Hai tháng dấn thân phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trong lúc dịch bệnh hoành hành ở Sài Gòn là khoảng thời gian để lại trong lòng các tu sĩ thiện nguyện nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Nơi đó được ví như ngôi nhà thứ hai của các tình nguyện viên…
Một nữ tu nhớ lại ngày đầu tiên làm quen với Bệnh viện Hồi sức Covid-19: “Mình cảm thấy rất lo lắng nhưng sau khoảng 2 ngày làm việc thì lại có cảm nhận khác là đồng cảm với các bệnh nhân hơn. Khi có một bệnh nhân qua đời thì dù đang bận công việc mình cũng ngừng lại đọc kinh cho họ. Khi có một bệnh nhân khỏe lại, mình cảm thấy vui như đó chính là người thân của mình vậy. Trong lòng mình cũng cảm thấy rất thán phục các y bác sĩ. Ai cũng tận tình, chu đáo, nhẹ nhàng đối với bệnh nhân. Mình cảm tạ Chúa đã an bài để mình được đến làm việc ở khoa cấp cứu của bệnh viện. Nơi đây, mình cảm nhận được tình thân, tình đồng đội với mọi người. Dù phải mặc đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang che kín mặt, nhưng chỉ cần qua ánh mắt là mọi người có thể cảm nhận được sự quan tâm dành cho nhau. Thời gian về cộng đoàn Bác ái Cao Thái cách ly sau những ngày tháng thiện nguyện, mỗi ngày mình đều hướng nhìn về bệnh viện để cầu nguyện cho các bệnh nhân mau bình phục, cho các y bác sĩ được bình an, mạnh khỏe và cầu xin cho dịch bệnh sớm chấm dứt để mọi người có thể trở về với gia đình. Mình còn có một cuộc hẹn là đến thăm các y bác sĩ tại bệnh viện Nhân dân Gia Định. Nơi ấy mọi người có thể trao cho nhau nụ cười rạng ngời bằng cả khuôn mặt chứ không chỉ qua ánh mắt”.
60 ngày dấn thân phục vụ trong bệnh viện không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng không quá ngắn. Anh chị em tu sĩ thiện nguyện đã quen với guồng quay công việc, và trở nên thân thiết với bệnh nhân hơn. Vì thế, khi phải tạm dừng, chia tay với bệnh viện đã để lại trong lòng các tu sĩ nhiều sự tiếc nuối. Hãy nghe tâm tình của một sơ từng tham gia thiện nguyện: “Sau 2 tháng dốc sức với đội ngũ y bác sĩ và các bệnh nhân chống chọi với dịch bệnh là khoảng thời gian phù hợp để cơ thể được chút nghỉ ngơi và cũng vì những công việc riêng mà mình phải trở về cộng đoàn. Giây phút chia tay, mình vẫn cảm thấy băn khoăn day dứt vì bệnh nhân vẫn còn đó, vẫn còn những tình nguyện viên âm thầm ở lại. Mình chỉ muốn trở về khi tất cả mọi người cùng về, khi chúng ta hoàn toàn khống chế dịch và giải thể Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Nhưng dù muốn vậy thì mình cũng phải để lại những gì còn dang dở. Tuy mình dừng lại, nhưng nhiều tu sĩ vẫn nhiệt thành ở lại, nhiều tu sĩ trẻ vẫn tiếp tục lên đường, đến bệnh viện thay mình chăm sóc cho bệnh nhân. Xin tạ ơn Chúa sau 2 tháng khó quên ấy với không ít lần cảm thấy lo lắng vì bất an trước nguy cơ lây nhiễm thì mình vẫn bình an trở về”.
Yêu thương là cho đi, nhưng chính khi mình cho đi thì bản thân lại nhận được nhiều là cảm nhận của nhiều tu sĩ khi phục vụ tha nhân: “Nhìn bề ngoài cứ tưởng là chúng mình cho đi nhưng thật ra là chúng mình lãnh nhận còn nhiều hơn điều đã cho đi. Vào bệnh viện, chúng mình có thêm nhiều bạn mới, tuy không cùng tôn giáo nhưng cùng một ý hướng. Chúng mình có thêm nhiều ông bà, cha mẹ, anh chị em là những bệnh nhân. Chúng mình coi họ như người thân. Quãng thời gian phục vụ có nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn. Vui vì những bệnh nhân được khỏi bệnh về nhà, buồn vì có những bệnh nhân dù chỉ được gặp họ một lần rồi vĩnh viễn không gặp nữa, họ đã không qua khỏi. Hình ảnh những bác sĩ, điều dưỡng đọng lại trong mỗi tu sĩ tình nguyện niềm tri ân, vì những ngày đầu bước vào môi trường làm việc đầy nguy hiểm, bỡ ngỡ thì chúng mình đã được họ hướng dẫn rất tận tình. Thật ra thời gian phục vụ này giúp chúng mình cảm nhận sâu sắc Tin Mừng Chúa mời gọi, là sống bác ái yêu thương. Mình nhớ lại một đoạn sách đã được đọc: Để cuộc sống của chúng ta trở nên tuyệt vời, chúng ta cần tình yêu. Nếu chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta tìm thấy cả tình yêu thương vô bờ bến và lòng can đảm hiến mạng sống mình đến cùng chứ không nửa vời”.
Những tháng ngày phục vụ tại bệnh viện điều trị Covid-19 đã đem lại cho tất cả các tu sĩ thiện nguyện một bài học thực tế về lòng “Mến Chúa, yêu người”. Xin tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Tu sĩ Antôn Chung Chí Tâm, dòng La San
Bình luận