Dù đã có sự đề phòng trước đó và có các phương án đối phó, nhưng bão Yagi vẫn gây hậu quả nặng nề cho nhiều vùng. Các giáo xứ tại miền Bắc cũng không nằm ngoài các thiệt hại.
THIỆT HẠI LỚN
Ngay khi Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo về cơn bão Yagi, người dân các tỉnh phía Bắc đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Ghi nhận từ ngày 6.9.2024, các nhà thờ được dự đoán trong vùng tâm bão cũng như vùng ảnh hưởng đã tổ chức chằng giữ, gia cố lại cửa, mái nhà thờ, dọn tỉa cành cây lớn, phủ che gian cung thánh. Nhiều nhất là ở các giáo xứ thuộc giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Thái Bình, Thanh Hóa và TGP Hà Nội.
Trưa ngày 7.9.2024, thành phố Hải Phòng là nơi đầu tiên đón bão đổ bộ vào đất liền với sức gió giật lên đến cấp 16-17. Rất nhiều các nhà thờ trong thành phố này sau khi cơn bão đi qua bị bay mái, gãy đổ cây cối, cột đèn, hư hại thấm dột… Ngay sau bão, giáo dân nơi đây đã bắt tay vào khắc phục thu dọn, chỉnh sửa những hư hại của các giáo đường.
Qua đến ngày 8.9, hoàn lưu bão tác động đến địa bàn rộng thuộc giáo phận Bắc Ninh. Mưa lớn đã gây ngập lụt, gây nguy cơ sạt lở, lũ quét báo động. Tỉnh Thái Nguyên (thuộc giáo phận Bắc Ninh) ghi nhận tình hình nước lũ dâng cao, gây ngập sâu nhiều tuyến đường. Chiều 8.9, đến lượt nhiều vùng thuộc địa bàn giáo phận Hưng Hóa có mưa to kèm gió lốc, mực nước sông dâng báo động. Chưa có ghi nhận về thiệt hại tại các nhà thờ, nhưng trước mắt, việc đi lại của bà con rất khó khăn. Cây cầu Phong Châu thuộc tỉnh Phú Thọ vào ngày 9.9 bất ngờ bị sập một phần khi đang còn người lưu thông. Trong số những người mất tích do cầu sập, có một nữ tu thuộc dòng MTG Hưng Hóa.
Ngày 9.9, lũ trên sông Thao ảnh hưởng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ; sông Lô lũ về ảnh hưởng các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang…, tất cả đều nằm trong phạm vi giáo phận Hưng Hóa.
Đặc biệt nghiêm trọng, sáng 10.9, một trận lũ kinh hoàng đã cuốn trôi 35 hộ dân với 128 nhân khẩu tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Lực lượng chức năng đang ra sức ứng cứu, bước đầu tìm thấy một số thi thể và đưa được nhiều người đi cấp cứu. Những người còn lại hiện đang mất tích.
Hiện nay, việc dọn dẹp sau cơn bão lũ vẫn còn ngổn ngang. Một số giáo xứ đã bắt đầu lên phương án, tiến hành hỗ trợ san sẻ cho các gia đình gặp khó khăn do tốc mái, sập nhà… Thống kê sơ bộ, có đến hàng trăm người thương vong, cùng nhiều hạ tầng, cây xanh, hoa màu, gia súc… bị thiệt hại sau những ngày bão lũ.
CÁC GIÁO PHẬN CHỦ ĐỘNG CỨU TRỢ
Linh mục Antôn Vũ Thái San, giám đốc Caritas Hưng Hóa cho biết, sáng 10.9, ngài khởi hành cùng đoàn từ Tòa Giám mục Hưng Hóa với kế hoạch cứu trợ khẩn cấp ở những nơi bị ảnh hưởng ở khu vực Yên Bái. Tuy nhiên, vào khoảng 11 giờ thì đoàn bị kẹt ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái 40km, do nước ngập sâu nên không thể đi được. Có nhiều nơi ngập đến nóc nhà dân. Theo cha San, có nhiều chuyến xe vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm từ Hà Nội, từ tỉnh Phú Thọ di chuyển đến các vùng đang bị thiệt hại, cũng có nhiều xe như trường hợp xe hàng của Caritas không đến được tận nơi. Nguyên nhân do giao thông ách tắc, nhiều tuyến đường bị sạt lở, nhiều khu vực bị ngập sâu, nhiều cây cầu có nguy cơ sập nên chính quyền địa phương không cho xe trọng tải lớn lưu thông. Cũng có tuyến đường cấm các phương tiện đi lại, nhưng đã ưu tiên cho xe nhu yếu phẩm của Caritas lưu thông để cứu trợ bà con. Đối với những khu vực không thể di chuyển bằng xe ô tô hoặc bị ngập sâu, giáo dân, người dân địa phương đã dùng xe máy, thuyền bè hỗ trợ Caritas chuyển nhu yếu phẩm đến các hộ dân, đến các nhà thờ đang bị cô lập.
Ở những nơi ngập sâu 1,5-2 mét, nhiều nhà thờ đã mở cửa để người dân vào lánh nạn. Trong đó có nhà thờ Văn Đàn, nhà thờ Sapa ở tỉnh Lào Cai; nhà thờ Quần Hào ở Yên Bái và nhà thờ giáo xứ Yên Bái ở thành phố Yên Bái… Các nhà thờ này cũng bị ngập khoảng 30-40 cm, nhưng vẫn có thể vận chuyển nhu yếu phẩm vào được. Còn những nơi khác ngập sâu thì khó khăn hơn. Trong số các điểm trên, ở Văn Đàn là khó khăn nhất vì bị cô lập hoàn toàn, không có nhu yếu phẩm để mua do giao thông cách trở nghiêm trọng.
Ở các nhà thờ có dân tạm lánh, linh mục chánh xứ và giáo dân chăm lo cho bà con về ăn uống cùng những nhu cầu thiết yếu. Đồng thời, Caritas khắp nơi cũng đã và đang tiếp tục cứu trợ khẩn cấp cho các giáo xứ, bà con bất kể lương giáo.
Một trong những nguyên nhân khiến vùng cao bị ảnh hưởng theo cha San là do lũ ở thượng nguồn, xả đập thủy điện, các dòng sông lớn bắt nguồn từ Trung Quốc cũng đồng thời bị xả lũ thủy điện, nên gây ảnh hưởng dây chuyền. Vùng thượng nguồn gồm Lào Cai, Sơn La, Điện Biên có sông Mã và những con sông chảy về từ Trung Quốc nên bị khá nặng.
Caritas Thanh Hóa cũng đang dự định lên đường đến khu vực biên giới Mường Lát, nơi có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bão, tài sản, nhà cửa bị tốc mái, hư hại nhiều để hỗ trợ bà con, khi đường sá được sửa chữa.
Tại giáo xứ Hòn Gai, giáo phận Hải Phòng, ngày 9.9.2024 cha xứ và ban hành giáo đã triển khai kế hoạch hỗ trợ cho bà con. Giáo xứ có 17 căn nhà bị sập, 38 nhà bị tốc mái, đã được hỗ trợ hơn 70 triệu đồng.
Trong những ngày qua, tại giáo xứ Sa Pa (giáo phận Hưng Hóa), tình trạng sạt lở đất do mưa lớn kéo dài đã diễn ra trầm trọng làm một số người mất tích. Giáo xứ đã chung tay tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt đất và hỗ trợ các gia đình này. Đối với các gia đình ảnh hưởng do vụ sạt lở, cha Phêrô Phạm Thanh Bình, chánh xứ Sa Pa thông tin bà con trong ngoài xứ đã cùng đóng góp tiền mặt và lương thực, thực phẩm chuyển tới địa phương để phân phối cho các hộ.
Góp phần khắc phục hậu quả sau bão, hướng tới lâu dài, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng ngày 9.9.2024 đã ra thư kêu gọi đóng góp dự án hỗ trợ việc sửa chữa trường học cho trẻ em sau bão số 3. Chia sẻ với phóng viên báo Công giáo và Dân tộc, Đức cha Giuse cho biết, tại miền núi, vốn dĩ nhiều điểm trường của các em đã ít có điều kiện đầy đủ, thiên tai gây hư hại làm cho việc học của lớp trẻ những ngày sau này chắc chắn khó hơn. Vì vậy, giáo phận sẽ “chung tay góp sức, sớm trả lại cho học sinh miền núi niềm vui tới trường phần nào bù đắp sự thiệt thòi triền miên…”. Hôm 9.9, Tòa Giám mục giáo phận Hà Tĩnh ra thông báo kêu gọi các thành phần Dân Chúa hướng về miền bắc bằng sự sẻ chia với chương trình cụ thể tổ chức vào Chúa nhật 15.9.2024 tới. Tòa Giám mục cũng đề nghị các cha dâng lễ và gởi bổng lễ dành cho việc cứu trợ này, đồng thời khuyến khích các giáo xứ tổ chức Trung thu trong sự tiết kiệm, đơn giản thay vào đó là đóng góp cho bà con đang chịu thiệt thòi.
Liền sau đó, ngày 10.9, Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang, Giám mục giáo phận Bắc Ninh cũng đã có thư kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho bà con bị thiệt hại do bão Yagi gây ra, trong đó khẳng định: “Ưu sầu và lo lắng của mọi người trong lúc này cũng chính là ưu sầu và lo lắng của mỗi Kitô hữu chúng ta”. Một số giáo xứ ở giáo phận này cũng đã bắt tay vào cuộc cứu trợ. Đơn cử tại giáo xứ Đại Từ, giáo phận Bắc Ninh, giáo dân và anh chị em tôn giáo bạn cùng tụ họp đến nhà thờ trong các ngày qua để đóng nước thùng và vận chuyển về khu vực thành phố Thái Nguyên, nơi đang bị nhấn chìm trong biển nước, giúp bà con có nước ngọt sinh hoạt. Ngày 11.9.2024, Caritas Tổng giáo phận TPHCM đã gởi thư kêu gọi hỗ trợ cho bà con đang chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ...
Lũ vẫn đang càn quét các nhà thờ, nhà xứ chìm trong nước. Nhà thờ Nguyệt Đức, giáo phận Bắc Ninh; nhà thờ Đại Đồng, giáo phận Phát Diệm giáo dân đã phải di chuyển bằng ghe, xuồng để dự lễ và sinh hoạt... Phía trước sẽ là bao lo toan, từ tái lập cuộc sống sau lũ, nợ nần kinh tế, khó khăn trong làm ăn... đến cả nỗi lo về ô nhiễm, dịch bệnh thường gặp sau mỗi trận lũ lớn.
MỘT NỮ TU CÓ THỂ ÐÃ TỬ VONG DO SẬP CẦU PHONG CHÂU Nữ tu Maria Nguyễn Thị Bích Hằng, 36 tuổi, thuộc hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, có thể đã tử vong trong sự cố sập cầu Phong Châu - Phú Thọ vào lúc 10 giờ ngày 9.9. Ngoài sơ Bích Hằng, có 7 người khác đã mất tích khi lưu thông trên cầu vào lúc cầu sập. Cầu Phong Châu dài gần 380m gồm 8 nhịp, nằm trên quốc lộ 32C bắc qua sông Hồng, nối giữa huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, chánh xứ Sa Pa, quản hạt Lào Cai - Lai Châu cho biết, sáng 9.9.2024, sau khi dự lễ an táng của thân nhân tại quê nhà giáo xứ Nỗ Lực, trên đường trở về cộng đoàn tại Yên Tập thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, nữ tu Maria đi ngang qua cầu Phong Châu ngay lúc cầu đổ xuống sông. Những người cứu nạn tìm thấy tư trang, căn cước công dân và chiếc xe máy của sơ Bích Hằng trôi cách xa cầu hơn 10 cây số |
ỦY BAN MTTQVN TPHCM TỔ CHỨC QUYÊN GÓP HỖ TRỢ NẠN NHÂN BÃO YAGI Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc gặp khó khăn do bão Yagi gây ra. Chương trình được thực hiện với tinh thần “hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất đến tận tay các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai” . Người dân có thể đóng góp qua tài khoản: Ủy ban Mặt trận Tố quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, số tài khoản: 3743.0.1045300.94282 (Mã QHNS: 1045300, tại Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh) hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, số tài khoản (VNĐ): 000.870.406.001.484, số tài khoản (USD): 000.884.006.000.239, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), CN Bình Chánh, PGD Kỳ Hòa (Swift code: SBITVNVX). Hoặc cũng có thể đến ủng hộ trực tiếp tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, số 5 Mạc Đĩnh Chi, Phường Đakao, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại: (028) 38.223.212 - 38.221.368. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ bà Dương Thị Huyền Trâm, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Phong trào, điện thoại 0912.22.52.92. |
QUỐC TẾ HỖ TRỢ VIỆT NAM KHẮC PHỤC THIỆT HẠI DO BÃO YAGI Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa tổ chức cuộc họp vào sáng ngày 9.9.2024, thông tin khẩn cấp về cơn bão Yagi với Ðối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai gồm hơn 20 tổ chức quốc tế, đại sứ quán một số nước. Lãnh đạo bộ bày tỏ mong muốn nhóm Ðối tác sớm điều phối các tổ chức quốc tế hỗ trợ để khắc phục thiệt hại sau bão. Trước mắt, UNICEF đã huy động 300.000 USD để giúp các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người dân tộc thiểu số. Tổ chức này cũng có phương án cung cấp nước sạch vệ sinh ngay cho 2.000 hộ dân cũng như mua sắm nhu yếu phẩm, thuốc để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm và tiền mặt cho các gia đình. Ngoài ra, UNICEF cũng đang xét thiệt hại cơ sở hạ tầng của 700 trường học trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão bao gồm hạ tầng, vấn đề sức khoẻ tâm lý, tâm thần. Các tổ chức quốc tế như JICA, FAO, GIZ, USAID, đại sứ quán các nước Anh, Thuỵ Sĩ, Canada, Nhật Bản, Úc cũng cam kết hỗ trợ. PV |
ỦY BAN ÐOÀN KẾT CÔNG GIÁO VIỆT NAM VẬN ÐỘNG GIÚP ÐỠ ÐỒNG BÀO KHẮC PHỤC THIỆT HẠI DO BÃO YAGI Ngày 10.9, Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam đã phát lời kêu gọi người dân chung tay đóng góp, giúp đỡ các nạn nhân của bão Yagi. Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam nhấn mạnh trong lời kêu gọi: “Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam tha thiết kêu gọi các vị Ủy viên Ủy ban Ðoàn kết Công giáo các cấp, quý cha, quý sơ, quý doanh nhân Công giáo, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hãy dành cho đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất để góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Sự giúp đỡ tinh thần và vật chất làm vơi bớt những đau thương, mất mát…”. Các nhà hảo tâm có thể ủng hộ bằng cách chuyển khoản đến tài khoản “Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam”, số tài khoản: 3710.0.1096884 tại Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội, nội dung: “ủng hộ các tỉnh miền Bắc”; hoặc đóng góp tiền mặt tại Phòng Tài vụ, Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam, số 34 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. PV |
MINH MINH - BÍCH VÂN - HÙNG LUÂN
Bình luận