Các nhà khảo cổ học gần đây đã phát hiện những bức bích họa lộng lẫy thuộc dạng “độc nhất vô nhị của nghệ thuật Kitô giáo” trên các bức tường của gian phòng cổ ở Sudan.
Trong quá trình khai quật ở cố đô Dongola, một đội ngũ các nhà khảo cổ học đã tìm ra bộ sưu tập tranh bích họa đẹp đẽ về Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và tổng lãnh thiên thần Micae. Cố đô Dongola, hiện bị bỏ hoang, từng là kinh đô vương quốc Makuria của người Nubia, tọa lạc ở bang Miền Bắc Sudan, bên bờ đông sông Nile.
Vương quốc xa xưa
Vương quốc Makuria trỗi dậy vào thế kỷ thứ V, theo sau sự sụp đổ của vương quốc Kush của người Nubia. Makuria trải qua thời cực thịnh kéo dài từ thế kỷ thứ IX đến thứ XI, với phạm vi lãnh thổ trải dài từ Thác Thứ Ba (vùng nước chảy nhanh nhưng nông thứ ba của sông Nile), chạy dọc theo dòng sông đến vùng hạ lưu Abu Hamad, cũng như các khu vực cụ thể của miền bắc Kordofan.
Vương quốc trên trải qua những chuyển đổi về văn hóa và tôn giáo được biết đến với cái tên “Nubia hóa” nhằm ứng phó sự gia tăng ảnh hưởng Ả Rập. Những cải cách này bao gồm việc tôn vinh những vị giám mục đã qua đời và công nhận các vị thánh bản địa người Nubia. Các nhà khảo cổ học của Trung tâm Khảo cổ Địa Trung Hải thuộc Đại học Warsaw (Ba Lan) đã thực hiện dự án nghiên cứu có tên “UMMA - Sự chuyển biến đô thị của cộng đồng kinh đô Trung Cổ châu Phi”. Trong quá trình khai quật, họ bất ngờ phát hiện sự tồn tại của một gian phòng ngầm và tổ hợp những hốc nhỏ có mái vòm và được xây dựng bằng gạch bùn có niên đại từ giữa thế kỷ XVI đến XIX, tức trong giai đoạn của vương quốc Hồi giáo Funj. Tại đây, các nhà khảo cổ học được chiêm ngưỡng tận mắt những tác phẩm mỹ thuật mà theo đánh giá là “độc nhất vô nhị trong lịch sử mỹ thuật Kitô giáo”.
Những bức bích họa trong lòng đất
Một vài căn phòng được trang trí bằng những bức bích họa mô tả những cảnh tượng trong Thánh Kinh, có thể kể đến những hình ảnh về Chúa Giêsu, tổng lãnh thiên thần Micae, Đức Mẹ Maria và một vị vua Nubia tên David. Cùng với những tác phẩm nghệ thuật là những dòng chữ, một trong số này vài lần đề cập Vua David (Nubia) và cầu nguyện Thiên Chúa bảo hộ kinh đô Dongola.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy bích họa được tạo ra trong giai đoạn vô cùng khó khăn của Dongola, vốn từng là một thành phố thương mại quan trọng bên bờ sông Nile. Trong vài thế kỷ, thành phố phát triển thịnh vượng nhờ vào quan hệ hữu hảo giữa chính quyền đạo Hồi ở Ai Cập và chính quyền Kitô giáo ở Nubia.
Một trong các bức bích họa vẽ Vua David được sự bảo hộ của thiên thần Micae và kèm theo là những dòng chữ cầu khẩn Thiên Chúa bảo vệ kinh đô. Theo lời các nhà khảo cổ học, vị vua là một trong những nhà trị vì cuối cùng của vương quốc Kitô giáo Makuria, và triều đại của ông đánh dấu sự khởi đầu giai đoạn chấm dứt của vương triều. Vì những nguyên nhân chưa rõ, Vua David của Nubia xuất quân tấn công Ai Cập. Để trả đũa, vua Hồi giáo ở Ai Cập đánh trả và kéo quân sang Nubia. Trước sự tấn công dữ dội của đối phương, Dongola lần đầu tiên rơi vào tay ngoại xâm. “Có lẽ bức họa được hoàn thành khi quân đội của Vua Hồi giáo Mamluk tiếp cận và bao vây kinh đô”, theo đội ngũ chuyên gia Ba Lan.
Toàn bộ tổ hợp phòng ốc nằm cạnh Nhà thờ Lớn của Chúa Giêsu, cũng là nhà thờ quan trọng nhất của vương quốc Makuria. “Tôi cho rằng những cấu trúc này được xây dựng ở đây vì sự hiện diện của Nhà thờ Lớn của Chúa Giêsu, vốn là nhà thờ lớn nhất và quan trọng nhất của Nubia theo các ghi chép chính thức”, ART News dẫn lời ông Artur Obłuski, Giám đốc dự án. “Chúng tôi nhận được tài trợ cho 3 dự án mới và một trong số đó tập trung vào việc khai quật Nhà thờ lớn của Chúa Giêsu”, vị giám đốc cho biết.
Đội ngũ của ông Obłuski đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ các bức bích họa. Các nhà khảo cổ học bắt đầu khai quật cố đô Dongola từ thập niên 1960, và dự án mới nhất nhận được sự tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu. “Bất chấp mọi biện pháp mới mẻ và được nhiều người ưa chuộng, khảo cổ học ‘truyền thống’ vẫn mang đến những bất ngờ như điều chúng tôi đã tìm thấy ở cố đô Dongola”, ông Obłuski nhận định.
LING LANG
Bình luận