Sau nhiều thế kỷ, các nhà khoa học lần đầu tiên tiếp xúc với bề mặt nguyên thủy của nơi được xem là mộ của Chúa Giêsu, mở ra cơ hội chưa từng có cho giới khoa học nghiên cứu về nơi linh thiêng nhất của Kitô giáo.
Nằm bên trong nhà thờ Mộ Chúa ở thành cổ Jerusalem, ngôi mộ được phủ bằng lớp đá cẩm thạch trễ nhất là từ năm 1555, và nhiều khả năng sớm hơn. Tạp chí National Geographic dẫn lời nhà khảo cổ Fredrik Hiebert, một thành viên của dự án trùng tu cho biết : “Lớp đá cẩm thạch bao phủ mộ phần đã bị lấy đi, và chúng tôi thật sự ngạc nhiên về bề mặt bên dưới. Tất nhiên quá trình phân tích khoa học sẽ diễn ra khá lâu, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng sẽ có thể thấy được bề mặt đá đầu tiên mà theo Kinh Thánh là nơi thi hài của Chúa Giêsu được đặt nằm lên sau khi chịu khổ hình trên thập giá”.
Tấm đá đặt thánh thể
Theo lịch sử Công giáo, thi hài của Chúa Giêsu được đặt lên một rìa đá hoặc một mặt phẳng được đẽo từ cạnh của hang đá vôi theo sau cuộc hành hình của quân La Mã vào năm 30 hoặc 33 sau Công nguyên. Ngài đã Phục Sinh nên những phụ nữ đến xức dầu cho thánh thể vào 3 ngày sau đó đã không tìm thấy di hài của Chúa. Giờ đây, phần rìa đá này được bao quanh bởi một cấu trúc nhỏ gọi là Edicule (lấy từ tiếng Latinaedicule, có nghia là ngôi nhà nhỏ). Lần cuối cùng nơi đây được trùng tu là vào năm 1808-1810 sau khi bị hủy hoại do hỏa hoạn. Edicule và ngôi mộ bên trong đang được trùng tu dưới bàn tay của đội ngũ các nhà khoa học của Đại học kỹ thuật quốc gia Athens (Hy Lạp), với sự chỉ huy và hướng dẫn của giáo sư Antonia Moropoulou.
Việc chạm được rìa đá được xem là mộ của Chúa Giêsu quả là cơ hội chưa từng có để giới khoa học hiện đại nghiên cứu bề mặt nguyên thủy tại địa điểm linh thiêng nhất của đạo Kitô. Kết quả phân tích bề mặt đá có thể cho phép giới chuyên gia hiểu thêm không những về ngôi mộ ban đầu, mà còn về quá trình diễn ra sau đó giúp nơi này trở thành điểm được tôn kính nhất. Theo lịch sử, chính hoàng hậu Helena, mẹ của đại đế La Mã Constantine, là người thời sau đầu tiên phát hiện nơi này vào năm 326.
“Chúng tôi đang ở thời khắc then chốt trong việc khôi phục Edicule”, theo giáo sư Moropoulou. Bà nhấn mạnh các kỹ thuật mà nhóm chuyên gia Athens đang áp dụng trong giai đoạn cực kỳ quan trọng này sẽ cho phép thế giới biết được liệu họ đã xác định đúng vị trí từng đặt di hài của Chúa Giêsu hay không.
Thời khắc phát hiện
Tạp chí The National Geographic cũng ghi nhận thời khắc đặc biệt khi nhóm chuyên gia chạm đến tấm đá linh thiêng bên trong nhà thờ Mộ Chúa. Lúc đó, các cánh cổng nhà thờ đã được đóng từ sớm, ngăn cách đám đông du khách và người hành hương ở bên ngoài. Bên trong, các nhà khoa học đội nón bảo hộ màu vàng, những tu sĩ dòng Phanxicô mặc áo thụng nâu, các giáo sĩ Chính Thống giáo với nón đen và những thành viên trong giáo hội Kitô giáo Ai Cập (Copts) với khăn trùm đầu thêu hoa văn, đứng xung quanh lối vào Edicule. Bên trong ngôi mộ, một phiến đá cẩm thạch được đặt bên trên tấm đá linh thiêng, có kích thước 90x152 cm, đã được kéo khỏi bức tường. Bên dưới là một bề mặt đá màu xám be. “Đó là cái gì ?”. Một chuyên gia hỏi. Giáo sư Moropoulou trả lời : “Chúng ta chưa biết được. Đã đến lúc cần đến các công cụ khoa học”.
Nhà thờ Mộ Thánh trực thuộc quyền kiểm soát của 6 nhánh khác nhau của Kitô giáo. Trong đó, 3 nhóm chính có sự hiện diện thường trực là Giáo hội Chính Thống giáo Hy Lạp, Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính Thống giáo Armenia. Cấu trúc của Edicule luôn gây quan ngại trong nhiều thập niên theo sau trận động đất vào năm 1927 gây hủy hoại đáng kể cho di tích quan trọng, buộc nhà chức trách Anh thời đó phải gia cố nhà thờ bằng những vật dụng không thích hợp. Sau nhiều năm tranh cãi, thượng phụ Chính Thống giáo Hy Lạp tại Jerusalem đạt được thỏa thuận với hai nhóm chủ chốt khác trong việc mời các chuyên gia của Đại học kỹ thuật quốc gia Athens nghiên cứu Edicule. Vào tháng 3.2016, các bên liên quan quản lý nhà thờ Mộ Thánh đã đồng ý cho phép trùng tu nơi này, và dự kiến công tác khôi phục sẽ được hoàn tất vào mùa xuân 2017.
Các bên tài trợ chính cho dự án cần hơn 4 triệu USD, từ nguồn quỹ của Vua Jordan Abdullah II và khoản quyên góp 1,3 triệu USD từ bà quả phụ Mica Ertegun. Tổ chức National Geographic Society đã hợp tác với Đại học Kỹ thuật quốc gia Athens cho công tác bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại.
LING LANG
Bình luận