Trồng trọt và chế biến nông sản, bán hàng gây quỹ phục vụ đồng bào; chăm sóc bệnh nhân phong, người tật nguyền; dưỡng nuôi cô nhi và quả phụ; mở lớp cắt may trang phục sắc tộc và các lớp nhạc cụ… là những nỗ lực trong hành trình dấn thân của các nữ tu dân tộc thiểu số thuộc dòng Ảnh Phép Lạ (giáo phận Kon Tum), từ những ngày đầu thành lập cho đến nay.
![]() |
Bán hàng gây quỹ bác ái
Trong một lần bán hàng ở giáo xứ Hòa Hưng (hạt Phú Thọ), gian hàng nông sản được bày trí trong sân nhà thờ của các nữ tu Ảnh Phép Lạ đã được giáo dân ủng hộ nhiệt tình, bởi những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản. Trong đó có mật ong, tinh bột nghệ, các loại kẹo mứt, chuối sấy dẻo, ca cao, cà phê, sắn dây, măng rừng khô, phấn hoa cà phê, nước cốt chanh dây, chuối hột rừng ngâm rượu, tiêu sọ, muối tiêu xanh… Nữ tu Lucia Y Lét (trưởng cộng đoàn ở TPHCM) cho biết, đa phần các sản phẩm được bày bán đều do các cộng đoàn của hội dòng canh tác, chế biến. Chỉ có bột ca cao, bột sắn dây và kẹo gừng là được “lấy giá sỉ” từ dòng Nữ vương Hòa Bình (ở Ban Mê Thuột). Riêng măng rừng khô được mua lại của người bản địa sau khi lấy từ rừng về. Sau đó, các nữ tu sơ chế và đóng gói.
![]() |
Đức Khâm sứ Tòa Thánh và Đức giám mục Giáo phận Kon Tum thăm cô nhi viện Vinh Sơn |
Là cầu nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào thiểu số, các nữ tu Ảnh Phép Lạ thu mua măng rừng, lá rừng nhưng không trả tiền mặt, mà trao lại những gì cần trong cuộc sống hằng ngày như gạo, nhu yếu phẩm, thực phẩm, quần áo. Chỉ với ít măng, ít lá rừng, họ đã có thể đổi được gạo và các thứ cần thiết trong sinh hoạt gia đình. Có thể nói, hình thức “lấy ít đổi nhiều” này chủ yếu là các sơ làm thiện nguyện, hỗ trợ đồng bào một cách khéo léo, tế nhị. Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt, việc bày bán gian hàng ở các nhà thờ trên địa bàn TPHCM bị gián đoạn khiến công việc bác ái có thể gặp nhiều khó khăn. Ðể tránh bị động về “đầu ra” cho sản phẩm nông sản, cộng đoàn các nữ tu ở thành phố dự kiến tiếp cận phương thức bán hàng trực tuyến để giới thiệu sản phẩm đến nhiều người hơn, phục vụ được nhiều khách hàng hơn nữa.
Chào đón các nữ tu Ảnh Phép Lạ đến với giáo xứ, trong thánh lễ chiều thứ Bảy tại nhà thờ Hòa Hưng, cha chủ tế Giuse Vũ Minh Trực mời gọi cộng đoàn rộng lòng ủng hộ các sơ để có những sản phẩm tốt cho sức khỏe sử dụng trong gia đình, vừa chung tay với các sơ làm việc bác ái phục vụ tha nhân. Sau đó, ngài đã giới thiệu một vài người trẻ giúp các nữ tu lập trang trên mạng xã hội để giới thiệu các sản phẩm nông sản. Vị linh mục 51 tuổi (dòng Máu Châu Báu) chia sẻ: “Các sơ là người dân tộc thiểu số, nên việc bán hàng gây quỹ bác ái giúp người nghèo sắc tộc là việc làm rất hữu ích và ý nghĩa. Ðể các sản phẩm đến với nhiều người hơn và đầu ra tốt hơn, thì bán hàng trực tuyến theo tôi là một phương thức phổ biến trong thời đại công nghệ số hiện nay mà các nữ tu nên tận dụng”.
![]() |
Gian hàng nông sản của các nữ tu Hội dòng Ảnh phép lạ tại nhà thờ Hòa Hưng
|
Hăng say loan báo Tin Mừng
Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng mà đấng sáng lập là Ðức Giám mục Gioan Sion Khâm (Ðại diện Tông tòa Kon Tum) đã đề ra từ khi thành lập dòng (ngày 6.4.1947), có thể nói, công tác bác ái phục vụ người nghèo, đồng bào sắc tộc là một trong những lãnh vực dấn thân ưu tiên của dòng Ảnh Phép Lạ. Nơi mái nhà chung của các nữ tu thuộc nhiều dân tộc gồm Ba Na, Xê Ðăng, Jrai, Rơ Ngao, Jơ Lơng, Xơ Dră, Jeh Triêng, Hơ Lăng và người Kinh, đặc sủng của dòng là “Truyền giáo trong đức ái” đã được các chị em thể hiện cụ thể trong đời sống, trong ơn gọi thánh hiến của mình. 32 cộng đoàn lần lượt được thành lập ở Kon Tum và Gia Lai, cùng với sự góp mặt của 200 nữ tu hiện nay, các chị em hăng say sứ vụ phục vụ tha nhân, giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là người dân bản địa; thăm viếng, trao tặng nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế cho bệnh nhân phong, người già yếu, tật nguyền; chăm sóc quả phụ và nuôi dưỡng 800 trẻ mồ côi, khuyết tật trong 6 trung tâm cô nhi Vinh Sơn.
![]() |
Lớp dệt thổ cẩm do các sơ hướng dẫn nhằm gìn giữ bản sắc, văn hóa của người đồng bào |
Chú trọng công tác giáo dục người trẻ, dòng đã thành lập 23 nhà nội trú cho hơn 1.000 em học sinh người dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi đến trọ học. Chuyên chăm công tác mục vụ ở các giáo xứ, các sơ nhận trọng trách dạy giáo lý, tập hát ca đoàn, sinh hoạt giới trẻ. Ðể gìn giữ văn hóa sắc tộc, nhiều lớp được mở thường xuyên, hết lớp này đến lớp khác, gồm dạy nhạc cụ cho đồng bào, cắt may trang phục truyền thống, hướng dẫn cách sử dụng các loại thuốc từ cây cỏ để chữa bệnh cho các gia đình… Phụ trách Cộng đoàn Học Viện (Q. Tân Bình, TPHCM), nữ tu Lucia Y Lét nói rằng việc học hỏi, đào luyện, phục vụ tha nhân trong sứ mệnh của dòng là hành trình không bao giờ ngơi nghỉ. Chị khẳng định: “Linh đạo của dòng Ảnh Phép Lạ là truyền giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số và phục vụ người nghèo, nên cộng đoàn ở thành phố vừa là cầu nối đầu ra cho các sản phẩm của nhà dòng, và đặc biệt là nơi nhiều chị em cư ngụ để theo học các lớp thần học ở Trung tâm Mục vụ, Học viện Ða Minh, Học viện Mến Thánh Giá trong 3 năm. Ước mong các chị em luôn yêu mến sứ mạng phục vụ tha nhân và ngày càng thăng tiến trong ơn gọi thánh hiến”.
Ngày 27.11.1830, Ðức Mẹ đã hiện ra lần thứ hai cho chị thánh Catherine Labouré, là một tập sinh của dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinhsơn, và Mẹ đã dạy hãy loan truyền lòng tôn kính Mẹ qua ảnh vảy (médaille) có in hình Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đứng trên một quả cầu, tượng trưng cho toàn thế giới. Chính ảnh vảy này đã giúp cho rất nhiều tín hữu trở nên sốt sắng, đạo đức và đón nhận được nhiều phép lạ của Chúa, nên còn được gọi là Ảnh Phép Lạ - đó cũng chính là tên của hội dòng Ảnh Phép Lạ sau này. |
Bích Vân
Bình luận