Cũng giống như nỗ lực tìm thuyền Nôê, công cuộc tìm kiếm Mũi giáo Thánh, từng cắm vào cạnh sườn Chúa Giêsu khi ngài chịu khổ hình trên thập tự giá, vẫn chưa có manh mối rõ ràng.
Qua 2.000 năm tồn tại, Giáo hội có rất nhiều thánh tích, từ thánh tích cấp 1 (di hài của bản thân vị thánh), thánh tích cấp 2 (quần áo hoặc đồ vật cận thân của thánh), và thánh tích cấp 3 (đồ vật mà vị thánh từng tiếp xúc). Có thể nói thánh tích khá phổ biến trong các nhà thờ và cộng đồng giáo dân, đặc biệt tập trung tại thành Rome, nhưng thánh tích xuất phát từ cuộc đời của Chúa Giêsu lại thật sự hiếm.
Mũi giáo Armenia |
Một số thánh tích được gọi là Arma Christi, là những vật dụng, binh khí liên quan đến việc Chúa Giêsu chịu khổ nạn. Trong số này có thể kể đến Holy Sponge (miếng bông biển thấm giấm để thấm ướt miệng Thầy trong lúc bị treo trên thập giá); đinh lấy từ cây thánh giá và Mũi giáo Thánh, do lính La Mã dùng để đâm Người. Phúc Âm theo thánh Gioan thuật lại: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34).
Mũi giáo ở Armenia
Mũi giáo Thánh, còn được biết với cái tên Mũi giáo của Longinus hoặc Mũi thương của vận mệnh, là một trong những thánh tích nổi tiếng nhất và được tìm kiếm lâu nay. Mức độ nổi tiếng của thánh tích này gần như ngang bằng với Chén Thánh và Hòm Bia Giao Ước. Cũng chính vì thế mà đến nay đã xuất hiện không ít thánh tích có liên quan đến Con đường khổ nạn. Chẳng hạn, có thời điểm phải có khoảng 30 cây đinh được cam đoan có liên quan đến thánh giá, và Mũi giáo Longinus cũng xuất hiện ở vài quốc gia. Một số đã bị Giáo hội bác bỏ, nhưng vẫn còn đến 3 ngọn mà giới chuyên gia cho rằng có lẽ sẽ tìm được Mũi giáo Thánh thật sự trong số này.
Ngọn giáo thành Vienna |
Một ứng viên đến từ Armenia, nơi ngọn giáo được cho là Mũi giáo Thánh đang nằm một cái hộp thánh tích từ thế kỷ 17, được bảo quản ở Bảo tàng Manoogian. Trong khi bề ngoài của nó khá cổ, tài liệu đầu tiên ghi lại sự tồn tại của ngọn giáo này là từ thế kỷ 13, có nghĩa là vẫn còn khoảng 1.200 năm chưa rõ tông tích. Với hơn một thiên niên kỷ không xác định được, nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về nguồn gốc thật sự của ngọn giáo ở Armenia. Trong một bài viết ghi lại việc giám định các ứng viên của Mũi giáo Thánh, chuyên gia Aleksa Vučković của trang KeeptheFaith (Anh) ghi rõ mũi giáo ở Bảo tàng Manoogian không giống như loại có thể gây tổn thương cho con người, vì phần mũi quá rộng.
Bà viết: “Chỉ cần nhìn sơ là đủ biết mũi giáo này không thể dùng làm vũ khí thật sự. Nó không giống như mũi thương có thể đâm xuyên bất kỳ thứ gì, nhiều khả năng chỉ là đồ trưng bày hoặc sử dụng trong nghi thức nào đó. Có giả thuyết cho rằng mũi giáo thật sự đã được đúc lại thành hình dạng như hiện nay, nhưng điều này vẫn còn gây tranh cãi”.
Mũi giáo ở Vatican và thành Vienna
Một ứng viên khác cho Mũi giáo Thánh đang được lưu giữ bên dưới Mái vòm của Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô, dù Vatican chưa từng tuyên bố nó thật hay giả. Mũi giáo này cũng là ứng viên cổ nhất vào thời điểm hiện tại, có niên đại từ thế kỷ thứ 7. Theo ghi nhận của Wikipedia, mũi giáo ban đầu xuất phát từ nhà thờ Mộ Thánh ở phố cổ Jerusalem, được đưa đến Constantinople, Paris, và cuối cùng là Rome. Phần mũi của cổ vật đã bị gẫy trong cuộc hành trình dài và phần này cũng đã bị người xưa đánh mất, chỉ còn tồn tại hình vẽ trên giấy. Vào thế kỷ 18, Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV xác nhận đoạn mũi giáo còn lại và phần mũi bị mất là hai bộ phận ghép lại thành một mũi giáo duy nhất. Tuy nhiên, ngài không hề nói đây có phải là Mũi giáo Thánh thật sự hay không.
Đền thờ Thánh Phêrô |
Cuối cùng là mũi giáo được bảo quản ở Vienna (Áo), cũng là ứng viên nổi tiếng nhất trong số các ngọn giáo được đề cập. Mũi giáo thành Vienna tương truyền từng thuộc về thánh Maurice và hoàng đế Constantine vĩ đại, và được cho đã mang lại chiến tích lẫy lừng của cả hai vị khi còn sống. Khi đệ nhị thế chiến nổ ra, Adolf Hitler đã săn lùng cổ vật nổi tiếng và cuối cùng mũi giáo rơi vào tay của Ðức Quốc xã. Sau chiến tranh, mũi giáo bị phát hiện trong tay một sĩ quan SS, nhưng có ý kiến cho rằng đây chỉ là bản sao để đánh lừa lực lượng Ðồng Minh.
Kết quả phân tích khoa học đã xác định mũi giáo này có niên đại phù hợp nhất và có bề ngoài giống các mũi giáo thời La Mã, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa khẳng định được phải chăng đây là ngọn giáo mà họ luôn tìm kiếm hay không.
LING LANG
Bình luận