Thêm nữa tình yêu

Noel là lễ mừng Chúa giáng sinh. Dịp này, người ta quen chào chúc nhau. Chào chúc bằng nhiều cách đặc biệt. Mọi cách đó đều chuyển đi tâm tình.

Mỗi người có tâm tình riêng tư. Riêng tôi, tôi gửi một tâm tình đơn sơ, đó là : Chúc nhau biết đón nhận thêm nhiều tình yêu Chúa và biết trao tặng thêm nhiều tình yêu Chúa tới mọi người.

Chia sẻ tâm tình này, thiết tưởng cũng là một chuẩn bị tốt, để mừng lễ Chúa giáng sinh.

1. Cảm nghiệm về tình yêu Chúa

Hiểu biết về tình yêu bằng lý thuyết thì không đủ. Nếm mật thì mới biết mật là gì. Tình yêu Chúa còn hơn mật ngọt và hơn tình yêu nhân loại. Lý thuyết về tình yêu Chúa, cho dù uyên thâm sâu sắc, vẫn là lý thuyết. Nhưng khi được cảm nghiệm, nó không chỉ ở lý trí, mà tràn vào trái tim, trở thành cõi trời thiêng liêng, êm đềm, vừa thanh luyện, vừa cứu độ, vừa thánh hóa. Nó là sự sống mới.

Một đặc điểm cảm thấy đậm đà nhất của tình yêu Chúa, khi thấm vào hồn ta, là sự khiêm tốn tự hạ.

Chúng ta cảm thấy tình yêu Chúa rất cao cả, nhưng lại rất khiêm nhường.

Một sự khiêm nhường tự hạ như trẻ thơ bé nhỏ ở hang đá Belem.

Một sự khiêm nhường tự hạ như của lễ đền tội thay trên thánh giá ở đồi Calvariô.

Một sự khiêm nhường tự hạ như Chúa hiện diện trong tấm bánh nhỏ ở thánh lễ bàn thờ.

Một sự khiêm nhường chấp nhận tất cả, như bài ca đức mến của thánh Phaolô :

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác. Nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

Khi cảm nghiệm được sự khiêm nhường là đặc điểm của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ rất thấm thía với lời Chúa Giêsu dạy các tông đồ xưa : “Khi chúng con đã làm những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng con là những đầy tớ vô dụng, chúng con chỉ làm bổn phận mà thôi” (Lc 17,10).

Với lời Chúa phán trên đây, chúng ta thấy việc chúng ta phải làm theo lệnh của Chúa là “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 14,39). Chúa yêu thương con người bằng cách hòa mình vào cuộc sống con người, chia sẻ thân phận những người nghèo khổ, tìm cách cứu họ bằng tình yêu dâng hiến và đền tội thay. Tình yêu đó rất khiêm nhường. Khi thực hiện được tình yêu khiêm nhường đó, chúng ta vẫn phải khiêm nhường nhận mình là đầy tớ vô dụng.

Tình yêu khiêm nhường được cảm nhiệm như một ơn Chúa ban. Nó đem lại sự bình an sâu thẳm cho tâm hồn. Ta như được tan hòa vào sự sống của Thiên Chúa. Nước Trời đã đến trong đời ta.

Đến đây, một câu hỏi tất nhiên sẽ cần đặt ra, đó là : Làm thế nào để có được tình yêu của Chúa ?

2. Đón nhận tình yêu Chúa

Chúa rất muốn ban tình yêu Chúa cho hết mọi người. Nhưng Chúa tôn trọng sự tự do của mỗi người. Với sự tự do, hầu như mọi người đều muốn đón nhận tình yêu Chúa, nhưng lại không muốn đón nhận sự khiêm nhường mà tình yêu đó đòi hỏi.

Không muốn đón nhận thế nào, thì dụ ngôn người gieo giống Chúa nói trong Phúc Âm giúp chúng ta hiểu.

“Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi vào sỏi đá, chỗ không có nhiều đất, nó mọc lên; nhưng vì đất không sâu, nên khi nắng lên, nó liền bị cháy. Và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết ngạt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt rơi vào đất tốt, nó mọc liền và lớn lên, sinh hoa kết quả : Hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm” (Mc 4,3-8).

Dụ ngôn cho thấy : Chúa vẫn gieo tình yêu Chúa, như những hạt giống tốt.

Có hạt rơi xuống vệ đường. Đất vệ đường là tâm hồn đứng bên lề đời sống thiêng liêng.

Có hạt rơi vào đất sỏi đá, chỗ không có nhiều đất. Đất sỏi là những tâm hồn hời hợt.

Có hạt rơi vào bụi gai. Đất có bụi gai là những tâm hồn bị chi phối bởi những tham vọng và những bận tâm vô bổ.

Có những hạt rơi vào đất tốt. Đất tốt là những tâm hồn biết tập trung khao khát những giá trị đạo đức.

Tất nhiên chúng ta muốn là đất tốt. Muốn mà thôi chưa đủ. Chúng ta cần cầu xin ơn Chúa giúp. Chúa sẽ ban ơn đó cho ta. Nhưng ta phải biết cộng tác vào ơn đó. Cộng tác nhất là bằng sự khiêm nhường thường xuyên.

Tình yêu Chúa sẽ được gieo vào lòng ta qua nhiều cách. Như khi ta cầu nguyện, suy gẫm, sám hối, tham dự thánh lễ. Cũng không thiếu trường hợp tình yêu Chúa đi vào lòng ta qua các biến cố đời sống, như những gặp gỡ, những niềm vui và cả đến những thất bại.

Có tình yêu Chúa trong lòng, chúng ta sẽ trao tặng tình yêu ấy cho những người khác.

3. Trao tặng tình yêu Chúa

Không gì vui cho bằng trao tặng tình yêu Chúa. Chúng ta trao tặng tình yêu Chúa qua mọi lời nói, mọi chữ viết, mọi thái độ, mọi việc làm. Cầu nguyện và hy sinh hãm mình chịu đau khổ cũng là những cách âm thầm chuyển tải tình yêu đến các linh hồn. Việc nhỏ, nhưng mang nhiều tình yêu trao tặng, vẫn có giá trị cao quý.

Tình yêu trao tặng sẽ rất đơn sơ. Đó là tâm tình ước muốn cho người khác được bình an trong tình yêu thương của Chúa. Sự bình an, mà chúng ta cầu chúc không là một lý thuyết, mà là một sự sống hợp thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa là mọi người được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ, được Chúa thánh hóa, được Chúa sai đi, tất cả trong chương trình của Người.

Cùng với tâm tình, còn có tất cả trái tim, tất cả tâm hồn cùng với lễ vật cuộc đời và cầu nguyện. Xin trao tặng tất cả.

Trao tặng sẽ không ồn ào. Nó nhẹ nhàng, lắng đọng và hồn nhiên. Nó gắn kết và cởi mở. Nó khiêm tốn hy vọng trong phó thác.

Giữa muôn vàn cái mong manh của cuộc đời, chúng ta sẽ thấy cái giá trị bền vững nhất chính là tình yêu trao tặng, nhất là khi tình yêu trao tặng lại là tình yêu Thiên Chúa.

Đón nhận tình yêu Chúa và trao tặng tình yêu Chúa là một hạnh phúc cao cả. Trái lại, chối từ hay chống lại tình yêu Chúa là tự chuốc vào mình những khổ cực khôn lường, nhất là ở đời sau.

Xin cầu chúc cho nhau biết đón nhận thêm nữa tình yêu của Chúa. Xin cầu chúc cho nhau biết trao tặng thêm nữa tình yêu của Chúa. Một tình yêu khiêm tốn đi sâu vào cuộc đời mỗi người chúng ta. Một tình yêu êm đềm đưa ta vào cõi bình an hạnh phúc. Một tình yêu hiền từ giúp ta dấn thân phục vụ Hội Thánh và Quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Xin ơn cứu độ
Xin ơn cứu độ
Khi cầu xin Chúa ban ơn cứu độ, chúng ta thường hiểu ơn cứu độ là ơn cứu khỏi hỏa ngục để được lên thiên đàng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, cũng hiểu ơn cứu độ là ơn cứu khỏi đàng tội lỗi để đi vào đàng nhân đức....
Thấy trước và dự phòng
Thấy trước và dự phòng
Ðức Kitô thấy trước những gì sẽ xảy ra cho các kẻ tin theo Người. Người biết trước bản thân mình sẽ phải đi vào cuộc tử nạn, nên đã dự phòng bằng những việc hết sức khôn ngoan.
Gỡ mình ra khỏi tội
Gỡ mình ra khỏi tội
Trong Năm Thánh, để được ơn Toàn xá, tín hữu cần lãnh bí tích xá giải, quyết tâm chừa tội và dứt bỏ hoàn toàn mọi dính bén với bất cứ tội nào, dù là tội nhẹ. Như thế có nghĩa là Năm Thánh muốn mọi người để ý gỡ...
Xin ơn cứu độ
Xin ơn cứu độ
Khi cầu xin Chúa ban ơn cứu độ, chúng ta thường hiểu ơn cứu độ là ơn cứu khỏi hỏa ngục để được lên thiên đàng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, cũng hiểu ơn cứu độ là ơn cứu khỏi đàng tội lỗi để đi vào đàng nhân đức....
Thấy trước và dự phòng
Thấy trước và dự phòng
Ðức Kitô thấy trước những gì sẽ xảy ra cho các kẻ tin theo Người. Người biết trước bản thân mình sẽ phải đi vào cuộc tử nạn, nên đã dự phòng bằng những việc hết sức khôn ngoan.
Gỡ mình ra khỏi tội
Gỡ mình ra khỏi tội
Trong Năm Thánh, để được ơn Toàn xá, tín hữu cần lãnh bí tích xá giải, quyết tâm chừa tội và dứt bỏ hoàn toàn mọi dính bén với bất cứ tội nào, dù là tội nhẹ. Như thế có nghĩa là Năm Thánh muốn mọi người để ý gỡ...
Ðón nhận ơn cứu độ qua lòng nhân từ
Ðón nhận ơn cứu độ qua lòng nhân từ
Ðức Kitô đã hoàn tất công việc cứu độ, để lại nguồn ơn vô tận. Người mong muốn mọi người tận hưởng nguồn ơn quý giá ấy. Nhưng Người không ép buộc ai. Chỉ cần người ta đón nhận. Kẻ biết đón nhận sẽ được Người ban ơn dồi dào.
Phục Sinh trong đời thường
Phục Sinh trong đời thường
Ðời thường có những chuyện khác thường. Trong một số hoàn cảnh, nhiều người tưởng là chìm luôn vào cõi chết, chết về hy vọng, chết về tương lai. Nhưng rồi họ đã thoát ra. Họ như được sống lại.
Chúa Giêsu khóc
Chúa Giêsu khóc
Báo trước, đó là một việc không họa hiếm trong lịch sử cứu độ. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều việc báo trước.
Mới mẻ Tin Mừng
Mới mẻ Tin Mừng
Năm Thánh được chú ý bởi những việc khác thường dễ thấy. Như một số cử hành khác thường, một số hành hương khác thường, một số kinh đọc khác thường. Những việc trên đây được kể là tốt.
Hoán cải
Hoán cải
Năm Thánh kêu gọi chúng ta hoán cải chính mình. Việc hoán cải này có 2 nét chính.
Đức tin và văn hóa:  Hai lãnh vực cần tỉnh thức  và cầu nguyện
Đức tin và văn hóa: Hai lãnh vực cần tỉnh thức và cầu nguyện
Trong đời mục vụ, Chúa hay nhắc bảo tôi, lúc lời này, lúc lời kia. Nhưng có một lời Chúa nhắc bảo nhiều nhất, đó là “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 24,41).