Cũng như mọi sự vật hiện tượng, ngôn ngữ cũng tuân theo quy luật luôn vận động biến đổi, làm mới. Đối tượng ngôn ngữ phản ảnh thay đổi, ngôn ngữ cũng xuất hiện các thành tố mới để tương thích cho vai trò thể hiện sự vật hiện tượng. Theo thời gian, khoảng cách thế hệ cũng đồng thời là khoảng cách về ngôn ngữ, như lớp trẻ ngày nay đã có một vốn từ mới mẻ khác với thế hệ cha anh, bên cạnh đó, các từ ngữ cũ vốn có cũng được sử dụng ít nhiều khác đi trong bối cảnh mới, hay mai một. Các biến động lịch sử, xã hội to lớn càng thúc đẩy sự biến đổi của vốn ngôn ngữ.
Nhưng, âm nhạc đã có một vai trò níu giữ, bảo tồn sống động tinh hoa ngôn ngữ đương thời. Vốn ca từ có được từ lao động nghệ thuật của nhạc sĩ, văn nghệ sĩ đọng lại lâu dài qua các bài hát hay, có giá trị, được lưu truyền. Để tiếp cận, thấm hiểu vốn ngôn ngữ đã qua không gì sinh động và hấp dẫn hơn trải nghiệm nghe các bài hát đương thời. Thầy Văn Nhuệ - một giáo viên ngữ văn ở TPHCM - nói, để thấu hiểu sâu sắc vốn từ có khi đã xa xôi, mai một, ngoài việc tra từ điển ngôn ngữ, đọc văn chương cũ, thầy còn có thói quen nghe lại các bài hát. Còn ông Lưu Văn Tiến, một công chức về hưu đã lâu ở An Giang cũng từng có kinh nghiệm tiếp thu ngôn ngữ, tiếng nói của một thời đã qua bằng việc nghe lại từng bài hát, trong đó có những từ ngữ đã hiếm sử dụng hay ngày nay lớp trẻ không rõ nghĩa, xài không chuẩn mực. Ông thừa nhận: “Chính âm nhạc đã cất giữ tốt tiếng mẹ đẻ tinh hoa qua thời gian!”. Cô Tuyết Hoa, một giáo viên THPT ở Cần Thơ cho rằng, từ việc nghe nhạc, ca cổ, cải lương để hiểu sâu sắc vốn ngôn ngữ cũ của vùng miền nhằm sử dụng chuẩn mực, cũng là một biểu hiện bảo tồn tinh hoa tiếng mẹ đẻ, gìn giữ bản sắc văn hóa.
Ở Nam Bộ, nhạc trữ tình từng có địa vị phổ biến và vẫn còn lưu truyền sâu rộng đã cất giữ một lượng từ ngữ lớn của vùng miền qua từng nhạc phẩm - đọng lại lao động của các tài hoa âm nhạc. Vọng cổ, cải lương cũng không kém khi lưu giữ lượng từ ngữ khó cân đo lượng tính qua một quá trình thịnh hành lâu dài. Đơn cử ít nhạc phẩm nổi tiếng của dòng nhạc Bolero như Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Ngọn trúc đào, Người em xóm đạo, Huế xưa, Đêm bơ vơ, Khúc ca Đồng Tháp…, đã có một bức tranh thú vị về vốn từ ngữ của miền Nam một thời. Về cổ nhạc, có một số bài như Bánh bông lan, Tình anh bán chiếu… cũng cho thực tế về từ ngữ đương thời ở miền Nam khá phong phú. Trong đó, bài Vọng cổ “Bánh bông lan” của soạn giả Quế Chi - một bài ca vang bóng, có bao nhiêu từ địa phương, vùng miền nay đã ít dùng hay mai một và trong tác phẩm, một số từ hay cụm từ đã xài rất hay như quá giang, Lục tỉnh, đổ khuôn, lọc lừa kén chọn… Sẽ tuyệt nếu phân tích vốn từ cũ trong những vở cải lương Đường gươm Nguyên bá, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Đời cô Lựu… Danh sách tra cứu sẽ rất dài và là tài nguyên ngôn ngữ học giá trị cho những ai quan tâm.
Kho tàng âm nhạc Việt vô cùng phong phú và giá trị, ở đó cất giữ vô vàn từ ngữ đẹp, hay của tiếng Việt thân yêu.
HẰNG SINH
Bình luận