Từ ngày 5 đến 8.3, cả nước Iraq bừng vui, rộn ràng chào đón “khách hành hương” đặc biệt mà đất nước này chờ mong đã rất lâu.
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Iraq “như một khách hành hương, khách hành hương của hòa bình và hy vọng”. Ngài đã hoàn thành tâm nguyện, và cũng là điều mà Ðức Gioan Phaolô II mong muốn cách đây 22 năm nhưng không thể thực hiện vì xung đột và khủng hoảng chính trị, xã hội bùng nổ tại nơi này. Suốt hơn hai thập niên qua, thương đau chất chồng thương đau, hết cuộc chiến này đến cuộc giao tranh khác, Iraq oằn mình vì bom đạn. Iraq oằn mình và các Kitô hữu ở nước này thì bị đẩy tới lằn ranh sinh tử. Ở lại hay ra đi? Sống hay chết? Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau cùng cũng bị đẩy lùi hoàn toàn vào năm 2017, để lại một Iraq ngổn ngang với những đống đổ nát và một xã hội rã rời vì những cuộc ly tán.
Ðức Thánh Cha đến với những ngổn ngang ấy, để gặp gỡ các tín hữu Kitô, Hồi giáo Shia và Sunni, Chính Thống giáo, Yazidi, Do Thái giáo…, để khẳng định “tất cả là anh chị em”. Nói lời từ biệt với người dân Iraq vào cuối thánh lễ đại trào ở thành phố Erbil, cũng là thánh lễ cuối cùng có cộng đoàn tham dự trong chuyến tông du, Ðức Phanxicô nhấn mạnh 3 lần “salaam, salaam, salaam”, tiếng Ả Rập nghĩa là “hòa bình, hòa bình, hòa bình”. Trước 10.000 tín hữu có mặt tại thánh lễ, ngài mời gọi họ “đừng bao giờ thất vọng khi tìm kiếm tình yêu của Chúa”. Còn với các tín hữu tại thị trấn Qaraqosh ở vùng đồng bằng Nineveh, Ðức Thánh Cha nhắn nhủ: “Ngay cả ở giữa những hoang tàn của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, bằng đôi mắt của đức tin, chiến thắng của sự sống trước cái chết”. Mở lòng ra bằng tình huynh đệ, vượt qua những khác biệt và nhận ra tất cả chúng ta đều thuộc về gia đình nhân loại, sống với đức tin và cậy trông vào tình yêu của Thiên Chúa…, để rồi cùng đạt được “salaam”. Ðó chính là “công thức hòa bình” mà Ðức Giáo Hoàng đã tặng cho Iraq.
Đại Giáo trưởng đã đứng lên để bày tỏ tình bằng hữu trong cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng |
Những bước chân khập khiễng ở Najaf
“Công thức hòa bình” này đã hiển hiện trong suốt những cuộc viếng thăm, những lần gặp gỡ và những phút lắng nghe, cầu nguyện của Ðức Phanxicô tại Iraq. Ngày thứ hai trong chuyến tông du - 6.3, tại thành phố Najaf, cách thủ đô Baghdad 160km về phía nam, ngài đến thăm Ðại Giáo trưởng Hồi giáo Shia Sayyid Ali Al-Husayni Al-Sistani. Những ai theo dõi chuyến tông du có lẽ sẽ không bao giờ quên được hình ảnh vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ khập khiễng đi bộ trong con hẻm nhỏ của ngôi thành cổ. Thời gian gần đây, ngài đi lại khá khó khăn vì bệnh về xương khớp. Vị giáo hoàng 85 tuổi “lặn lội” đường xa đến thăm vị đại giáo trưởng 90 tuổi. Ðức Thánh Cha tế nhị cởi giày ra trước khi vào nhà. Ðại Giáo trưởng Al-Sistani thì “phá lệ” khi đứng lên đến hai lần trong cuộc gặp, trong khi thông thường thì chỉ ngồi lúc tiếp khách. Hiểu biết lẫn nhau, sẵn sàng cởi mở, không ngại phá lệ để bày tỏ tình cảm chân thành, cuộc gặp lịch sử giữa hai vị đã bắc cây cầu bằng hữu cho hai tôn giáo.
Chủ sự thánh lễ theo nghi lễ của Công giáo Canđê ở nhà thờ Chánh tòa Thánh Giuse tại Baghdad |
Cũng trên tinh thần này, rời Najaf, Ðức Phanxicô đến thành Ur - vùng đất của tổ phụ Abraham để tham dự một cuộc gặp liên tôn, với sự tham dự của các vị đại diện nhiều tôn giáo ở Iraq. Ngài đã cùng cầu nguyện và lắng nghe các chứng từ. Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người hướng về bầu trời để cảm nghiệm sự tốt lành của Thiên Chúa, đồng thời chỉ trích chủ nghĩa khủng bố và bạo lực là “sự phản bội tôn giáo”.
Và đây, tương lai
Iraq đã trải qua quá nhiều đau khổ và luôn khát khao hòa bình. Một tương lai “salaam” cho đất nước này đã phần nào được phác họa qua những gương mặt hiền hòa, thuộc nhiều tôn giáo, đã gặp gỡ Ðức Giáo Hoàng trong những ngày tông du. Như bà Rafah Hussein Baher, một tín hữu của đạo Mandae, người đã phải chứng kiến con cái, anh em rời bỏ đất nước vì IS. Bà bày tỏ với Ðức Phanxicô: “Ðức Thánh Cha, xin ngài hãy gieo trồng những hạt giống của tình yêu và hạnh phúc. Nhờ vào khẩu hiệu chuyến tông du của ngài - tất cả là anh chị em - con xin nói rằng con sẽ ở lại vùng đất của tổ tiên…”.
Thánh lễ đại trào ở Erbil |
Hay như David và Hasan, hai thanh niên, một người là Kitô hữu, người kia theo đạo Hồi, là bạn học. Ðể trang trải học phí, cả hai đã cùng mở cửa hàng bán quần áo. Hai bạn trẻ nói với Ðức Giáo Hoàng: “Chúng con mong rằng còn nhiều người Iraq khác cũng sẽ có được trải nghiệm như vậy”. Và tương lai “salaam” cho Iraq cũng là hình ảnh của Najay, một tín hữu Mandae ở Bassorah, đã hy sinh mạng sống để cứu người hàng xóm là tín hữu Hồi giáo. Tương lai hòa bình cho Iraq, như Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh, chỉ có thể xây dựng được bằng sự chung sức và đồng lòng: “Sẽ không có được hòa bình khi nào còn gọi người khác là ‘họ’, chứ không phải là ‘chúng ta’. Và hòa bình không cần kẻ thắng hay người bại, mà cần những anh chị em, dù đã từng có bất hòa hay từng chịu thương tổn trong quá khứ, có thể vượt qua những xung khắc để trở nên hiệp nhất”. Con đường duy nhất để quốc gia này thoát khỏi bất ổn, chia rẽ, ghét ghen, xung đột chính là “mến Chúa yêu Người”.
Ðây chính là thông điệp “salaam” cho Iraq, cho Syria, cho Trung Ðông và cho toàn thể thế giới. Lịch sử chỉ có thể được thay đổi một cách tích cực “với sức mạnh khiêm tốn của tình yêu”, Ðức Phanxicô đã nhấn mạnh trong ngày đầu tiên của chuyến tông du, khi chủ sự thánh lễ theo nghi lễ Công giáo Canđê ở nhà thờ Chánh tòa Thánh Giuse tại Baghdad. Và đó không phải là điều viễn vông, “sức mạnh khiêm tốn” này đã được thể hiện với Rafah, David, Hasan, Najay và nhiều gương mặt rất đời thường, rất dung dị khác vẫn hằng ngày vun đắp cho hòa bình ở Iraq.
Những sắc màu tươi tắn Qua chuyến tông du của Ðức Thánh Cha, dù vẫn còn đó muôn vàn khó khăn, Iraq đã cho thế giới thấy rằng quốc gia này không chỉ có những đổ nát và hoang tàn, mà vẫn còn, và vẫn luôn hướng đến những sắc màu rạng rỡ. Ở nơi nào đến thăm, Ðức Phanxicô cũng được người dân thuộc nhiều sắc tộc, nhiều tôn giáo khác nhau tiếp đón trong những trang phục nhiều màu sắc, với những vũ điệu truyền thống rộn ràng. Ðất nước Iraq yên lành, thịnh vượng, dân cư chung sống hòa hợp đã từng có trong quá khứ và hoàn toàn có thể tái lập. Ðường sá, nhà thờ, trường học… đang dần được xây dựng lại. Giấc mơ của người dân Iraq sẽ không còn quá xa vời. |
Quảng trường Các nhà thờ Tại Mosul, thành phố bị phá hủy đến 90% - bao gồm nhiều nhà thờ và cả các giáo đường Hồi giáo - trong giai đoạn IS chiếm đóng (từ 2014-2017), Ðức Giáo Hoàng đã có buổi cầu nguyện cho những nạn nhân của chiến tranh. Nơi diễn ra sự kiện này là quảng trường Các nhà thờ, xung quanh là những đống đổ nát của 4 ngôi thánh đường thuộc Công giáo Syriac, Chính Thống giáo Syriac, Chính Thống giáo Armenia, Công giáo Canđê. Ngoài ra, các nhà tổ chức còn đặt cạnh Ðức Phanxicô cây thánh giá của làng Karamlech từng bị các tay súng Hồi giáo đốt vào năm 2014, nay đã được phục chế. |
Lan Chi
Bình luận