Sự cảm hứng trước Thông điệp Laudato Si

Thứ năm 18.6.2015, Thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc bảo vệ môi trường đã được công bố trong cuộc họp báo tại hội trường Thượng Hội đồng Giám mục thế giới ở nội thành Vatican. Thông điệp mang tựa đề là Chúc tụng Chúa về việc săn sóc căn nhà chung, tiếng Ý là Laudato Si’ Sulla cura della sasa comune.

Văn bản Thông điệp được phổ biến bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trên giấy in và dưới dạng điện tử.

Cuộc khủng hoảng hiện nay là cuộc khủng hoảng tinh thần

Trong tuyên ngôn về sự thay đổi khí hậu, Hội đồng Giám mục vùng Antilles bao gồm 20 nước và lãnh thổ xưa kia là thuộc địa của Anh, Pháp, và Hòa Lan, ngoại trừ Haiti, đã lên tiếng mời gọi dân chúng cứu xét chiều kích tinh thần và luân lý của sự thay đổi khí hậu. Các vị đề ra một loạt các giai đoạn mà mọi người có thể bắt đầu làm để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của họ trên môi trường và kêu gọi mọi người hướng tới Hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu sẽ nhóm tại Paris từ ngày 30.11 đến 11.12.2015. Các Giám mục Antilles cũng hứa khai triển các tài liệu để giúp công đoàn và các nhóm trong giáo xứ ý thức về những nguyên nhân và hậu quả của sự thay đổi khí hậu. Chẳng hạn giảm bớt năng lượng và tiêu thụ nước như phương thế để săn sóc tốt đẹp hơn các tài nguyên thiên nhiên. Thư mục vụ của các Giám mục Antilles có đoạn viết: “Cuộc khủng hoảng hiện nay trước tiên là cuộc khủng hoảng tinh thần với những hậu quả quan trọng về luân lý. Hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai. Chúng ta cần hành động bây giờ và chúng ta có trách nhiệm giáo dục bản thân, chọn lựa một cách ý thức để sống trong tinh thần trách nhiệm đối với môi sinh và công ích”. Hội đồng Giám mục miền Antilles bày tỏ lo âu về sự thay đổi khí hậu, gây ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất trên những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, người nghèo là những người ít trách nhiệm nhất đối với việc gây ra hiện tượng lồng kính.

Cuộc họp báo giới thiệu thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha

Bất công và chênh lệch trong việc phân phối tài nguyên

Một số quan sát viên nhận định rằng Thông điệp của Đức Thánh Cha sẽ gửi một sứ điệp mạnh mẽ về luân lý. Một sứ điệp có thể làm cho một số người đọc khó chịu. Đức cha Pedro Barreto Jimeno, Tổng Giám mục giáo phận Huancayo bên Peru nói với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ rằng: “Thông điệp mới của Đức Thánh Cha sẽ nói đến vấn đề bất công và chênh lệch trong việc phân phối tài nguyên và những vấn đề như phung phí thực phẩm và khai thác thiên nhiên một cách vô trách nhiệm, cũng như những hậu quả gây ra cho cuộc sống và sức khỏe của dân chúng. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng môi trường không phải chỉ là vấn đề kinh tế hoặc chính trị, nhưng còn là một vấn đề liên quan đến con người và luân lý đạo đức. Làm sao bạn có thể có của cải giàu sang, nếu của cải đó gây đau khổ và chết chóc cho những người khác và làm cho môi trường bị suy thoái”.

Một số quan sát viên nói rằng Thông điệp Đức Thánh Cha không phải là một khảo luận thần học, hoặc là một văn kiện chuyên đề về các vấn đề môi trường, nhưng là một lời kêu gọi mục vụ thay đổi cách thức dân chúng sử dụng các tài nguyên trái đất, để các tài nguyên ấy không những đủ để đáp ứng các nhu cầu ngày nay nhưng còn cho các thế hệ mai sau nữa.

Cha Eduardo Agosta Scarel, một khoa học gia về khí hậu, giáo sư tại đại học Giáo hoàng ở Achentina và đại học quốc gia La Plata ở thủ đô Buenos Aires, nói rằng: “Thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nhấn mạnh sự chọn lựa phục vụ môi trường đi song song với việc chọn lựa đứng về phía người nghèo. Tôi thiết nghĩ Đức Giáo hoàng muốn chúng ta ý thức được điều ấy”. Cha Agosta đã được tham khảo ý kiến về việc chuẩn bị soạn Thông điệp mới của Đức Thánh Cha, cho biết: “Đức Giáo hoàng muốn giúp dân chúng thay đổi con tim. Điều sẽ cứu vãn thế giới chúng ta không phải là kỹ thuật hay khoa học, nhưng là sự biến đổi xã hội chúng ta về mặt luân lý đạo đức”.

Một thông điệp hợp thời, mời gọi thay đổi quan niệm về sở hữu

Ông Anthony Annett, cố vấn Viện Trái đất, thuộc đại học Columbia Hoa Kỳ, nói rằng : “Điều mà Đức Giáo hoàng đưa vào cuộc thảo luận là chiều kích luân lý, cách thức đặc sắc của ngài khi nhìn vấn đề vốn ăn rễ sâu nơi giáo huấn xã hội Công giáo và sẽ âm hưởng đến các dân tộc trên thế giới. Và sự kiện Thông điệp được công bố trong thời điểm này là có ý nghĩa”. Có ý nghĩa là bởi vì một tháng sau khi Thông điệp Chúc tụng Chúa được công bố, đại diện của các nước trên thế giới sẽ nhóm hội nghị tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, về việc tài trợ phát triển; rồi tháng 9.2015, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong một khóa họp có thể sẽ có việc thông qua một loạt các mục tiêu mới về phát triển, các chi tiêu cần đạt tới về việc phát triển dài hạn, trong đó có cả những tiêu chuẩn môi trường. Sau đó, vào tháng 12.2015, các nhà thương thuyết và các vị lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại Paris để đạt tới một hiệp ước nhắm giảm bớt số lượng thán khí gây ra hiện tượng lồng kính.

Từ trước đến nay, Đức Phanxicô đã nói về nền văn hóa vứt bỏ, không những vứt bỏ các đồ vật chúng ta mua và dùng vài tháng rồi vứt đi, nhưng cả sự vứt bỏ con người nữa. Thầy David Kane, trợ sĩ thừa sai Maryknoll, ở João Pessoa, Brazil, hoạt động trong chương trình đức tin-kinh tế và môi sinh của Hội Thừa sai Maryknoll, hy vọng Thông diệp sẽ giúp dân chúng hiểu rằng việc sử dụng thái quá các tài nguyên, từ rừng cây cho tới cá, nước, sẽ đưa tới sự khan hiếm và trầm trọng hơn do sự thay đổi khí hậu. Thầy hy vọng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ nhắc nhở dân chúng về trách nhiệm săn sóc các công trình sáng tạo của Thiên Chúa và diễn đạt : “Dù bạn có nghĩ việc thay đổi khí hậu là vấn đề hay không, bạn không thể phủ nhận rằng tình trạng khan hiếm hơn số lượng cá, dầu, nước và các tài nguyên khác thực là một vấn đề lớn. Giải pháp cho vấn đề này là thay đổi toàn diện trong quan niệm của chúng ta về điều làm cho chúng ta hạnh phúc. Chúng ta cần từ bỏ quan niệm: hễ càng sở hữu nhiều hơn thì chúng ta càng hạnh phúc hơn”.

Đức Tổng Giám mục Barreto nghĩ rằng sẽ có một số tranh luận về Thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô vì chống lại nền văn hóa vứt bỏ bằng cách hài lòng với việc sở hữu ít hơn, có nghĩa là đặt tiền bạc để phục vụ con người, chứ không dùng con người để phục vụ cho tiền bạc. Đức Tổng Giám mục nói: “Chắc chắn sẽ có nhiều người phê bình chống Thông điệp, vì họ tiếp tục đặt ra quy luật chơi, trong đó tiền bạc chiếm chỗ đứng thứ nhất. Chúng ta phải chuẩn bị trước những cuộc tấn công như thế”.

Khánh Thi

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Thiếu trẻ em và người trẻ, tương lai bị đánh mất 
Thiếu trẻ em và người trẻ, tương lai bị đánh mất 
Đức Thánh Cha xác quyết: “Vấn đề của thế giới không phải là trẻ em, nhưng chính là sự ích kỷ, duy tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân, đã làm cho con người cô đơn và bất hạnh
50 năm ngày qua đời của linh mục phục vụ khu ổ chuột
50 năm ngày qua đời của linh mục phục vụ khu ổ chuột
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày linh mục Carlos Múgica, người Argentina, qua đời vì bị ám sát,  Đức Giáo Hoàng đã đề cao di sản phục vụ người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội của cha Múgica.
Caritas Bangladesh đã trồng hơn 1 triệu cây xanh
Caritas Bangladesh đã trồng hơn 1 triệu cây xanh
Các nhóm giới trẻ của giáo phận Dinajpur đã cùng nhau thực hiện dự án mỗi người trồng một cây xanh, và mời gọi thêm 2 người bạn trồng cây
Thiếu trẻ em và người trẻ, tương lai bị đánh mất 
Thiếu trẻ em và người trẻ, tương lai bị đánh mất 
Đức Thánh Cha xác quyết: “Vấn đề của thế giới không phải là trẻ em, nhưng chính là sự ích kỷ, duy tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân, đã làm cho con người cô đơn và bất hạnh
50 năm ngày qua đời của linh mục phục vụ khu ổ chuột
50 năm ngày qua đời của linh mục phục vụ khu ổ chuột
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày linh mục Carlos Múgica, người Argentina, qua đời vì bị ám sát,  Đức Giáo Hoàng đã đề cao di sản phục vụ người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội của cha Múgica.
Caritas Bangladesh đã trồng hơn 1 triệu cây xanh
Caritas Bangladesh đã trồng hơn 1 triệu cây xanh
Các nhóm giới trẻ của giáo phận Dinajpur đã cùng nhau thực hiện dự án mỗi người trồng một cây xanh, và mời gọi thêm 2 người bạn trồng cây
Khai mạc Năm Thánh trên toàn thế giới vào ngày 29.12.2024
Khai mạc Năm Thánh trên toàn thế giới vào ngày 29.12.2024
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sắc chỉ “Spes non confundit - Niềm Hy vọng không làm thất vọng” ấn định Năm Thánh thường lệ 2025.
Chiến tranh là một sự lừa dối 
Chiến tranh là một sự lừa dối 
Tiếp các tham dự viên Hội nghị Thế giới về tình Huynh đệ nhân loại lần II vào sáng 11.5.2024, Đức Thánh Cha nhắc rằng chiến tranh là một sự lừa dối, chiến tranh luôn là một thất bại.
Linh mục khiếm thính bẩm sinh đầu tiên ở Ấn Độ
Linh mục khiếm thính bẩm sinh đầu tiên ở Ấn Độ
Tân chức người Ấn Ðộ bị khiếm thính và câm là cha Joseph Thermadom, 38 tuổi, thuộc dòng Thánh Giá
Di dân châu Á hành hương kính Đức Mẹ
Di dân châu Á hành hương kính Đức Mẹ
Di dân từ các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tổ chức một cuộc hành hương tôn kính Đức Maria tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Washington (Mỹ)
Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các cha có trên 40 năm linh mục của giáo phận Rome
Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các cha có trên 40 năm linh mục của giáo phận Rome
Cuộc gặp diễn ra tại giáo xứ San Joseph al Trionphale ở quận Prati vào chiều 14.5. Đức Phanxicô đã gặp khoảng 70 cha được truyền chức linh mục cách đây hơn 4 thập niên.
Các địa điểm thánh ở Giêrusalem luôn được bảo vệ
Các địa điểm thánh ở Giêrusalem luôn được bảo vệ
Vua Abdullah II của Jordan đã bảo đảm với Đức Thánh Cha rằng, các địa điểm thánh của Kitô giáo và Hồi giáo ở Giêrusalem sẽ được bảo vệ trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas.