Ngôi mộ được cho là thuộc về Thánh tông đồ Philipphê đã được tìm thấy tại Hierapolis , một thành phố cổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tạp chí và kênh truyền hình uy tín Discovery News, các nhà khảo cổ Ý đã thông báo tin tức tốt lành về việc có thể đã tìm được mộ của một trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu sau vài thập niên miệt mài khai quật khu vực được Liên Hiệp Quốc trao danh hiệu di sản thế giới tại miền tây nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát hiện quan trọng
Francesco D’Andria, giám đốc Viện Di sản, công trình và địa điểm khảo cổ thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Ý tại Lecce đã phát hiện di tích quan trọng của Kitô giáo tại thành phố cổ Hierapolis, hiện gọi là Pamukkale. “Trước đây ai nấy đều cho rằng mộ của Thánh Philipphê nằm trên Đồi Tử vì đạo, nhưng chúng tôi không hề phát hiện bất cứ dấu tích gì liên quan đến nghi vấn này”, ông D’Andria nói. Tuy nhiên, ngôi mộ trên đã xuất hiện khi nhóm chuyên gia Ý khai quật một nhà thờ từ thế kỷ thứ 5 cách nhà thờ được xây dựng nhân danh vị thánh trên Đồi Tử vì đạo khoảng 40m.
Giám đốc D’Andria cho rằng, ngôi mộ vào thời Byzantine đã được chuyển khỏi vị trí ban đầu tại nhà thờ Thánh Philipphê, đến nhà thờ vừa được tìm thấy. Theo một chi tiết được ghi lại trong tài liệu từ thế kỷ thứ 4 có tên Thiên Philipphê, vào khoảng năm 80, đồ đệ của Chúa Giêsu đã rơi vào tay của nhà cầm quyền tại Hierapolis, và ngài đã bị xử tử bằng cách treo ngược rồi đóng đinh vào chân lên một cái cây, trước khi bị lính La Mã chặt đầu. Nơi chôn cất di hài của Thánh Philipphê đã trở thành nơi hành hương của các tín hữu Công giáo. Các nhà khảo cổ học thậm chí còn khai quật được một con đường lớn dẫn đến nơi này. Tuy nhiên, động đất và hỏa hoạn đã hủy hoại nhà thờ trên vào thế kỷ thứ 7, sau đó thánh tích của tông đồ Philipphê đã được chuyển đến Constantinople (ngày nay là Istanbul) và kế đến là Rome, nơi hài cốt của ngài được thờ phụng cùng với di hài của Thánh Tông đồ Giacôbê con ông Anphê tại nhà thờ 12 Thánh Tông đồ.
Cuộc đời của Thánh Philipphê vẫn là một bí ẩn cho đến ngày nay : Chào đời tại Bethsaida trên bờ bắc của biển Galilê. Bên cạnh cái tên trong danh sách 12 Tông đồ, phần lớn thông tin người đời nay biết được đều xuất phát từ Phúc âm Thánh Gioan, trong đó ngài được mô tả là một trong những người đầu tiên đi theo bước chân Thầy Chí Thánh Giêsu. Theo Kinh Thánh, Thánh tông đồ Philipphê được gắn với phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi sống 5.000 người (chưa kể phụ nữ và trẻ em), và với những lời dặn dò của Chúa Giêsu trong Bữa tiệc Ly. Ngoài Tân Ước, chỉ có Thiên Philipphê là dõi theo lịch sử của vị thánh này.
Theo Thiên Philipphê, sau khi Chúa Phục Sinh, Philipphê đã rao giảng lời của Thầy tại Hy Lạp, Syria và và bán đảo Tiểu Á, trước khi tử vì đạo tại Hierapolis. Tài liệu ghi lại sau khi tranh luận với những người thờ rắn ở Hierapolis - thành phố thời đó nổi tiếng với sự phồn thịnh và sùng bái ngẫu tượng - vị thánh bị quân La Mã xử quyết. “Để đáp lại tiếng đau đớn của Thánh Philipphê khi bị treo ngược trên cây, một vực sâu bất ngờ xuất hiện, nuốt trọn viên thống đốc và đền thờ tôn vinh rắn, nơi ông này đang ngồi, cũng như các thầy tế tôn thờ thần rắn và 7.000 đàn ông, phụ nữ, trẻ con”, Thiên Philipphê ghi.
Tái dựng toàn bộ địa điểmhành hương
Ông D’Andria nhận định, nhiều chi tiết trong Thiên Philipphê không được Vatican công nhận do chứa những điều phi thực. “Những tình tiết trong câu chuyện đa phần là sự tưởng tượng, huyền hoặc và mang tính biểu tượng”, theo chuyên gia này, nhưng không thể chối cãi chuyện một ngôi mộ đã được xây dựng tại nơi ngài tử vì đạo. Và nhà thờ xuất hiện sau đó đã trở thành một trong những kiến trúc ấn tượng nhất trong thế giới Kitô giáo đời đầu, theo tạp chí Biblical Archaeology Review. Sở dĩ ông D’Andria hoàn toàn chắc chắn về điểm này vì nhóm của ông đã có thể tái dựng toàn bộ địa điểm hành hương vào thời đó.
“Lăng mộ hình bát giác được bao quanh bằng một mái cổng hình chữ nhật, với 28 căn phòng nhỏ hình vuông. Bên trong khu vực bát giác có tám nhà nguyện nhỏ, chấm dứt bằng bốn sân trong hình tam giác ở các góc của hình chữ nhật”, chuyên gia Ý mô tả lại. Thánh tích của Tông đồ Philipphê nhiều khả năng được đặt ở trung tâm của cấu trúc hình bát giác này. Nhóm của ông D’Andria cũng khai quật được một con đường lớn dẫn dắt người hành hương đến ngọn đồi ở phía đông bắc thành phố là Đồi tử vì đạo. Các nhà nghiên cứu đã có thể tái dựng cuộc hành trình của người hành hương xuyên qua thành phố, và thậm chí còn xác định được những điểm dừng chân tại các khu nhà tắm công cộng, nơi họ tẩy rửa cơ thể cho thật tinh khiết trước khi đến được địa điểm linh thiêng. Sau khi đến nơi, người hành hương qua đêm tại một trong 28 căn phòng nhỏ bên trong hầm mộ, đợi đến sáng thì tiến vào nơi đặt mộ của Thánh tông đồ Philipphê.
Một trận động đất khủng khiếp vào nửa sau thế kỷ thứ VII, kèm theo hỏa hoạn, đã phá hủy toàn bộ khu phức hợp quý giá đó. D’Andria cũng đã tìm được thêm chứng cứ cho thấy nơi này từng đặt hầm mộ của vị thánh, đó là một cái triện bằng đồng, hiện được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Virginia ở Richmond (Mỹ). Cái triện tròn, đường kính khoảng 10cm, có thể được sử dụng để in lên các lát bánh mì trong những buổi lễ vinh danh Thánh Philipphê. Trên triện khắc hình ảnh của thánh nhân, được ghi bằng tiếng Hy Lạp là Hagios Philippos, trong tư thế đứng trên cầu thang giữa hai nhà thờ.
Trước khi phát hiện mộ của Thánh Philipphê, chỉ có ba nơi chôn cất của các thánh Tông đồ là được chắc chắn, gồm Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Romevà Thánh Gioan ở Ephêsô.
LING LANG
Ảnh trong bài của : Institute of Archaeological Heritage
Bình luận