Chuyến tông du dài kỷ lục của vị giáo hoàng 88 tuổi đến châu Á và châu Ðại Dương được xem là một nỗ lực đầy táo bạo, đánh dấu bước đi mạnh mẽ của Giáo hội về hướng Ðông.
Vài tuần qua, Đức Giáo Hoàng tất bật ngược xuôi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn. Ngài di chuyển bằng xe hơi, rồi xe lăn, và lên xuống máy bay trong lúc những làn gió nóng bức của vùng nhiệt đới quần đảo các đường băng trải nhựa. Chuyến tông du dài nhất và xa nhất đưa vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ đến những nước châu Á - châu Úc có cộng đồng Công giáo khiêm tốn. Vốn cao tuổi, ngài phải chống chọi trước nhiệt độ nóng bức, và càng tệ hơn khi độ ẩm cao, không khí ô nhiễm. Tất cả những gì kể trên càng chứng tỏ cam kết kiên định của ngài trong nỗ lực xây dựng một Giáo hội thật sự của toàn cầu.
“Quãng đường xa vời vợi, sự mệt mỏi, những thách thức đều là một phần của thông điệp từ chuyến đi”, tờ The New York Times dẫn lời Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.
“Tôi chẳng hiểu ngài lấy năng lượng từ đâu”
Triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ lúc khởi đầu đã trở thành biểu tượng. Vị giám mục thành Rome quyết định di chuyển bằng các dòng xe phổ thông nhất, rửa chân cho tù nhân vào thứ Năm Tuần Thánh, đeo đồng hồ điện tử “giá sinh viên” hiệu Casio. Việc lựa chọn điểm đến trong những lần thăm viếng nước ngoài của ngài thật sự đặc biệt, và chuyến tông du đến châu Á - Thái Bình Dương lần này cũng là một phần mục tiêu mà Đức Thánh Cha muốn xây dựng cho triều đại của mình.
Châu Á hiện là nhà của 2/3 dân số toàn cầu và đang ngày càng nâng tầm trở thành “thế lực” kinh tế, chính trị chiếm vị trí trung tâm của vũ đài thế giới. Đây cũng là châu lục từ lâu nhận sự quan tâm đặc biệt của Đức Phanxicô. Với chuyến tông du nước ngoài mới nhất, ngài đã đến thăm 11 quốc gia châu Á; và Đức Thánh Cha làm được điều đó ở tuổi 88, sau khi trải qua một loạt các vấn đề về sức khỏe. Từng thừa nhận tông du ngày càng khó thực hiện hơn, và vì vậy, nỗ lực của ngài trở nên phi thường hơn.
Trong lúc Đức Giáo Hoàng bắt tay, vẫy tay một cách nhiệt tình và ấm áp về phía đám đông, các vị giám mục có mặt đứng nhìn một cách thán phục. Một giám mục thốt lên: “Tôi chẳng hiểu ngài lấy năng lượng từ đâu!”. Đức Phanxicô đã cho thấy những thời khắc vô cùng sống động trong chuyến tông du. Ngài bông đùa về cá sấu, chó mèo. Thế nhưng, cũng có những thời khắc Đức Thánh Cha chứng tỏ sự mệt nhọc, chẳng hạn như khi bị mất thăng bằng trong thoáng chốc, nhưng sau đó ngài vẫn tiến lên phía trước, và người dân địa phương trân trọng điều đó.
Ở Đông Timor, khoảng nửa dân số quốc gia tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự, và nhiều người trèo lên các mái nhà chỉ để thấy được bóng dáng ngài từ xa. Trong suốt các chặng hành trình, những tấm biển khổng lồ in hình Đức Phanxicô xuất hiện khắp nơi, dù là vùng còn nghèo của Đông Timor hay quang cảnh phồn hoa của Singapore. Khắp châu Á, các tín hữu mặc áo in hình đấng kế vị thánh Phêrô, tay cầm cờ Vatican. Một số người lội bộ xuyên rừng nhiều ngày để đến nơi ngài sẽ có mặt.
Điểm thử của Vatican
Trong khi số lượng tín hữu ở châu Á gia tăng với tốc độ chậm chạp hơn châu Phi, Giáo hội ở khu vực này hoạt động mạnh mẽ. Những nước như Indonesia giờ đây gửi các vị thừa sai đến nước khác. “Nếu Giáo hội Công giáo muốn hướng về tương lai thì không thể bỏ quên châu Á”, theo ông Andrea Riccardi, nhà sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio và là một bằng hữu của Đức Phanxicô.
Mặt khác, giới phân tích cho rằng châu Á là điểm thử nghiệm của Giáo hội, nơi mà các tín hữu Công giáo thường là thiểu số. Indonesia, điểm dừng quan trọng của chuyến tông du, thể hiện rõ thực tế này. Đây là quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà của hàng triệu Kitô hữu. “Cùng tồn tại” là cốt lõi bản sắc của nước này. Ở Indonesia, Đức Thánh Cha đã ký kết thỏa thuận với Đại Giáo sĩ Nasaruddin Umar của Đền Istiqlal tại Jakarta, đền thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á. “Với việc Đức Giáo Hoàng đến đây, những nước khác sẽ thấy cách thức chúng tôi chung sống trong hòa bình”, theo bà Catur Rini, 63 tuổi, người Hồi giáo tham dự sự kiện liên tôn nói trên ở Đền thờ Istiqlal với bạn thân là dân Công giáo quen từ thời cấp ba.
Trong chặng cuối ở Singapore - “thế lực tài chính” với dân số Công giáo ít ỏi, Đức Phanxicô thu hút 50.000 người đến sân vận động Quốc gia dự thánh lễ. Giáo dân Kat Calimag, 32 tuổi, mô tả cảnh tượng nhiều người xúc động đến bật khóc trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha, người mang đến năng lượng tích cực và truyền nguồn cảm hứng cho một đất nước từ lâu chỉ quen với sự giàu có và thành đạt. Trả lời Vatican News, Đức Hồng y William Goh, Tổng Giám mục Singapore gọi Đức Phanxicô là “Đại sứ Tình yêu của Chúa Kitô”. Theo Đức Hồng y, Đức Thánh Cha mở rộng vòng tay với tất cả, với người bị lãng quên, người nghèo, người đang đau khổ, người yếu thế, người thuộc tôn giáo khác, người trẻ, người cao tuổi… “Đức Gioan Phaolô II giảng giải về tân Phúc Âm hóa, Đức Bênêđictô XVI viết về đề tài này, và Đức Phanxicô là người đã thực sự tìm phương cách để mang Tin Mừng đến cho toàn thể nhân loại”, vị Tổng Giám mục Singapore phân tích. Cộng đoàn Dân Chúa ở quốc gia Đông Nam Á này đã có dịp “làm tươi mới đức tin” khi được thấy vị chủ chăn hiện diện giữa họ. Và chuyến tông du cũng đã giúp các tín hữu Singapore có những tháng ngày cộng tác với nhau trong tình huynh đệ. Hơn 5.000 tình nguyện viên đã góp sức để việc chào đón Đức Phanxicô được diễn ra một cách mỹ mãn.
GIANG VÔ YÊN
Bình luận