Gần bước sang tuổi 90, đôi chân đi không còn được nhanh, nhưng cặp mắt vẫn sáng, giọng nói vẫn trong, sơ Marie Paulina Nguyễn Thị Chung - dòng Ðức Bà Truyền Giáo - vẫn miệt mài dịch sách. Khi được hỏi bí quyết nào để sống bình an vui khỏe như vậy, sơ nói: “Chấp nhận - đón nhận - vui nhận - tạ ơn. Các bậc đi lên của sự sống vâng theo thánh ý Chúa. Và như thế tôi chắc ăn, vững bước trên con đường dấn thân”.
Gần bước sang tuổi 90, đôi chân đi không còn được nhanh, nhưng cặp mắt vẫn sáng, giọng nói vẫn trong, sơ Chung vẫn miệt mài dịch sách |
ÐỨA TRẺ ÐƯỢC CHÚA ẴM BỒNG
Vị nữ tu tóc bạc trắng như cước đang cặm cụi bên bàn làm việc, đôi tay thoăn thoắt gõ máy, cặp mắt chăm chú nhìn vào quyển sách tiếng Pháp để chuyển ngữ tiếng Việt. Thấy khách ghé thăm, sơ ngơi tay. Căn phòng hưu nơi an dưỡng tuổi về già của sơ thật yên tĩnh, có nhiều sách và bày biện nhiều ảnh tượng Chúa, Mẹ, các thánh. Một bức tranh lớn Chúa Giêsu bồng ẵm đứa trẻ treo trên tường, ngay ngắn giữa chỗ ngồi viết lách của sơ. Từ đây, qua dòng hồi ức, câu chuyện về lời đáp trả của nữ tu sĩ được hé mở: “Tôi là đứa trẻ đó. Chúa ẵm bồng. Chúa mang đi. Tôi chẳng biết đi đâu, chỉ đi trong vòng tay của Chúa”, sơ Paulina chỉ lên bức tranh và nói.
Sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình có 12 anh chị em, nhưng sáu người đầu đã mất sớm, chỉ còn lại sáu người sau. Ngập ngừng, sơ Chung cố hồi tưởng, kể về chuyến đi định mệnh của đời mình: “Bố tôi rất đạo đức, hay đi cấm phòng ở Ðan viện Xitô Châu Sơn, Ninh Bình. Năm tôi được 13 tuổi, ông xin phép mẹ tôi cho đi tu. Ði lần thứ tư thì bà bắt về bảo lo cho con bé Chung rồi muốn đi đâu thì đi. Thế là bố đưa tôi đi Thanh Hóa, đến thăm chị gái đang tu ở dòng Ðức Bà Truyền Giáo. Tôi thích lắm vì được đi tàu hỏa đến thăm chị. Ðến nhà dòng thấy các đệ tử vui đùa cười giỡn thu hút quá nên chịu ở lại, bắt đầu tìm hiểu làm quen rồi trở thành đệ tử của dòng. Sẵn một tâm hồn đơn sơ, yêu mến Chúa cách chân thành, cứ thế Chúa dẫn tôi đi, đến khi lên nhà tập rồi khấn lần đầu tại đây vào năm 1953”.
Một năm sau, trong khi đất nước loạn lạc vì chiến tranh, để tiếp tục ơn gọi của mình, sơ được nhà dòng cho về nhà mẹ ở bên Pháp học tiếp năm năm. Trải qua nhiều thử thách, bệnh tật, cuối cùng sơ cũng được khấn trọn. Khi được hỏi về các mốc thời gian, vị nữ tu phân trần: “Về những ngày tháng năm tôi không để ý đâu. Thêm lớn tuổi, nhớ nhớ, quên quên. Chủ yếu để ý vào cuộc sống của mình thôi. Nên chỉ ướm chừng mốc thời gian cho biết bối cảnh thời điểm đó như thế nào để dễ hình dung”.
Sau khi đã tích lũy một số “vốn” về tinh thần, lời khấn, ngôn ngữ Pháp, khoảng năm 1960, sơ Paulina về Việt Nam thi hành sứ mạng của nhà dòng, đi dạy học ở Nha Trang, Thị Nghè, Thủ Ðức… Cuộc sống chỉ xoay quanh công việc dạy học khiến người nữ tu cảm thấy quá an toàn, yên ổn, không biết gì ngoài lớp học của mình, không biết bên ngoài người ta sống như thế nào: “Mình cảm thấy cái thế giới mình tiếp xúc còn quá nhỏ bé, chỉ có cái lớp học của mình với phụ huynh của các con em thôi. Tôi cảm thấy nó hơi bị hạn chế, khó sống lời khấn cho đến tận cùng, vì dòng truyền giáo mà chỉ có quy về dạy học thôi thì chưa đủ”.
CAN ÐẢM DẤN THÂN VÀO XÃ HỘI
Thời Công đồng Vatican II vừa kết thúc, các tu sĩ được mời gọi phải ra khơi, phải xâm nhập vào quần chúng, không gò bó, đóng kín lại với nhau. Mình phải đem Chúa ra ngoài, chứ người ta không đến tìm Chúa nơi mình đâu. Qua lời mời gọi của Ðức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, khích lệ các dòng tu dấn thân vào đời, sống cởi mở với xã hội, giống như Chúa Giêsu xưa kia luôn lên đường đến với tha nhân chứ không ngồi yên đợi họ tìm đến. “Tôi thấy hứng thú lắm. Ở trong dòng cũng mở chương trình đi ra, làm cộng đoàn cơ bản, thử nghiệm trong sáu tháng. Tôi là một trong sáu chị em đầu xung phong thực hiện mô hình này, chia ra, mỗi cộng đoàn có ba người, tập đời sống cơ bản đó. Nhóm ba chị em tôi ở Quận 1, còn ba chị kia ở Thủ Ðức. Hầu như chúng tôi phải tự xoay sở để vừa sống vừa giữ gìn ơn gọi, vừa vùi mình vào xã hội để phục vụ. Dù vất vả nhưng tôi thấy mình phù hợp với lối sống này”, vị nữ tu hồi tưởng.
Ðể có tài chính nuôi cộng đoàn, sơ Chung đi dạy đàn trong một gia đình, ra Chợ Lớn lấy các chai dầu gội về bỏ ở các tiệm tóc. Dấn thân vào xã hội, nhưng không ngừng bám rễ sâu trong ơn gọi dâng hiến, các chị em trong cộng đoàn nhỏ luôn nâng đỡ, chia sẻ với nhau qua các giờ kinh, suy niệm. Sơ Paulina kể: “Dù đời sống rất khó khăn, có bữa chỉ ăn cơm với rau muống, nhưng sự bươn chải, đồng khổ với người yếu thế bị gạt ra bên lề xã hội khiến tôi cảm thấy đời tu của mình có ý nghĩa. Tôi thà chịu bầm dập để mang lại ơn ích của người khác, còn hơn sống thu mình trong chiếc hộp đóng kín. Nên khi hết thời hạn ở ngoài, tôi xin phép bề trên và đặc biệt với phép của Tòa Thánh được tiếp tục dấn thân phục vụ xã hội cho đến khi hết nhu cầu”.
Có lẽ, trong mỗi chặng đường đời, thời gian đi nông trường Củ Chi khiến sơ khó lòng quên được. Hai năm lao động cực nhọc với những hôm vác cuốc bảy cây số để “biến sỏi đá thành cơm”. Dẫu cho vất vả bộn bề nhưng có niềm vui, có nhẫn nại, có tín thác, vì trong hoàn cảnh nào sơ cũng học hỏi được điều gì đó. Cũng chính từ nơi này, sau khi rời nông trường, sơ được giới thiệu vào làm việc ở tòa báo Công giáo và Dân tộc, phụ trách công việc lựa chọn hình ảnh, soát lỗi. Bản thân sơ vốn là người thích viết lách, làm việc với chữ nghĩa nên không quá khó để bắt nhịp với công việc.
Cộng tác được khoảng hai năm, sơ chuyển sang làm ở Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TPHCM chuyên lo về mảng nữ tu: “Tôi đi đến các nhà dòng, mời gọi chị em cộng tác trong các công việc ngoài xã hội hay đưa các chị đi trình diễn giao lưu ở các tỉnh thành. Ban đầu chị em chưa hiểu nên cũng không nhiệt tình hưởng ứng. Không sờn lòng, tôi vẫn kiên trì với lựa chọn dấn thân của mình”. Sơ như chiếc gạch nối giữa nhà dòng và các tổ chức ngoài xã hội. Trong nhiệm vụ của mình, không ít lần sơ giải thích cho người đời hiểu các lễ nghi, phong trào, hoạt động trong đạo. Ví như hoạt động cấm phòng nhiều người ngoại giáo không biết các chị em trong nhà dòng xúm nhau lại để làm gì, nên dễ hiểu lầm nghĩ theo hướng không tốt.
Một quả tim được lấp đầy sức mạnh của Chúa Kitô, được thấm đẫm làn gió canh tân của Công Ðồng phải mở ra với thế giới, dù phục vụ trong môi trường nào, sơ Chung vẫn nhắm đến mục đích cuối cùng trong linh đạo của nhà dòng là truyền giáo. Bên cạch các công việc xã hội, sơ còn tạo một nhóm cầu nguyện, phục vụ ca đoàn, đi làm việc thiện giúp người nghèo xung quanh, cho họ vay một số vốn để làm ăn như mua dụng cụ sửa xe, bán vé số, hay giúp học bổng cho các em không có điều kiện đến trường. Nguồn hỗ trợ bác ái này sơ kết nối được với những tấm lòng vàng ở Pháp. Tất cả đều được ghi chép cẩn thận rõ ràng trong sổ sách, hàng chục năm qua, biết bao mảnh đời kém may đã có một tương lai nhờ quỹ học bổng và những nâng đỡ kịp lúc. Khi tuổi đã cao, sơ xin về lại cộng đoàn để sống cùng chị em và cống hiến trong khả năng. Bạn đọc có lẽ không quá xa lạ với tác phẩm “Tiếng thì thầm và Lời đáp trả” do chính sơ chuyển ngữ. Ðây là quyển sách đầu tay sơ chấp bút dịch, nguyên bản chỉ có “tiếng thì thầm” thôi, sau sơ thấy hay quá mới viết luôn “lời đáp trả”. Hiện tại, sơ đang dịch tới cuốn thứ tám trong bộ sách này gồm 10 cuốn có tên “Bản tình ca Thiên Chúa làm người”, mỗi tập chia đôi gồm Phần A và Phần B. Tính đến nay dịch giả Nguyễn Thị Chung đã có khoảng 40 đầu sách phát hành ở các nhà sách Công giáo trên cả nước.
Nhìn lại một đời nhẫn nại tận hiến đời mình cho Chúa, sơ cảm nghiệm: “Những vấn đề mình gặp phải trong đời sống tu trì, ngoài xã hội hay chính bản thân, có thể là ý Chúa gởi đến. Mình phải chấp nhận hết. Bằng lòng. Mở cửa ra để đón và vui nhận, vui cười với nó. Sau cùng cảm tạ ơn Chúa”. Trong thinh lặng, vị nữ tu vẫn luôn để tai lắng nghe tiếng thì thầm của Ðấng Chí Thánh, và vẫn luôn thủ thỉ đáp lại cho đến ngày Chúa đến gõ cửa tâm hồn.
NHÃ VĂN
Bình luận