Vua David có lẽ từng trị vì một vương quốc rộng lớn và phức tạp, được kết nối bằng những con đường dẫn đến các thành phố vệ tinh kiên cố bao quanh Jerusalem.
Nhà khảo cổ học Yosef Garfinkel, giáo sư Đại học Hebrew ở Jerusalem, cho biết đã xâu chuỗi chứng cứ về những tàn tích của những vùng đô thị có tổ chức với niên đại khoảng năm 1.000 trước Công nguyên (TCN). Đây cũng là giai đoạn cùng thời với vua David, và nhiều khả năng là các thành phố vệ tinh dưới quyền cai trị của vị vua nổi tiếng trong Cựu Ước. Phát hiện mới đã được công bố trên chuyên san Jerusalem Journal of Archaeology và đã được bình duyệt.
Xuất thân mục đồng
Vua David xuất thân từ cậu bé chăn cừu trước khi trở thành vị vua quan trọng nhất của Vương quốc Israel thống nhất. Trước vua David là vua Saul, và người kế nhiệm ông là vua Solomon. Vua David là người được đề cập nhiều nhất trong Cựu Ước và là người được đề cập nhiều thứ hai trong toàn bộ Kinh Thánh, chỉ sau Chúa Giêsu.
Ông là nhân vật chính của sách Samuel 1, Samuel 2, sách Sử biên 1 và Sử biên 2. Vua David cũng được đề cập trong một vài quyển sách khác, và thánh vịnh cũng nhắc nhiều về ông. Người thời nay biết đến ông nhiều nhất qua hình ảnh cậu bé chăn cừu đánh thắng gã khổng lồ Goliath. Tuy nhiên, điều giúp vua David trở thành nhân vật quan trọng của Kinh Thánh chính là vai trò của ông trong việc thiết lập kinh thành dưới trần thế của Chúa ở Jerusalem.
Bên cạnh đó, trong khi đa số người chỉ biết rằng Bethlehem là nơi chào đời của Chúa Giêsu, thì nhiều thế kỷ trước, vua David cũng bắt nguồn thị trấn cổ xưa này. Phúc Âm theo thánh Luca đề cập Bethlehem là “thành Vua David”. Cũng tại nơi này, cậu bé chăn cừu khi xưa đã được nhà tiên tri Samuel xức dầu, vì là người được Thiên Chúa chọn.
Mạng lưới đô thị vệ tinh
Trong báo cáo mới, giáo sư Garfinkel tuyên bố đã tìm ra chứng cứ cho thấy tàn tích của những đô thị được xây dựng kiên cố vào khoảng năm 1000 TCN. Điều này đồng nghĩa những thành phố tại khu vực được xây dựng sớm hơn 200 năm so với các giả thuyết trước đó, và trùng vào giai đoạn vua David trị vì, từ năm 1104 đến 960 TCN.
Các chuyên gia khảo cổ đã tìm ra chứng cứ cho thấy tàn tích của những đô thị được xây dựng kiên cố vào khoảng năm 1000 TCN |
Dựa trên những gì tổng hợp được, giáo sư Garfinkel cho rằng những thành phố trên đều có thiết kế tương đồng, với hai bức tường song song ở khu trung tâm và những con đường được sắp xếp khoa học. Theo ông, đó là những bằng chứng cho thấy các thành phố là một mạng lưới kết nối với một vương quốc cụ thể.
Báo cáo của giáo sư Garfinkel cũng trình bày việc phát hiện 5 thành phố mới, cách Jerusalem khoảng nửa ngày đến một ngày đi bộ. Tàn tích của các đô thị cổ đã tìm được ở Khirbet Qeiyafa, Tell en-Naṣbeh, Khirbet ed-Dawwara, Lachish và Beth Shemesh, phía Bắc và phía Tây Jerusalem.
“Nếu bạn quan sát toàn bộ những nơi này, chúng đều có cùng một khái niệm đô thị, và đều nằm trên biên giới của vương quốc dưới thời vua David, và tọa lạc ở trục đường chính dẫn đến kinh đô. Những thành phố này không phải tồn tại khơi khơi, mà đều là hình mẫu của quá trình đô thị hóa và cùng chia sẻ khái niệm về thành phố thời bấy giờ”, ông phân tích.
Ông Garfinkel là người đầu tiên liên kết những tàn tích thành một mạng lưới đô thị |
Những phát hiện trên của giáo sư Garfinkel không dựa vào các dự án khảo cổ mới đây, mà thu thập từ các công trình nghiên cứu được tiến hành nhiều năm qua của một nhà khảo cổ học. Trong khi những địa điểm trong báo cáo được khai quật độc lập với nhau, ông Garfinkel là người đầu tiên liên kết những tàn tích này thành một mạng lưới đô thị có niên đại khoảng năm 1000 TCN. “Chứng cứ đã được biết đến trước đó, vì thế đây không phải là vấn đề về các khám phá mới. Điều mà chúng ta cần là một người quan sát và theo dõi để xây dựng bức tranh toàn cảnh dựa trên những khám phá đó”, ông cho biết.
Tuy nhiên, không phải nhà khảo cổ học nào cũng đồng ý với kết luận của giáo sư Garfinkel. Trả lời tờ Times of Israel, giáo sư Aren Maeir, nhà khảo cổ học của Đại học Bar Ilan (Israel), cho rằng đồng nghiệp Garfinkel đã nhận định ở góc độ khái quát, và có những chi tiết nhỏ mà ông bỏ qua. “Tôi không đồng ý với nhiều chi tiết nhỏ, và có vấn đề trong việc tiến hành khái quát hóa trong một khoảng thời gian dài”, ông Maeir nói. Theo nhà nghiên cứu, có lẽ những tàn tích vừa tìm được là một kinh đô nhỏ ở Jerusalem, nhưng đến nay họ vẫn chưa rõ tầm ảnh hưởng của kinh đô này.
LING LANG
Bình luận