Mới đây, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 12.6.2024, Ðức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa nhắc nhở các linh mục giảng thuyết: “Bài giảng phải ngắn gọn: một suy tư, cảm thức, một điểm nhấn để hành động và cách thực hiện. Bài giảng không nên kéo dài quá 8 phút, vì sau đó người nghe sẽ mất tập trung và sẽ chìm vào giấc ngủ, và điều này là hợp lý. Tôi muốn nói với các linh mục rằng họ giảng rất dài và thường không biết mình đang nói gì”.
Người giáo dân cảm nhận gì qua lời nhắn nhủ của vị cha chung Giáo hội, về những mục tử hằng ngày, hằng tuần họ vẫn gặp gỡ qua các bài giảng lễ?
KHÔNG NÊN GIẢNG LÊ THÊ
Chị Đinh Ngọc Thu Trang (Giáo xứ Thiên Phước, TGP TPHCM): Với tôi, một linh mục giảng hay là chia sẻ bài Tin Mừng một cách dễ hiểu, có thể ứng dụng thực thi ngay trong các tình huống thường ngày. Không quá thiên về thần học, triết học, mà nội dung cần đi vào những vấn đề thực tiễn của cuộc sống giúp giáo dân cảm thấy gần gũi, có thể áp dụng. Linh mục giảng lễ cũng không nên giảng quá dài, lê thê vì sẽ khiến giáo dân không thể ghi nhớ hết nội dung cần chia sẻ. Mỗi lần nghe giảng, người nghe chỉ cần đọng lại một vài ý mấu chốt, quan trọng là tốt rồi.
GIẢNG THUYẾT HAY CẦM BÀI SOẠN SẴN VÀ ĐỌC?
Chị Nguyễn Khánh Linh (Giáo xứ Rạch Giá, GP Long Xuyên): Chia sẻ Lời Chúa là cắt nghĩa Tin Mừng, nhưng nếu bám sát bản văn để nói lý thuyết suông chắc chắn sẽ khó thu hút người nghe. Tôi thích bài giảng sinh động, thực tế, có nhiều minh họa hơn. Đối với người trẻ, việc nghe giảng còn là cơ hội để học hỏi, trau dồi vốn liếng về đạo và đời, để lớn lên biết ở đời, vững giáo lý, đức tin mới có thể nói về Chúa cho người khác nghe. Đôi khi các cha hay kể chuyện trong bài giảng, điều này cũng thú vị, nhưng lạm dụng quá cũng không hay vì nhìn ra có vẻ nghèo nàn ý tưởng. Trong một xã hội mà giáo dân có trình độ ngày càng cao, họ nghe và có thể phân định nữa. Tôi nghĩ rằng bài giảng hay còn nằm ở sức lôi cuốn của linh mục giảng lễ, nghĩa là thực sự đang giảng thuyết chứ không phải cầm bài soạn sẵn mà đọc.
TẬN DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ
Chị Tạ Thị Bích Ngọc (Giáo xứ Sa Đéc, GP Vĩnh Long): Linh mục chánh sở họ đạo tôi là cha giáo, nên bài giảng của ngài rất mạch lạc, ngắn gọn và súc tích. Điều thú vị là lúc nào giảng, ngài cũng có phần đúc kết, gợi ra những điều khuyến khích giáo dân thực hành trong cuộc sống hằng ngày, trong đó có thực thi đức ái, sự tha thứ, rao truyền Tin Mừng… Trong thời đại công nghệ số, đa phần các xứ đều có màn hình máy chiếu, nên tôi nghĩ bài giảng lễ sẽ thu hút hơn nếu được cập nhật tình hình thời sự Giáo hội, thậm chí trong trường hợp cần có thể dùng clip ngắn minh họa cho vấn đề được đề cập. Riêng với thiếu nhi, giới trẻ trong xu thế yêu thích những điều mới lạ, hiện đại, thích nghe nhìn hơn nghe giảng một chiều, những bài giảng tại nhà thờ hay trực tuyến nếu được truyền tải trên một số nền mạng xã hội với thời lượng vừa phải, phong thái trẻ trung, ngôn từ phù hợp, sẽ dễ chuyển tải thông điệp hơn.
KẾT NỐI CUỘC SỐNG
Anh Trần Duy Phước (Gx Phú Lâm, GP Xuân Lộc): Tôi nghĩ, nếu một bài giảng chỉ chú trọng vào lý thuyết thì dù lời lẽ có hoa mỹ tới đâu cũng sẽ dễ gây nhàm chán và khó ghi nhớ đối với người nghe. Vì vậy, khi nghe giảng Phúc Âm, tôi thường ấn tượng đến các bài chia sẻ lồng ghép nhiều thông tin, chất liệu thực tiễn hay có liên hệ thực tế. Mỗi linh mục có điều kiện tu học và hoàn cảnh mục vụ khác nhau, nên sẽ rất thu hút khi các ngài mang những kinh nghiệm, cảm nghiệm thực tế của bản thân mình chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ. Điều này dễ chinh phục được người nghe để tâm, ấn tượng và nhớ lâu hơn. Một điểm nữa khiến tôi quan tâm là nội dung bài giảng là các thông điệp tích cực giúp nuôi dưỡng đức tin, thúc đẩy sự chia sẻ, chạm đến người nghe.
CẦN “TƯƠNG TÁC” VỚI GIÁO DÂN
Anh Giuse Đinh Khắc An (Giáo xứ Phát Diệm, TGP TPHCM): Là một người trẻ, tôi thích nghe những bài giảng có nội dung hiện đại và thiết thực, có thể áp dụng vào cuộc sống càng tốt. Sự tương tác qua lại, như đặt câu hỏi và trả lời, chính là một cách để bài giảng hấp dẫn, ý nghĩa và dễ nhớ hơn rất nhiều. Tiếc là hiện nay chưa có nhiều bài giảng được như tôi mong mỏi, là có trao đổi hai chiều giữa chủ tế và cộng đoàn phụng vụ.
Bài giảng lễ “là một phần của hành động phụng vụ” có chức năng giúp hiểu biết Lời Thiên Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống các tín hữu (Tông huấn hậu Thượng HÐGM Sacramentum caritatis của ÐTC Bênêđictô XVI, tháng 2.2007) |
Nhóm phóng viên thực hiện
Bình luận