Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục Joseph Kurtz, gọi phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ công nhận hôn nhân đồng phái trên toàn quốc là một sai lầm thê thảm.
Hôm 26.6.2015, trong vụ án gọi là Obergefell v. Hodges với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Tối cao Pháp viện Mỹ phán quyết hôn nhân đồng phái là điều hợp với Hiến pháp Liên bang, đồng thời khẳng định bản chất của hôn nhân là qua mối liên hệ dài hạn mà hai người có thể cùng nhau tìm được những tự do khác như tự do diễn tả, sống thân mật với nhau, tự do tinh thần. Đây là điều chân thực đối với mọi người, bất luận họ có xu hướng tính dục thế nào. Trong phần hai của phán quyết, Tòa án Tối cao quy định mỗi tiểu bang phải nhìn nhận các cuộc hôn nhân đã được kết ước tại bang khác.
Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cũng kêu gọi các tín hữu Công giáo tiếp tục tiến bước trong niềm tin nơi chân lý bất biến về hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, bất kể điều mà một đa số bé nhỏ tại Tối cao Pháp viện có thể tuyên bố. Trong thời điểm hiện nay của lịch sử, bản chất của con người và của hôn nhân vẫn không thay đổi và không thể thay đổi. Đức Tổng Giám mục Kurtz cũng khẳng định:“Thật là một điều vô luân trầm trọng và bất chính từ phía chính quyền khi tuyên bố hai người đồng phái có thể hợp thành một hôn nhân”.
Xu hướng hôn nhân đồng phái cũng lan rộng tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và đã gặp những phản ứng của nhiều vị lãnh đạo tôn giáo.
Tại Đức, Đức cha Gebhard Furst, Giám mục giáo phận Rottenburg-Stuttgart ở miền nam Đức chống lại chủ trương coi các cặp đồng phái tương đương với hôn nhân, và phê bình lập trường cho các cặp này được nhận con nuôi. Tuyên bố hôm 22.6.2015, Đức cha Gebhard Furst khẳng định, trong việc nhận con nuôi cần phải để ý đến an sinh của trẻ em. Sự khác biệt phái tính giữa người nam và người nữ là điều quan trọng với việc giáo dục và sự hình thành trẻ em. Đức Giám mục giáo phận Rottenburg chống lại việc chúc hôn cho những cặp đồng phái. Việc chúc hôn này phải phản ánh hình ảnh Kitô về con người. Ngoài ra việc chúc hôn như thế có nguy cơ làm cho người ta nghĩ đó là một lễ hôn phối của Giáo hội. Sau cùng Đức cha Furst tuyên bố sẵn sàng tháp tùng mục vụ các cặp đồng phái và chống lại mọi hình thức kỳ thị đối với những người này.
Hôn nhân đồng tính vẫn đang là vấn đề chung của cả thế giới |
Sát cạnh nước Mỹ, Hội đồng Giám mục Mêhicô tái khẳng định gia đình là tế bào của xã hội dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, nhờ khả năng sinh sản, bảo đảm sự sống còn của xã hội. Các Giám mục tái bày tỏ lập trường trên vào ngày 26.6.2015 sau khi Tòa án tối cao của liên bang Mêhicô phán quyết công nhận hôn nhân đồng phái, và xác quyết rằng bất kỳ luật liên bang nào coi việc sinh sản như mục đích của hôn nhân, hoặc quả quyết hôn nhân chỉ được cử hành giữa một người nam và người nữ đều là trái với hiến pháp.
Các Giám mục Mêhicô cũng nhấn mạnh Dân luật cần nhìn nhận hôn nhân khác phái, thăng tiến và bảo vệ định chế này nhân danh công ích. Đây là một sự nhìn nhận theo truyền thống ngàn đời của Tây phương và là thành phần của các bộ dân luật và luật gia đình của các bang tại Mêhicô. Thông cáo có đoạn viết: “Trong tư cách là công dân, chúng tôi tin rằng phán quyết của Tòa án Tối cao không những vi phạm truyền thống pháp luật vững chắc và thiện ích của xã hội, nhưng còn trái ngược với các nguyên tắc của liên bang và lý do hiện hữu của các bộ dân luật khác nhau”.
Hội đồng Giám mục Mêhicô cũng khẳng định Giáo hội chủ trương hôn nhân chỉ có thể được cử hành giữa một người nam và một người nữ, cũng như bảo vệ giá trị này vì thiện ích của con người và xã hội. Nhà nước không có quyền tạo ra những hình thức hôn nhân mới, vì những hình thức này không phải là hôn nhân tuy là một hình thức kết hợp khác.
Trả lời những người cho rằng Tối cáo Pháp viện có lý khi nhân danh việc không kỳ thị một phần dân chúng, các Giám mục Mêhicô nói rằng: “Tái khẳng định không ai bị kỳ thị không có nghĩa là thay đổi bản chất của hôn nhân. Và cũng không có nghĩa là quên tinh thần của hiến pháp trong đó có nhìn nhận sự bình đẳng giữa người nam và người nữ và thiết định nghĩa vụ của pháp luật phải bảo vệ sự phát triển và tổ chức gia đình.
Vẫn phải bảo vệ hôn nhân truyền thống |
Hai ngày sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, tại Philippines, ông Herminio Coloma Jr, người phát ngôn Tổng thống, đã nói: “Luật pháp của chúng tôi thì rõ ràng. Luật Gia đình chỉ nhìn nhận hôn nhân giữa một người nam và người nữ”. Luật Dân sự của đất nước Philippines quy định các điều luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ gia đình đều có liên hệ chặt chẽ đến các công dân của Philippines ngay cả đang sống ở nước ngoài. Bản công bố của Hội đồng Giám mục Philippines do Đức Tổng Giám mục Socrates Villegas, Chủ tịch Hội đồng Giám mục ký đã xác định “Hôn nhân là một sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa một người nam và người nữ, trong sự bổ túc của các phái tính”.
Tại Roma, Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình tuyên bố ủng hộ cuộc biểu tình bênh vực gia đình chống ý thức hệ về giống diễn ra vào ngày 20.6.2015 tại Quảng trường trước đền thờ Thánh Gioan Laterano ở Rôma. Trong sứ điệp gửi đến Ủy ban này, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình nhắc đến lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các Giám mục Âu châu về quyết tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô thăng tiến gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, là nơi người ta học cách sống chung trong sự khác biệt và thuộc về tha nhân, là nơi cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái. Đức Tổng Giám mục Paglia khẳng định: “Chúng ta đang sống trong một xã hội dường như đánh mất khả năng thiết lập những mối liên hệ và tương quan yêu thương vững bền, mạnh mẽ, để có được những gia đình vững mạnh có khả năng tháp tùng những người yếu thế nhất, giáo dục con cái, nâng đỡ người già. Não trạng của thế giới này đang tràn vào các gia đình một cách nguy hiểm và ngăn cản sự thiết lập các gia đình vững chắc”.
Quốc Việt
Bình luận