EPPATHA – HÃY MỞ RA
Nếu ai có những dịp đến Trung tâm khiếm thính Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương, sẽ thấy câm điếc quả là khổ sở. Trước đây, người ta hay nói ngược là câm điếc, nhưng thực ra khoa học giải thích vì điếc nên mới câm. Khi còn bé nếu không được xã hội hoá hành vi, ngôn ngữ, con người không nghe được và sẽ không nói được. Câu chuyện Tin mừng Chúa Nhật hôm nay cũng chuyển tải ý nghĩa đó. Thông thường, người ta chỉ mong cho người khiếm thính được Chúa đặt tay chữa lành thể lý, nhưng Chúa còn chữa lành cả tâm linh, chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã thốt lên :” Epphatha” (Hãy mở ra),
Những hình ảnh mà tiên tri Isaia đã trình bày và điều mà Thư thánh Giacôbê khẳng định được thể hiện ra nơi anh điếc câm hôm nay. Anh được nghe và nói được là nhờ Thiên Chúa giầu lòng nhân ái và hơn thế anh là đối tượng tình thương của Thiên Chúa. Chính vì vậy, sự khiếm khuyết do điếc câm là phản ảnh tình trạng bất toàn, và sự hoàn hảo sau khi được Chúa chữa cũng là hy vọng của mọi tín hữu. Nhưng có điều mọi người dễ chủ quan, cứ nghĩ mình chẳng điếc lác gì, thậm chí khi không nói được cũng nghĩ là kiệm lời. Trong thâm sâu, có bao giờ mình nghĩ đang bị khiếm khuyết không? Rồi có những lúc chúng ta giả điếc giả câm, để khỏi nghe lời giáo huấn của cha mẹ hay đấng bậc bề trên, để khỏi phải thực thi điều hay lẽ phải; thậm chí còn giả mù để khỏi thấy những nhọc nhằn cuả tha nhân, hay tội lỗi của chính mình nữa. Nếu có khiếm khuyết, mỗi người cần phải xin Chúa mở tai, mở mắt, mở môi miệng , để qua đó biết ca ngợi, cảm tạ, tri ân Ngài.
Năm 2014, Giáo hội Việt Nam nêu chủ đề “Năm Phúc Âm Hoá đời sống gia đình”. Thật là thức thời. Nhiều người ưu tư nói rằng người công giáo Việt Nam ít biết về Kinh thánh, ít nói về Kinh thánh. Cũng chẳng ngoa chút nào! Bởi vì những lo toan ngược xuôi trong cuộc sống và sự ồn ào náo nhiệt của tiền tài, danh vọng, tình cảm, vật chất đã làm cho chúng ta không thể nghe được gì khác ngoài âm thanh hấp dẫn của nó. chúng ta bị điếc tâm linh, không nghe được Lời Chúa, hoặc có nghe được thì nghe tai này cho qua tai kia, không thẩm thấu vào lòng được, nên cũng chẳng nói được. Lại có nhiều gia đình sau khi nghe giảng giải về lợi ích cuả việc đọc Kinh thánh, cũng mua một cuốn, nhưng sau đó laị cất kỹ trên tủ thờ! Nhiều người khác như định tính cho rằng việc đọc hay nghe Lời Chúa là việc cuả các linh mục tu sĩ, không phải là việc của giáo dân.
Phải chăng hôm nay chính chúng ta cũng phải kêu cầu Chúa mở tai và miệng lưỡi để lắng nghe và rao truyền Lời Chúa ? Nhất là các gia đình ngày nay đang phải đối mặt với nhiều bão táp kinh khủng của tiền tài, vật chất, công việc, danh vọng, hưởng thụ như cuốn hút mọi người ra khỏi sự an toàn của những luân thường đạo lý… Nếu cứ để cho tai bị điếc, chúng ta sẽ không nghe thấy những nhức nhối, khao khát, ưu tư hay sự chuyển biến của gia đình và xã hội.
Chúa Giêsu đã “hãy mở ra” với anh điếc câm, chính là Chúa muốn đưa anh từ một trạng thái bất toàn đi đến một sự hoàn hảo. Sứ vụ của Chúa khi đến thế gian là loan báo và chữa lành. chính Chúa cũng muốn khi được chữa lành, chúng ta phải là những người nói về Thiên Chúa. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta nói về Thiên Chúa như lòng Chúa mong muốn ? Trong cử hành bí tích rửa tội trẻ em, có lời nguyện hãy mở ra như nhắc nhớ sự chữa lành của Chúa đã có ngay từ ban đầu và kêu mời chúng ta hãy ca tụng Thiên Chúa, nói về Ngài ngay từ tấm bé chứ không phải chỉ có lúc lớn khôn. Nhưng không hiểu sao lớn lên chúng ta dễ bị khiếm thính và câm lặng !? Nếu chẳng may có dấu hiệu khiếm thính, hãy cầu xin Chúa chữa ngay kẻo trở nên mạn tính sẽ phải chìm đắm suốt đời trong im lặng.
Lạy Chúa, xin đừng để cho chúng con bị điếc câm tâm hồn. Xin cho chúng con nghe được tiếng thời gian, tiếng nỉ non, tiếng van nài, tiếng ca ngợi, tiếng sám hối, tiếng hy vọng và nhất là tiếng của Chúa, để môi miệng chúng con không câm lặng, nhưng luôn biết ca khen Thiên Chúa mãi mãi. Amen .
Lm Đa Minh Nguyễn Đức Trung, chánh xứ Bến Sắn GP Phú Cường
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.