tinh thần lẫn trí tuệ. “Nếu cảm thấy bị cô lập, bạn sẽ hành xử khép kín hơn. Chúng tôi muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn đó và cho thế giới cũng như các nhà khoa học khác thấy rằng hiện có nhiều nhà khoa học theo đạo, đặc biệt là đạo Công giáo”, tiến sĩ Barr nhấn mạnh. Nhà sáng lập SCS kỳ vọng tổ chức của ông sẽ giúp đỡ những nhà khoa học Công giáo trẻ tuổi tìm được cộng đồng phù hợp, một cộng đồng có quy mô trải rộng khắp thế giới, từ đó vượt qua cảm giác bị cô lập.
ĐỊNH NGUYỄN
Bình luận