“Trao yêu thương, trao sức khỏe”

Ðây là phương châm hoạt động của các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ đang khoác áo blouse trắng phục vụ tại Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền từ thiện Hy Vọng tại ấp Giòng Sao, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.

Suốt 5 năm qua, biết bao bệnh nhân nghèo đến với phòng khám Hy Vọng đã không phải thất vọng. Tháng 10. 2015 phòng khám chính thức mở cửa hoạt động. Từ đó đến nay, nơi này trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Nữ tu Anne Marie Trần Thị Lý bên một bệnh nhân

GIEO HY VỌNG

Chia sẻ với chúng tôi về ý nghĩa tên gọi của phòng khám, nữ tu Anne Marie Trần Thị Lý - Trưởng phòng khám giải thích: “Ðặt tên phòng khám là Hy Vọng, chúng tôi mong rằng khi bệnh nhân bước vào bên trong cánh cổng, nhìn thấy chữ Hy Vọng sẽ cảm thấy phấn chấn, có điều gì đó để trông cậy. Mẹ sáng lập dòng chúng tôi nói rằng sức khỏe là gia tài của dòng. Tôi cũng nói với bệnh nhân sức khỏe là gia tài của gia đình. Vì thế, trong vai trò vừa là nữ tu, vừa là y sĩ, chị em cố gắng giúp người bệnh chiến đấu với bệnh tật, giành lại gia tài sức khỏe cho họ”.

Phòng khám điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền như bấm huyệt, châm cứu… và sử dụng thuốc Nam để hỗ trợ. Cơ sở này nổi bật với màu trắng tinh khôi, trên mảnh đất rộng hơn 3.000m2 gồm một phòng nhận bệnh, một phòng khám và bốn phòng điều trị với 21 giường. Ngoài ra còn có phòng vật lý trị liệu; phòng trữ, phơi thuốc bằng năng lượng mặt trời và phòng tập dưỡng sinh cho người lớn tuổi. Các phòng điều trị đều được trang bị máy móc, thiết bị châm cứu hiện đại, đáp ứng yêu cầu chữa bệnh. Sơ Lý là người khám và chẩn bệnh cho bệnh nhân mới. Tùy theo bệnh án, bệnh nhân sẽ được chuyển vào bốn phòng điều trị khác nhau do bốn sơ y sĩ phụ trách, như có phòng dành cho bệnh nhân liệt, phòng điều trị cho bệnh nhân thoái hóa, phòng cho bệnh nhân bị tiểu đường, viêm gan siêu vi B…

Các nữ tu làm việc trực tiếp tại đây đều có bằng lương y. Hằng ngày, phòng khám mở cửa đón tiếp bệnh nhân từ thứ Hai đến thứ Sáu. Số bệnh nhân có khi lên tới 100 lượt/ngày. Tại phòng điều trị, các giường bệnh đều kín chỗ, bên ngoài bệnh nhân ngồi chờ tới lượt châm cứu rất đông. Sơ Trần Thị Lý nắm tường tận bệnh án của bệnh nhân mà không cần nhìn sổ. Gặp bệnh nhân nào là sơ có thể chia sẻ ngay hoàn cảnh của từng trường hợp, như bé Ð.C.T bị tăng động, bố, mẹ, bà nội phải tìm cách giữ bé nằm yên thì y sĩ mới châm cứu được. Chị L.T.H.N (Gx Sơn Lộc, GP Phú Cường) mẹ của bé cho biết: “Qua một người quen giới thiệu, tôi mang cháu đến đây chữa thử, nay cũng được một tháng rồi. Trước đây cháu không thể ngồi, qua thời gian châm cứu ở đây, giờ cháu có thể tự ngồi được. Gia đình rất hy vọng cháu sẽ bình phục tốt”. Hay bé M.Q (5 tuổi) bị liệt nặng, chữa nhiều nơi không khỏi. Mỗi lần đến đây chữa là y sĩ kết hợp châm cứu với vật lý trị liệu. Chữa được hơn một năm giờ chân của cháu có thể đứng và bước đi.

Vườn thuốc nam của phòng khám

NHIỀU BỆNH NHÂN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

Bệnh nhân đến phòng khám Hy Vọng điều trị đa phần là người địa phương hoặc đến từ các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Dương. Nhiều người trong số họ bị liệt sau tai nạn giao thông. Trẻ em bị bại não, sốt tê liệt, điện giật, tự kỷ, tăng động… Người lớn thì bị thoái hóa cột sống cổ, lưng, khớp chiếm 60 - 70%. Bệnh nhân nào đến điều trị sớm khả năng phục hồi tốt, nhanh; còn đến trễ, để lại di chứng thì phục hồi chậm hơn, nhưng có cải thiện.

Nữ tu - y sĩ Têrêsa Trần Thị Tịnh phục vụ tại phòng điều trị số 1 chia sẻ: “Ba năm làm việc tại đây, chứng kiến nhiều bệnh nhân điều trị khắp nơi mà bệnh tình không tiến triển, tâm lý họ rất chán nản, thậm chí có người không thiết sống. Tình cờ biết được nơi này, họ đến khám thử lần đầu, sau đó cảm thấy thích, tin tưởng và theo điều trị lâu dài. Tâm lý người bệnh rất dễ tiêu cực nên chúng tôi cố gắng làm cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, bình an và tin tưởng. Niềm tin chiếm 50%, còn lại là sự bình an để họ an tâm chữa bệnh”.

Phòng khám hiện diện tại vùng nông thôn. Bệnh nhân đến khám bệnh chủ yếu là người nghèo, nông dân, di dân. Họ thuê đất trồng rau, hoặc làm công nhân trong các xí nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ quanh vùng. Với các bệnh nhân khó khăn, phòng khám miễn phí. Còn ai có điều kiện thì chỉ góp một khoản nhỏ để phòng khám thêm kinh phí hoạt động. Các sơ làm việc không có lương, nhưng nhận được rất nhiều tình cảm từ bệnh nhân. Sơ Anne Marie kể: “Thỉnh thoảng có người đến châm cứu xách theo con gà biếu; bệnh nhân khác lại cho con vịt, cân thịt, bí, khổ qua, mướp… Xung quanh đây, họ trồng được rau cũng hái cho chúng tôi. Nhiều khi họ cho nhiều quá chị em lại san sẻ bớt cho bệnh nhân nghèo”.

PHÒNG KHÁM THEO TINH THẦN LAUDATO SI’

Vùng đất Củ Chi ở ngoại ô thành phố nên không khí khá dễ chịu. Mật độ dân cư thưa, bà con làm nông nên đất đai ruộng vườn nhiều cây xanh. Năm 2015, khi dời về đây, các nữ tu cũng muốn tổ chức phòng khám “xanh” theo tinh thần Laudato si’, chan hòa với thiên nhiên, tận dụng mọi khoảng đất trống quanh nhà để trồng thảo dược.

Sơ Anne Marie Trần Thị Lý vừa đi vừa giới thiệu 60 loại thảo dược đang trồng mẫu trong vườn như đinh lăng, diệp hạ châu, cam thảo nam, lá lốt, cỏ xước… Ðây là những loại phù hợp với thổ nhưỡng vùng này nên rất dễ trồng. Phòng khám còn tự bào chế thuốc Nam để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân, có cả phòng trữ và phơi sấy thuốc bằng năng lượng mặt trời. Các loại thuốc mà phòng khám tự điều chế được như thuốc bổ thận, thuốc dành cho thoái hóa cột sống cổ, lưng, viêm gan siêu vi B, viêm xoang, trà tiêu mỡ, cao nhàu…

Bà Nguyễn Thị Bòn, 70 tuổi, ngụ ấp Giòng Sao lâu nay bị thoát vị đĩa đệm, vẫn thường đau khớp gối và đau lưng nên lui tới phòng khám châm cứu và lấy thuốc về uống. Bà cho biết: “Tôi thấy thích bầu khí ở đây vì nhiều cây xanh, thoáng mát, sạch sẽ. Thuốc Nam phòng khám tự bào chế nên lấy về sắc uống tôi cảm thấy yên tâm. Bệnh của tôi là bệnh người già, thỉnh thoảng bị đau vẫn đến đây châm cứu lại”.

Trong những bệnh nhân đến khám, nhiều gia cảnh quá ngặt nghèo, các nữ tu cảm thấy thương nên giúp đỡ bằng cách hỗ trợ vốn để họ bán vé số, mở quán nước, quán cơm. Ðặc biệt phòng khám dành hẳn một quỹ khuyến học giúp con em bệnh nhân có điều kiện đến trường.

Ðến nay, sau gần 2.000 ngày hoạt động, phòng khám đã giúp giành lại sức khỏe cho hơn 4.000 mảnh đời ốm đau. Sự hiện diện của phòng khám tại vùng đất nông thôn này đã mang lại hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân khốn khó. Chia sẻ về những kế hoạch ấp ủ bấy lâu nay dành cho phòng khám, sơ Anne Marie Trần Thị Lý bày tỏ ước mong sớm có giấy phép xây thêm nhà nội trú cho bệnh nhân có chỗ ở lại điều trị; vì châm cứu không phải một lần là xong, nhiều bệnh nhân ở xa đến chữa trị phải thuê trọ ở ngoài rất tốn kém.

NHÃ VĂN

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Bán rau củ đổi nụ cười  trẻ thơ
Bán rau củ đổi nụ cười trẻ thơ
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 9.2024, ở giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, bữa sáng cho thiếu nhi được mở ra nhờ quỹ đóng góp tùy tâm của ân nhân và phụ huynh.
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Ðể chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Phục Sinh 2025, Thiếu nhi Thánh Thể thuộc Xứ đoàn Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, giáo xứ Tân Việt, hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, đã tích cực tham gia các hoạt động tĩnh tâm và sinh hoạt...
185 năm lặng lẽ một hành trình
185 năm lặng lẽ một hành trình
Từ sáng sớm, khuôn viên nhà mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã rộn ràng trong bầu khí hân hoan mừng kỷ niệm 185 năm hiện diện và phục vụ trên mảnh đất Sài Gòn - Thủ Thiêm.
Bán rau củ đổi nụ cười  trẻ thơ
Bán rau củ đổi nụ cười trẻ thơ
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 9.2024, ở giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, bữa sáng cho thiếu nhi được mở ra nhờ quỹ đóng góp tùy tâm của ân nhân và phụ huynh.
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Việt sống Mùa Chay Thánh
Ðể chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Phục Sinh 2025, Thiếu nhi Thánh Thể thuộc Xứ đoàn Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, giáo xứ Tân Việt, hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, đã tích cực tham gia các hoạt động tĩnh tâm và sinh hoạt...
185 năm lặng lẽ một hành trình
185 năm lặng lẽ một hành trình
Từ sáng sớm, khuôn viên nhà mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã rộn ràng trong bầu khí hân hoan mừng kỷ niệm 185 năm hiện diện và phục vụ trên mảnh đất Sài Gòn - Thủ Thiêm.
Gieo mầm hy vọng giữa dấu chỉ thời đại
Gieo mầm hy vọng giữa dấu chỉ thời đại
Sáng 20.3.2025, tại nhà thờ giáo xứ Chợ Quán, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM đã tổ chức buổi tĩnh tâm Mùa Chay và hành hương Năm Thánh 2025 qua chủ đề “Với dấu chỉ thời đại, người tín hữu Việt Nam gieo mầm hy vọng”.
Giáo phận Hải Phòng có 4 tân linh mục
Giáo phận Hải Phòng có 4 tân linh mục
Trong số 4 tân chức, có hai vị sinh năm 1994, 1 vị sinh năm 1991 và 1 vị sinh năm 1993.
Thành lập giáo xứ Sơn La
Thành lập giáo xứ Sơn La
Sau 2 thập niên hiện diện, cộng đoàn đức tin tại Sơn La đã đón nhận niềm vui trở thành giáo xứ mới thuộc giáo phận Hưng Hóa.
Thiếu nhi xứ Đồng Gianh đi Đàng Thánh giá
Thiếu nhi xứ Đồng Gianh đi Đàng Thánh giá
Ngày 16.3.2025, tại giáo xứ Đồng Gianh, TGP Hà Nội, linh mục chánh xứ Phanxicô Xaviê Trần Truyền Giáo đã tổ chức tĩnh tâm cho thiếu nhi. Cha khuyến khích các em làm việc bác ái, lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và tham dự nghi thức Đàng Thánh giá
Giáo xứ Tân Việt hành hương Năm Thánh
Giáo xứ Tân Việt hành hương Năm Thánh
Ngày 15.3.2025, cộng đoàn giáo xứ Tân Việt (hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM) đã tổ chức buổi hành hương Năm Thánh tại giáo xứ Tân Phú. Đoàn hành hương đã tham dự thánh lễ, dâng lời cầu nguyện và lãnh nhận ơn toàn xá.
Đồng hương Công giáo Cái Sắn mừng lễ Thánh Giuse
Đồng hương Công giáo Cái Sắn mừng lễ Thánh Giuse
Đức Giám mục giáo phận Long Xuyên Giuse Trần Văn Toản đã chủ tế thánh lễ kính Thánh Giuse - Bổn mạng đồng hương Công giáo Cái Sắn, tại thánh đường giáo họ Thánh Giuse Vĩnh Lộc (Hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM)