Chín người tị nạn Syria đã khởi hành từ Hy Lạp vào thứ năm ngày 16.6 và đến Rome vào thứ sáu tuần qua, nâng tổng số gia đình được Tòa Thánh tiếp nhận lên 5 hộ.
Trong số này có 6 trẻ em, 3 người lớn, trong đó có 2 người là Kitô hữu. Trước đó, họ lưu trú tại trại tị nạn Tepe, đảo Lesbos của Hy Lạp. Vatican cho biết sự kiện này là hoạt động mang tính tiếp nối của việc ĐTC đã dẫn theo 3 gia đình người tị nạn cùng ngài quay về Ý trong chuyến thăm đảo Lesbos vào tháng 4 vừa qua.
Nỗ lực đưa các gia đình tị nạn đến Rome có được là nhờ hành lang nhân đạo, một chiến dịch đầu tiên ở châu Âu xuất phát từ một thỏa hiệp vào giữa tháng 12.2015 giữa chính quyền Ý, Cộng đoàn công giáo thánh Egidio, Liên hiệp các Giáo hội Tin lành ở Ý và Giáo hội địa phận Vaud. Chương trình này dự trù sẽ đưa 1.000 người trong hai năm tới đến từ Hy Lạp, Liban, Morocco và Ethiopia.
Cộng đồng Thánh Egidio hiện nay hoạt động như một cầu nối nhân đạo Công giáo kết nối với Morocco, Liban, Ý để giúp đỡ cho người tị nạn từ châu Phi, Trung Đông bị đe dọa bởi chiến tranh hay đói nghèo và thanh trừng tôn giáo, có thể đến nơi an toàn và tái định cư, ổn định cuộc sống. Tương tự như 3 gia đình qua Ý trước, Cộng đồng Thánh Egidio sẽ giúp sắp xếp nơi lưu trú cho những gia đình người tị nạn Syria. Sau khi ổn định, họ sẽ được hỗ trợ thêm trong quá trình chuyển đổi, như là giúp điền thông tin trên tờ khai đăng ký lưu trú và theo học các lớp tiếng Ý.
Tình hình nhập cư ở châu Âu hiện nay đang được xem là tồi tệ nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến. Theo Tổ chức tị nạn quốc tế, hàng ngàn người đã bỏ mạng trong 6 tháng cuối năm vừa rồi và nhiều hơn thế trong 6 tháng đầu năm. Chiếm đa số trong dòng người người tị nạn đến châu Âu mỗi ngày qua cửa ngõ các nước Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha, là những người đến từ phía Bắc Phi và Trung Đông. UNICEF cho biết, cứ 10 người tị nạn lại có 9 người gồm cả trẻ em đều không có người thân đi cùng, đó là lý do tại sao cơ quan bảo vệ trẻ em của Liên Hiệp Quốc đang rất lo ngại về những rủi ro về lạm dụng, ngược đãi và tử vong trên đường đi.
Kể từ khi khủng hoảng tị nạn xảy ra, ĐTC đã luôn xem đây là mối quan tâm hàng đầu. Ngài đã đến thăm hòn đảo Lampdesa của Ý, nơi nhiều người tị nạn cứ trú khi đang chờ được xem xét hồ sơ nhập cảnh. Chuyến thăm đến Lesbos cũng là một trong số những chuyến thăm thu hút nhiều sự chú ý. Trả lời phỏng vấn sau chuyến đi, khi được gợi ý rằng hành động này quá nhỏ và không có đóng góp gì, ĐTC đã trích dẫn lời nói của Mẹ Teresa Calcutta: “Tuy chỉ là một giọt nước nhỏ xuống đại dương, nhưng sau đó, đại dương sẽ không bao giờ như cũ. Tôi sẽ hồi đáp lại tương tự, tuy đó chỉ là một hành động nhỏ nhoi. Nhưng tất cả chúng ta đều nên có những đóng góp như thế cho những cá nhân đang rất cần sự giúp đỡ”. Ngài cũng nhấn mạnh vai trò những con người của đức tin khi kêu gọi cả thế giới chú ý đến thảm kịch này và cùng nhau giúp đỡ người tị nạn “theo cách nhân văn nhất”. Tháng 9.2015, ĐTC đã kêu gọi tất cả cá nhân và cộng đồng tôn giáo trên khắp châu Âu giúp đỡ người tị nạn có nơi ăn chốn ở. Hai nhà thờ trực thuộc Vatican là nhà thờ Thánh Phêrô và Giáo xứ thánh Ann, mỗi nơi đang cưu mang 1 gia đình tị nạn.
THẢO NGUYỄN
Bình luận