Ngày 3.6.2015, Tòa Thánh đã tổ chức một diễn đàn ở Paris, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc.
Cùng được kỷ niệm trong dịp này, có sắc lệnh Gravissimum Educationis - Công tác Giáo dục rất quan trọng của Công đồng chung Vatican II và 25 năm ban hành Tông hiến Ex Corde Ecclesiae - Từ Con tim của Giáo hội là văn kiện tham chiếu của các Đại học Công giáo.
Tổ chức Liên Hiệp Quốc về Giáo dục-khoa học-văn hóa này (UNESCO) được thành lập ngày 16.11.1954 khi Âu châu và các nước khác trên thế giới vừa ra khỏi Thế chiến thứ hai. UNESCO được lập để phát triển tình liên đới trí thức và luân lý của nhân loại. Cơ quan này cũng biểu lộ tầm quan trọng của giáo dục để phát triển xã hội, đối thoại gặp gỡ và hòa bình. UNESCO đã góp phần tái thiết các trường học, thư viện, viện bảo tàng bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai, cổ võ cuộc đấu tranh chống mù chữ và tình trạng làm nghèo sự đa dạng sinh học, đấu tranh cho sự phát triển bền vững và tính đa dạng về văn hóa. Tổ chức này đấu tranh cho tự do ngôn luận và quyền được thông tin của các công dân, lập ra chương trình Di sản thế giới để bảo vệ các di tích có giá trị toàn cầu. Tin rằng giáo dục phải được ưu tiên tuyệt đối, UNESCO tiếp tục ủng hộ công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng xã hội của tri thức và mở mang hiểu biết tin học.
Diễn đàn ở Paris có chủ đề “Giáo dục hôm nay và ngày mai” được đặt dưới sự chủ tọa của bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO. Trong số diễn giả tại diễn đàn này có Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh; Đức Hồng y Zenon Grocholewski, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo dục Công giáo
Tại diễn đàn, Đức Hồng y Pietro Parolin kêu gọi duyệt lại ngành giáo dục để chú trọng tới con người và phát huy tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc. Theo Đức Hồng y, nền văn hóa xung đột hiện nay trên thế giới là một dấu chỉ cho thấy các trường học và đại học cần kiến tạo những điều kiện giúp phát triển một thuyết nhân bản mới và tái tạo tinh thần huynh đệ giữa các dân tộc và quốc gia. Bối cảnh oán thù và khinh rẻ hiện nay giữa các dân tộc là do sự quyết liệt phủ nhận nhân tính nơi người khác. Vì thế sự chấp nhận những khác biệt là điều cơ bản để có sự tôn trọng nhau và để có tự do diễn tả các tư tưởng và xác tín tôn giáo của mình.
Đức Hồng y Parolin cũng khẳng định Giáo hội không bao giờ coi văn hóa và giáo dục chỉ là những phương tiện thần túy để loan báo Tin Mừng, nhưng đúng hơn đó là những phương thế để phát triển toàn diện con người với giá trị nội tại cao cả. Vì thế giáo dục đã và còn tiếp tục ở trọng tâm sứ mạng của Giáo hội. Nhưng nền giáo dục hiện nay đang ở trong tình trạng khẩn trương do những thay đổi lớn trong xã hội và đứng trước một lối tiếp cận thu hẹp, có xu hướng giới hạn giá trị giáo dục vào những khía cạnh thuần túy là kinh tế. Theo Đức Hồng y Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, sự phân hóa kiến thức, sự nhấn mạnh đến kiến thức kỹ thuật và kỹ năng, thiếu sự can dự của cộng đoàn, đó là những triệu chứng của cuộc khủng hoảng giáo dục. Nền giáo dục cần phải phục hồi vị thế trung tâm của con người.
(PV)
Bình luận