Lần đầu tiên, một nữ tu viện đã tham gia nỗ lực bảo tồn khoa học chưa từng có, nhằm kéo dài sự tồn tại của một loài kỳ giông hiếm đang ở ngưỡng tuyệt chủng của thế giới.
![]() |
Nhân giống kỳ giông |
Hồ Pátzcuaro, vùng hồ lớn thứ ba ở Mexico, nằm cách Mexico City hơn 320 km về hướng tây. Là một lòng chảo nội lưu, khu hồ này không chảy về hướng biển, và là nơi ở duy nhất của một loài kỳ giông độc nhất vô nhị trên Trái đất. Ðược người dân địa phương gọi là “achoques” - kỳ giông Hồ Pátzcuaro (tên khoa học Ambystoma dumerilii) là loài lưỡng cư sống cả đời trong vùng hồ nước ngọt. Với phần mang xòe ra trong môi trường nước, chúng có bề ngoài khá giống một loài họ hàng khác là kỳ giông Mexico. Thế nhưng, khác với họ hàng đang sống phổ biến ở đất nước Trung Mỹ này, kỳ giông Hồ Pátzcuaro đang bị xếp vào loài cực kỳ nguy cấp, với ước tính chỉ còn chưa đầy 100 cá thể ở tự nhiên vào năm 2018.
![]() |
Kỳ giông Hồ Pátzcuaro
|
“Nếu không can thiệp, chúng có thể biến mất hoàn toàn trong 20 hoặc 30 năm nữa”, tạp chí National Geographic dẫn lời chuyên gia bảo tồn Ðại học Michoacán ở TP Morelia.
May mắn là loài kỳ giông Hồ Pátzcuaro đang nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị khác nhau, trong đó có Ðại học Michoacán, một tu viện của dòng nữ Ðaminh ở Mexico và một sở thú. “Có lẽ đây là lần đầu tiên một cộng đoàn tôn giáo tham gia vào dự án bảo tồn loài lưỡng cư”, nhà sinh học Gerardo Garcia của Sở thú Chester (Anh), chuyên gia về động vật có xương sống và động vật không xương sống đẻ trứng trong môi trường nước.
![]() |
Tu viện hơn 150 tuổi
Vào năm 2014, chuyên gia Garcia đến Mexico trong lúc đang làm chương trình nhân giống cho loài cá nước ngọt đang bị đe dọa. Trong lúc ở nước này, các đồng nghiệp tại Ðại học Michoacán khuyến khích ông đến thăm tu viện của dòng nữ Ðaminh và tận mắt chứng kiến các nữ tu tham gia dự án bảo tồn kỳ giông ở TP Pátzcuaro gần đó.
Suốt hơn 150 năm qua, các nữ tu ở đây kiên trì nuôi loài kỳ giông quý. Chúng cung cấp nguyên liệu then chốt cho phương thuốc cổ truyền có thể chữa bệnh ho, suyễn và chứng thiếu máu. Vì thế các nữ tu xem việc nuôi kỳ giông là nỗ lực duy trì truyền thống của tu viện. Trong số 23 sơ tu tập tại đây, 3 hoặc 4 chị sống và làm việc tại cơ sở nhân giống kỳ giông. Cơ sở này có 2 phòng lớn, chứa đầy những bể nước có thể nuôi cùng lúc 400 con. Các nữ tu cho chúng ăn trùn và lấy nước giếng để thay nước bể thường xuyên.
![]() |
Chuyên gia Garcia tán thưởng nỗ lực của các nữ tu. “Các con kỳ giông ở đây được sinh sống trong môi trường sạch sẽ, thoải mái, ăn thức ăn tươi và được các nữ tu chăm sóc tận tụy. Ðó là điều mà chúng đang cần. Bạn cần phải tạo ra môi trường lý tưởng cho những loài đang bị đe dọa”, ông cho biết. Bên cạnh việc chăm sóc kỳ giông mỗi ngày, các nữ tu còn đo đạc và cấy chip theo dõi cho từng con, cũng như ghép đôi chúng để sinh sản. Ông Garcia thán phục vì các nữ tu có thể dễ dàng phân biệt các con kỳ giông với nhau, điều mà những người không được huấn luyện vô phương làm được.
![]() |
Kỳ giông ở đây được sinh sống trong môi trường sạch sẽ |
Giải cứu kỳ giông
Sở thú Chester đang nuôi một số ít con kỳ giông Hồ Pátzcuaro, cũng như Ðại học Michoacán và một tổ chức tư nhân ở Mexico. Thế nhưng, chuyên gia Garcia khẳng định nhóm kỳ giông ở tu viện dòng Ðaminh có sức sống sót cao nhất, một phần do sống gần môi trường bản địa, và phần khác là nhờ bàn tay khéo léo và kinh nghiệm lâu năm của các nữ tu ở đây. Càng ở gần hồ, kỳ giông càng ít đối mặt nguy cơ phải tiếp xúc với các tác nhân gây mầm bệnh từ bên ngoài. “Nhóm kỳ giông ở châu Âu có lẽ không được nuôi tốt như tại tu viện hoặc ở đại học Mexico”, theo ông Garcia.
Kỳ giông Hồ Pátzcuaro vô cùng quan trọng cho sự đa dạng sinh thái của Mexico, vì chúng là loài thuộc nhóm đứng đầu chuỗi thức ăn. Ðồng thời, loài này tồn tại qua nhiều thế kỷ, trước khi những nhà thám hiểm Tây Ban Nha phát hiện châu Mỹ. Theo chuyên gia Garcia, kỳ giông Hồ Pátzcuaro có thể được nhân giống một cách chậm rãi và vẫn chưa rõ thời điểm sẽ đưa chúng quay lại môi trường hoang dã. “2020 sẽ là năm phù hợp để thử thả kỳ giông về vùng hồ của chúng”, ông cho biết.
HỒNG HOANG
Bình luận