Công trình tu bổ Mộ Chúa sau hơn 200 năm không những cho phép người thời nay quan sát phiến đá từng đặt di hài Thầy Chí Thánh, mà còn tiết lộ nhiều tầng lịch sử của cấu trúc linh thiêng, và nhất là nguy cơ đang đe dọa sự tồn tại của nó.
Đội ngũ chuyên gia của Đại học Kỹ thuật Quốc gia tại Athens (NTUA - Hy Lạp) vừa hoàn tất dự án khôi phục Edicule, tiếng Latinh là “ngôi nhà nhỏ”, nơi được cho là từng lưu giữ thi hài của Chúa Giêsu sau khi bị hành hình trên thập tự giá. Ngay trong ngày mở cửa lại Nhà thờ Mộ Chúa sau 7 tháng tu bổ, nhóm chuyên gia này đã cảnh báo cần phải nhanh chóng triển khai dự án khác nhằm tránh đẩy Edicule và nhà thờ lớn bao quanh vào tình trạng sụp đổ cấu trúc xây dựng trên diện rộng. “Khi nó sụp, quá trình sẽ không diễn ra chậm chạp mà thật sự ở mức độ gây kinh hoàng”, theo tờ National Geographic dẫn lời bà Antonia Moropoulou, trưởng nhóm giám sát khoa học của NTUA.
Lịch sử đáng nể
Edicule nằm lọt thỏm bên trong Nhà thờ Mộ Chúa, bao trùm phần còn lại của hang động được cho là nơi từng cất giữ thi hài của Chúa Giêsu. Công cuộc khôi phục Edicule đã giúp giới chuyên gia thời nay phát hiện đa phần cấu trúc nhà thờ và mái vòm xung quanh dường như đang được đặt trên một nền tảng vô cùng bất ổn của những cấu trúc xây dựng trước đó, và bị đan xen bởi những kênh đào và tầng hầm trên diện rộng. Trong khi các giáo hội Kitô ăn mừng long trọng lễ khai trương lại Edicule vào tuần trước, giới khoa học và các vị lãnh đạo giáo hội đang choáng với thông tin mới cho thấy nơi linh thiêng nhất của Kitô giáo hiện đối mặt với những nguy cơ đáng kể và cần phải được can thiệp ngay lập tức.
Những thông số và dữ liệu thu được từ cuộc khảo sát của NTUA cho thấy một câu chuyện khác: không biết nguy cơ đe dọa Nhà thờ Mộ Chúa đến từ lịch sử lâu đời của nơi này. Các nhà khảo cổ học tin rằng vào khoảng 2.000 năm trước, đây là nơi đặt mỏ khai thác đá vôi và sau đó ngưng hoạt động, bị biến thành khu hầm mộ dành cho giới thượng lưu Do Thái. Chứng cứ cho giả thuyết này chính là hơn 12 hầm mộ được xác định bên dưới nhà thờ, bên cạnh mộ phần linh thiêng của Chúa Giêsu. Đến thế kỷ thứ 2, một đền thờ La Mã được dựng lên, trước khi đại đế Constantine ra lệnh phá hủy vào năm 324 khi biết được nơi này từng đỡ di hài Thầy. Nhà thờ được Constantine xây dựng bao quanh phần mộ lại bị phá hủy một phần khi quân xâm lược Ba Tư tấn công Jerusalem vào thế kỷ thứ 7, và một lần nữa bị đội quân của đế chế Hồi giáo Fatimid san bằng vào năm 1009. Nhà thờ lại được xây dựng vào giữa thế kỷ 11, trước khi những người tham gia cuộc thập tự chinh bắt tay trùng tu Edicule. Những lần can thiệp sau đó là vào thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 19.
Phần cấu trúc xây dựng có mái vòm bao quanh Edicule được cho là dấu vết để lại từ thời nhà thờ của đại đế Constantine, và cũng có thể thuộc về đền thờ La Mã trước đó.
Đường hầm dưới Mộ Chúa
Kết quả khảo sát gần đây đối với khu vực bên dưới Edicule và phần cấu trúc vòm xung quanh, được triển khai trong dự án phục hồi vừa qua, đã xác nhận một số giả thuyết mà giới khoa học từng nghi ngờ từ lâu, đồng thời phơi bày những nguy cơ bất ổn đối với khu vực có diện tích 279 m2 bên trên. Nhờ vào radar xuyên thấu lòng đất, các camera robot và những công cụ tiên tiến khác, họ phát hiện được một số phần móng của Edicule nằm trên đống đổ nát của những công trình trước đó. Các phần khác lại được đặt trực tiếp lên rìa của một nền đá vôi có độ dốc lớn. Phần móng đã trở nên rúm ró theo thời gian do nhiều năm tiếp xúc trực tiếp với độ ẩm tỏa ra từ các kênh thoát nước bên dưới, cách phần móng của cấu trúc nhà thờ bên ngoài ở độ sâu chưa đến 1m. Những đường hầm chưa rõ công dụng nằm trực tiếp bên dưới và xung quanh Edicule. Một cái hào được đào ở độ sâu 2,4m từ thập niên 1960 ở phía nam Edicule nằm ngay phía trên phần bê tông rỗng chân - trên đó là nơi khách hành hương và du khách sắp hàng tiến vào tham quan mộ. Ngoài ra, một số cây cột nặng 22 tấn đang đỡ mái vòm cũng chống trên đống đổ nát dày hơn 1m.
Để xử lý nguy cơ sụp đổ liên hoàn đối với di tích thiêng liêng, NTUA hiện đề xuất dự án mới kéo dài 10 tháng, với kinh phí 6 triệu euro, theo đó di dời phần đá bị hư hại xung quanh Edicule, dọn dẹp đống đổ nát ở phần móng, và tiến hành khai quật cũng như nạo vét diện tích 100 m2 trước khi lắp hệ thống thoát nước mới xung quanh phạm vi của cấu trúc tòa nhà mái vòm bên ngoài. Công trình sẽ được lên kế hoạch tỉ mỉ nhằm đảm bảo hạn chế tối thiểu đến dòng người hành hương mỗi năm, ước tính khoảng 4 triệu lượt người.
Báo cáo mới của nhóm nghiên cứu Hy Lạp đã được chia sẻ với 3 giáo hội Kitô ngay sau buổi lễ long trọng, và các bên phải đạt được thỏa thuận mới trước khi tiến hành công tác điều chỉnh bổ sung. Trong khi đó, đội NTUA đang xử lý dữ liệu đã thu thập được và chia sẻ cho các nhà khoa học khác thông qua kênh được gọi là “Nền tảng Thông tin Nhà thờ Mộ Chúa”. “Đây là công trình tổng hợp. Nó không của riêng chúng tôi mà thuộc về cả nhân loại”, theo bà Moropoulou.
Tu bổ thành công Edicule Công trình phục hồi Edicule vừa được khép lại với kinh phí khoảng 4 triệu USD, theo đó đội ngũ chuyên gia gia cố lại các bức tường bao quanh, cắm những thanh titanium kết nối phần cột với móng và trát lại những lớp nề có niên đại hơn 1.000 năm trước. Hệ thống thông gió cũng được lắp đặt nhằm giải tỏa phần nào sự tấn công nguy hiểm của lớp hồ bóng hình thành từ hàng ngàn cây nến được đốt tại đây. Họ cũng cắt bỏ phần xà nhà do giới chức Anh dựng lên vào năm 1947, và lần đầu tiên mở lại ngôi mộ sau hơn 200 năm. |
LING LANG
Bình luận