Tổ phụ Abraham chào đời ở Iraq và đây cũng là nơi một con cá lớn đã nuốt chửng tiên tri Giôna. Iraq đích thực là khu vực có nhiều địa điểm từng được nhắc đến trong Kinh Thánh.
Iraq, quốc gia giàu có về lịch sử của Trung Ðông, là quê hương của những địa điểm tôn giáo quan trọng, cho phép người thời nay hiểu thêm về những gì đã xảy ra trước Công nguyên. Dù đến nay giới khảo cổ học vẫn chưa tìm ra dấu vết của Vườn Ðịa Ðàng từng được mô tả trong Sách Sáng Thế, nhưng dựa trên không ít manh mối, khu vườn nổi tiếng nhiều khả năng nằm đâu đó ở Iraq.
Vườn treo Babylon và tháp Babel cũng được cho thuộc về vùng đất cổ đại mà nay là Iraq. Bên cạnh đó, vào thời của Cựu Ước, người Do Thái bị lưu đày đến Iraq, chẳng hạn như nhà tiên tri Daniel, người đã nhận được ân sủng của Thiên Chúa. Kinh Thánh ghi lại tiên tri Daniel đã được giải cứu khỏi hầm sư tử như thế nào.
Sau đây là một số di tích lịch sử quan trọng có liên quan đến Kitô giáo trong chuyến tông du của Ðức Thánh Cha:
Cổ thành Ur - quê hương của Abraham
Theo Cựu Ước, trước khi được Thiên Chúa kêu gọi di cư đến miền đất hứa, tổ phụ Abraham của người Do Thái và Ả Rập đã chào đời và lớn lên ở thành Ur, cách thủ đô Baghdad khoảng 300km về hướng nam. Ban đầu, thành Ur nằm trên cửa sông Euphrates, thuộc bờ biển phía nam Iraq. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, địa hình tại đây đã thay đổi đáng kể và ngày nay, Ur nằm sâu trong đất liền, bên bờ nam của con sông nổi tiếng.
Thành Ur là một trong những thành phố cổ nhất mà giới khảo cổ học có thể tìm thấy những tàn tích, và được xem là cái nôi của nền văn minh. Cách đây hơn 6.000 năm, Ur trỗi dậy như là một trong những trung tâm đô thị chính và đầu tiên của thế giới. Nhiều thế kỷ sau, vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên, Ur phát triển thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu thời đó, với các nhà máy sản xuất thảm và len xuất khẩu, thu hút giới thương nhân từ vùng Ðịa Trung Hải và tiểu lục địa Ấn Ðộ.
Một trong di tích cổ quan trọng nhất tại đây là Ziggurat, được xem là một trong những kim tự tháp cổ nhất của nền văn minh Lưỡng Hà. Cấu trúc xây dựng kế bên Ziggurat được cho là có niên đại vào khoảng năm 1900 trước Công nguyên, và có một thời gian là nhà của tổ phụ Abraham.
Nơi nhà tiên tri Giôna đã giảng
Ở miền bắc Iraq, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm cộng đoàn Kitô giáo ở bình nguyên Nineveh, khu vực đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giày xéo và tàn phá từ năm 2014 cho đến khi được giải phóng thành công 3 năm sau đó. Nhà tiên tri Giôna, người kêu gọi dân chúng hãy sám hối và quay về với Thiên Chúa, từng sống ở bình nguyên Nineveh.
Theo Cựu Ước, Thiên Chúa yêu cầu nhà tiên tri Giôna chuyển giao lời tuyên cáo cho người Nineveh, những con người đang ngụp lặn trong tội lỗi. Tuy nhiên, Giôna không muốn đi và leo lên thuyền chạy trốn. Và con thuyền đã bị lật trong một cơn bão. Nhà tiên tri sống sót vì một con cá lớn bất ngờ xuất hiện và nuốt ông. Ông không chết và sống trong bụng con cá đến ba ngày, ba đêm, sau đó, Chúa bảo và con cá mửa ông trên đất liền. Ngôi mộ của ông đã bị IS phá hủy vào năm 2014.
Nineveh, thủ đô của đế quốc Assyria, tọa lạc bên bờ sông Tigris, cũng được xem là “trái tim” của cộng đồng Kitô giáo ở Iraq. Ðây là nơi các tín hữu đã sinh sống kể từ khi Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ mệnh của mình. Thánh Tôma, với sự tháp tùng và hỗ trợ của thánh Giuđa Tađêô, đã loan báo Tin Mừng đến nơi này vào năm 35. Hai vị được cho đã đến thành phố miền bắc Erbil, giờ đây thuộc Kurdistan, nơi họ lan truyền lời Chúa cho cộng đồng địa phương.
Nhà thờ Thánh Tôma (Chính Thống giáo Syriac) ở Mosul được cho đã xây dựng bên trên ngôi nhà cũ của vị thánh, và vào năm 1964, một số người thợ đã phát hiện thánh tích, được cho là những mẩu xương tay của ngài. Sau khi Mosul rơi vào tay tổ chức Hồi giáo cực đoan IS năm 2014, các thánh tích này đã được chuyển sang tu viện Chính Thống giáo Syriac Thánh Matthêu gần Bartella thuộc bình nguyên Nineveh. Tu viện này đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 4.
LING LANG
Bình luận