Nhằm hỗ trợ các công trình do Giáo hội bảo trợ, một nữ tu ở CHDC Congo đã theo học ngành kỹ sư cơ khí và xây dựng thành công hệ thống thủy điện cỡ nhỏ phục vụ cộng đồng.
Nữ tu Alphonsine Ciza, 55 tuổi, bằng công trình ở thị trấn Miti, miền đông CHDC Congo, đã chứng minh cho thế giới bằng cách nào các mạng lưới điện cỡ nhỏ có thể cung cấp điện năng cho mọi người. Sinh ra tại quốc gia thiếu thốn điện nghiêm trọng như CHDC Congo, nữ tu Ciza cảm thấy cần phải hành động để mang đến sự thay đổi cho cộng đồng, nhất là để trẻ em có thể được đến trường với các điều kiện tốt hơn.
Đi ủng cao su
Sơ Ciza dành đa số thời gian trong ngày tự tay xử lý máy móc. Với đôi ủng nhựa, chiếc nón công trình đội bên trên lúp của tu phục, sơ điều khiển thành thạo hệ thống thủy điện cỡ nhỏ, cho phép tạo ra nguồn năng lượng quý giá cho thị trấn Miti. Nơi đây có khoảng 300.000 dân, ở khu vực sát biên giới với Rwanda.
Sơ làm việc không ngơi nghỉ với sự hỗ trợ của các nữ tu và kỹ sư, vận hành cỗ máy thắp sáng tu viện, nhà thờ, hai trường học và cơ sở y tế. Tất cả đều từ nguồn năng lượng miễn phí, khai thác năng lực thủy điện từ hồ thủy điện gần đó. Không có hệ thống này, người dân địa phương chỉ có thể sử dụng điện từ 2-3 ngày/tuần, mỗi ngày được vài giờ. “Chúng tôi không thể tiếp tục trong điều kiện thiếu thốn điện như thế, vì cần tham gia nhiều hoạt động và phục vụ ở nhiều chương trình khác nhau”, nữ tu Ciza chia sẻ.
Như nhiều khu vực khác, cúp điện là chuyện thường ngày tại CHDC Congo. Quốc gia trung Phi rộng lớn với khoảng 90 triệu dân chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thủy điện đã xuống cấp và thiếu sự quản lý chặt chẽ. Chính quyền Kinshasa bắt tay với các đối tác nước ngoài trong nỗ lực tăng cường công suất của mạng lưới điện quốc gia vốn trong tình trạng èo uột.
Thế nhưng, những người chỉ trích cho rằng các dự án mới chủ yếu tập trung vào việc cung cấp điện cho các khu mỏ, đồng thời xuất khẩu điện cho các nước láng giềng. Hậu quả là điện thiếu thì vẫn thiếu. Bất chấp hàng triệu USD từ nguồn quỹ viện trợ nước ngoài, chỉ có khoảng 20% dân số nước này có điện, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Hệ thống thủy điện của sơ Ciza - ảnh: Reuters
|
Bắt tay hành động
Sau thời gian cảm thấy quá bất tiện vì phải sử dụng nến thắp sáng và tiêu tốn quá nhiều tiền vào các máy phát điện đắt đỏ, năm 2015, nữ tu Ciza bắt đầu tổ chức gây quỹ tự xây thủy điện. Khi còn trẻ, sơ luôn hăng hái chịu trách nhiệm sửa chữa các vấn đề liên quan đến điện tại cộng đoàn. Ấn tượng trước sự thể hiện và kỹ năng khéo léo của sơ, bề trên được thuyết phục và cho phép sơ Ciza theo học ngành kỹ sư cơ khí. Bên cạnh đó, cộng đoàn của sơ phải mất 3 năm để quyên góp đủ số tiền cần thiết là 297.000 USD cho dự án thủy điện cỡ nhỏ, với công suất vận hành từ 0,05 đến 0,1 MW.
Mạng lưới điện vi mô là thuật ngữ dùng để chỉ mạng lưới điện tại địa phương, có thể hoạt động độc lập so với mạng lưới điện quốc gia. Thông thường, mạng lưới điện vi mô là giải pháp cung cấp điện cho các tòa nhà, như khu công nghiệp, khuôn viên đại học, căn cứ quân sự hoặc một khu vực dân cư. Các mạng lưới điện vi mô có thể kết hợp với nhau để cung cấp nguồn điện cho những khu vực rộng lớn hơn, như thị trấn hoặc thành phố.
Nhờ vào nỗ lực của nữ tu Ciza, các học sinh của trường cấp hai Maendeleo tại thị trấn giờ đây có thể học tin học trực tiếp trên máy tính thay vì chỉ học trên sách vở như trước đây. “Những ngày trước, chúng tôi phải đợi đến ban đêm mới có điện, khi bọn trẻ đã hết giờ học trên lớp và về nhà”, hiệu trưởng Mweze Nsimire Gilberte cho biết. Vì thế, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm khi có máy phát điện riêng. Mạng lưới điện vi mô của sơ Ciza đã mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng, đặc biệt là cho ngành giáo dục ở địa phương.
HỒNG HOANG
Bình luận