Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Di Dân và Người Tị Nạn 2016 (17.01.2016)

Di dân và người tị nạn thách đố chúng ta
Lời giải đáp từ Tin Mừng của Lòng Thương Xót

Anh chị em thân mến,

Trong Trọng sắc công bố mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, tôi đã lưu ý rằng:“nhiều lúc chúng ta được kêu gọi chiêm ngắm lòng thương xót cách chăm chú hơn và nhờ đó chúng ta có thể trở nên dấu chỉ đầy hiệu năng hơn cho hoạt động của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta”(Misericordiae Vultus,3).

Tình yêu của Thiên Chúa muốn vươn đến mọi người và từng người. Những ai đón nhận vòng tay trìu mến của Chúa Cha thì họ sẽ trở nên muôn vàn cánh tay rộng mở và vòng tay trìu mến giúp mọi người cảm nhận được yêu thương như trẻ thơ và “thân thuộc một nhà” trong gia đình nhân loại. Sự chăm nom đầy tình phụ tử của Thiên Chúa trải rộng đến hết thảy mọi người, như mục tử chăm nom đoàn chiên của mình, nhưng cụ thể là mối bận tâm đến những con chiên mang thương tích, kiệt sức và đau yếu.

Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Chúa Cha cúi xuống nâng đỡ những ai nghèo yếu về thể lý hay luân lý; tình trạng càng trầm trọng thì quyền năng của lòng Chúa thương xót càng biểu lộ hữu hiệu. Trong thời đại của chúng ta, làn sóng di dân đang tăng tràn trên toàn thế giới. Những người tị nạn và những người trốn chạy khỏi quê hương đang thách đố mọi cá nhân cũng như cộng đồng, kể cả những lối sống truyền thống; nhiều lúc họ đảo lộn những nhận thức về văn hóa và xã hội mà họ đối diện.

Ngày càng có thêm nhiều nạn nhân của bạo lực và nghèo đói rời bỏ quê hương mình bị những kẻ buôn người bóc lột, trên con đường đến với giấc mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Nếu may mắn sống sót sau khi bị lạm dụng và sau cuộc hành trình đầy gian truân, họ lại phải đối mặt với những mối nghi ngại và sợ hãi chực chờ. Sau hết, họ luôn phải đối mặt với việc thiếu những chính sách minh bạch và thực tế về quy định tiếp nhận người di dân, và cung cấp những chương trình hội nhập ngắn hạn hay dài hạn, tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người.

Hơn bao giờ hết, Tin Mừng của Lòng Thương Xót đang lay động lương tâm chúng ta, không để chúng ta vô cảm với nỗi đau của người khác, và chỉ cho chúng ta phương thức đáp lại nỗi đau ấy - dựa trên nền tảng của đức Tin-Cậy-Mến, thể hiện cách cụ thể qua những việc thương xót, phần hồn cũng như phần xác.

Dưới ánh sáng của những thực tế này, tôi đã chọn chủ đề cho Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn 2016 là“Di dân và người tị nạn đang thách đố chúng ta. Lời giải đáp từ Tin Mừng của Lòng Thương Xót”.

Các làn sóng di dân hiện nay là một thực tại tất yếu không thể phủ nhận. Vấn đề quan trọng của chúng ta là phải giải quyết thảm trạng này bằng cách cung cấp những chương trình chỉ rõ nguyên nhân và hệ quả của di dân, bao gồm cả những hậu quả tác động đến xã hội và con người. Hằng ngày, số phận bi thương của hàng triệu con người đang chất vấn cộng đồng quốc tế từ hậu quả bùng nổ của những khủng hoảng nhân đạo không thể chấp nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Khi chúng ta bình tâm và thinh lặng đứng nhìn người khác đang chết dần vì ngột ngạt, vì đói khát, vì bạo lực và chết chìm là chúng ta đồng lõa với tội ác.

Bất luận trên bình diện lớn hay nhỏ, ngay cả khi chỉ có một người bị thiệt mạng thì sự việc này vẫn luôn là bi kịch. Di dân là anh chị em của chúng ta đang ra sức tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát cảnh nghèo đói, nạn bóc lột và phân phối cách bất công các tài nguyên phong phú của hành tinh này - lẽ ra phải được chia sẻ bình đẳng cho tất cả mọi người. Chẳng phải chúng ta đều mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn và thịnh vượng hơn để chia sẻ với những người thân yêu của chúng ta hay sao?

Vào lúc này của lịch sử nhân loại –được ghi dấu bằng những cuộc di dân vĩ đại– căn tính không phải là chuyện thứ yếu. Người di dân bị buộc phải thay đổi ít nhiều căn tính và dù muốn hay không, những người đón nhận họ cũng buộc phải thay đổi.Chúng ta phải làm sao để những kinh nghiệm về sự thay đổi này không gây trở ngại cho sự phát triển thực thụ nhưng trở nên cơ hội tăng tiến đích thực cho con người, xã hội và tinh thần; một sự tăng tiến tôn trọng và phát huy những giá trị giúp chúng ta nhân hậu hơn, quân bình hơn trong tương quan với Chúa, với người khác và với thụ tạo?

Sự hiện diện của di dân và người tị nạn thách đố quyết liệt những cộng đồng tiếp nhận họ.Những cộng đồng này phải đối mặt với những tình huống mới, có thể tạo nên những khó khăn nghiêm trọng nếu không được tác động,giải quyết và điều chỉnh một cách thích hợp.Làm sao chúng ta bảo đảm được rằng sự hội nhập sẽ làm phong phú cho cả đôi bên, khai mở những triển vọng tích cực cho các cộng đồng, và tránh được các nguy cơ kỳ thị, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa quốc gia cực đoan hoặc tinh thần bài ngoại? Mạc khải Kinh Thánh thúc bách chúng ta đón tiếp khách lạ; Kinh Thánh bảo chúng ta rằng khi làm như thế là chúng ta mở cửa cho Thiên Chúa, và nhận ra dung nhan của chính Đức Kitô nơi gương mặt của tha nhân.Nhiều tổ chức, hiệp hội, phong trào, các nhóm, các tổ chức của giáo phận, quốc gia và quốc tế đang trải nghiệm sự kỳ diệu và niềm vui của gặp gỡ, của chia sẻ và tình liên đới. Họ đã nghe thấy tiếng nói của Đức Giêsu Kitô: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ” (Kh 3,20).Thế nhưng những tranh luận về điều kiện và giới hạn cần đặt ra cho việc tiếp nhận người di dân vẫn đang tiếp diễn, không chỉ ở cấp độ chính sách quốc gia mà còn ở một số cộng đoàn giáo xứ, nơi mà sự bình lặng lâu nay như đang bị đe dọa.

Đối diện với các vấn nạn này, Giáo hội có thể làm gì khác hơn ngoài việc đón nhận linh hứng bởi cuộc đời và Lời của Đức Giêsu Kitô? Câu trả lời của Tin Mừng chính là lòng thương xót.Trước hết, Lòng Thương Xót này chính là hồng ân của Thiên Chúa Cha được mạc khải trong Chúa Con. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khơi dậy niềm vui cảm tạ vì niềm hy vọng nơi mầu nhiệm cứu độ bằng giá máu Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta. Lòng Thương Xót nuôi dưỡng và tăng cường tình liên đới với tha nhân như một cách đền đáp tình yêu khoan dung của Thiên Chúa “đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần” (Rm 5,5). Mỗi người chúng ta có tránh nhiệm về người sống bên cạnh mình: chúng ta là người trông nom anh chị em mình, bất kể họ sống ở đâu. Ưu tư đến việc nuôi dưỡng tương quan tốt đẹp với tha nhân và khả năng vượt thắng những định kiến và sợ hãi là những thành tố nòng cốt cho sự thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ, ở đó chúng ta không chỉ cần được chuẩn bị để trao ban nhưng còn được nhận lãnh từ người khác.

Trong thực tế, lòng hiếu khách tăng triển từ hai phía cho và nhận.Trên quan điểm này, điều quan trọng là nhìn nhận người di dân không chỉ đơn thuần ở tình trạng hợp pháp hay bất hợp pháp của họ, nhưng trên hết họ là con người với phẩm giá cần được bảo vệ và chính họ có khả năng đóng góp cho sự tiến bộ và phúc lợi chung của xã hội. Đặc biệt là khi họ trở nên có trách nhiệm với những người tiếp nhận họ, trân trọng các di sản vật chất và tinh thần của nước chủ nhà, tuân thủ luật pháp hiện hành và cộng tác với những nhu cầu của đất nước. Chúng ta không thể chỉ thu gọn vấn đề di dân vào phương diện chính trị và pháp lý, vào những hoạt động kinh tế và sự kiện nhiều nền văn hoá sống chung cụ thể với nhau trong một lãnh thổ. Tất cả những điều này bổ sung cho việc bảo vệ và thăng tiến con người, cho nền văn hóa gặp gỡ, và sự hiệp nhất các dân tộc, chính nơi ấy Tin Mừng của Lòng Thương Xót linh hứng và khích lệ những cách thế canh tân và biến đổi toàn nhân loại.

Giáo hội đứng về phía tất cả những ai tranh đấu để bảo vệ quyền của mỗi người được sống đúng phẩm giá của mình, trước hết và trên hết bằng việc thực thi quyền không phải ra đi để đóng góp cho sự phát triển của chính đất nước mình. Tiến trình này nên khởi đầu bằng việc cần phải trợ giúp các quốc gia mà người di dân và tị nạn rời bỏ. Điều này sẽ minh chứng rằng tình liên đới, sự hợp tác, tương quan quốc tế và sự phân phối công bằng các nguồn tài nguyên của trái đất là thiết yếu cho những nỗ lực quyết liệt hơn, nhằm loại bỏ tình trạng mất quân bình vốn đưa con người, cá nhân hay tập thể, đến chỗ rời bỏ môi trường thiên nhiên và văn hoá của riêng họ, đặc biệt ở các quốc gia xuất phát di dân. Dù bất cứ trường hợp nào, cần sớm hết sức tránh những làn sóng tị nạn và tản cư do hậu quả của nghèo đói, bạo lực và bắt bớ. Cũng cần định hình công luận cách đúng đắn, để tránh những nỗi sợ hãi và những suy đoán vô căn cứ có hại cho di dân. Không ai được cho là mình vô can trước những hình thức nô lệ mới do các tổ chức tội phạm mua bán đàn ông, phụ nữ và trẻ em để cưỡng bức lao động trong ngành xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp hoặc dưới các hình thức thương mại khác.Có biết bao trẻ vị thành niên vẫn đang bị buộc chiến đấu trong các lực lượng dân quân như những lính thiếu nhi! Biết bao người là nạn nhân của nạn buôn bán nội tạng, bị cưỡng bức đi ăn xin và bị bóc lột tình dục!Biết bao người tị nạn ngày nay đang trốn chạy khỏi những tội ác quái dị đó, họ khẩn nài Giáo hội và cộng đồng nhân loại hãy bảo đảm rằng trong vòng tay rộng mở của những người tiếp nhận, họ có thể nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa “là Cha giàu lòng thương xót và là Chúa của mọi nguồn ủi an” (2 Cr 1,3).

Anh chị em di dân và tị nạn thân mến,

Nơi tâm điểm của Tin Mừng Lòng Thương Xót, sự gặp gỡ và đón nhận người khác đồng nhất với sự gặp gỡ và tiếp đón Thiên Chúa: Đón nhận người khác nghĩa là tiếp đón chính Thiên Chúa! Anh chị em đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng và niềm vui sự sống phát sinh từ việc anh chị em cảm nghiệm Lòng Chúa thương xót,được bày tỏ nơi những người anh chị em gặp gỡ trong hành trình ra đi!

Tôi phó thác anh chị em cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của người di dân và người tị nạn, và cho Thánh Giuse, Đấng đã trải nghiệm nỗi đắng cay trong hành trình di cư đến Ai Cập.

Với những ai đang đóng góp rất nhiều sức lực, thời gian và nguồn lực cho việc chăm sóc mục vụ và xã hội đối với người di dân, tôi cũng phó thác anh chị em cho sự chuyển cầu của các Ngài.

Tôi ưu ái ban Phép Lành Toà Thánh cho tất cả mọi người.

Vatican, ngày 12 tháng 9 năm 2015,

Lễ Kính Danh Thánh Đức Maria

PHANXICÔ

(Ủy ban Mục vụ Di dân chuyển ngữ)

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Philippines nhấn mạnh giáo huấn xã hội
Philippines nhấn mạnh giáo huấn xã hội
Các giáo viên khoa học xã hội Công giáo tại Philippines tham dự Đại hội Hiệp hội Giáo viên Khoa học Xã hội Công giáo (CASST) năm 2024. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy giáo huấn xã hội Công giáo trong môi...
Giám mục Philippines chống việc khai thác mỏ Tampakan
Giám mục Philippines chống việc khai thác mỏ Tampakan
Đức cha Cerilo Casicas, Giám mục giáo phận Marbel dẫn đầu cuộc chiến pháp lý chống lại việc khai thác mỏ đồng - vàng Tampakan.
Nữ tu ở lại vùng chiến để cứu trợ cộng đồng
Nữ tu ở lại vùng chiến để cứu trợ cộng đồng
Sơ Maya El Beaino, dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đang sống tại tu viện Thánh Giuse ở Ain Ebel, đã quyết định ở lại để giúp đỡ những người dân vô tội, giữa những đợt không kích dữ dội của Israel vào miền nam Lebanon.
Philippines nhấn mạnh giáo huấn xã hội
Philippines nhấn mạnh giáo huấn xã hội
Các giáo viên khoa học xã hội Công giáo tại Philippines tham dự Đại hội Hiệp hội Giáo viên Khoa học Xã hội Công giáo (CASST) năm 2024. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy giáo huấn xã hội Công giáo trong môi...
Giám mục Philippines chống việc khai thác mỏ Tampakan
Giám mục Philippines chống việc khai thác mỏ Tampakan
Đức cha Cerilo Casicas, Giám mục giáo phận Marbel dẫn đầu cuộc chiến pháp lý chống lại việc khai thác mỏ đồng - vàng Tampakan.
Nữ tu ở lại vùng chiến để cứu trợ cộng đồng
Nữ tu ở lại vùng chiến để cứu trợ cộng đồng
Sơ Maya El Beaino, dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đang sống tại tu viện Thánh Giuse ở Ain Ebel, đã quyết định ở lại để giúp đỡ những người dân vô tội, giữa những đợt không kích dữ dội của Israel vào miền nam Lebanon.
Giáo phận đầu tiên của Estonia
Giáo phận đầu tiên của Estonia
Tòa Thánh mới đây thông báo Ðức Thánh Cha đã nâng miền Giám quản Tông tòa Estonia lên thành giáo phận, và vì đặt tại thủ đô Tallinn nên tên chính thức là giáo phận Tallinn.
Ðức Giáo Hoàng mở rộng quy mô Hồng y đoàn
Ðức Giáo Hoàng mở rộng quy mô Hồng y đoàn
Vatican News ngày 6.10 đưa tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố 21 tân hồng y đến từ khắp thế giới. Công nghị vinh thăng hồng y sẽ được tổ chức vào ngày 8.12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây cũng là kỳ công nghị thứ 10 diễn...
Tái tổ chức giáo phận Rome
Tái tổ chức giáo phận Rome
Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 1.10 đã ban hành tự sắc có tên La vera bellezza (Chân mỹ) với nội dung tái cấu trúc giáo phận Rome bằng cách sáp nhập 5 khu vực trung tâm và các vùng phụ cận.
Giáo hội có 21 tân Hồng y
Giáo hội có 21 tân Hồng y
Trưa ngày 6.10.2024, sau giờ kinh Truyền Tin và cầu nguyện cho hòa bình nhân loại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố danh sách các tân Hồng y.
Khám phá mới liên quan đến Vải liệm Turin (kỳ 2): Phân tích thêm về vết máu
Khám phá mới liên quan đến Vải liệm Turin (kỳ 2): Phân tích thêm về vết máu
Kết quả phân tích mới thực hiện trên Vải liệm Turin cho thấy các vết máu phù hợp với những mô tả của Thánh Kinh về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
Ðóa hồng bằng vàng dâng Ðức Mẹ
Ðóa hồng bằng vàng dâng Ðức Mẹ
Trước khi rời Luxembourg ngày 26.9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện trước tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, Đấng an ủi những người đau khổ đã trở thành thánh bổn mạng của quốc gia châu Âu này từ năm 1666.