Nhiều hội dòng ở Bengaluru, Ấn Ðộ đã chung tay tạo nên các mái ấm dành cho trẻ cơ nhỡ, không nhà, giúp chúng có cơ hội được lớn lên và trưởng thành một cách tử tế.
Trong trang phục rách nát và bộ dạng tuyệt vọng, Shobha Suresh bước khép nép bên cạnh một nhân viên xã hội đi vào một cơ sở của dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinhsơn ở thành phố miền nam Bengaluru, nơi được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của Ấn Độ. Nữ tu Saleena Thottam đã chờ sẵn, kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện về “gia đình nhặt rác” của cô bé 6 tuổi. “Đứa trẻ muốn tìm nơi có thể ăn uống, cư ngụ, và trên hết là sự an toàn”, sơ Thottam kể lại cuộc gặp với Suresh. Sơ đưa em đến một trong các nhà mở do dòng điều hành, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Dream India Network.
Bỏ lại quá khứ ở bãi rác... |
Nữ tu Lissy Rose, Giám đốc hệ thống nhà mở chung của Công giáo tại Bengaluru cho hay, có tổng cộng 48 cơ sở dành cho trẻ nghèo, cơ nhỡ, được quản lý bởi 27 dòng khác nhau. Hơn 380 em gái như Suresh giờ đây đang trải qua những ngày tháng an bình dưới các mái nhà này. Bên cạnh nơi ở cho các bé gái, có 4 nhà đang nuôi 32 bé trai. Tất cả nhà tình thương đều nằm trong khuôn viên của các tu viện hoặc ở sát bên. Điều này mang đến không gian thoải mái hơn cho các em sinh hoạt.
Theo YaleGlobal, trẻ dưới 18 tuổi chiếm đến 1/3 dân số Ấn Độ, vốn lên đến hơn 1,34 tỷ người. Tờ Hindustan Times vào năm 2016 đưa tin, trong số 74 triệu trẻ em ở nhóm 3-6 tuổi, có khoảng 20 triệu em không được đi nhà trẻ. Và các hội dòng đã vào cuộc để giúp đỡ các em trong cảnh khó khăn. Nữ tu Thottam và các chị em Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinhsơn giúp đỡ Suresh và 15 bé gái vượt qua quá khứ cơ cực. Đa số trẻ sống ở nhà mở của dòng đều xuất thân từ các hộ gia đình nhặt rác kiếm sống trên đường phố. Chúng được các nhân viên xã hội, những người làm việc thiện nguyện và các cơ quan chính phủ đưa đến nơi mà họ biết chắc sẽ chăm lo cho các em. Các nữ tu cũng đi đến các khu ổ chuột và đưa các em cần được giúp đỡ về nhà tình thương. “Mục tiêu chính của chúng tôi là nhen nhóm niềm tin, hy vọng cho những trẻ là nạn nhân bị lạm dụng, bị bỏ bê hoặc không được cha mẹ hay người giám hộ quan tâm đến, và trả lại giấc mơ cho chúng”, nữ tu Thottam cho biết.
...Các em nhỏ được sinh sộng trong tình cảm ấm áp của bạn bè và các nữ tu |
Ý tưởng thành lập nhà tình thương tại tu viện của nhiều hội dòng khác nhau và tạo thành một hệ thống chung của Công giáo tại Bengaluru đã được cha Edward Thomas của dòng Don Bosco khởi xướng. Ngài là giám đốc sáng lập mạng lưới thiện nguyện Dream India Network từ năm 2012, với sự trợ giúp của một số nhân viên xã hội. Trẻ em được tiếp nhận vào các ngôi nhà tình thương từ 4 tuổi hoặc hơn, và sống tại đây cho đến năm 14 tuổi. Ban đầu, cha vận động vì quyền lợi của trẻ em và làm việc trong các chương trình bác ái vì trẻ thơ, đặc biệt với các em sống vất vưởng trên đường phố hoặc trên sân ga. Các thành viên thay nhau tìm trẻ vô gia cư ở các nhà ga khi chúng rời làng mạc đến Bengaluru và mang bọn trẻ tới trung tâm tiếp nhận. Sau khi thành lập Dream India Network, cha tập trung vào việc tạo dựng mái ấm cho trẻ cơ nhỡ, với sự hỗ trợ của người điều hành tên Mathew Puthenpurackal và 9 nữ tu đến từ các dòng khác nhau.
Sơ Saleena Thottam và các bé ở nhà tình thương |
Tại nhà mở, các nữ tu đóng vai trò như là cha mẹ của bọn trẻ, và theo dõi quá trình hình thành tính cách của chúng, cũng như sức khỏe, tinh thần và học hành, bên cạnh chuyện lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ. Những ngôi nhà tình thương được xây dựng lên chỉ với mục đích duy nhất là tìm cách tạo dựng lại lòng tự tin và lòng tự trọng cho trẻ, dạy cho chúng các kỹ năng xã hội, điều quá “xa xỉ” đối với những em nhỏ mưu sinh lây lất ở bãi rác như Suresh. Đa số các bé gái đều được đến trường, và các nữ tu cũng bảo đảm bọn trẻ phải có ít nhất một hoạt động ngoại khóa.
Ngôi nhà đầu tiên tên Anugraha mở cửa năm 2015, và chúng được nhân rộng tại nhiều nơi. Cha Thomas và các cộng sự hy vọng những ngôi nhà này tạo được môi trường đầm ấm và an toàn mà gia đình có thể mang lại, để những đứa trẻ không nơi nương tựa và đối mặt với đủ loại nguy hiểm, tìm được nơi chốn có thể gọi là nhà. Mỗi dòng, tham gia hệ thống nhà mở chung của Công giáo tại Bengaluru, sẽ quản lý độc lập cơ sở của mình, nhưng sẵn sàng hỗ trợ qua lại và chia sẻ những kinh nghiệm để việc chăm sóc các em ngày càng tốt hơn.
Tu viện Satyaseva, một trong những nơi tham gia mở nhà tình thương thuộc hệ thống nhà mở chung của Công giáo |
Quay lại câu chuyện của Suresh, cô bé trở nên vui vẻ và hài lòng khi hòa đồng với các em khác có cùng cảnh ngộ được các nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinhsơn chăm sóc. “Giờ đây con có rất nhiều bạn bè”, cô bé xúc động nói với trang tin Global Sisters Report (GSR). Hiện tại Suresh vẫn sống tại đây và mơ về một tương lai được làm giáo viên. Đây là điều mà trước đây chưa bao giờ em nghĩ đến khi trong tâm trí chỉ lo lắng có kiếm được gì để ăn qua bữa hay không…
BẠCH LINH
Bình luận