Những giáo dân tản mác tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, đang dần chạm tay tới giấc mơ hằng khắc khoải nhiều năm qua: có một nhà nguyện sớm hôm đọc kinh, dâng lễ.
Huyện An Phú nằm cạnh thành phố Châu Đốc và giáp biên giới Campuchia với nhiều sắc tộc cùng chung sống như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm... Đây cũng là nơi có nhiều tôn giáo hiện diện, phần lớn là Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hồi giáo. Người Công giáo chỉ là thiểu số ít ỏi. Trước 1975, tại thị trấn có một nhà nguyện cho tín hữu cầu kinh, chăm lo đạo nghĩa. Sau 1975, giáo dân sống tản lạc, nhà nguyện không còn nữa.
Những người thợ đang xây bờ kè che chắn |
Hàng chục năm không có linh mục coi sóc, không có nhà thờ để viếng Chúa, đời sống đạo của bà con gặp nhiều khó khăn, thử thách. Tình trạng khô khan, nguội lạnh, rối rắm, suy giảm đức tin là khó tránh khỏi. Trên thực tế, cũng còn một số giáo dân cố gắng duy trì nề nếp thiêng liêng, chịu khó đi lễ ở nhà thờ Châu Đốc, cách An Phú khoảng 15km; hoặc tại nhà thờ Khánh Bình, sát biên giới, tầm 30km. Tuy nhiên, lượng tín hữu sốt mến này chiếm tỷ lệ không đáng kể, vì phần đông những người giữ đạo đã có tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Hơn nữa, họ rất nghèo nên còn phải lo công việc làm ăn, trong khi việc di chuyển tới nhà thờ mất không ít thời gian.
Trước thực trạng này, năm 2011, một giáo dân tân tòng tại đây đã mạnh dạn viết một bức thư điện tử trình bày hoàn cảnh của vùng An Phú cho Ban Truyền thông giáo phận Long Xuyên. Bức thư có đoạn: “Hỡi ôi! Những vị chủ chiên, những mục tử nhân lành giờ đã ở đâu? Chúng con sống xa nhà thờ, nên không được thường xuyên đến với Chúa, nên hiển nhiên dần dần chúng con phải xa Chúa. Cha ơi, chúng con khẩn xin cha đoái thương đến chúng con, xin cha hãy lập cho chúng con một họ đạo, chúng con không dám mơ đến ngôi nhà nguyện đâu, chỉ cần bấy nhiêu là đủ. Con mong rằng nỗi mơ ước, niềm hy vọng duy nhất của chúng con sẽ thành hiện thực”.
Sau nhiều năm chờ đợi, giáo dân tại An Phú sắp có ngôi nhà nguyện sớm hôm dâng lễ |
Để hồi đáp tâm tình khẩn thiết đó, Đức cha giáo phận đã trao đổi với một số linh mục về giải pháp giúp đỡ bà con nghèo tại An Phú. Sau đó, cha Phêrô Nguyễn Tấn Khoa, chánh xứ Châu Đốc kiêm quản hạt Châu Đốc, được cắt cử phụ trách thêm địa bàn này. “Để giúp bà con, sau khi suy nghĩ, bàn bạc và cầu nguyện, anh em linh mục chúng tôi đã gợi ý mọi người xin phép địa phương cho linh mục đến dâng lễ tại tư gia vào những dịp lễ giỗ, an táng, Giáng sinh, Phục sinh để tránh những bất tiện về đường sá, tuổi tác, công việc làm ăn”, cha Khoa cho biết.
Thời gian đầu, do chính quyền chưa quen với những sinh hoạt của nhà đạo nên việc lui tới cử hành phụng vụ của các mục tử gặp một số trở ngại. Lần hồi, nhờ nỗ lực và sự kiên trì của những người có trách nhiệm, cũng như mối giao hảo tốt đẹp của bà con có đạo với người dân chung quanh, mọi việc mới suôn sẻ, êm xuôi. Những thánh lễ diễn ra nơi nhà riêng, khi dưới mái tranh, khi ở quán ăn, chỗ buôn bán của gia đình... tại thị trấn An Phú đã dần dần mở rộng tới các ấp, xã lân cận. Tuy thiếu thốn các tiện nghi, cơ sở vật chất chật hẹp, ẩm thấp nhưng niềm hạnh phúc vẫn rạng ngời trên nét mặt mỗi giáo dân trong những lần họp mặt, tham dự thánh lễ. Bởi sau nhiều năm ròng rã trông đợi, nguyện vọng của hơn 300 bổn đạo, cuối cùng cũng thành hiện thực, mặc dù chưa được trọn vẹn.
Cha Khoa (X) và một số giáo dân tham gia công trình |
Điều đáng ghi nhận là mỗi lần có thánh lễ tại nhà anh em nào, mọi người đều tự thông báo lẫn nhau. Nhờ đó, những buổi lễ diễn ra trong bầu khí ấm cúng, sốt sắng, với sự tham dự đông đảo của bà con. Nhắc về ngày tháng khó quên, chị Đoàn Thị Bảy, một giáo dân An Phú trầm tư: “Tôi nhớ mãi hình ảnh cha con quây quần nhau trong căn nhà nhỏ bé, phải che thêm rạp trước sân mới có đủ chỗ ngồi. Mùa mưa bị tạt khắp phía nhưng tiếng đọc kinh, hát xướng vẫn vang lên đều đặn. Dự lễ theo kiểu ‘di động’ nay nhà này mai nhà kia, cũng vất vả, nên khi nhìn diện mạo tinh tươm của những xứ khác, chúng tôi hằng ước ao sẽ có ngày mình cũng được như thế”.
Đầu năm 2015, cha Khoa trình bày với địa phương, xin mượn nhà của một giáo dân tại thị trấn để dâng lễ hằng tuần cho bà con theo luật đạo. Khoảng một tháng sau, chính quyền trả lời: “Nguyện vọng chính đáng, nhưng nhà này khá chật hẹp. Xin đề nghị tìm chỗ khác, để giải quyết, hỗ trợ”. Gần cuối năm 2015, qua các nguồn trợ giúp gần xa, cha và bà con tiến hành mua một thửa ruộng, diện tích 1486 m2 ngay tại thị trấn. Và, sau khi nhận được sự chấp thuận của địa phương với văn bản ký ngày 17.02.2016, Tòa Giám mục Long Xuyên đã cho phép xây dựng nhà nguyện An Phú.
Trên bờ ruộng xanh rì hôm nào, một mặt bằng nay đã vun cao. Ghé thăm công trình đang thi công, cha Khoa hỏi người thợ hồ là một giáo hữu gốc Campuchia: “Anh Sơn có biết mình đang xây nhà nguyện không? Chừng nào làm xong nhớ đi lễ nha!”. Đáp lời, anh cười quả quyết: “Dạ, đi chớ cha”. Tôi nhìn thoáng thấy gương mặt của cha nghĩ ngợi lung lắm. Cũng phải, có đất, có nơi rồi, nhưng để hình thành nơi đó một ngôi thánh đường là hành trình không ít lo toan ở phía trước, của cả chủ chăn lẫn đàn chiên An Phú.
Trong cơn mưa chiều lắc rắc phủ khắp vùng, nhìn mảnh đất còn nhiều trống trải, tôi hình dung lúc bà con An Phú có nhà nguyện mới : Trẻ con sẽ được lãnh nhận các bí tích, học hỏi giáo lý và nhân bản. Đời sống đạo của bà con sẽ khởi sắc, thăng tiến khi có nơi dâng lễ và linh mục đồng hành.
Một ngày mới với những ước mơ đang dần hiện ra!
Phú Khang
Bình luận