Cách đây một năm, chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas tại giải Gaza đã kết thúc sau 50 ngày đổ máu.
Lực lượng Hamas bất thuận với chính quyền Palestine và cai trị miền Gaza từ 8 năm nay. Lãnh thổ này bị Israel phong tỏa từ lâu và hiện có 1.800.000 dân cư, hầu hết là tín đồ Hồi giáo và chỉ có 1.300 tín hữu Kitô đa số theo Chính Thống, chỉ có 200 tín hữu Công giáo thuộc giáo xứ Thánh Gia do linh mục Jorge Hernandez, người Achentina, dòng Ngôi Lời Nhập Thể, coi sóc.
Năm mươi ngày chiến tranh đã làm cho 2.250 người Palestine bị thiệt mạng, trong số này 65% là thường dân, theo một phúc trình cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc công bố hồi tháng 6.2015. Phúc trình cho biết chiến tranh đã gây ra tình trạng căng thẳng và làm gián đoạn cuộc sống của các thường dân Israel, vì họ phải chịu gần 4.900 hỏa tiễn và hơn 1.700 trọng pháo bắn vào lãnh thổ Israel. Và ngược lại, mức độ chết chóc và tàn phá mà dân miền Gaza phải chịu thật là chưa từng có trước đó. Quân lực Israel mở cuộc không tập ồ ạt với hơn 6.000 vụ oanh kích rồi bắn 14.500 quả trọng pháo từ các thiết giáp, 45.000 quả pháo do pháo binh bắn vào miền Gaza trong khoảng thời gian từ 7.7 đến 26.8.2014.
Trong cuộc chiến, phía Israel có 66 binh sĩ bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào Gaza và 6 thường dân bị chết vì pháo kích của Hamas. Phúc trình của Liên Hiệp Quốc cũng cho biết những cuộc hành quân của Israel vào Gaza trong các khu dân cư có thể bị coi là tội ác chiến tranh và có 21 người bị các lực lượng Hamas bắt giữ vì tình nghi là cộng tác với Israel.
Họ hãnh diện là Kitô hữu và là người Palestine
Cha Hernandez nói rằng thỉnh thoảng xảy ra những vụ sách nhiễu tín hữu Kitô trên đường phố, và đó cũng là lý do khiến cha cố gắng duy trì quan hệ tốt với các quan chức thuộc lực lượng Hamas. |
Nhân kỷ niệm một năm, linh mục Jorge Hernandez đã trả lời phỏng vấn hãng tin Công giáo Hoa Kỳ ngày 17.7.2015. Cha cho biết trong 50 ngày chiến tranh, cuộc sống thường nhật của người dân ở Gaza thực là một ác mộng và nay tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Cha nói: “So với tình trạng cách đây một năm, chúng tôi sa sút hơn nữa. Mặc dù có cuộc đình chiến làm cho tiếng súng im đi, nhưng Israel càng phong tỏa miền Gaza ngặt nghèo hơn nữa. Và sự kiện này có những hậu quả trực tiếp đối với dân chúng. Chiến tranh cũng là một phương thế đối với đảng Hamas Hồi giáo để tuyển mộ thêm các thành viên. Chiến tranh tạo nên một trào lưu mới cho Israel ở miền Gaza. Người ta ghi nhận sự gia tăng số người sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng Hamas hoặc cho cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS hay nhóm Hồi giáo cực đoan Salafists. Tuy có hiện tượng đó, nhưng đại đa số dân Gaza không đứng về đảng nào hay phe nào, họ chỉ muốn được cuộc sống bình thường”.
Theo cha Hernandez, các dân quân Hamas đã hai lần tới khuôn viên nhà thờ Thánh Gia để tìm kiếm những người mà họ cho là gián điệp của Israel, trong số 1.400 thường dân tị nạn vào khuôn viên thánh đường. Nhà thờ và khu vực nhà xứ cũng bị hư hại khi Israel dội bom vào một nhà gần đó. Cha sở giáo xứ Thánh Gia cho biết có lúc cha và nhiều nữ tu thừa sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa đã cho 29 trẻ em tàn tật được nương náu và 9 phụ nữ cao niên ở ngay tiền đường nhà thờ, xa các tư gia, vì tại đó họ có thể bị pháo kích hoặc oanh tạc, “bấy giờ chúng tôi cầu nguyện để Israel đừng dội bom xuống thánh đường”.
Trong cuộc phỏng vấn, cha Hernandez nói rằng một năm sau chiến tranh, các trẻ em miền Gaza tiếp tục bị thương tổn vì chiến tranh. Hàng ngàn em vẫn còn ở trong các nơi tạm trú. Ngoài ra, những hậu quả tâm lý do chiến tranh gây ra vẫn tiếp tục với những căng thẳng trong gia đình. Ngoài đường phố người ta dễ đi tới bạo lực và ẩu đả nhau. Tình trạng căng thẳng cũng ảnh hưởng tới sức khỏe, một số trẻ em tiếp tục gặp vấn đề trong tiếng nói hoặc bị bệnh đái dầm. Và nay, có tin đồn là sẽ có một cuộc chiến tranh khác, thậm chí có người còn cho biết rõ vào ngày nào. Có trẻ em bắt đầu lại bị rụng tóc.
Một vị lãnh đạo Công giáo trong vùng là ông Sami El-Yousef, Giám đốc Hiệp hội an sinh Công giáo Trung Đông, đặc trách vùng Palestine và Israel nói rằng: “Các tín hữu Kitô ở miền Gaza đã thích ứng được với tình trạng nguy hiểm của họ. Ngay sau khi cuộc đình chiến bắt đầu cách đây một năm, tôi đến vùng này và mỗi người đều yêu cầu tôi can thiệp để giúp họ một vé để ra khỏi miền Gaza. Nhưng nay, tôi không còn nghe thấy yêu cầu như thế nữa. Họ chấp nhận ở lại đây. Đây là gia cư của họ. Và họ quyết định góp phần vào việc xây dựng xã hội tại đây. Họ hãnh diện là Kitô hữu và là người Palestine”.
Chúng tôi là người Palestine cũng như người Hamas
Trong cuộc phỏng vấn, cha Hernandez cho biết : “Ở đây khi một người đi tìm việc làm, điều đầu tiên người ta hỏi bạn xem bạn có phải là một người Hồi giáo không. Và nếu bạn là tín hữu Hồi giáo thì họ hỏi xem bạn ủng hộ lực lượng Hamas hay là đảng Fatah đang cầm quyền ở các thành phố khác của Palestine. Nếu bạn trả lời là không ủng hộ nhóm nào cả, thì họ sẽ hỏi bạn đi đền thờ Hồi giáo nào. Lý do vì họ muốn biết bạn trung thành với ai. Còn nếu bạn là tín hữu Kitô thi họ không hỏi bạn những câu như thế, vì bạn sẽ không được việc làm”. Cách duy nhất để một tín hữu Kitô có thể tìm được việc làm là qua trung gian một người bạn Hồi giáo. Chẳng có cửa tiệm, trường học hoặc ngân hàng nào ở Gaza này thu nhận một tín hữu Kitô, vì thế họ thường đến nhà thờ để xin giúp đỡ. Cha Hernandez nói rằng thỉnh thoảng xảy ra những vụ sách nhiễu tín hữu Kitô trên đường phố, và đó cũng là lý do khiến cha cố gắng duy trì quan hệ tốt với các quan chức thuộc lực lượng Hamas. Cha nói: “Điều quan trọng đối với tôi là có những quan hệ tốt với họ. Vì nếu có một vấn đề, tôi chỉ cần gọi cho một người ở cấp cao và họ trả lời ngay và liên lạc với người trách nhiệm. Nếu tôi phải tới sở cảnh sát để báo cáo thì họ cũng dễ dàng hơn”.
Tòa Thánh ủng hộ người Palestine và sự ủng hộ này càng được củng cố dưới thời Đức Giáo hoàng Phanxicô, và sự kiện ấy cũng giúp làm dịu bớt căng thẳng ở địa phương. Cha nói: “Các tín hữu Kitô chúng tôi bị Israel coi là người Palestine, nhưng thỉnh thoảng có những người Palestine khác không muốn nhìn nhận chúng tôi là người Palestine. Điều mà Đức Giáo hoàng làm đã giúp chúng tôi rất nhiều trong cộng đoàn chúng tôi, chúng tôi là người Palestine cũng như người Hamas vậy. Và nếu họ quên điều đó thì chúng tôi nhắc họ về những gì Đức Giáo hoàng đã nói và đã làm”.
Người áo trắng muốn gặp cha
Cha Jorge Hernandez đã được cơ hội đích thân cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì vai trò của Tòa Thánh khi cha được mời đến Vatican một ngày sau khi chiến tranh chấm dứt hồi năm 2014. Cha kể lại: “Hôm đó, Đức cha William Shomali, Giám mục phụ tá của Tòa Thượng phụ Công giáo La tinh ở Giêrusalem, gọi điện thoại cho tôi và bảo tôi phải rời Gaza ngay lập tức. Nhưng chúng tôi vừa qua khỏi cuộc chiến tranh. Trước cú điện thoại của Đức cha Shomali, tôi nghĩ rằng điều cấp thiết nhất đối với tôi là ở lại với dân chúng. Nhưng Đức Giám mục không muốn nói qua điện thoại lý do tại sao tôi phải rời Gaza ngay. Tôi gặn hỏi ngài. Sau cùng, Đức cha mới nói với tôi bằng tiếng La tinh rằng ‘người áo trắng muốn gặp cha’. Ban đầu, tôi nghĩ mình không hiểu tiếng La tinh, tôi hỏi lại ngài xem tôi hiểu có đúng không. Ngài nói là đúng. Tôi liền điện thoại cho bề trên của tôi, và cha ấy đến nói chuyện với Đức Thượng phụ La tinh ở Giêrusalem. Ba mươi phút sau, cha bề trên gọi lại cho tôi và bảo là đúng. Thế là tôi thu xếp hành lý để ra đi”.
Hai ngày sau đó, cha Hernandez được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến ở Vatican. Cha kể lại với phái viên hãng tin Công giáo Hoa Kỳ rằng Đức Giáo hoàng thực là một vị mục tử đích thực. Ngài xúc động vì tất cả những gi xảy ra cho dân chúng ở Gaza. Ngài đau buồn vì bạo lực xảy ra cho cả hai phía. Khi nói về các trẻ em, ngài rất xúc động. Cha Hernandez nói nhiều với Đức Thánh Cha về những chất hóa học được dùng trong chiến tranh gây hại cho sức khỏe của dân chúng. Đức Thánh Cha đã biết nhiều về những gì xảy ra tại Gaza. “Tôi nói với ngài rằng chúng con rất xúc động vì sứ điệp Đức Thánh Cha gửi cho chúng con giữa lúc chiến tranh đang xảy ra. Chúng con đã dịch sứ điệp ấy cho mọi người và đó là một nguồn hy vọng và can đảm khích lệ chúng con rất nhiều.” Cha Hernandez nói với ký giả: “Trong cuộc nói chuyện dài một tiếng đồng hồ với Đức Thánh Cha, tôi thú nhận với ngài là tôi căng thẳng. Ngài bảo tôi đừng lo lắng gì, hãy cảm thấy như đang ở nhà mình. Tôi nhìn quanh và nghĩ Vatican bây giờ là nhà của tôi”.
Cũng nên nhắc lại rằng trong thời kỳ chiến tranh Gaza, hơn một lần Đức Thánh Cha cũng như các Hội đồng Giám mục đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Đặc biệt ngày 18.7.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân gửi một sứ điệp ngắn khích lệ cộng đoàn Kitô tại dải Gaza. Sứ điệp đã được gửi đến cha Jorge Hernandez, trong đó Đức Thánh Cha viết: “Hiền đệ thân mến, tôi đã nhận được tin tức qua cha Mario Cornioli, tôi bày tỏ sự gần gũi với mọi người với các nữ tu và toàn cộng đoàn Kitô hữu. Tôi luôn đồng hành với tất cả anh chị em qua sự gần gũi và qua lời cầu nguyện. Cầu xin Chua Giêsu và Đức Mẹ Rất Thánh gìn giữ anh chị em. Một vòng tay ôm chào huynh đệ. Ký tên: Phanxicô”. Hôm 17.7.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được thông báo về tình trạng đáng lo âu của cộng đoàn gồm khoảng 200 tín hữu Công giáo sinh sống trong dải Gaza. Chiều thứ Tư 16.7.2014, ba quả đạn pháo đã tàn phá bình địa căn nhà ngay trước nhà thờ nơi các nữ tu thừa sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa Calcutta đã tìm đến ẩn trú từ khi Israel bắt đầu chiến dịch trả đũa, cùng với 28 trẻ em tàn tật và 9 người già cả mà các chị đảm nhận việc nuôi dưỡng, săn sóc. Cha Mario Cornioli là cha sở giáo xứ Beit Jala bên Cis-Jordania. Lúc ấy, cha có một blog nói lên tình hình thê thảm của người dân trong vùng. Trong một đoạn cha viết: “Tất cả các trẻ em đều kinh hoàng sợ hãi, không thể kềm giữ những nhu cầu thể lý: tiêu tiểu tại chỗ, và chỉ biết khóc suốt ngày. Tôi không dám nghĩ đến điều gì có thể xảy ra nếu những tiếng than khóc này vọng đến tai Thiên Chúa.”
Khánh Thi
Bình luận