Nghèo khó - là cụm từ đầu tiên chúng tôi nghĩ đến khi chứng kiến cuộc sống của những người Công giáo trên vùng núi Sơn La (giáo phận Hưng Hóa) sau chuyến đi tháp tùng với Đức cha Phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long. Bà con giáo dân người sắc tộc nơi đây thiếu thốn tư bề về đời sống, đổi lại, lòng đạo đức đơn sơ của họ thì luôn vững bền.
Người H’Mông vốn quen với nhịp sống yên bình trên núi cao, cheo leo trên các vách đá hoặc ẩn mình trong màn sương mù dày đặc, trắng xóa dưới thung lũng. Đường đi thường là núi đá lởm chởm, nhỏ hẹp chỉ đủ cho chiếc ô tô lăn bánh, một bên là vách núi, bên còn lại là thung lũng sâu hun hút khiến những ai lần đầu trải nghiệm khó tránh khỏi đôi chút sợ sệt.
Mỗi điểm dâng lễ đều trong khung cảnh đơn sơ |
Điểm chúng tôi dừng chân là huyện Phù Yên (Sơn La). Khắp huyện có 7 bản tập trung đông giáo dân, thuận tiện việc dâng lễ, nhưng mỗi nơi đều chưa có nhà nguyện, cũng chưa có bất kỳ một cơ sở vật chất nào. Do vậy, để quy tụ đoàn chiên, Đức cha Anphong cùng các cha đi cùng phải mượn nhà dân. Trong gian nhà trống hoác nơi bản Bãi Lươn (xã Mường Do) hay ở bản Suối Quốc (xã Mường Thải), nền đất trồi sụt được trải vội tấm bạt cho người dân ngồi tham dự; bàn thờ gộp lại từ mấy chiếc bàn chân thấp chân cao, trang điểm thêm bằng vài nhánh hoa rừng vẫn còn tươi nở; chỗ khác điện chưa tới nơi, ánh sáng thắp lên từ vài chiếc đèn dầu leo lắt…
Khi ghé bản Đá Đỏ (xã Kim Bon), thánh lễ được cử hành ngoài trời, bàn thờ đặt ở góc sân, giáo dân đứng dọc hai bên hông nhà. Ở đây các cha phải dâng lễ ngồi, vì bàn thờ thấp quá, đứng thì bất tiện. Hơn nữa, bục làm lễ là một tấm phên tre kê trên mấy hòn đá, nếu không cẩn thận có thể sập. Do bao lâu nay không có thánh lễ, nên mọi người thưa kinh vấp váp, ít biết hát thánh ca, có người làm dấu còn ngượng nghịu.
Tiếp tục chuyến đi, chúng tôi thi thoảng nhìn thấy những đứa trẻ mặt ngơ ngác nhìn theo chiếc xe to đùng, hay tỏ ra thích thú khi có người đưa máy lên chụp ảnh. Đến bản Suối Chèo (cách Đá Đỏ 47 cây số), Đức cha định dâng lễ bên trong một nhà dân nhưng vì nhà nhỏ, thấp, lại tối om nên ngài quyết định cử hành thánh lễ ngoài trời. Loay hoay mãi mới tìm được khu đất trống, tuy nhỏ hẹp, không bằng phẳng nhưng xem ra đã là không gian lý tưởng. Các em nhỏ ngồi triền đất dốc, người lớn đứng phía dưới xung quanh bàn thờ. Không có chỗ đặt Tượng Chuộc Tội, các cha bài trí Chúa trên mái nhà với hai ngọn nến chầu và các ngài đứng suốt buổi cử hành lễ. Ở đây không có tiếng đàn tiếng trống, cũng chẳng có những người ăn mặc lộng lẫy; chỉ là khung cảnh đơn sơ núi rừng. Thế nhưng với chúng tôi, đó là một trong những thánh lễ ấm cúng nhất trong đời.
Tây Bắc đang là mùa khô, suối đã gần cạn, nên những nhà trên đồi cao thường thiếu nước sinh hoạt. Trong căn nhà chúng tôi trú qua đêm tại bản Chè Mè (xã Mường Bang) cũng thế. Vậy là tất cả đi ngủ mà “không cần” tắm rửa, sáng dậy chỉ một ca nước nhỏ dành để súc miệng. Mới chút vậy mà đã cảm thấy bất tiện, nhưng nhờ đó phần nào cảm nghiệm rõ sự thiếu thốn của bà con, càng nghĩ lại càng thương. Thật, muốn hòa nhập cùng người H’Mông cũng không phải dễ!
Mỗi giáo điểm đều có tín hữu tân tòng xin được rửa tội |
Đối với khách, bà con luôn tiếp đãi tận tình. Bữa cơm nào cũng thịnh soạn, có cả thịt dê, lẫn lợn, gà. Cầm chén cơm trên tay ai nấy đều quặn lòng, bởi đó là dịp ít ỏi họ được ăn ngon, vì bữa ăn thường ngày đa phần chỉ toàn rau. Thậm chí nghe các nữ tu đang đồng hành tại đây kể lại, có lúc chỉ có cơm chan nước lã. Sự thiếu thốn một phần do tính cách của người dân tộc : sống ít dành dụm, tích trữ cho ngày mai, đã lưu truyền qua bao thế hệ, khó lòng thay đổi ngày một ngày hai. Phần khác quan trọng hơn : họ có quá ít phương thế để vươn lên.
“...Bà con giáo dân người sắc tộc nơi đây thiếu thốn tư bề về đời sống, đổi lại, lòng đạo đức đơn sơ của họ thì luôn vững bền...” “...Khắp huyện Phù Yên hiện có trên 1.000 tín hữu người H’Mông và khoảng 100 tín hữu người Kinh từ đồng bằng lên làm ăn. Đa phần người H’Mông có đạo đều ở các xã nghèo, nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ...” |
Nhiệt thành không kém tinh thần hiếu khách chính là lòng đạo đức của giáo dân. Chúng tôi bắt gặp những anh chị em với chiếc xe lên nương cà tàng, sẵn sàng đi đoạn đường đồi núi dài 50, 60 cây số chạy theo đoàn để dự thêm thánh lễ. Có lúc đoàn đến muộn, mọi người vẫn chờ đợi với nến sáng cầm trên tay. Trước mỗi thánh lễ, Đức cha rửa tội cho các dự tòng. Có nơi số người xin được lãnh các bí tích Khai Tâm rất đông, như ở bản Núi Hồng (xã Huy Thượng) có đến 38 người xin chịu phép rửa khiến các cha cảm thấy bối rối, bởi lẽ họ chỉ mới vỡ lòng về đạo, chưa học bài bản và đầy đủ như các nơi khác. Tuy vậy, sau khi bàn bạc, Đức cha quyết định vẫn cử hành bí tích, để đáp lại khát vọng của họ từ lâu, sau đó sẽ tìm cách bổ túc giáo lý. Nhìn những gương mặt từ thơ trẻ đến cụ ông đã lớn tuổi ai nấy đều hớn hở, mừng vui, nở nụ cười mãn nguyện khi trở thành con Chúa khiến người tham dự cũng thấy ấm lòng.
“...Bà con giáo dân người sắc tộc nơi đây thiếu thốn tư bề về đời sống, đổi lại, lòng đạo đức đơn sơ của họ thì luôn vững bền...” |
Sau thánh lễ, bà con được tặng cỗ tràng hạt, ổ bánh mì để lót dạ đường về; người già thêm chai thuốc bổ, trẻ con thì nhận bong bóng, kẹo mút làm quà… Họ chìa tay nhận lấy với sự đơn sơ, không một ai từ chối, cũng không ai tham lam giành giật, mà xếp hàng chờ tới lượt, rồi phân chia cho người chẳng may sót. Chào tạm biệt nhưng bà con quyến luyến không dứt.
Nhiều con đường lên bản giờ đây đang được tu sửa, chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp cảnh mấy chiếc xe múc đào đất đang thi công. Nhìn cảnh này, cả đoàn ai cũng thầm vui vì tin rằng chẳng bao lâu nữa, hàng hóa, nông sản của bà con dễ dàng vận chuyển ra phố. Đi lại thuận tiện sẽ kéo theo cả sự văn minh về miền núi cao… Đó cũng là điều mà các vị chủ chăn giáo phận trăn trở trong việc đồng hành với các anh chị em miền cao.
ĐÌNH QUÝ
Bình luận