Gợi ý của Đức Hồng y Maria Woelki, Tổng Giám mục giáo phận Koln (Đức) về việc tẩy chay World Cup, ngày hội bóng đá quốc tế, sẽ được tổ chức tại Qatar năm 2022 khiến nhiều người ngạc nhiên và suy nghĩ.
Lý do ngài đưa ra chẳng ăn nhập gì tới bóng đá mà là liên quan đến công nhân nước ngoài đang làm việc tại Qatar. Ngài cho biết, chỉ riêng năm 2012, 6.000 đơn từ phía cá nhân hoặc nhóm công nhân di dân tại quốc gia này đã tố cáo giới chủ bóc lột, trả lương chậm trễ và không tương ứng với hợp đồng đã ký kết... (CGvDT 2040, trang 25).
Lời kêu gọi tẩy chay một sự kiện thể thao hay nói đúng hơn là tẩy chay đất nước tổ chức sự kiện này như vị hồng y người Đức khởi xướng có lẽ chỉ nhằm khơi gợi việc giải quyết một vấn đề cốt tủy liên quan đến lao động di dân.
Vấn đề được nêu lên khiến tôi liên tưởng đến Sứ điệp Ngày quốc tế di dân 2016. Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định: “Sự hiện diện của những người di dân và tị nạn thách đố các xã hội khác nhau đón nhận họ. Những xã hội này đang đối diện với những hoàn cảnh mới có thể tạo nên sự khó khăn nghiêm trọng trừ khi họ được động viên, quản lý và điều hành cách thích hợp. Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo sự hỗ tương ấy sẽ trở thành một sự làm cho phong phú lẫn nhau, mở ra những cách tiếp cận tích cực với các cộng đồng, và ngăn ngừa mối nguy về sự phân biệt, kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa quốc gia cực đoan hay hội chứng sợ người nước ngoài”.
Việt Nam chúng ta hiện là một quốc gia xuất khẩu lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Còn trong nước là dòng người nhập cư từ vùng quê lên các thị thành tìm kiếm việc làm. Trước gợi ý của Đức Hồng y Maria Woelki, dường như chẳng ai vô can trước dòng người lao động di dân từ chính quyền, các vị chức sắc tôn giáo đến mọi thành phần dân cư.
Hoàng Vy - TPHCM
Bình luận